Am bạch vân ở đâu

  • Cơ quan chủ quản : TỔNG CỤC DU LỊCH
  • Đơn vị thực hiện : TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585): Quê ở làng Trung Am huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay là làng Trung Am xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sinh trưởng trong một danh gia vọng tộc, thân phụ ông là Thái bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định; thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Nhữ Văn Lan, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã tiếp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương.

Bạn đang xem: Bạch Vân Cư Sĩ Trạng Trình

Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Lê-Mạc phân tranh (1) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam mà người đời gọi là Sấm Trạng Trình (2).

Nguyễn Bỉnh Khiêm là học trò Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (3) ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Thời bấy giờ trong nước biến loạn, ông không muốn xuất đầu lộ diện mà ở ẩn nơi thôn dã. Năm Đại Chính thứ sáu (1535) đời vua Mạc Đăng Doanh lúc 45 tuổi, ông mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Sau đó làm Tả Thị lang Đông các Học sĩ, tước Trình Tuyền hầu, ngụ ý đề cao ông có công khơi nguồn ngành lý học, giống như Trình Y Xuyên, Trình Minh Đạo (4) bên Trung Hoa. Vì thế dân gian gọi ông là Trạng Trình.

Làm quan được bảy năm, từ 1535 đến 1542, ông dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua nghe nên xin cáo quan.

Về quê nhà, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân và lấy hiệu Bạch Vân cư sĩ, mở trường dạy học cạnh sông Tuyết, do đó học trò gọi ông là Tuyết giang Phu tử. Mở quán tiếp bạn hữu đàm đạo thế sự, văn chương gọi là Quán Trung Tân. Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Dữ là tác giả Truyền kỳ mạn lục, Thượng thư Bộ Lễ Lương Hữu Khánh,Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Quốc công Nguyễn Quyện, Thượng thư Bộ Hộ Trạng nguyên Giáp Hải, Tiến sĩ Trương Thời Cử, Tiến sĩ Đinh Thời Trung, Hàn Giang Phu tử Nguyễn Văn Chính ...

Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm Ất Dậu (1585) hưởng thọ 95 tuổi, được truy phong tước Thái phó Trình Quốc công.

1. Nhà thơ nặng lòng thế sự

Từ khi trở về cuộc sống ẩn sĩ nơi thôn dã “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá / Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”, mạch nguồn thơ ca trong Nguyễn Bỉnh Khiêm mới thực sự tuôn chảy. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như tập thơ Bạch Vân, gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán (còn lưu lại) và hai tập Trình Quốc công Bạch vân thi tập và Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập, hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm), hiện còn lưu lại được một quyển của Bạch Vân thi tập gồm 100 bài và 23 bài thơ trong tập Bạch Vân Gia Huấn mang nhiều chất hiện thực và triết lý sâu xa, thể hiện đạo lý đối nhân xử thế lấy đức bao trùm lên tất cả, mục đích để răn dạy đời. Tuy nhiên, khi các nhà Nho thoát tục thì bao giờ cũng gặp Đào Tiềm (5) ở chốn Đào Nguyên:

1. Sáo chiều theo gió nhàn bay,

2. Buồm khuya chở bóng trăng say cùng về.

3. Đào nguyên chuyện cũ còn kia

4. Hưng vong Tần, Tấn thị phi lọ bàn…

Điểm đáng chú ý của dòng thơ ẩn dật ở Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ không trở thành một “Lãn Ông”, một “Tiên Ông” hoàn toàn mà mỗi câu thơ là một bài học về sự đời, về triết lý nhân sinh mà nhà thơ muốn gửi tới muôn người. Phải làm sao cho mọi người cùng hiểu được “mệnh trời”, hiểu được cái lẽ đắp đổi tuần hoàn của tạo vật, để mà giữ lấy cái đạo trung thường, không thái quá, không bất cập, không đua chen xô đẩy nhau theo những dục vọng mù quáng, xấu xa, ngõ hầu đem lại một cuộc sống yên lành, hữu ái, an nhiên tự tại:

1. Làm người chen chúc nhọc đua hơi

2. Chẳng khác nhân sinh ở gửi chơi

3. Thoi nhật nguyệt đưa thấm thoắt

4. Áng phồn hoa khá lạt phai.

