Gánh chịu rủi ro là gì

Rủi ro thị trường là gì?

  • 1. Cơ sở pháp lý
  • 2. Rủi ro thị trường là gì?
  • 2.1. Khái niệm rủi ro thị trường
  • 2.2. Đặc điểm của rủi ro thị trường
  • 3. Vì sao phải quản trị rủi ro thị trường?
  • 4. Các loại rủi ro thị trường là gì?
  • 5. Rủi ro lãi suất là gì? Ảnh hưởng của rủi ro lãi suất với hoạt động ngân hàng
  • 6. Rủi ro ngoại hối là gì? Ảnh hưởng của rủi ro ngoại hối với hoạt động ngân hàng

Thưa luật sư. Hiện tôi đang nghiên cứu về rủi ro thị trường trong hoạt động ngân hàng thương mại. Rất mong được luật sư giải đáp giúp tôi nội dung thắc mắc sau đây. Rủi ro thị trường trong hoạt động ngân hàng là gì? Và có những loại rủi ro thị trường nào ạ? Rất mong nhận được giải đáp của luật sư. Xin chân thành cảm ơn! (Đinh Hiếu - Sơn La)

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc tới công ty luật Minh Khuê. Nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

1. Cơ sở pháp lý

- Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017

- Thông tư 13/2018/TT-NHNN

- Thông tư 40/2018/TT-NHNN

2. Rủi ro thị trường là gì?

2.1. Khái niệm rủi ro thị trường

Rủi ro thị trường được định nghĩa là khả năng xảy ra mất mát đối với ngân hàng do sự thay đổi của các yếu tố thị trường. Đó là rủi ro mà giá trị của các trạng thái nội hoặc ngoại bảng cân đối kế toán chịu ảnh hưởng bất lợi bởi những biến động trong thị trường chứng khoán, lãi suất, tỷ giá hối đoái hay giá cả hàng hoá, hay là rủi ro đối với thu nhập và vốn của ngân hàng do sự thay đổi trên thị trường về lãi suất về giá chứng khoán, tỷ giá, giá cả hàng hóa. Rủi ro thị trường có thể được phát hiện một cách rõ ràng trong các danh mục đầu tư như chứng khoán (Cổ phiếu, trái phiếu, các phái sinh chứng khoán như các hợp đồng kỳ hạn, tương lai, swaps, quyền chọn…), hàng hoá (các sản phẩm phái sinh hàng hóa, các tài sản nợ, có mà dòng tiền được xác định căn cứ vào giá cả hành hóa hay chỉ số giá cả hàng hóa…) do các loại hình đầu tư này được giao dịch một cách trực tiếp. Rủi ro thị trường được xác định qua các khoản mục chịu rủi ro tỷ giá như các giao dịch ngoại hối, các khoản mục tài sản nợ, tài sản có bằng ngoại hối, các sản phẩm phái sinh của các giao dịch ngoại hối, các khoản mục nợ có mà dòng tiền được xác định dựa vào tỷ giá. Tuy nhiên, rủi ro thị trường còn chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi một yếu tố ngầm đó là rủi ro lãi suất, phát sinh do có sự không khớp đúng về thời hạn hay qui mô huy động và sử dụng vốn, ảnh hưởng đến lưu chuyển tiền tệ của ngân hàng. Các khoản mục chịu rủi ro lãi suất như các khoản tiền gửi, các khoản tiền vay, trái phiếu, các sản phẩm phái sinh tài chính... Bên cạnh đó rủi ro thị trường còn xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân khác mà không được thể hiện trên bảng cân đối kế toán. Hiểu một cách tổng quan nhất thì rủi ro thị trường là khả năng hứng chịu một kết quả thua lỗ trong kinh doanh khi mà thị trường có những biến động và thay đổi ngược chiều so với dự đoán của ngân hàng. Các yếu tố rủi ro chính trên thị trường được xác định qua sự chênh lệch về lãi suất, tỷ giá, chứng khoán và giá cả hàng hóa.

2.2. Đặc điểm của rủi ro thị trường

- Rủi ro thị trường là loại rủi ro được yêu cầu trong trụ cột thứ nhất (yêu cầu vốn tối thiểu) của Basel.

- "Rủi ro thị trường phát sinh từ những thay đổi bất lợi về giá trị của các trạng thái hoặc các danh mục tài sản do những thay đổi trong giá cả thị trường, lãi suất hay tỉ giá. Khi thực hiện giao dịch cho chính mình, các ngân hàng xem xét tác động của rủi ro thị trường trực tiếp đối với trạng thái trong sổ kinh doanh của ngân hàng cũng như trong mối liên hệ với vai trò của ngân hàng như là một trung gian tài chính cho các khách hàng" (Basel II)

- Rủi ro thị trường ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của toàn bộ thị trường.

- Rủi ro thị trường không thể phòng ngừa bằng đa dạng hóa.

