Câu hỏi về dạy học dự an

Giáo dục ý thức giữ gìn và phát huy những giá tri di sản văn hóa tinh túy của dân tộc chính là giáo dục lòng yêu nước, giáo dục tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, là nâng cao vị thế và tầm vóc của dân tộc. Nhà nghiên cứu Văn hóa Phạm Quỳnh từng khẳng định “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Truyện Kiều là đỉnh cao của văn học dân tộc, là biểu tượng của văn hóa Việt Nam trên thi đàn quốc tế.

Chủ đề “Nguyễn Du và Truyện Kiều” là một đơn vị kiến thức lớn và trọng tâm trong chương trình Ngữ Văn 10. Đây cũng là tác giả và tác phẩm văn học có tầm vóc lớn với nhiều giá trị về tri thức và đạo đức, văn hóa… và còn nhiều tiềm năng giá trị cần được thế hệ trẻ nhìn nhận, khai thác và khơi dậy. Nhưng dạy học Truyện Kiều ở trường THPT đang là vấn đề được các nhà khoa học và giáo dục quan tâm, trăn trở: làm thế nào để khơi dậy những tiềm năng giáo dục mà kiệt tác văn học này mang lại?  Làm thế nào để thế hệ trẻ cảm nhận được đây là một tác phẩm bất hủ, trứ danh? Làm thế nào để thế hệ trẻ lại tiếp tục yêu mến Truyện Kiều? Và phải dạy học Truyện Kiều như thế nào để học sinh phát triển được các phẩm chất, năng lực? Đây là một vấn đề vừa có tính thời sự, tính xã hội, tính giáo dục lại rất thiết thực, hữu ích.

Là một người con sinh ra trên quê hương đại thi hào Nguyễn Du, là một giáo viên dạy Văn, tôi có duyên nợ với Truyện Kiều, có niềm đam mê và yêu mến Truyện Kiều với nhiều trăn trở và suy tư về trách nhiệm của thế hệ, của nghề nghiệp khi nhận thức nguy cơ về sự thờ ơ, sự lãng quên dần của giới trẻ  đối với di sản văn hóa vô giá này của dân tộc; Với tinh thần trách nhiệm, với tâm huyết của mình, tôi đã quyết tâm xây dựng và thực hiện Dự án: “NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU TRONG LÒNG THẾ HỆ TRẺ” cùng với sự sáng tạo và tích cực của học sinh, mong muốn khơi nguồn cảm xúc yêu mến, tự hào và phát huy giá trị di sản tinh hoa của dân tộc ở thế hệ trẻ.

Cho đến nay quan điểm Dạy học theo dự án vẫn tồn tại các khái niệm, tên gọi khác nhau: mô hình dạy học, hình thức dạy học, quan điểm dạy học. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận DHTDA như một phương pháp dạy học theo modun THPT 18- phương pháp dạy học tích cực: “Dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học trong đó học sinh thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực tiễn, thực hành. Nhiệm vụ này được học sinh thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập. Làm việc nhóm là hình thức cơ bản của dạy học dự án. Dạy học theo dự án là hoạt động học tập tạo cơ hội cho học sinh tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực áp dụng một cách sáng tạo vào cuộc sống”.

Quy trình xây dựng một dự án bao gồm 6 bước như sau:

Thứ 1. Quyết định tên dự án: Tên của dự án phải thể hiện tính có vấn đề kích thích động cơ và hứng thú cho HS nghiên cứu, tìm hiểu, phải gắn với tính thực tiễn, tính xã hội, tính giáo dục. Vì thế đối với chủ đề “Nguyễn Du và Truyện Kiều” có thể lựa chọn các dự án “Truyện Kiều của Nguyễn Du- hành trình tiếp lửa”, “Sức sống của Truyện Kiều”, “Truyện Kiều của Nguyễn Du với việc giáo dục kĩ năng sống và ứng xử”, “Giáo dục đạo đức lối sống cho giới trẻ từ Truyện Kiều của Nguyễn Du”, “Nghĩ tiếp về Truyện Kiều của Nguyễn Du”…

Thứ 2. Xác định mục tiêu của dự án:  Mục tiêu của dự án phải phù hợp với tên dự án và thông báo cho học sinh các mục tiêu cần đạt khi thực hiện dự án, bao gồm mục tiêu về chuẩn kiến thức, kĩ năng; Mục tiêu về thái độ tình cảm của học sinh tham gia dự án; Mục tiêu về kiến thức, kĩ năng liên môn cần đạt khi thực hiện dự án; Mục tiêu về sản phẩm của học sinh.