5. Hoa càng khoe nở hoa nên rữa

6. Nước chứa cho đầy nước ắt vơi.

7. Mới biết danh hư đà có số,

8. Ai từng dời được đạo trời?

Nhìn chung, Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cao sự trong sạch của tâm hồn con người, lên án thói đời tráo trở, vụ lợi, chà đạp lên thủy chung, tình nghĩa. Thơ ông, do vậy, nặng về nhân tình thế thái, triết lý đạo làm người. Tuy bước vào chốn Đào nguyên nhưng nhà thơ luôn canh cánh bên lòng những lo toan thế sự không chỉ ngày hôm nay mà cả tới vài trăm năm sau (6):

Tự thuật

Tuổi vừa bẩy chục đã từ quan,

Về nơi núi cũ sống an nhàn.

Ngủ đến mặt trời cao mới dậy.

Đã chắc Thanh Vân hơn Bạch Vân?

Cảm đề

Thanh nhàn vô sự là Tiên,

Năm hồ phong nguyệt nổi thuyền buông chơi.

Cơ Tạo Hóa, phép đổi dời,

Đầu non mây khói tỏa,

Mặt nước cánh buồm trôi.

Hươu Tần mặc kệ ai xua đuổi,

Lầu Hán trăng lên ngẫm mệnh Trời.

Tuổi già thua kém bạn,

Văn chương gởi lại đời.

Dở hay nên tự lòng người cả,

Nghiên bút soi hoa chép mấy lời.

Bí truyền cho con cháu,

Dành hậu thế xem chơi.

Ngụ hứng quán Trung Tân

(Bài một)

Nhà vắng không vương chút bụi trần.

Dòng sông lờ lững chảy kề sân.

Thuyền cá chiều chiều vào ghé đậu.

Hương thơm rau quế khách xa gần.

Mừng được tạm yên thời loạn lạc.

Thẹn chẳng có tài để cứu dân.

Nhàn nhã ngồi chơi, nhờ ngọn gió

Đưa vào cốc rượu chút mùa xuân.

Ngụ hứng quán Trung Tân

(Bài năm)

Nhà lá vài gian cạnh bến sông.

Hai bờ xanh nhạt, nước mênh mông.

Trăng lạnh, gió yên, buồm rũ xuống.

Mây núi xa xa tựa dáng rồng.

Đêm vắng, chuông chùa nghe thật rõ.

Le lói làng bên ánh lửa hồng.

Tiếc chẳng phò vua, do tuổi tác,

Trước sau tuy vẫn một tấm lòng.

Cảm hứng

Ai người có thể cứu muôn dân

Bị giặc xâm lăng, đợi chết dần?

Hại cả con trâu và ngọn núi,

Bừa bãi bắt giam, luật bất cần.

Mòn mỏi dân mong người dẹp loạn,

Mà đời chẳng có tướng cầm quân.

Lại đúng vào khi đang nạn đói,

Biết tìm đâu nổi chốn nương thân?

Ở ẩn

Một mai một cuốc một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Thói Đời

Thế gian biến đổi vũng nên đồi

Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi

Còn bạc còn tiền còn đệ tử

Hết cơm hết rượu hết ông tôi

Xưa nay đều trọng người chân thực

Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi

Ở thế mới hay người bạc ác

Giàu thì tìm đến khó tìm lui.

2. Nhà Tiên tri biết được “Mệnh Trời”

Khi theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm được truyền cho quyển Thái Ất thần kinh, từ đó ông tinh thông về lý học, tướng số... Sau này, dù Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn làm quan nhưng vua Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) vẫn phong cho ông tước Trình Tuyền hầu vào năm Giáp Thìn (1544), ngụ ý đề cao ông có công khơi nguồn ngành lý học, giống như Trình Y Xuyên, Trình Minh Đạo bên Trung Hoa. Sau đó được thăng chức Thượng thư bộ Lại tước hiệu Trình quốc công.

Nhờ học tính theo Thái Ất, ông tiên đoán được biến cố xảy ra 500 năm sau này. Người Trung Hoa khen Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là "An Nam lý số hữu Trình Tuyền". Ông tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam. Ông đã cho ra đời hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình".

Tương truyền, ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê. Khi Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể Trịnh Kiểm giết, ông khuyên nên xin về phía nam với câu "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (có tài liệu viết là "khả dĩ dung thân") nghĩa là "Một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài". Nguyễn Hoàng nghe theo và lập được nghiệp lớn, truyền cho con cháu từ đất Thuận Hóa. Lúc nhà Mạc sắp mất cũng sai người đến hỏi, ông nói: "Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể" (Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa. Đối với Lê - Trịnh, khi vua Lê Trung Tông chết không có con nối, Trịnh Kiểm định thay ngôi nhà Lê nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi ông. Ông nói với chú tiểu, nhưng thực ra là nói với bề tôi họ Trịnh: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn). Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm người tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Bởi thế còn có câu: "Lê tồn Trịnh tại".

