17 bài học rút ra từ khủng hoảng kinh tế

ND- Trang thông tin chính thức của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, ngày 16-6 vừa qua, giới thiệu báo cáo nghiên cứu của nhà kinh tế Edwin Truman, với tựa đề "Khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Bài học và thách thức đối với các nước đang phát triển". Chúng tôi xin giới thiệu nội dung chính những phân tích của tác giả về nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay và các bài học cần rút ra để bạn đọc rộng đường tham khảo.

Nguyên nhân gây khủng hoảng

Gần hai năm nay, hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng nặng nề. Ðến nay, người ta vẫn chưa thể tính toán đầy đủ quy mô và hậu quả của khủng hoảng, nhưng những gì đã diễn ra có thể giúp khẳng định chắc chắn rằng đây là cuộc khủng hoảng nặng nề nhất, xét cả về mức độ ảnh hưởng và tính khốc liệt của nó đối với kinh tế toàn cầu, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Cũng vì khủng hoảng chưa kết thúc, nên chưa thể rút ra những bài học đầy đủ từ cuộc khủng hoảng này.

Các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách không thống nhất đánh giá về nguyên nhân gây khủng hoảng, thậm chí còn bất đồng về nguồn gốc của khủng hoảng. Nhà kinh tế Edwin Truman nhận định nguyên nhân của khủng hoảng có thể gồm một vài hoặc cả bốn yếu tố: chính sách kinh tế vĩ mô; điều tiết và giám sát lĩnh vực tài chính; kỹ thuật tài chính; các thiết chế tài chính tư nhân lớn. Trong đó, hai nguyên nhân lớn nhất là sự thất bại của chính sách kinh tế vĩ mô và trong điều tiết, giám sát tài chính. Cơ chế liên kết tài chính và toàn cầu hóa tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp, cũng góp phần làm khủng hoảng trầm trọng hơn. Chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ và các nước phát triển đóng góp vào việc châm ngòi khủng hoảng. Tại Mỹ, chính sách tài chính đã làm giảm tỷ lệ tiết kiệm và cho phép duy trì trong một thời gian dài các chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Hậu quả là bùng nổ về nhà ở, kéo theo bùng nổ tín dụng toàn cầu, làm tăng giá cổ phiếu tài chính. Sự lỏng lẻo trong quản lý và điều tiết đối với lĩnh vực tài chính, cùng với môi trường kinh tế, tài chính thiếu lành mạnh góp phần làm khủng hoảng trầm trọng hơn...

Nhưng dù nguyên nhân được xác định là gì, thì cũng có thể thấy cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đang diễn ra khác với các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra trong lịch sử ở ba điểm chính. Thứ nhất, chính Mỹ đã châm ngòi cho khủng hoảng, chứ không phải quốc gia nào khác như những lần khủng hoảng trước. Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế chưa hề được chuẩn bị trước việc Mỹ rơi vào khủng hoảng, nên chậm đưa ra giải pháp cứu nền kinh tế đầu tàu này của thế giới. Thực tế, toàn cầu hóa đã kết nối toàn bộ hệ thống tài chính và các nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, mức độ liên kết này cũng không được hiểu thấu đáo trước thời điểm xảy ra khủng hoảng. Vì vậy, các giải pháp toàn diện mang tính toàn cầu đã chậm được đưa ra. Thứ ba, các cuộc khủng hoảng trước thường bắt nguồn từ khu vực tài chính, lan sang lĩnh vực kinh tế, sau đó quay lại làm suy yếu khu vực tài chính, tiếp tục làm suy yếu lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng đang diễn ra, người ta không phân biệt được gốc rễ bắt nguồn từ khu vực tài chính, do sụp đổ tín dụng; hay từ lĩnh vực kinh tế, do thị trường nhà ở sụp đổ. Các nhà hoạch định chính sách phải mất khá lâu mới nhận ra thực tế họ phải đối mặt khủng hoảng kép: khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Trong một cuộc thảo luận về khủng hoảng kinh tế Nhật Bản cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người ta không đạt đồng thuận khi tìm câu trả lời cho câu hỏi "chọn gà hay trứng" - phục hồi kinh tế, hay phục hồi khu vực tài chính trước. Câu trả lời "chọn đồng thời cả hai giải pháp" lúc đó không được ủng hộ rộng rãi; và đến cuộc khủng hoảng hiện nay cũng vẫn không được nhất trí...

