Cách làm bài thi vào lớp 10

Với kinh nghiệm ôn luyện cho học sinh thi vào lớp 10, cô Thủy đã đưa ra một số lưu ý để các em có thể đạt kết quả tốt nhất.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Thủy, ở kỳ thi vào lớp 10, đối với môn Tiếng Anh, khối lượng kiến thức trong đề thi trải dài xuyên suốt các năm cấp THCS. Tuy nhiên, học sinh cần tập trung vào các nhóm chuyên đề chính.

Cô Thủy cho rằng, học sinh cần nắm vững tất cả các nội dung về từ vựng, ngữ pháp đã được học trong chương trình sách giáo khoa cấp THCS theo từng chủ đề. Nắm vững các cấu trúc câu có trong chương trình sách giáo khoa.

Ở phần ngữ pháp như thì của động từ, câu hỏi đuôi, câu điều kiện, câu bị động, câu trực tiếp - gián tiếp, các dạng so sánh của tính từ,...

Phần từ vựng theo chủ đề bài học;

Phần phát âm, trọng âm;..

Phần giao tiếp;…

Ở thời điểm chỉ còn một vài ngày nữa là đến ngày thi, cô Thủy cho rằng học sinh cần luyện đề theo cấu trúc của Sở giáo dục Hà Nội để nâng cao kĩ năng cũng như tốc độ làm bài (đề trên giấy, đề trên mạng, đề trên các phần mềm,...).

Cách làm bài thi thế nào?

Trong ngày thi, theo cô Thủy, sau khi nhận đề học sinh cần đọc lướt toàn bộ đề bài, câu nào dễ làm trước. Đọc kĩ câu hỏi tránh nhầm lẫn, nhất là phần tìm từ cùng nghĩa, từ trái nghĩa.

"Cần chú ý thời gian, không nên tập trung quá lâu vào 1 câu hỏi. Nếu chưa tìm ra câu trả lời đúng thì chuyển sang câu khác nhưng nhớ phải đánh dấu câu chưa làm, tránh bỏ sót"- cô Thủy lưu ý.

Cô Thủy cũng chỉ ra những lỗi học sinh thường mắc phải phần nhiều xuất phát từ việc thiếu cẩn thận. Đầu tiên là lỗi không đọc kỹ đề bài dẫn đến việc làm sai yêu cầu của đề thi.

“Để tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc, học sinh phải đọc thật kỹ đề bài, nên rèn tư duy làm câu dễ trước, câu khó sau. Cần rà soát kĩ để được tối đa điểm số”- cô Thủy nhấn mạnh.

Theo cô Thủy, học sinh cần xác định câu hỏi kiểm tra nội dung ngữ pháp gì.

Ví dụ: thì, câu ước, câu điều kiện, câu hỏi đuôi, ...., sau đó tìm từ khóa, chọn đáp đúng hoặc loại dần đáp án sai.

Với dạng bài đọc điền từ, học sinh cần nhận biết các lựa chọn cho sẵn thuộc loại kiến thức nào (từ loại, thì của động từ...), xác định từ cần điền vào chỗ trống trong bài, dựa vào ngữ pháp, bám ý và văn phong của đoạn văn để chọn từ cần điền.

Cô Thủy cũng cho rằng, học sinh cần hoàn thành bài thi trước khoảng 5 - 7 phút để kiểm tra lại thông tin về tên, ngày tháng năm sinh, số báo danh, mã đề và câu trả lời, .... trước khi nộp bài cho giám thị.

Dưới đây là phần chia sẻ cũng như những lưu ý của cô Phùng Thị Ngọc Mai, Tổ trưởng bộ môn ngữ văn của Phòng GD-ĐT quận 1 (TP.HCM), dành cho những thí sinh chuẩn bị thi tuyển sinh lớp 10. Những lưu ý này sẽ giúp thí sinh biết cách làm bài thi hiệu quả và tránh những sai sót thường gặp.