Thứ 3. Xác định bộ câu hỏi định hướng:Giáo viên đặt vấn đề và định hướng cho học sinh các nhiệm vụ cần giải quyết qua bộ câu hỏi định hướng gồm câu hỏi tổng quát và bộ câu hỏi nội dung. Ví dụ với dự án “Nguyễn Du và Truyện Kiều trong lòng thế hệ trẻ” chúng tôi xây dựng câu hỏi tổng quát “Vị trí của Nguyễn Du và Truyện Kiều trong lòng giới trẻ”? Và xác định bộ câu hỏi nội dung cho các nhóm học sinh:

- Thực trạng về vị trí của Truyện Kiều trong lòng giới trẻ?

- Giá trị đích thực của Truyện Kiều?

- Giải pháp để đưa Truyện Kiều đến gần hơn với giới trẻ?

- Hãy thể hiện tình yêu và niềm đam mê Truyện Kiều của chính bạn?

Thứ 4. Xác định hệ thống phương tiện và phương pháp thực hiện dự án.

Thứ 5. Xác định đối tượng, thời gian và môi trường thực hiện dự án: Đối tượng dự án là học sinhkhối 10. Ngoài ra khuyến khích các học sinh tham gia tự nguyện không theo tổ chức tập thể, tham gia dự án qua hình thực online, ví dụ qua trang Web Facebook tự lập theo dự án “Nguyễn Du và Truyện Kiều trong lòng thế hệ trẻ”.

Thứ 6. Xây dựng các hoạt động của dự án: Dự án được tiến hành gồm 5 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn học kĩ năng, giai đoạn trải nghiệm, giai đoạn học chủ đề, giai đoạn sáng tạo sản phẩm và tổng kết.

Giai đoạn 1- chuẩn bị: GV giới  thiệu cho học sinh hình thức dạy học dự án và thiết lập dự án; Lên danh sách nhóm và chia nhóm, phân công nhiệm vụ. Việc chia nhóm là sự đăng kí tự nguyện của HS phù hợp với nguyện vọng, năng lực và sở trường của các em để giải quyết các nhiệm vụ học tập: nhóm nhà báo gồm phóng viên, biên tập viên; nhóm hướng dẫn viên; nhóm nghệ sĩ gồm họa sĩ, diễn viên; nhóm điều tra viên…

Chuẩn bị tài liệu: GV cần có định hướng về các loại tài liệu bản cứng, bản mềm, tài liệu là sách, báo, tạp chí, video, phim, trang web.

Thiết kế chương trình: Các nhóm HS tự thiết kế chương trình, các phần việc cần làm xoay quanh nội dung của bộ câu hỏi định hướng sau đó thảo luận, trao đổi với GV để thống nhất hoạt động và định hướng sản phẩm.của nhóm là tập san, truyện tranh hoặc tập tranh, clip, kịch…

Giai đoạn 2 - học kĩ năng: Ở giai đoạn này, GV giới thiệu cho HS các kĩ năng cần thiết để thực hiện dự án đáp ứng các mục tiêu đã đặt ra của dự án. Ví dụ kĩ năng Công nghệ thông tin: làm video, clip, làm broucher, photovoice- những bức ảnh biết nói….kĩ năng làm phiếu khảo sát và phỏng vấn thăm dò….

Giai đoạn 3 - hoạt động trải nghiệm sáng tạo: Tổ chức cho HS tham quan khu di tích quốc gia đặc biệt với thiết bị hỗ trợ: máy ghi âm, máy chụp ảnh, sổ ghi chép. HS sẽ được tham quan tổng thể di tích:  gồm nhà tư văn, nhà thờ Nguyễn Du, đàn tế và bia đá Nguyễn Quỳnh, nhà trưng bày, khu lăng Văn Sự, mộ Đại thi hào Nguyễn Du, khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du…., Tại đây các em HS sẽ được quan sát  gần 1000 tài liệu, hiện vật, tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du

Giáo viên liên hệ để học sinh được gặp gỡ nghệ nhân, nghệ sĩ sân khấu, hậu duệ của Nguyễn Du tại quê hương Tiên Điền Nghi Xuân, Hà Tĩnh, trực tiếp được nghe nghệ nhân biểu diễn và kể về tình yêu và niềm đam mê Truyện Kiều của người xưa để tạo dựng môi trường Văn hóa cho HS tiếp cận Truyện Kiều. (Nếu những trường ở xa không thuận lợi thăm quan trải nghiệm thì có thể thăm quan qua các video,  xem sân khấu hóa Truyện Kiều trên trên youtube: ngâm Kiều, hát ví Kiều, hát đố kiều, xẩm Kiều, kịch Kiều, chèo Kiều…, hoặc qua kết nối Skype).