Bài học từ khủng hoảng

Do thiếu nhất trí về nguyên nhân gây khủng hoảng, cho nên có thể hàng chục năm nữa các học giả và các nhà làm chính sách sẽ vẫn còn tiếp tục tranh cãi về các bài học đúc kết từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, theo Edwin Truman, có 11 bài học được xếp theo năm nhóm như sau:

Nhận định quá tốt đẹp có thể sai lầm: Kinh tế thế giới tăng trưởng mức bình quân 4,7% giai đoạn 2003 - 2007. Tháng 4-2007, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng mức 4,9% trong các năm 2007 và 2008.  Tháng 4-2008, tiếp tục dự báo mức tương tự năm 2008 và 3,8% năm 2009. Ðến tháng 4-2009, IMF dự báo, kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 1,3% năm 2009 và phục hồi nhẹ năm 2010. Trên thực tế, các con số trên đều sai lệch. Dự báo của IMF cùng chung nhận định với các thể chế kinh tế, tài chính và tổ chức dự báo quốc tế khác. Ðiều này cho thấy, hầu hết các nhà kinh tế không dự đoán được sự đảo chiều của chu kỳ kinh tế. Bài học rút ra: Khi kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh và liên tục trong nhiều năm, thì sự đảo chiều là tất yếu và gây ra hậu quả nặng nề. Toàn cầu hóa thương mại và tài chính đã liên kết các quốc gia ở mức độ cao hơn nhiều so với mười năm trước. Mọi cuộc khủng hoảng tác động đến một nước, hoặc một nhóm nước này cũng tác động đến một nước, hoặc một nhóm nước này khác.

Cần chuẩn bị tốt hơn: Xuất phát từ quan điểm mọi quốc gia, mọi nền kinh tế đều "bình đẳng" trước khủng hoảng, Edwin Truman không nhất trí với đánh giá rằng, các nước đang phát triển là nạn nhân và chịu hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng hiện nay, xuất phát từ nước giàu, chứ không phải do chính sách kinh tế - tài chính của những nước này. Tuy nhiên, nếu được chuẩn bị tốt hơn và có khả năng đối phó các cú sốc từ bên ngoài thông qua việc sử dụng các công cụ chính sách trong nước, thì các nước có thể vững vàng đối phó khủng hoảng.

Cần xây dựng khuôn khổ chính sách tài chính - tiền tệ lành mạnh: Edwin Truman không đồng ý với nhận định rằng các quốc gia cần chuẩn bị về mặt tài chính để tự bảo hiểm trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Việc các chính phủ cất giữ lượng dự trữ ngoại tệ lớn không có lợi cho sự vận hành của hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu. Việc này chỉ giúp hạn chế, chứ không bảo đảm để một quốc gia có thể đứng vững trong khủng hoảng, khi thương mại quốc tế suy giảm, giá cả hàng nhập khẩu tăng mạnh và nguồn vốn đầu tư bị rút về. Thay vào đó, các nước cần tự bảo hiểm đề phòng khủng hoảng bằng cách xây dựng khuôn khổ chính sách tài chính - kinh tế lành mạnh.

Vai trò của IMF: Những bài học có thể rút ra từ khủng hoảng đối với vai trò của IMF có thể bao gồm: IMF vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho các chính phủ thành viên. Nhóm G20 đã thông qua quỹ cho vay 250 tỷ USD để bảo đảm IMF có đủ nguồn lực hỗ trợ các nước trong trường hợp khẩn cấp; hệ thống tài chính mang tính toàn cầu, do đó các nước đang phát triển cần phối hợp IMF để điều tiết và kiểm soát tài chính, giám sát việc các nước áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã được thông qua, nhằm giữ ổn định hệ thống tài chính quốc gia, cũng như lưu chuyển dòng tiền tệ quốc tế.

Tương lai toàn cầu hóa: Toàn cầu hóa là yếu tố tác động không nhỏ đến khủng hoảng tài chính, kinh tế, tuy nhiên các nước không nên quay lưng với toàn cầu hóa. Việc cần làm là tìm các biện pháp tăng cường vai trò của các thể chế quốc tế, như IMF hay WB và các ngân hàng phát triển khu vực; chống sức ép bảo hộ mậu dịch và tài chính. Vì trên thực tế, tình hình chắc chắn xấu đi, nếu hệ thống thương mại quốc tế và lưu chuyển tài chính sụp đổ. Và, hậu quả của khủng hoảng đối với kinh tế các quốc gia và hệ thống tài chính toàn cầu sẽ càng trầm trọng.