Những lưu ý "bỏ túi" giúp thí sinh lấy điểm

Thứ nhất, trước khi làm bài, các em phải đọc kỹ đề thi. Trong những năm trước, dung lượng đề thi thường khá dài nên thí sinh cần dành khoảng 5 phút đọc hết đề thi và quan sát yêu cầu của từng câu, xem đề có chủ đề hay không, nếu có thì thường chủ đề này sẽ xuyên suốt cả đề thi từ câu 1 đến câu 3. Nếu đề thi có chủ đề thì việc đầu tiên là phải bám sát nó.

Theo cấu trúc, phần thứ nhất trong đề thi thường là phần đọc hiểu nên thí sinh cần đọc kỹ ngữ liệu, cầm sẵn bút trên tay và đánh dấu trong đề thi những yếu tố liên quan đến yêu cầu của đề, ví dụ như yếu tố tiếng Việt, nội dung, nhan đề, yêu cầu độ dài của bài viết… Nếu câu hỏi yêu cầu số dòng (hoặc số chữ) thì thí sinh nên tính toán viết vừa đủ, không dài hơn và cũng không ngắn hơn quá nhiều vì các em có thể bị trừ điểm bởi lỗi này.

Sau khi đã đọc kỹ và bám sát đề bài, thí sinh nên trả lời lần lượt từng câu ngắn gọn, súc tích và đủ ý, không nên viết rườm rà, dài dòng.

Thứ hai, về câu nghị luận xã hội, đề thi thường sẽ có ngữ liệu hoặc theo chủ đề xuyên suốt. Với dạng bài này, học sinh phải nắm được những thao tác quan trọng gồm: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.

Bố cục của bài nghị luận sẽ gồm 3 phần: Phần giới thiệu phải đưa được các vấn đề nghị luận vào; Phần thân bài phải triển khai được các bước ví dụ như giải thích, phân tích các biểu hiện và đưa dẫn chứng vào, sau đó là bàn luận, mở rộng vấn đề. Cuối cùng là phần kết bài thì các em cần liên hệ bản thân.

Với phần nghị luận, thí sinh không nên quá đặt nặng vấn đề nghị luận tư tưởng hay nghị luận hiện tượng xã hội, đời sống. Thực tế, nhiều thí sinh lúng túng vì không biết đề thi thuộc dạng nào nên chỉ cần làm đúng các thao tác của dạng đề nghị luận là được. Quan trọng nhất là các em phải đưa ra dẫn chứng sát thực, làm rõ được vấn đề, không mơ hồ và chung chung.

Thí sinh cũng không nên đoán “đề tủ” vì thực tế có rất nhiều vấn đề mình không thể nào “tủ” được hết. Quan trọng là học sinh chỉ cần nắm kiến thức, cách làm bài thì bất kể đề ra thế nào cũng có thể chủ động làm tốt.

Cách làm bài thi vào lớp 10

Thí sinh thư giãn sau một buổi ôn thi vào lớp 10

Đào Ngọc Thạch

Phần thứ 3 trong đề thi là phần nghị luận văn học, thường chiếm 4 điểm. Để làm bài thi tốt, các em nên ôn tập theo chủ đề, ví dụ như chủ đề người lính, người phụ nữ, người lao động mới, thiên nhiên… Khi ôn theo chủ đề, thí sinh dễ dàng tìm được nhiều dẫn chứng ở nhiều bài khác nhau, gúp bài làm phong phú hơn.

Khi làm phần phần nghị luận văn học, các em nên chú ý phần liên hệ và đề bài yêu cầu gì. Dù phần này thường chỉ chiếm 1 điểm trong tổng 4 điểm của phần nghị luận văn học và mang tính chất phân loại thí sinh nhưng không nên vì vậy mà làm sơ sài.

Ngoài ra, đề thi môn văn thường sẽ có đề thi số 2. Nhiều giáo viên thường dặn học sinh bỏ qua đề này vì cho rằng nó khó hơn, để phân loại và dành cho những học sinh giỏi. Nhưng không hẳn, khi vào phòng thi các em nên xem cả hai, thấy đề nào phù hợp hơn, nắm bài tốt hơn thì làm.