- Rủi ro thị trường bao gồm:

+ Rủi ro cụ thể (rủi ro riêng): rủi ro do một thay đổi bất lợi trong giá của một chứng khoán là do các yếu tố đó chỉ áp dụng chứng khoán đó hoặc tổ chức phát hành đó.

+ Rủi ro toàn bộ: Rủi ro của một thay đổi bất lợi trong giá thị trường được áp dụng trên tất cả các công cụ khác nhau.

3. Vì sao phải quản trị rủi ro thị trường?

Hoạt động của các ngân hàng thương mại thường đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro thị trường. Hiện nay, cùng với quá trình đổi mới cơ chế quản lý là xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và trở thành xu thế tất yếu đối với bất kỳ nền kinh tế nào, điều đó cũng hoàn toàn đúng đối với Việt Nam. Sau khi gia nhập vào tổ chức thương mại thế giới (WTO), mức độ hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu ngày càng sâu và rộng. Hội nhập có thể mang đến cho các ngân hàng Việt Nam cơ hội trong việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm quản trị cũng như tận dụng công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ từ những quốc gia có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, hội nhập cũng làm nảy sinh ngày càng nhiều những khó khăn và thách thức, mà thách thức khôn lường đối với ngân hàng thương mại là những lực lượng rủi ro trong kinh doanh cùng với các yếu tố thị trường ngày càng phức tạp đã được giải phóng và xuất hiện ngày một nhiều hơn và có tính chất phức tạp hơn. Bởi lẽ: Sự đa dạng hóa sản phẩm tài chính ngân hàng thì mức độ rủi ro ngày càng lớn; môi trường tài chính biến động không ngừng và khó kiểm soát, rất dễ xảy ra phản ứng dây chuyền. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại Việt Nam lại thiếu kinh nghiệm thực tế, lúng túng trong cách điều hành và kiểm soát các hoạt động kinh doanh tiền tệ. Vì vậy, song song với mục tiêu phát triển toàn diện thì quản trị tốt rủi ro thị trường để tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định đang là áp lực lớn của tất cả cángân hàng thương mại Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc quản trị rủi ro thị trường nhằm giảm thiểu những mất mát cho ngân hàng thương mại là vấn đề hết sức quan trọng. Từ cuối năm 2002, để tăng cường hơn nữa khả năng chịu đựng của ngân hàng thương mại bởi tình huống xấu trong hoạt động kinh doanh, cũng như để đảm bảo tính an toàn của cả hệ thống, Ủy ban giám sát họat động ngân hàng có trụ sở tại Basel đã ban hành các qui định để chuẩn hóa quản trị rủi ro thị trường. Từ đó đến nay, các công cụ và phương pháp lượng hóa các giá trị chịu rủi ro thị trường đã và đang được cải tiến và đầu tư liên tục.

Tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 13/2018/TT-NHNN giải thích "Quản lý rủi ro là việc nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro trong hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài."

4. Các loại rủi ro thị trường là gì?

Tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 40/2018/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung khoản 24 Điều 3 Thông tư 13/2018/TT-NHNN, (có hiệu lực ngày 12/02/2019), quy định:

Rủi ro thị trường là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá vàng, giá chứng khoán và giá hàng hóa trên thị trường. Rủi ro thị trường bao gồm:

- Rủi ro lãi suất là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất trên thị trường đối với giá trị của giấy tờ có giá, công cụ tài chính có lãi suất, sản phẩm phái sinh lãi suất trên sổ kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Rủi ro ngoại hối là rủi ro do biến động bất lợi của tỷ giá, giá vàng trên thị trường khi ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ, trạng thái vàng;

- Rủi ro giá cổ phiếu là rủi ro do biến động bất lợi của giá cổ phiếu trên thị trường đối với giá trị của cổ phiếu, giá trị chứng khoán phái sinh trên sổ kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Rủi ro giá hàng hóa là rủi ro do biến động bất lợi của giá hàng hóa trên thị trường đối với giá trị của sản phẩm phái sinh hàng hóa, giá trị của sản phẩm trong giao dịch giao ngay chịu rủi ro giá hàng hóa của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