Giai đoạn 4 - dạy học chuyên đề Nguyễn Du và Truyện Kiều: Gắn với dự án là dạy học chuyên đề Nguyễn Du và Truyện Kiều trong SGK Ngữ văn 10, tập 2 với thời lượng 6 tiết trên lớp: 1 tiết về tác giả Nguyễn Du và khái quát về Truyện Kiều, 5 tiết dành cho các đoạn trích: Thề nguyền, Trao duyên, Nỗi thương mình, Chí khí anh hùng.

Việc dạy học chủ đề sẽ được kết hợp với hình thức dạy học từ di sản và dạy học theo hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Giáo viên yêu cầu học sinh đọc toàn văn Truyện Kiều, nắm những nét tổng thể về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều để hiểu cụ thể và sâu hơn về các đoạn trích.

Giai đoạn học chủ đề phải gắn với các nhiệm vụ cụ thể, ít nhất gắn với 2 đề tài thuyết trình. Ví dụ: “Con đường hình thành thiên tài Nguyễn Du”, “Tình yêu Kim- Kiều từ góc nhìn của giới trẻ”.

Giai đoạn 5 - hoàn thành sản phẩm và tổng kết dự án

Kết thúc dự án, học sinh nộp sản phẩm đã đăng kí ban đầu: các bài thu hoạch, các bài cảm nhận, các bài phỏng vấn, bài phóng sự, thơ, nhạc, thư pháp, tranh và biên tập thành tập san.Sản phẩm là các video, clip, sơ đồ tư duy vẽ bằng phần mềm Iminmap, sản phẩm sân khấu như diễn trò Kiều, hát ly, ví, xẩm Kiều...

Giáo viên đánh giá và thẩm định sản phẩm, tổ chức buổi tổng kết dự án, đánh giá vai trò, ý nghĩa của dự án, rút ra những bài học kinh nghiệm, những kiến nghị, đề xuất và các hình thức mở rộng dự án, quảng bá dự án. Có hình thức khen thưởng và trao giải cho những sản phẩm tốt, đặc sắc.

Việc dạy học theo dự án giúp học sinh có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về giá trị, ý nghĩa, sức sống, sức lan tỏa Truyện Kiều, khơi dậy niềm yêu  thích và đam mê của thế hệ trẻ với kiệt tác của dân tộc. Bên cạnh đó dạy học Truyện Kiều từ phương pháp dạy học theo dự án góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đặc biệt học sinh được phát triển nhiều năng lực, rèn luyện nhiều kĩ năng như giao tiếp, kĩ năng lập kế hoạch, tổ chức, kĩ năng thuyết trình, phản biện, kĩ năng tự học, thu thập và xử lí tài liệu, kĩ năng Công nghệ thông tin… Dạy học theo dự án còn góp phần định hướng nghề nghiệp, các em học sinh phát hiện ra thế mạnh và sở trường của bản thân, phát huy các phẩm chất: hòa đồng, tự tin, thấu hiểu và chia sẻ… Dạy học theo dự án còn có ý nghĩa thực tiễn thiết thực là hình thành tư liệu học tập mới từ các sản phẩm chất lượng của học sinh.

Dạy học Nguyễn Du và Truyện Kiều theo dự án đã giúp cho cả giáo viên và học sinh phát triển, hoàn thiện nhiều tri thức, kĩ năng, đặc biệt là hiểu biết sâu rộng, có niềm đam mê Truyện Kiều, ý thức trách nhiệm phát huy, lan tỏa các giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều. Nhờ đó mà trong cuộc thi “Tìm hiểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều” của giáo viên và học sinh trường THPT Nguyễn Du đạt thành tích cao với giải nhất tập thể. Giáo viên đạt giải nhất, 5 học sinh đạt các giải: nhất, nhì, ba và khuyến khích.

Dạy học Ngữ Văn nói chung và chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều nói riêng từ phương pháp dạy học theo dự án phù hợp mục tiêu dạy học Ngữ văn hiện nay: chú trọng dạy chữ, dạy người và hướng nghiệp. Để cho sức sống của Truyện Kiều thực sự bền vững dài lâu thì việc tạo môi trường tiếp cận tác phẩm cho giới trẻ quyết định một phần không nhỏ.

Tôi rất mong phương pháp dạy học theo Dự án: “NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU TRONG LÒNG THẾ HỆ TRẺ” được nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng học tập vì ý nghĩa Văn hóa, văn học, ý nghĩa Giáo dục và ý nghĩa thực tiễn của nó./.

(1) Triển khai đề tài SKKN cấp tỉnh.

    Nguyễn Thị Duyên – GV. THPT Nguyễn Du

Chủ đề