Tránh những lỗi dễ gây mất điểm

Những lỗi vấp nhiều nhất là thí sinh thường không đọc đề kỹ, nên dễ làm sót ý và bị mất điểm. Ví dụ, trong phần tiếng Việt đề yêu cầu “tìm phép liên kết và thành phần biệt lập”, nhưng vì đọc đề qua loa nên các em chỉ làm phần phép liên kết, bỏ quan yêu cầu “thành phần biệt lập”. Đây lỗi sai mà các em thường gặp rất nhiều, dẫn đến mất điểm không đáng có.

Lỗi thứ 2, trong phần nghị luận xã hội, khi tìm các dẫn chứng, thí sinh thường đưa vào những dẫn chứng không có giá trị, không sát thực, không sát với yêu cầu đề bài nên không lấy được điểm.

Trong nghị luận văn học, các em thường vấp phải lỗi kể lại câu chuyện, giải thích đoạn thơ… trong khi đề bài không hề yêu cầu, như vậy các em đã sai thao tác lập luận.

Ngoài ra, những lỗi nhỏ khác cũng dễ khiến các em mất điểm như: lỗi diễn đạt, dùng từ, trình bày cẩu thả. Bên cạnh đó, thí sinh cần trình bày bài làm sạch sẽ, viết một màu mực, tránh viết 2-3 màu mực trong một bài thi, không bôi xoá lung tung, không tạo những ký hiệu đặc biệt trong bài làm và cố gắng không bỏ sót câu nào.

Để bài thi đạt điểm tốt nhất, các em phải biết cân đối thời gian cho từng câu. Phần đọc hiểu chỉ nên làm từ 10-15 phút, nghị luận xã hội nên làm trong vòng 20-30 phút và còn lại dành cho nghị luận văn học trong bài thi môn ngữ văn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Tin liên quan

Dưới đây là chia sẻ của thầy giáo dạy Toán học Nguyễn Chí Chung về những cách làm bài thi toán vào 10 đạt điểm cao.

Cách làm bài thi vào lớp 10

Thầy giáo dạy Toán học Nguyễn Chí Chung (Ảnh: NVCC).

Chiến thuật tổng quát

Trong thi môn Toán, chiến thuật quan trọng nhất là "dễ trước khó sau, đúng câu dễ mới làm câu khó". Khi nhận đề, các em cần đọc lướt qua một lượt, trong quá trình đọc bắt được ý tưởng lời giải của bài nào thì ghi ngay ra bên cạnh bài đó. Sau đó, bắt tay làm bài từ câu dễ đến câu khó, theo phương châm đúng câu dễ mới sang câu khó.

Lưu ý, sai câu dễ nguy cơ trượt cao, không làm được câu khó vẫn có thể đỗ. Với 2 câu vận dụng cao, chỉ nên dành thời gian tối đa cho mỗi câu 10 phút, thời gian còn lại cần kiểm tra các câu đã làm để đảm bảo đạt điểm tuyệt đối.

Hãy nhớ 3 bước giải bài toán. Tương tự như 3 bước làm một bài văn là mở bài, thân bài, kết luận, 3 bước giải bài toán lần lượt là: điều kiện, giải bài toán, kiểm + kết.

Kỹ năng trình bày: 2Đ - Đúng và Đủ ý

"Đúng" luôn là quan trọng nhất, "Đủ" để không bị trừ điểm lặt vặt. Các em lưu ý, bài làm không viết dài dòng, viết càng dài càng dễ sai. Bên cạnh đó, khi viết dài, việc kiểm tra sẽ mất nhiều thời gian và khó tìm ra lỗi sai.

Kỹ năng kiểm tra: 3K

K1: Làm đến đâu kiểm tra đến đó, nếu sai cần sửa ngay, tránh tình trạng làm xong cả bài mới phát hiện sai, khi đó có lỗi sai rất khó sửa, thường phải bỏ cả bài. Điều này gây mất thời gian và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý làm bài.

