Bãi cọc sông bạch đằng ở đâu

Chi tiết Chuyên mục: Địa Danh Lịch Sử

  • Bãi cọc ngầm trên sông Bạch Đằng
  • Cầu qua sông

Bãi cọc sông bạch đằng ở đâu

Sông Bạch Đằng đoạn gần cửa sông (ảnh chụp từ trên phà Đình Vũ cắt ngang sông ra đảo Cát Hải

Sông Bạch Đằng, còn gọi là Bạch Đằng Giang (chữ Nho: 白藤江; tên Nôm: sông Rừng), hiệu là sông Vân Cừ, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. Nó nằm trong hệ thống sông Thái Bình.

  • Điểm đầu là phà Rừng - Hải Phòng (ranh giới Hải Phòng và Quảng Ninh).
  • Điểm cuối là cửa Nam Triệu - Hải Phòng. Sông có chiều dài 32 km.
  • Các loại tàu thuyền có tải trọng 300-400 tấn tham gia vận tải được cả hai mùa.

Sông Bạch Đằng là con đường thủy tốt nhất để đi vào Hà Nội (Thăng Long ngày xưa) từ miền nam Trung Quốc, từ cửa sông Nam Triệu các chiến thuyền đi vào sông Kinh Thầy, sông Đuống và cuối cùng là sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội

Sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công của dân tộc Việt Nam:

  • Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 938: Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán,
  • Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 981: Hoàng đế Lê Đại Hành phá tan quân Tống xâm lược
  • Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Mông Nguyên (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba).

Hiện ở khu vực cửa sông Bạch Đằng có 3 ngôi đền thờ 3 vị anh hùng trên đó là đình Hàng Kênh (Lê Chân, Hải Phòng) thờ Ngô Quyền, đền Vua Lê Đại Hành ở thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và đền Trần Hưng Đạo ở phường Yên Giang, (Quảng Yên, Quảng Ninh).

Bãi cọc ngầm trên sông Bạch Đằng

Bãi cọc sông bạch đằng ở đâu

Bãi cọc Bạch Đằng là các bãi cọc trên sông Bạch Đằng được sử dụng làm trận địa chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt, do Ngô Quyền khởi xướng vào năm 938 trong trận đại phá quân Nam Hán. Hiện nay có hai bãi cọc được phát hiện:

  • Một bãi cọc nằm trong một đầm nước giáp đê sông Chanh, thuộc Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Bãi cọc này được phát hiện vào năm 1953 khi người dân trong vùng đào đất đắp đê. Bãi hiện còn hàng trăm cọc, một số cọc được cắm thẳng đứng, đa số cọc nằm chếch theo hướng đông 15°, cắm theo hình chữ "chi" (之). Cọc phần lớn bằng gỗ lim, gỗ táu, đầu dưới vát nhọn, đầu trên đã bị gãy. Độ dài trung bình các cọc từ 2 m đến 2,8 m; có cọc dài tới 3,2 m. Phần cọc được vát nhọn dài từ 0,8 m đến 1 m. Đầu phía trên của cọc nằm dưới mặt đất khoảng 0,5 m đến trên 1,5 m. Toàn bộ bãi cọc đã được xây kè bảo vệ với diện tích 220 m2, trong đó có 42 cọc ở nguyên trạng khi phát hiện, sâu dưới bùn hơn 2 m, nhô cao từ 0,2 đến 2 m. Mật độ cọc ở nửa bãi phía nam là một cây mỗi 0,9 đến 1,2 m, nửa bãi phía bắc có một cây mỗi 1,5 đến 2,2 m.
  • Một bãi cọc phát hiện năm 2005 tại cánh đồng Vạn Muối (thuộc Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), với hàng chục cây cọc trên một khu vực rộng 100 m, dài 300 m. Theo các nhà khoa học, người xưa đã dùng loại cọc đường kính 7 – 10 cm, to nhất là 20 – 22 cm, có cọc dài trên 2 m được cắm theo nhiều thế rất hiểm, thường xiên 45° theo một hướng.

Cách đóng cọc hiện nay vẫn là bí ẩn. Tuy nhiên dân gian có truyền là người xưa sử dụng cách như sau: 1. Vót nhọn mũi cọc; 2. Đưa mũi cọc nhọn xuống trước, cọc sẽ cắm xuống sâu một mức nhất định; 3. Dùng dây thừng buộc 2 rọ mây vắt qua đầu trên của cọc; 4. Nhét từng viên đá vào rọ cho đến khi đủ tải trọng để ấn cọc xuống; 5. Khi đầu cọc đạt cao độ, chuyển đá ra khỏi rọ và đẽo nhọn đầu cọc.

  • Cầu Bạch Đằng, ở cửa sông Cấm đổ ra sông Bạch Đằng, nối Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh với quận Hải An, Hải Phòng, cũng là điểm cuối tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (đang xây dựng).

