Hề chèo là nhân vật như thế nào

Tham gia công tác tại Đoàn chèo Hải Phòng từ năm 1999, nghệ sĩ Trần Quốc Kiên được công chúng yêu mến nghệ thuật thành phố nhắc đến và nhớ nhất qua các vai hề chèo.

Hề chèo là nhân vật như thế nào
Một cảnh diễn xuất của Quốc Kiên (thứ 2 từ phải sang) vai quan Nội Triều trong vở “Vùng sáng Dương Kinh”

Chia sẻ về các vai diễn của mình, nghệ sĩ Quốc Kiên cho biết: Hề chèo là một trong ngũ cung của bảng nhân vật quan thiết gồm năm mô hình cơ bản, làm nền sống động cho thế giới nhân vật chèo: đào, kép, lão, mụ, hề. Một phường chèo có giá trị của bất kỳ làng chèo nào ngày xưa, ít nhất cũng phải có ba diễn viên sáng giá nhất: một đào, một kép và một hề…

Nhân vật hề chèo thường được chia làm hai loại hề: hề áo ngắn và hề áo dài. Hề áo ngắn gồm có hề Gậy và hề Mồi. Hề Gậy thường là các anh chàng hề đồng lóc cóc chạy theo hầu thầy trên đường thiên lý, khi ra sân khấu do thường mang theo gậy đường trường hoặc cây đòn gánh, nên gọi nôm na là hề Gậy.

Hề Mồi là những nhân vật hầu hạ sai vặt, điếu đóm trong nhà hoặc lính canh, lính hầu nơi quan phủ, tư dinh… Nhân vật này ra sân khấu thường mang theo chiếc mồi quấn bằng giẻ tẩm mỡ, tẩm dầu đốt sáng như đuốc. Bó đuốc này còn tượng trưng cho bó đuốc dùng chiếu sáng canh phòng, dinh thự…

Do thân phận hầu hạ, hề Mồi hay ra trước dọn dẹp cung đình, đón quan đủng đỉnh ra sau, nên có thể gọi là những anh hề dọn lớp hoặc dọn dẹp đám.

Loại thứ hai của hề chèo là hề áo dài (còn gọi là hề tính cách). Những nhân vật này thường hả hê vui sướng tự giễu cợt mình, tự lột mặt nạ bản thân và tự đẩy mình vào tình huống lố bịch. Loại hề này cười cợt trên sân khấu chèo sân đình với đủ mọi giọng điệu phong phú: giễu vui, đả kích, đùa bỡn, trêu chọc, nghịch ngợm… với mục đích tự bôi bác mình.

Hề chèo là nhân vật như thế nào
Nghệ sĩ Quốc Kiên hóa thân vào vai quan Nội Triều trong vở chèo “Vùng sáng Dương Kinh” vừa được Hội đồng nghệ thuật thành phố thẩm định và đánh giá cao.

Hơn 20 năm trong nghề, Quốc Kiên tạo nên dấu ấn với công chúng thành phố từ các vai diễn như: vai Thạch Tỵ trong vở chèo dân gian “Thạch Sùng”; vai lãnh đạo thôn trong vở chèo hiện đại “Đường đến thành công”; các vai hề trong vở “Hai giọt nước”, “Lưu Bình Dương Lễ”; vai tướng Ô Mã Nhi trong vở chèo “Bạch Đằng Giang”; vai Phuống trong vở chèo “Đồng tiền vạn lịch”;  vai Hương câm trong vở chèo “Quan âm thị kính”;  vai Cao Kim trong vở chèo “Hoàng đế tiền Lê”; hề bếp trong “Định phúc Táo quân”; hề thức trong “Của thiên trả địa”; hề áo dài trong vở “Phúc đức tại tâm”; vai diễn thương lái Nhật Bản trong vở “Vùng sáng Dương Kinh”… mang lại cho anh tấm Huy chương Bạc liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2009 và vai Thạch Tỵ trong vở chèo dân gian “Thạch Sùng”- hề áo ngắn mang lại cho anh tấm huy chương Bạc lần thứ 2 tại Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2016.