K2: Xong một bài, tiến hành kiểm tra ngay.

K3: Trước khi nộp, kiểm tra thêm một lần nữa.

Phương pháp kiểm tra là xuôi, ngược và kiểm tra chéo.

Tiết kiệm thời gian:

Ta học 4 năm cấp 2 mà chỉ có 120 phút để thể hiện, nên nếu rèn luyện và áp dụng 2Đ, 3K thường xuyên, các em sẽ tiết kiệm được thời gian, có thời gian kiểm tra lại, có thời gian chinh phục câu khó, tâm lý sẽ tốt hơn.

Tranh thủ khi chờ phát đề, các em có thể xin 2,3 tờ giấy thi và ghi đầy đủ thông tin cần thiết để khi nhận đề có thể làm luôn, không cần xin và ghi lại nữa.

Nháp ý tưởng và trình bày thẳng vào bài thi

Khi có ý tưởng rõ ràng, cần trình thẳng vào bài thi, khi đó các em sẽ tập trung cao độ nên ít sai sót. Tuyệt đối không nên làm ra nháp rồi mới chép vào bài thi, bởi khi nháp thường không cẩn thận, dễ sai sót. Thậm chí, nhiều em khi làm nháp thì đúng, nhưng khi chép vào bài thì lại sai và làm như vậy đương nhiên mất thời gian.

Không bao giờ bỏ cuộc, chiến đấu hết mình đến giây phút cuối cùng

Tinh thần "không bỏ cuộc" có thể giúp các em đạt được tối đa số điểm. Trong khi thi, tuyệt đối không nên nộp bài sớm. Nếu còn thừa thời gian, các em hãy kiểm tra kỹ những câu đã làm được và chinh phục cả câu khó. Cho dù không làm được cả bài khó vẫn có thể làm một phần, vì có ý đúng vẫn được điểm. "Một chút" điểm cũng quý bởi đôi khi nó quyết định đến việc trượt đỗ của ta.

Cách làm bài thi toán vào 10 đạt điểm cao: Có sức khỏe là có tất cả

Thân thể yếu ớt thì tâm không sáng, trí không cao! Ngày thi tới gần, các em đã rèn luyện cả mấy năm trời nên chỉ cần ôn tập nhẹ nhàng, không nên thức khuya quá. Vì có thức thêm vài tiếng cũng không làm thay đổi được cục diện, nếu ốm thì hỏng cả mấy năm rèn luyện!

Thầy tư vấn mỗi ngày nên đầu tư 30 phút thể dục rèn luyện thân thể, nếu có thể đi bơi được thì rất tốt cho sức khỏe, xả stress và tư tưởng sảng khoái, sau đó về ôn tập sẽ năng suất hơn. Có sức khỏe và tâm tưởng thoải mái, khi vào phòng thi, các em sẽ thi đấu với 100%, thậm chí  trên 100% phong độ.

Bên cạnh đó, cần ăn uống đầy đủ, trước và khi đi thi không ăn đồ bẩn, dễ đau bụng.

Ôn tập đúng giờ thi để tạo phản xạ làm bài

Để tạo thói quen và phản xạ làm bài tốt nhất, trước kỳ thi, các em nên tập làm đề vào đúng thời gian thi thực. Chuẩn bị giấy thi, đề thi và các vật dụng phục vụ làm bài thi; bấm giờ làm bài nghiêm túc, bắt đầu đúng giờ. Áp dụng đúng những điều 2Đ, 3K đã được nhắc ở trên.

Lưu ý, khi đi thi, cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập (thước, compa, máy tính, ít nhất 3 chiếc bút cùng màu và chai nước trong suốt có nắp chặt để uống trong phòng thi).

Một thân thể khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, kiến thức chắc chắn, kỹ năng thành thạo, các em ắt sẽ đăng khoa!

Theo Nguyễn Liên (dantri.com.vn)