Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2023

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 và Phục hồi kinh tế TP.HCM diễn ra chiều 21/7/2022, ông Lê Thành Phương, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cho biết đã có khoảng 16.000 căn nhà trong dự án phát triển nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận.

Trước đó, ngày 19/10/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã xây dựng Kế hoạch số 6707/KH-STNMT-VPĐK về đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở đó, từ tháng 01/2022 đến ngày 20/7/2022, đã có khoảng 16.000 căn nhà trong dự án phát triển nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận. Dự kiến đến tháng 12/2022 sẽ cấp thêm cho 5.757 căn đã nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo ông Phương, hiện đang có 3 vướng mắc chính khiến việc thực hiện cấp giấy chứng nhận theo quy định pháp luật bị chậm.

Cụ thể, vướng mắc trong việc chủ đầu tư đã thế chấp quyền sử dụng đất, căn hộ hình thành trong tương lai. Vì theo quy định, khi cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà thì chủ đầu tư phải thực hiện giải chấp và giao bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ quan cấp giấy chứng nhận để điều chỉnh hình thức đất sang sử dụng chung và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Ngoài ra, còn có vướng mắc liên quan đến vi phạm xây dựng; vướng mắc liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Với việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nêu trên, đến tháng 02/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ tập trung cấp giấy chứng nhận cho 15.664 căn đã đủ điều kiện. Đến tháng 3/2023, thành phố sẽ tiếp tục cấp giấy chứng nhận đối với các dự án có vướng mắc đã được tháo gỡ và các dự án có văn bản thẩm định mới.

Liên quan đến vấn đề vướng mắc thực hiện nghĩa vụ tài chính tại các dự án nhà ở thương mại, TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Qua đó, kịp thời huy động nguồn thu ngân sách nhà nước, giải quyết thủ tục cấp sổ hồng đối với các dự án nhà ở, thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, việc xác định tiền sử dụng đất đến nay vẫn đang bế tắc.

Do đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mới chỉ giải quyết được 6 trong 10 hồ sơ Sở đã trình UBND thành phố với tổng số tiền khoảng hơn 3.800 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 794 hồ sơ thẩm định giá đất theo giá thị trường để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, có 282 hồ sơ đã trình UBND thành phố hoặc đã được Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM thông qua.

Cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Bạc Liêu thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 721/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó, đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cụ thể, với thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở, bổ sung hình thức thực hiện thủ tục này theo phương thức điện tử tùy thuộc điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai đang quản lý tại địa phương.

Bên cạnh đó, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, liên thông điện tử giữa các cơ quan thuế, tài nguyên và môi trường, kho bạc, bộ phận một cửa, ngân hàng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để cho phép cá nhân, tổ chức thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia.

[Gỡ vướng về quản lý đất đai: Cần sửa đổi luật triệt để hơn]

Quyết định cũng nêu rõ lý do cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục trên là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục cũng như góp phần rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục so với việc thực hiện thủ tục theo phương thức truyền thống.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, liên thông điện tử để cá nhân, tổ chức có thể thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong các thủ tục hành chính về đất đai giúp cắt giảm thủ tục, chi phí, thời gian đi lại liên hệ với cơ quan thuế, ngân hàng, bộ phận một cửa hoặc cơ quan tài nguyên và môi trường để nhận thông báo thuế, nộp nghĩa vụ tài chính và nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu là hoàn toàn khả thi dựa trên các hệ thống thông tin đã sẵn sàng như hệ thống thanh toán trực tuyến của cổng Dịch vụ công quốc gia; cơ sở dữ liệu thuế; hệ thống một cửa điện tử của 63 tỉnh, thành phố đã kết nối, tích hợp với cổng Dịch vụ công quốc gia,.. đồng thời, việc này đã thực hiện thành công đối với thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân đối với thuế, lệ phí trước bạ trên cổng Dịch vụ công quốc gia.

Về thủ tục chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất, trong thành phần hồ sơ, mẫu hóa văn bản về chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất. Lý do là bảo đảm rõ ràng, minh bạch, áp dụng chung thống nhất, tránh yêu cầu tùy tiện của cơ quan tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Với thủ tục này, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, liên thông điện tử giữa các cơ quan thuế, tài nguyên và môi trường, kho bạc, bộ phận một cửa, ngân hàng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để cho phép cá nhân, tổ chức thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Lộ trình thực hiện đơn giản hóa 2 thủ tục nêu trên là từ năm 2022-2025./.

Chủ đề