Tháng 9 của 10 năm về trước là một quãng thời gian đầy biến động đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Ngày 15/8/2008, Lehman Brothers – ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 nước Mỹ - tuyên bố phá sản. Chỉ số Dow Jones mất hơn 500 điểm ngày hôm đó. Ngày hôm sau, Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed tuyên bố giải cứu tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AIG với khoản hỗ trợ lên tới 85 tỷ USD để đổi lấy 79,9% sở hữu coong ty. AIG khi đó không có đủ tiền mặt để thanh toán các Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) cho các đối tác.

Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ đối với các NĐT chứng khoán. Ngày 29/9/2008, chỉ số Dow Jones mất 777,68 điểm – cú giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử chỉ số. Giữa thời khắc hỗn loạn đó, các NĐT đã làm đúng, làm sai những gì? Dưới đây là 7 bài học mà NĐT có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng một thập kỷ về trước.

Bài học số 1: Đầu tư là rủi ro

Nhà đầu tư rất dễ quên mất rằng rủi ro là một phần không thể thiếu của hoạt động đầu tư, đặc biệt là khi các chỉ số chứng khoán lớn liên tục lập đỉnh mới. Tâm trạng lạc quan phơi phới của nhà đầu tư trong giai đoạn này thường khiến họ không chú ý đến những rủi ro luôn rình rập trên thị trường.

Năm 2008, các nhà đầu tư mới hoàn hồn sau cuộc khủng hoảng cổ phiếu công nghệ vài năm trước đó. Chỉ số Dow Jones tăng trưởng vững chắc trong khoảng 5 năm và cùng với các chỉ số chứng khoán khác liên tục lập đỉnh mới. Các nhà đầu tư lúc đó tin rằng thị trường giá lên sẽ cứ lên mãi.

Chính sự lạc quan này dẫn tới sự tự mãn; nhiều NĐT, nhất là NĐT nhỏ lẻ, đã không chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho những rủi ro phía trước và tiếp tục lao vào “đu đỉnh”.

Diễn biến chỉ số chứng khoán Dow Jones theo thời gian.

Bài học số 2: Chuyện gì cũng có thể xảy ra

Câu nói quen thuộc “Hãy chờ đón những điều không lường trước được” (expect the unexpected) luôn đúng với thị trường chứng khoán. Bài học lớn nhất của đợt sụp đổ 2008 là NĐT cần phải chuẩn bị phương án đối phó cho trường hợp tồi tệ nhất có thể xảy ra, vì nhiều khi thực tại có thể đáng sợ hơn trí tưởng tượng của NĐT rất nhiều.

Tác giả Nicolai Nassim Taleb là người phổ biến thuật ngữ “thiên nga đen” dùng để chỉ một sự kiện ít khi xảy ra và rất khó dự đoán. Tuy không ai biết chính xác khi nào sự kiện này sẽ xảy ra, có một điều chắc chắn là nó sẽ xảy ra. Nhiều NĐT với tâm lý quá lạc quan và tham lam thường “múc mạnh”, tức nhận thêm nhiều rủi ro, ngay khi thị trường đang gần đạt đỉnh.

Bài học số 3: Thận trọng với những dự báo

Trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra, Phố Wall luôn hết sức lạc quan. Tâm lý chủ đạo thị trường khi đó là giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng cao, dù không có lý do thuyết phục nào.

Ngay cả những quan chức cấp cao khi đó như Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson cũng nói: “Chúng tôi đã nghiên cứu dữ liệu từ năm 1945 đến nay và đi đến kết luận là giá bất động sản chắc chắn không thể giảm”. Tương tự như vậy, một kiểu dự báo phổ biến khác là thị trường chứng khoán sẽ có suất sinh lợi trung bình 9%/năm. Khi hỏi tại sao thì câu trả lời chỉ đơn giản là “trung bình lịch sử như vậy” hoặc bất kỳ một lý do nào khác mà các “chuyên gia” của Phố Wall có thể bịa ra.

Những NĐT nào tin tưởng các dự báo kiểu này chắc hẳn đã thua lỗ nặng nề trên thị trường chứng khoán và phải trả một khoản học phí rất cao cho bài học đau đớn này. Trên các phương tiện truyền thông có đầy rẫy những người được gọi là “chuyên gia” đưa ra khuyến nghị đầu tư. Tuy vậy, NĐT cần có phân tích và đưa ra quyết định của riêng mình. Phải luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những kịch bản không thể tránh được. Ngay cả khi đại đa số ý kiến cho rằng thị trường sẽ đi lên, NĐT cũng không nên chủ quan khinh suất.

Bài học số 4: Những người quản lý cũng không phải nhà tiên tri

Khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, ngay cả những bộ óc kinh tế hàng đầu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng phải ngạc nhiên. Các chuyên gia của Fed khi đó còn nghĩ rằng sự sụp đổ của thị trường nợ dưới chuẩn có thể được kiểm soát và sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Một trong những quan điểm phổ biến trước nay các quan chức biết nhiều hơn các NĐT bình thường. Tâm lý này được thể hiện rất rõ mỗi khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) họp và đưa ra quyết định tăng, giảm hoặc giữ nguyên lãi suất.

Tuy nhiên suy nghĩ lại thì thấy, những người làm chính sách này cũng chỉ đang phản ứng lại những thay đổi trong nền kinh tế, giống như tất cả mọi người.

Bài học số 5: Cái gì quá cũng không tốt

Bong bóng không phải là một hiện tượng mới trong giới đầu tư. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra khi bong bóng nợ dưới chuẩn vỡ tan tành và sau đó những hệ quả tiêu cực cứ thế lớn dần lên.

Bong bóng thường xuyên xảy ra trên thị trường nhưng không ai nhận ra điều đó cho đến khi bong bóng vỡ. Hiện cũng không có cách xác định hay dự báo chính xác khủng hoảng nhưng một cách giải thích hợp lý là cái gì nhiều quá cũng không tốt, cho dù đó là tăng trưởng, lạm phát, tín dụng hay lãi suất, …

Bài học số 6: Cơ hội còn nhiều

Ngay cả khi bão tố khủng hoảng đang hoành hành khắp thị trường, những NĐT tài năng vẫn luôn nhìn ra những cơ hội đầu tư. Câu nói nổi tiếng của nhà quý tộc thế kỷ thứ 18 Baron Rothschild “Hãy mua khi cả thị trường đang đổ máu” đã thể hiện một cách ngắn gọn tư tưởng đầu tư đi ngược đám đông này.

Thông thường, giá cổ phiếu thường chạm đáy khi có khủng hoảng. Tuy không phải cổ phiếu nào cũng hồi phục mạnh mẽ, NĐT tinh ý có thể chọn được cổ phiếu tốt với mức giá hời và do vậy thu về lợi nhuận lớn trong tương lai.

Cổ phiếu Starbucks là một ví dụ điển hình. Năm 2009, cổ phiếu này chạm đáy khoảng 4 USD/cp vào năm 2009. Nhiều chuyên gia dự báo rằng trong thời kỳ kinh tế khó khăn, người dân sẽ mua ít cà phê hơn. Thực tế hoàn toàn trái ngược và giá cổ phiếu Starbucks hiện nay là trên 54 USD/cp, tức tăng 13 lần.

Bài học số 7: Khủng hoàng không phải là tận cùng thế giới

Mỗi khi thị trường có dấu hiệu đi xuống hay khủng hoảng, những người bi quan thường nói đây sẽ là đợt sụp đổ kinh khủng khiếp mà thị trường chứng khoán sẽ không bao giờ hồi phục lại được. Thực tế lịch sử cho thấy thị trường luôn hoạt động và tăng trưởng trở lại sau mỗi đợt giá xuống. Thời kỳ Đại Khủng hoàng 1929, đợt suy thoái những năm 1980, cuộc khủng hoảng cổ phiếu công nghệ năm 2000 và cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2008 … là những minh chứng rõ ràng nhất.

Đa số các nhà đầu tư không có được cơ hội hồi phục từ thua lỗ vì họ thường hoảng loạn và bán hết chứng khoán khi thị trường sụp đổ. Đúng là cổ phiếu không tăng trở lại chỉ sau một đêm nhưng qua một khoảng thời gian đủ dài, thị trường thường hồi phục và chinh phục những đỉnh cao mới.

Song Ngọc

Video liên quan

Chủ đề