Sấm Trạng Trình được người đời xem như là một lời tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về tương lai. Có rất nhiều điểm trùng khớp với lịch sử mà nổi nhất là tên nước Việt Nam, vì thời điểm của ông thì Việt Nam không có quốc hiệu này (mà là Đại Việt và trước đó là Đại Ngu).

Việt nam khởi tổ gây nên: 300 năm sau, tên nước ta là Nam Việt, sau đó trở thành Việt Nam.

Bao giờ trúc mọc qua sông, Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non Tây: Vào thời Tây Sơn, Tôn Sĩ Nghị đem quân Thanh sang cướp nước Nam. Khi đến Thăng Long thành, Tôn Sĩ Nghị cho quân sĩ bắc một chiếc cầu nổi bằng tre ngang sông Hồng Hà. Sau khi dẹp được giặc nhà Thanh một cách oai hùng ở trận Ðống Ða, Nguyễn Huệ xưng là Quang Trung Hoàng Ðế (nhiều người cho rằng non Tây là chỉ nhà Tây Sơn).

Xem thêm: Tuyển Tập Những Danh Ngôn Về Nghị Lực, Ý Chí Vươn Lên Trong Cuộc Sống

**

Trạng Trình có 3 người vợ và 12 người con (7 trai 5 gái), các con trai sau này đều có chức tước hiển đạt. Trạng tính được ngày chết của mình và trước khi chết, Trạng có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng: “Bình sinh ta có tấm bia đá sẵn và đã sơn kia. Khi ta mất rồi, hễ hạ quan tài xuống phải để tấm bia đá ấy lên nắp rồi lấp đất. Chờ khi nào có khách tới viếng mộ và nói rằng: "Thánh nhân mắt mù" thì phải lập tức mời người ấy vào nhà, yêu cầu họ đổi hướng lại ngôi mộ cho ta. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy đồi lụn bại đấy”. Con cháu nghe lời, làm y như đã dặn. Nhưng chờ mãi đến năm mươi năm sau, mới có người khách đến nhìn mộ cụ một lúc rồi nói: “Cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh nhân gì chớ, họa chăng là thánh nhân mắt mù”. Người trong họ nghe được, chạy về báo với trưởng tộc. Ông này vội vàng ra đón người khách Tàu kia về nhà, xin để xoay ngôi mộ kia lại. Ra đó là một nhà Phong thủy trứ danh ở phương Bắc. Ông ta sang là để đi tìm xem di tích của Trạng, bấy lâu ông ta đã nghe tiếng đồn.

Khi nghe vị trưởng tộc nói, ông ta sẵn lòng làm ngay, và tự đắc cho rằng mình giỏi hơn Trạng Trình. Ông ta bảo: Không cần phải đem đi đâu xa cả, chỉ đào lên rồi xoay lại, nhích đi một chút là được. Ông trưởng tộc bèn tụ họp con cháu lại, đưa thầy địa lý Tàu ra đổi lại ngôi mộ. Lúc đào đến tấm bia đá, ông ta làm lạ bảo đem rửa sạch xem những gì trên đó. Khi tấm bia được rửa sạch, mới thấy mấy câu thơ hiện ra:

"Ngày nay mạch lộn xuống chân

Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu

Biết gì những kẻ sinh sau?

Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?"

Đọc tới đâu vị khách Tàu đổ mồ hôi hột đến đó, ra Trạng Trình mà ông ta nghe đồn là giỏi thật. So với Trạng, có lẽ ông còn thua xa.

”Kìa kìa gió thổi lá rung cây

Rung Bắc rung Nam rung tới Tây

Tan tác kiến kiều an đất nước

Xác xơ cổ thụ sạch am cây

Lâm giang nổi gió mù thao cát

Hưng địa tràn dâng hóa nước đầy

Một ngựa một yên ai sùng bái

Nhắn tin nhà Vĩnh Bảo cho hay”.

Sấm ký Trạng Trình có nhiều dị bản, dưới đây là một bản khá phổ biến ở quê Trạng Trình:

Sấm ký

Nước Nam từ họ Hồng Bàng,

Biển dâu cuộc thế, giang san đổi dời.

Từ Đinh Lê Lý Trần thuở trước,

Đã bao đời ngôi nước đổi thay.

Núi sông Thiên định đặt bày,

Đồ thơ mấy quyển, xem nay mới rành.

...

Kìa kìa gió thổi lá rung cây,

Rung Bắc rung Nam, Đông tới Tây.

