Có nhà máy cháo có lò đúc muôi

Cách đây 70 năm, nạn đói khủng khiếp 1944 – 1945 cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người dân Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, gây đau thương, tang tóc cho dân tộc.

Những bức ảnh chưa công bố về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam

Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh đã tặng bạn mình là nhà sử học Nguyễn Quang Ân một số bức ảnh về nạn đói. Nhà sử học Nguyễn Quang Ân cho biết, ông chưa sử dụng và công bố những bức ảnh này trước đây...

Vì sao đói?

Vì sao dân chết đói nhiều như vậy? Trước hết là do Phát xít Nhật và thực dân Pháp chuẩn bị cho chiến tranh, cướp hết thóc gạo của dân, chúng bắt dân nhổ lúa trồng đay và trồng cây thầu dầu. Tiếp đó là thời tiết ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lương thực tại miền Bắc, khiến mất mùa 3 vụ liền. Rồi tháng 8-1945, một trận lũ khủng khiếp đã gây vỡ đê tại 79 điểm, ngập lụt 11 tỉnh ở miền Bắc, ảnh hưởng tới cuộc sống của 4 triệu người… Sau cơn lũ là bệnh dịch tả lây lan nhanh và rộng khắp, người dân không có thuốc men, lương thực khiến cho nạn đói càng thêm trầm trọng.

Lâu nay, mọi người vẫn quen nói “nạn đói năm Ất Dậu 1945”. Nhưng thực ra, nạn đói ấy bắt đầu từ tháng 3-1944 kéo dài sang nửa đầu năm 1945 và chỉ thực sự chấm dứt vào tháng 8-1945.

Đói như thế nào?

Nạn đói xảy ra ở khắp tỉnh Thái Bình là khủng khiếp nhất. Số người chết nhiều không đếm xuể là ở cây số 3, Quốc lộ 10 từ Thái Bình đi Nam Định.

Những người đang chờ chết

Trong cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình”, xuất bản năm 1986 có ghi: “Năm 1945, cả tỉnh có 280.000 người chết đói, mất 1/4 tổng dân số. Những địa phương chết nhiều nhất là xã Tây Lương (Tiền Hải) 67%; Sơn Thọ (Thái Thụy) 79%; xã Thanh Nê (Kiến Xương) có 4.164 người thì chết gần 2.000 người; xã Tây Ninh (Tiền Hải) có 171 gia đình chết không còn một ai…”.

Viện Sử học Việt Nam có lưu bức thư của một tác giả nước ngoài là Vespy viết tháng 4-1945 tả về thảm cảnh nạn đói: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt, người nào người ấy rúm ró dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương, ngay cả những thiếu nữ đến tuổi dậy thì đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế.

Thỉnh thoảng họ dừng lại vuốt mắt cho một người đã ngã và không bao giờ dậy được nữa… người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người”.

Cụ Lại Văn Hằng năm nay 87 tuổi ở thôn Trung Tiến, xã Tây Lương (Tiền Hải) nhớ mãi hình ảnh 2 mẹ con nằm ngay bên vệ đường, mẹ chết trước, ánh mắt con đờ đẫn cứ nằm trên bụng mẹ bú mẩu da nhỏ dính trên bộ ngực toàn xương xẩu.

Có người đàn ông mang theo mấy củ khoai cùng với nắm cơm làm lương thực ăn dọc đường. Xung quanh ông là những con người nằm im bất động, sống hay chết cũng không biết. Mệt quá nên ông đành ngồi lại nghỉ ngơi thì bất thần những thây ma ngóc đầu dậy, rồi xúm vào vồ lấy nắm cơm. Có một người giật được, cho ngay vào mồm, nhưng chưa kịp nuốt thì đã bị những kẻ khác dùng tay bóp nghẹt cổ họng, thè cả lưỡi và rơi miếng cơm ra. Cả nhóm lại nhảy vào xâu xé miếng cơm đó...

Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tây Lương (Tiền Hải) ghi rõ: Gia đình bà Nhang Vui ở xóm Trại (Hoàn Khê) có 30 người thì tới 27 người chết đói. Gia đình ông Hoàng Bê ở thôn Hiên, có 5 người gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con, chết sạch cả nhà mà không ai biết. Gia đình cụ Hoàng Phúc 4 thế hệ gồm bố, con, cháu, chắt, tổng số 31 người thì chết 26 người. Một ngõ ở xóm giữa thôn Thượng, có 9 gia đình với 61 nhân khẩu thì chết đói mất 59 người. Bên cạnh đó, còn có nhiều gia đình cả con, cháu tới 23-24 người chết không còn một ai. Theo số liệu thống kê của các dòng họ, hậu quả của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu khiến 3.968 người ở xã Tây Lương bị chết. Người chết nhiều đến nỗi những người còn sống không chôn kịp.