(Nguồn: Wikipedia)

Nằm trên đường trục đường giao thông từ Hà Nội về thành phố Hạ Long, bãi cọc Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên thuộc khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng là điểm dừng chân không thể bỏ qua. Từ ngã tư thị xã Quảng Yên đi về hướng Phà Rừng khoảng 2 km, rẽ trái khoảng 500 m, du khách sẽ đến với bãi cọc Yên Giang, một phần của trận địa cọc Bạch Đằng năm xưa.

Ảnh các di tích bãi cọc Bạch Đằng

Di tích bãi cọc Yên Giang nằm ở cửa sông Chanh có hình chữ nhật dài khoảng 120 m, chiều rộng khoảng 20 m. Sau lần khai quật đầu tiên vào năm 1958 và nhiều lần sau đó vào các năm 1969, 1976, 1984, 1988... cho thấy cọc ở đây chủ yếu là gỗ lim, táu dài 2,6 - 2,8 m, đường kính 20 - 30 cm. Phần cọc được đẽo nhọn dài 0,5 - 1m để cắm thẳng xuống sông với khoảng cách trung bình 1 m.

Bãi cọc sông bạch đằng ở đâu

Bãi cọc Bạch Đằng thuộc phường Yên Giang.

Tuy ngày nay đa phần các đầu cọc đã bị mục gẫy, du khách vẫn có thể hiểu thêm về lịch sử của bãi cọc cũng như nghệ thuật quân sự tài tình của Trần Hưng Đạo qua tấm bia đá dựng ngay gần đó. Trên bia ghi rõ: "Dựa vào địa thế sông Bạch Đằng (thế kỷ thứ XIII), lòng sông có nhiều bãi bồi và dải đá ngầm, Trần Hưng Đạo đã cho đóng những bãi cọc ở vị trí hợp lý tạo thành một trận địa cọc chặn đánh đường rút chạy của giặc Nguyên Mông".

Cách bãi cọc Yên Giang vài km là bãi cọc đồng Vạn Muối, nằm ở cửa sông Rút, thuộc phường Nam Hòa được nhân dân Quảng Yên phát hiện trong quá trình canh tác, đào ao. Sau lần khảo sát và khai quật năm 2005, cho thấy những cọc gỗ cắm đứng và cắm xiên trong khu vực đồng Vạn Muối thuộc nhiều loại gỗ được sử dụng cả thân và cành. Đường kính mỗi cọc từ 7 - 10 cm, phần được vạt nhọn chỉ khoảng 25 - 30 cm. Tuy nhiên, mật độ cọc ở đây được cắm rất dày, phổ biến cách nhau từ 40 - 60 cm, một số cọc chỉ cách nhau từ 10 - 30cm.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là nửa phía Nam của trận địa cọc Bạch Đằng, còn nửa phía Bắc là bãi cọc Yên Giang. Do giữa hai bãi cọc có một dải cồn đá cao, khi nước triều xuống thuyền không qua được buộc phải đi vào sát bờ. Vì vậy, Trần Hưng Đạo đã chọn vị trí cắm cọc ở hai bên cồn đá tạo thành một phòng tuyến hình chữ V bịt chặt lấy họng sông Bạch Đằng để chặn đường rút lui của quân địch tạo nên chiến thắng vẻ vang của trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Bãi cọc sông bạch đằng ở đâu

Khai quat bãi cọc đồng Má Ngựa năm 2010.

Cũng trong địa phận phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, bãi cọc đồng Má Ngựa đã được phát hiện và tiến hành khảo sát, khai quật vào năm 2010. Đây là bãi cọc thứ ba thuộc bãi cọc Bạch Đằng nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1 km về hướng Nam. Bãi cọc có chiều dài 70 m, rộng 30 m, cắm cọc thuộc nhiều loại gỗ có đường kính từ 6 - 22 cm dày đặc thành dải như một lớp tường thành.

Ba bãi bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa đã làm thành những bãi chông ngầm lớn, phức tạp, kín đáo dưới mặt nước khóa chặt đường tháo lui ra biển, giúp tiêu diệt và bắt sống 600 chiến thuyền với 4 vạn binh tướng quân Nguyên – Mông trong lần thứ ba chúng xâm lược nước ta năm 1288.

Để khám phá các giá trị lịch sử, khoa học và quân sự của chiến thắng lịch sử năm 1288, du khách ngoài tham quan, tìm hiểu bãi cọc Bạch Đằng, có thể ghé thăm các di tích khác như đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến Đò Rừng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc, đình Trung Bản thuộc thị xã Quảng Yên và đình Đền Công - miếu Cu Linh thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã từng ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chiến thắng Bạch Đằng năm 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Năm 938, Ngô Quyền đóng cọc gỗ ở sông, đem quan khiêu chiến nhử quân giặc vào trận địa bố trí rồi tung quân đánh tan chiến thuyền giặc Nam Hán, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ của nước Đại Việt.

Năm 981, Lê Hoàn theo cách đánh của Ngô Vương Quyền, sai quân sĩ trống cọc gỗ ở sông để cản quân xâm lược nhà Tống, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.

Đặc biệt, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã khẳng định sức mạnh không thể nào lay chuyển được của quân dân Đại Việt, phá tan âm mưu cướp nước ta của đế quốc Nguyên - Mông.

Vy An