Tan tác kiến kiều an đất nước,

Xác xơ cổ thụ sạch am mây.

Lâm giang nổi sóng mù thao cát,

Hưng địa tràn dâng hóa nước đầy.

Một ngựa một yên ai sùng bái,

Nhắn con nhà Vĩnh Bảo cho hay.

Tiền ma bạc quỷ trao tay,

Đồ Môn Nghệ Thái dẫy đầy can qua.

Giữa năm hai bảy mười ba,

Lửa đâu mà đốt Tám Gà trên mây.

...

Cửu cửu Càn Khôn dĩ định,

Thanh minh thời tiết hoa tàn.

Trực đáo dương đầu mã vĩ,

Hồ binh bát vạn nhập Tràng an.

Nực cười những kẻ bàng quan,

Cờ tan lại muốn toan đường đá xe.

...

Long vĩ xà đầu khởi chiến chinh,

Can qua xứ xứ khởi đao binh.

Mã đề dương cước anh hùng tận,

Thân Dậu niên lai kiến thái bình.

...

Thần Kinh Thái Ất suy ra,

Để dành con cháu đem ra nghiệm bàn.

Ngày thường xem thấy quyển vàng,

Của riêng bảo ngọc để tàng xem chơi.

Bởi Thái Ất thấy lạ đời,

Ấy thuở Sấm Trời vô giá thập phân.

Phú quý hồng trần mộng,

Bần cùng bạch phát sinh.

Hoa thôn đa khuyển phệ,

Mục giả dục nhơn canh.

Bắc hữu Kim Thành tráng,

Nam hữu Ngọc Bích Thành.

Phân phân tùng bách khởi,

Nhiễu nhiễu xuất đông chinh.

Bảo giang Thiên Tử xuất,

Bất chiến tự nhiên thành.

...

Cơ Tạo Hóa phép mầu khôn tỏ,

Cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao.

Thấy Sấm từ đây chép vào,

Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa.

**

Nhận xét về Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà sử học Phan Huy Chú (7) đã viết trong bộ sách lớn Lịch triều hiến chương loại chí: "Một bậc kỳ tài, hiền danh muôn thuở".

La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp (8) khi về thăm đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, có bài thơ Quá Trình tuyền mục tự (Qua thăm đền cũ Trình tuyền) đã xem Trình tuyền là người có tài "Huyền cơ tham tạo hóa" (nắm được huyền vi xen vào công việc của tạo hóa).

Tiến sĩ thời nhà Hậu Lê Vũ Khâm Lân (9) đã làm bia ở đền Trạng Trình và nói rằng danh tiếng Trạng : Như núi Thái sơn, sao Bắc Đẩu / Nghìn năm sau như vẫn một ngày.

Giai thoại về Trạng Trình khá nhiều, dưới đây là giai thoại về mẫu thân của Trạng Trình.

Tương truyền thuở nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên là Văn Đạt. Mẹ ông là Nhữ Thị vốn tinh thông tướng số và có ước vọng là lấy chồng làm vua hoặc có con làm vua. Do đó trong quá trình dạy dỗ, bà đã truyền cho ông mơ ước ấy rồi.

Một hôm khi bà đi vắng, ông Định (cha Nguyễn Bỉnh Kiêm), ở nhà với con và tình cờ hát:"Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung". Không ngờ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhanh nhảu ứng đối lại ngay: "Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung". Khi bà về đến nhà, ông rất tâm đắc kể lại chuyện ấy thì bị bà trách nuôi con mong làm vua làm chúa cớ sao lại mong làm bầy tôi (nguyệt chỉ bầy tôi).

Lại một lần khác bà dạy Nguyễn Bỉnh Khiêm câu hát:"Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con tựa ngai vàng". Ông Định hoảng sợ vì nếu triều đình hay được sẽ mất đầu về tội khi quân nên sửa lại: "Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con vịn ngai vàng".

Nhiều lần như vậy, bà rất bất bình nên bỏ đi. Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn lên chỉ được ở cạnh bố.

Xem thêm:

Tương truyền ngay sau đó bà lấy một người họ Phùng và sinh ra Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (10). Sau chính Khắc Khoan trở thành học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bà Nhữ Thị vẫn không thỏa chí vì họ Phùng không có chí làm vua. Mãi sau này bà Nhữ tình cờ gặp một trang nam nhi làng chài đang kéo lưới mà bà tiếc nuối vì cho rằng người này có số làm vua, còn tuổi mình đã cao. Người đó chính là Mạc Đăng Dung, vị vua khai triều của nhà Mạc.