Cụ Lại Văn Hằng kể tiếp: Nạn đói ập đến vào năm cụ 17 tuổi. Cụ theo mọi người trong làng đi bắt chuột, đào củ chuối, hái rau má, bẻ cây ngô... Cuối cùng tất cả cũng hết. Có người ăn cả đất, có người ăn cả trấu, mùn cưa, lại có người thấy quan Tây cưỡi ngựa đi qua, họ liền đi theo hốt phân về đãi, hy vọng tìm thấy những hạt ngô chưa bị tiêu hóa hết để nấu lên ăn. Ở xóm này, họ Lại nhà cụ chết nhiều nhất. Ở xã Tây Lương, họ Tô là dòng họ lớn nhất. Nhưng trong nạn đói, dòng họ Tô ở xóm Trại, thôn Nghĩa chỉ còn duy nhất ông Tô Văn Nuôi sống sót. Năm 17 tuổi thì ông xung phong đi bộ đội.

Cạnh Bảo tàng tỉnh Thái Bình cách đây 70 năm là trại tế bần do những thân hào, nghĩa sĩ yêu nước đứng ra thành lập. Họ vận động những nhà giàu có trong vùng quyên góp để nấu cháo phát chẩn cứu đói. Và sau này, người ta gọi đây là “Nhà máy cháo” đi kèm với câu thơ: “Thái Bình có cái cầu Bo/ Có nhà máy cháo, có lò đúc muôi”.

Cũng từ nạn đói năm 1945, dân Thái Bình lũ lượt bỏ quê, đi khắp nơi kiếm sống. Do đó mới có câu ca: “Thái Bình là đất ăn chơi/ Tay bị, tay gậy khắp nơi tung hoành”.

Năm 1993, các nhà sử học về tìm hiểu lại nạn đói ở Thái Bình, không ai cầm nổi nước mắt khi nghe các nhân chứng kể chuyện.

Nông thôn mới và Thái Bình hôm nay

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Xuyên, Phó chủ tịch tỉnh Thái Bình cho biết: Từ năm 2011, Thái bình được chọn làm điểm về phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước. Đến nay, 130/280 xã của tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn hơn 3%, là tỉnh dẫn đầu cả nước về giao thông nông thôn từ năm 1995.

Tỉnh đã có 10 khu công nghiệp với 126/144 dự án đi vào hoạt động hiệu quả. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRNP) tăng gần 8%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (5,8%).

Khách sạn Dầu khí Thái Bình

Trung tâm Điện lực Thái Bình đang xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy với vốn đầu tư 2,1 tỉ USD, có công suất 1.800MW. Tại đây có Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư, dự kiến phát điện vào cuối năm 2016.

Từ thành phố Thái Bình về đến xã Tây Lương (Tiền Hải) là chặng đường chừng 20km. Hôm nay hai bên đường nhựa phẳng phiu là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, nhìn hút tầm mắt. Không ai nghĩ, gần 70 năm trước, nơi đây là một tâm điểm của chết đói.

Từ Tây Lương đi về hướng biển là khu công nghiệp Tiền Hải với nhà máy sứ nổi tiếng và các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng dùng khí ga. Đầu tháng Tám này, dòng khí thiên nhiên đầu tiên do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác ngoài khơi đã được dẫn về đến Trung tâm phân phối khí Tiền Hải. Đây là dự án do PV GAS làm chủ đầu tư với mức vốn hơn 91 triệu USD. Dòng khí này sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế ở đồng bằng Bắc bộ nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng.

Thái Bình cũng là cái nôi sinh ra ngành Dầu khí Việt Nam. Nhiều cán bộ của ngành Dầu khí là người Thái Bình, đã cống hiến trọn đời và trưởng thành tại những lĩnh vực khác nhau trong ngành Dầu khí. Những năm gần đây, các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ủng hộ cho Thái Bình hàng trăm tỉ đồng xây dựng các công trình phúc lợi, xóa đói giảm nghèo và làm từ thiện giúp đỡ các gia đình chính sách.

Ở cây số 3 trên Quốc lộ 10 xưa kia xác người chết đói chồng chất nay đã trở thành khu công nghiệp Phúc Khánh với hàng chục nhà máy mọc lên. Ngay trung tâm thành phố Thái Bình là tòa nhà Khách sạn Dầu khí cao 20 tầng được xây dựng từ năm 2010. Khi đào móng xây khách sạn, các công nhân đã phải cất bốc 500 hài cốt người chết đói năm xưa còn sót lại. Và nơi có “Nhà máy cháo” năm 1945 nay là tòa nhà bảo tàng của tỉnh và quảng trường thành phố.

Đói năm Ất Dậu 1945 đối với người dân Thái Bình sẽ mãi mãi đi vào dĩ vãng!

TÔI LÀ DÂN “THÁI LỌ”

Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, gọi cái bình là cái lọ. Người Nam ta gọi cái để cắm hoa là “bình bông”, còn quê tôi gọi đó là cái “lọ hoa”. Vì vậy cứ có người hỏi, bác quê ở đâu thì tôi đều nói vui rằng tôi quê ở “Thái Lọ”.

Chỉ là vui thôi mà, nhưng không khỏi có người nghĩ tôi coi thường quê hương mình. Nhất là khi tôi nhắc đến bài vè:

Thái Bình có cái cầu Bo

Có nhà máy cháo, có lò đúc muôi (miền nam gọi là cái muỗng)

Thái Bình là đất ăn chơi

Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành…

Thái Bình có dân giàu thay

“Va-li” gậy trúc chiều nay lên đường

Hiên ngang đi giữa phố phường

Dang tay ôm lấy tình thương đồng bào

Năm xu cho chí một hào

Củ khoai củ sắn bỏ vào va-li…

Bạn đừng tưởng bài vè này người ta sáng tác ra là để chế diễu dân Thái Bình? Không đâu, nó nói lên một giai đoạn lịch sử của dân Thái Bình đó. Điển hình là tháng Ba năm 1945, thời gian mà Thái Bình và Nam Định có hai triệu dân bị chết đói (Lịch sử đã ghi lại, vì vậy tôi không cần nói về nguyên nhân của nạn đói năm ấy). Chúng tôi, những người dân Thái Bình tự hào rằng mình đã vươn lên, đứng lên từ sự khốn khó đó. Gần hai mươi năm đầu đời của tôi đã ở đó, đã nếm trải những sự cay đắng ở đó và cũng tham gia với người dân quê tôi chống lại kẻ chiếm đóng là thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Pháp, quê tôi có làng Nguyễn, suốt cuộc kháng chiến chín năm, Pháp chẳng thể vào được làng. Sau này làng Nguyễn được Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng”. Cầu Bo của Thái Bình đã có một thời gọi tên là cầu “Trời ơi”, vì quân Pháp thường mang người mình ra đó bắn rồi hất xác xuống sông Trà Lý. Mỗi tiếng súng nổ là người ta lại nghe tiếng kêu “Trời ơi”. Xuất phát của cái tên oan nghiệt đó, bắt nguồn từ đây. Đến thời chống Mỹ, quê tôi có khẩu hiệu: “Lúa không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến, hai mươi năm (1954-1975), thanh niên quê tôi gia nhập quân đội rất đông, nhưng hầu như không có kẻ đào ngũ. Thanh niên trai tráng trong làng ra trận, việc đồng ruộng do bàn tay những người phụ nữ đảm nhiệm. Ấy thế mà, Thái Bình chính là tỉnh đầu tiên đạt năng suất lúa năm tấn trên một hec-ta. Nhạc sĩ Hoàng Vân, từ cảm hứng đó đã viết bài hát:

“Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh

“Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình

“Hai chị em trên hai trận tuyến

“Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang…”

Thái Bình là nơi “đất chật, người đông”, bình quân ruộng đất trên đầu người chỉ có ba sào Bắc bộ (1 sào bằng 360 mét vuông), chứ không phải sào của Nam bộ (1.000 mét vuông). Dân tôi gọi đó là “cái xiềng ba sào”, dân số ngày một tăng lên, chứ ruộng đất có đẻ thêm được đâu, vì vậy từ đời này sang đời khác, không có cách gì gỡ bỏ cái xiềng đó.

Thái Bình còn có người Việt Nam đầu tiên (cũng có thể nói người châu Á đầu tiên) thực hiện chuyến bay vào vũ trụ với các phi công Xô Viết. Nhiều người vẫn còn diễu rằng, cái anh Phạm Tuân này ngồi “port de bagage” (pooc-ba-ga – phần để chở hàng của cái xe đạp) để đi nhờ lên vũ trụ. Thì cũng có sao? Đâu phải ai muốn ngồi để người ta đèo lên là được đâu!

Chẳng riêng gì Thái Bình, cái thời ngày xưa khốn khó ấy, chẳng thể nói ai giàu hơn ai. Người ta đặt ra những bài hò vè, theo kiểu dân gian, một người xướng, những người khác họa theo, thế là thành một bài vè hoàn chỉnh. Thí dụ, đố ai làm cho người Thanh Hóa tức giận khi đọc bài vè “Dô tá dô tà”, trong đó có câu

“Nông nghiệp nhà nhà

“Trồng cây rau má

“Biển khơi lắm cá

“Mười mẻ một cân…

Vì đó là một thời khốn khó của Thanh Hóa cũng như của bao nhiêu tỉnh thành khác. Thanh Hóa chẳng hơn gì, cũng đi lên từ sự khốn khó đó, để làm nên một Thanh Hóa ngày nay có nền kinh tế đứng thứ Chín trong sáu mươi tư tỉnh và thành phố. Vậy thì đáng buồn hay đáng tự hào? Quá khứ chỉ là một tấm gương để ta soi rọi vào đó để so sánh với cái ta có hôm nay, coi chúng to lớn nhường nào?

Tôi tự hào là người Thái Bình có quá khứ nghèo khổ. Bạn tự hào là dân của quê hương bạn cũng đã làm nên lịch sử cho riêng mình, bắt đầu từ những sự khốn khó đó. Tự hào quá phải không bạn?

Tháng 2/2018

Ph. T. Kh.

Hình trong bài: Nạn đói năm 1945

Video liên quan

Chủ đề