5. Rủi ro lãi suất là gì? Ảnh hưởng của rủi ro lãi suất với hoạt động ngân hàng

Rủi ro lãi suất tại các ngân hàng thương mại là những tổn thất tiềm tàng mà Ngân hàng phải gánh chịu khi lãi suất thị trường biến động. Rủi ro lãi suất là nguy cơ biến động thu nhập và giá trị ròng của ngân hàng khi lãi suất thị trường biến động. Trong hoạt động ngân hàng, việc chấp nhận loại rủi ro này là điều bình thường và rủi ro này cũng ảnh hưởng tới khả năng sinh lời và giá trị cổ đông. Tuy nhiên Rủi ro lãi suất cao sẽ đe dọa đến lợi nhuận và vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Biến động lãi suất trên thị trường sẽ làm thay đổi lợi nhuận hiện tại của ngân hàng (current interest earning) thông qua việc thay đổi thu nhập ròng, thu nhập nhạy cảm lãi suất và các chi phí hoạt động của ngân hàng. Thay đổi của lãi suất cũng làm thay đổi giá trị định giá lại tài sản có, tài sản nợ và các công cụ ngoại bảng khác vì giá trị hiện tại (Present Value) của các dòng tiền trong tương lai thay đổi khi lãi suất thay đổi. Nói một cách khác lãi suất thay đổi có ảnh hưởng tới giá trị thị trường của các khoản đầu tư và các tài sản Nợ của ngân hàng. Sự thay đổi này có thể không tác động ngay tới bảng báo cáo thu nhập (income statement) của ngân hàng nhưng ngày càng trở nên quan trọng.

Sự thay đổi của lãi suất tác động tới thu nhập và giá trị kinh tế của các tài sản đã cho thấy sự biến động trong tương lai của lãi suất có thể tác động tới tình hình tài chính của ngân hàng. Khi đánh giá về mức độ Rủi ro lãi suất, một ngân hàng cũng nên tính đến tác động của lãi suất trong quá khứ có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động trong tương lai, điển hình như các công cụ trong thị trường tiền tệ không được định giá lại theo thị trường có thể đã có lợi nhuận hoặc mất mát do những sự thay đổi của lãi suất. Lợi nhuận hoặc thua lỗ này có thể đã được thể hiện trong thu nhập của ngân hàng qua thời gian. Ví dụ một món cho vay dài hạn có lãi suất cố định được giải ngân tại thời điểm có lãi suất thấp khi bên Nguồn vốn phải chịu lãi suất cao hơn thì trong thời gian còn lại của khoản vay sẽ gây ra lỗ cho ngân hàng.

6. Rủi ro ngoại hối là gì? Ảnh hưởng của rủi ro ngoại hối với hoạt động ngân hàng

Rủi ro ngoại hối là khả năng rủi ro hiện tại hoặc tương lai phát sinh đối với thu nhập và vốn do những biến động bất lợi về tỷ giá hối đoái. Rủi ro hối đoái bao gồm phần lớn là rủi ro tỷ giá – là những tổn thất gây ra do sự biến động cuả tỷ giá. Rủi ro tỷ giá có thể gây ra những thiệt hại to lớn cho ngân hàng, thậm chí có thể dẫn tới phá sản ngân hàng nếu không có các biện pháp quản trị và kiểm soát chặt chẽ. Rủi ro ngoại hối đặc biệt hay xảy ra đối với những khoản thu nhập hay chi trả có liên quan tới ác loại ngoại tệ có sự biến đổi mạnh về tỷ giá như EUR, USD, JPY, GBP….

Một ngân hàng với một trạng thái ngoại tệ mở lớn có khả năng đối mặt với thiệt hại đáng kể khi tỷ giá thay đổi. Một trạng thái mở đang có lãi có thể chuyển thành một sự mất mát lớn trong một thời gian ngắn. Ngân hàng chỉ chịu rủi ro ngoại hối khi duy trì trạng thái ngoại hối mở (open position). Tất cả các giao dịch làm phát sinh sự chuyển giao quyền sở hữu về ngoại tệ (hiện tại và tương lai) đều tạo ra trạng thái ngoại tệ, trong đó thông qua giao dịch mua bán là chủ yếu. Đối với mỗi ngoại tệ, tại một thời điểm, nếu tổng tài sản có lớn hơn tổng tài sản nợ (nội và ngoại bảng) thì ngoại tệ đó ở trạng thái trường. Khi đồng tiền này lên giá làm phát sinh lãi ngoại hối; và ngược lại, khi đồng tiền này giảm giá sẽ phát sinh lỗ ngoại hối. Nếu tổng tài sản có nhỏ hơn tổng tài sản nợ, thì ngoại tệ đó ở trạng thái đoản. Khi đồng tiền này lên giá làm phát sinh lỗ ngoại hối; và ngược lại, khi đồng tiền này giảm giá sẽ phát sinh lãi ngoại hối. Ngoài ra, nếu ngân hàng đầu cơ kinh doanh ngoại hối trên thị trường ngoại hối quốc tế thì phải tạo trạng thái và lợi dụng sự biến động liên tục của tỷ giá các loại đồng tiền để kiếm lời. Như vậy nguồn phát sinh rủi ro ngoại hối cũng bắt nguồn từ việc mở trạng thái giao dịch ngoại tệ.

Trên đây là bài viết của chúng tôi về nội dung "Rủi ro thị trường là gì? Các loại rủi ro thị tròng trong hoạt động của ngân hàng thương mại".

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập)