Điểm đại học 2023

Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường ĐH loại bỏ các phương thức xét tuyển đại học không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây vướng mắc cho thí sinh.

Bộ GD-ĐT vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về một số nội dung chính trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022. 

Xem xét khuyến cáo không thực hiện việc xét tuyển sớm

Trong báo cáo này, Bộ GD-ĐT cho biết công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình xét tuyển.

Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn có tính logic. Đồng thời, Bộ sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. 

Điểm đại học 2023
Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường bỏ phương thức xét tuyển không phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các cơ sở đào tạo không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022, mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1.

Giảm điểm ưu tiên đối với thí sinh có kết quả điểm xét tuyển cao

Cũng theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2023, Bộ áp dụng chính sách giảm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực đối với thí sinh có kết quả điểm xét tuyển cao (từ 22,5 điểm trở lên khi quy đổi theo thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn) nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển ĐH, CĐ.

Điều này xuất phát từ việc năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược... thì tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh phải có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở lên thiếu công bằng. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến và việc rà soát  điểm ưu tiên năm 2020, 2021  nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên với các thí sinh không hưởng chính sách ưu tiên.

Theo đó, chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực trong tuyển sinh năm 2023 sẽ giảm tuyến tính từ mức điểm gây mất công bằng đối với tổng 3 môn thi THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Quy chế quy định. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:

Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Quy chế.

Sẽ điều chỉnh trong việc cộng điểm ưu tiên

Trao đổi với Dân trí trong buổi tọa đàm trực tuyến tư vấn tuyển sinh 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT dẫn lại câu chuyện những năm trước đây có thí sinh đạt 30 điểm - số điểm tuyệt đối cho một tổ hợp xét tuyển (không môn nào nhân hệ số) vẫn không đỗ được vào ngành hot.

Lý do bởi điểm chuẩn ngành này rất cao, nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên đã đạt trên 30 điểm và trúng tuyển. "Đây là câu chuyện chúng ta đang phải giải quyết bằng những chính sách cụ thể", PGS Thủy nhấn mạnh.

Điểm đại học 2023
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT (chính giữa) tại buổi tọa đàm trực tuyến tư vấn tuyển sinh đại học cao đẳng 2022 do báo Dân trí tổ chức - Ảnh: Mạnh Quân.

Theo bà Thủy, từ kỳ tuyển sinh năm sau (tức năm 2023) sẽ có sự điều chỉnh trong việc cộng điểm ưu tiên. Cụ thể, với những thí sinh đã đạt điểm rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, mức độ cộng điểm ưu tiên (như ưu tiên về đối tượng, ưu tiên về khu vực) sẽ giảm dần, giảm tuyến tính; sao cho những em đã đạt 30 điểm không cần cộng điểm ưu tiên nữa.

"Tôi tin rằng những bạn đã đạt thành tích cao như vậy, chắc chắn cũng không muốn mình trúng tuyển vào đâu đó mà phải có sự ưu tiên hơn những người khác. Chính vì thế, cũng sẽ không có chuyện điểm chuẩn cao hơn 30 điểm nữa, đảm bảo quyền lợi công bằng hơn cho các em. Sự điều chỉnh này cũng sẽ đảm bảo công bằng trong tiếp cận với giáo dục đại học, tiếp cận vào những trường đại học tốt nhất của Việt Nam cho tất cả thí sinh.", PGS Thủy nhấn mạnh.

"Chúng tôi tin rằng các trường đại học cũng sẽ ủng hộ, bởi chúng ta cũng mong có các thí sinh phù hợp với yêu cầu đầu vào có thể là rất cao, đáp ứng được chuẩn mực cao của Việt Nam và thế giới. Lúc đó, chúng ta mới đẩy mạnh được tốc độ phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, ngang tầm với khu vực và thế giới", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.

Trước đó, quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, năm 2022, mức điểm cộng ưu tiên vẫn được tính như sau:

Về ưu tiên theo khu vực, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Về ưu tiên theo đối tượng chính sách, mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng ƯT1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng ƯT2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm. Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.

Tuy nhiên, quy chế cũng nhấn mạnh, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định.

Như vậy, nếu một thí sinh đạt 30 điểm, điểm ưu tiên của em sẽ là 0 điểm (dù có thuộc đối tượng hoặc khu vực ưu tiên).

Điểm đại học 2023
PGS Thủy khẳng định, việc điều chỉnh cộng điểm ưu tiên sẽ đảm bảo công bằng trong tiếp cận với giáo dục đại học cho tất cả thí sinh - Ảnh: Mạnh Quân.

Tiến tới xét tuyển đại học quanh năm

Về vấn đề "đề thi tốt nghiệp THPT chưa đáp ứng được việc phân loại thí sinh một cách rõ rệt, phục vụ yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học top đầu", bà Thủy chia sẻ, tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam đang còn ở mức rất thấp so với khu vực và thế giới.

Hiện tỷ lệ sinh viên đang học đại học ở Việt Nam so với tổng số người trẻ ở độ tuổi này thấp hơn so với các nước khoảng 15-17 năm. Bởi vậy, chúng ta cần nâng cao dân trí bằng cách tăng cường giáo dục đại học. "Chúng ta đừng nghĩ rằng đang "thừa thầy thiếu thợ". Thực tế là chúng ta đang thiếu cả "thầy" và "thợ", PGS Thủy nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, hệ thống giáo dục đại học có phân tầng nhất định theo top đầu, top giữa, top dưới. Việc dùng điểm thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của các trường đại học ở mức trung bình; thuận lợi và tiết kiệm cho công tác tuyển sinh. Với các trường đại học top đầu, việc lựa chọn nhân tài cần những kỳ thi đánh giá năng lực riêng, đảm bảo các bạn theo học tốt nhất ở những ngành tiên tiến.

"Chúng ta cần cái nhìn công bằng để thấy giá trị của kỳ thi tốt nghiệp THPT là có, không chỉ phục vụ cho việc tốt nghiệp mà đang hỗ trợ các trường đại học trong tuyển sinh", PGS Thủy nói.

PGS Thủy cũng khẳng định, hệ thống tuyển sinh của Việt Nam đang đi theo đúng xu hướng phát triển của thế giới. Dần dần, khi có những kỳ thi chuẩn hóa quanh năm, thí sinh có thể dùng kết quả đó để ứng tuyển vào đại học quanh năm, không giới hạn.