Ông Vũ Huy Thành, Trưởng Đoàn chèo Hải Phòng cho biết: Nghệ sĩ Quốc Kiên luôn tìm tòi và thể hiện rất xuất sắc trong tất cả các vai diễn do anh đảm nhiệm, việc biểu diễn bằng cả hình thể và chất giọng là vai diễn “khó nhằn” nhất trong hề chèo, đó là khi nghệ sĩ Quốc Kiên vào vai những nhân vật chân tay què quặt nhưng anh vẫn thể hiện được các động tác lưu loát, nhuần nhuyễn, tạo nên sức hút và thành công qua từng vai diễn.

Ngoài ra, với chất giọng sáng, phù hợp với những vai hề qua đó, truyền cảm xúc đến người xem là điều mà không phải ai cũng có thể làm được.

Thành công với vai hề nhưng Nghệ sĩ Quốc Kiên không tự mãn với những gì mình đã làm được. Anh luôn muốn làm mới bản thân nên không ngại khó thử vai đào, kép, lão, mụ.

Tính ra trong hơn 20 năm công tác ở Đoàn Chèo Hải Phòng, với nhiều thành công từ các vai diễn, điểm đáng quý ở Quốc Kiên là anh rất say nghề.

Trên sân khấu, anh hóa thân hết mình với vai diễn, khóc - cười theo số phận nhân vật; cốt làm sao diễn và hát đạt nhất, làm thỏa mãn người xem.  

Bởi thế mà nhắc đến Đoàn chèo Hải Phòng ngày nay là mọi người thường nhớ ngay đến nghệ sĩ Quốc Kiên với những vai hề chèo.

Nói đến vai Hề, cũng là nói đến một nhân vật đã được định hình trên sân khấu chèo. Một vai phụ mang tính chất đệm với mục đích để mua vui trong những lớp diễn mà tính kịch dường như lắng xuống đôi chút. Ở những đoạn này sự xuất hiện của Hề là cần thiết.

Nói là mua vui, cũng là mới chỉ động đến cái bề nổi của Hề. Còn cái bề chìm sâu lắng nữa. Ðấy là diện mạo thật của Hề, tác giả của những tiếng cười châm biếm, đả kích, vạch trần những thói hư tật xấu của xã hội đương thời, mà tiêu biểu là tầng lớp quan lại thống trị, từ xã trưởng đến Vua quan phong kiến.

Thời ấy, làm gì có ai dám động đến Vua. Ấy vậy mà Hề lại dám kiện cả Vua, tố giác tội ác của Vua lên tận quan Nam Tào, Bắc Ðẩu.

Ta hãy nghe một bài hát của Hề:

"Chiếu Vua ra,
Cấm con gái góa không được đi lấy chồng.
Tôi trở ra về, sắm sanh tiền gạo...
Ới... a... mà này để tôi đến sân rồng tôi kêu".

Bài hát khi cất lên, một giai điệu nghe buồn buồn cứ vận vào từng câu hát như một lời than vãn. Thêm vào đó là bộ mặt của Hề, một bộ mặt đầy tâm trạng, hóa trang nguệch ngoạc, nhưng lại mang tính khái quát cao. Hề hát và múa. Một điệu múa dân gian của một người tật nguyền được trưng diễn khéo léo, giàu tính nghệ thuật. Vai Hề quả thực đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Tôi nhớ mãi vai Hề này bởi có một lần, với tư cách là đạo diễn, tôi đã dàn dựng màn trò này trên sân khấu. Người được mời để thực hiện vai diễn chính là nhà hài hước danh tiếng, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn.

Hề chèo, một nhân vật thật đa dạng. Theo lệ làng, mỗi khi đón phường Chèo về hát trong dịp Tết.  Vai diễn đầu tiên khi mở màn chính là anh Hề. Ðấy là cái cầu nối mở đầu cuộc giao lưu giữa sân khấu với khán giả, một hình thức độc đáo của sân khấu hiện thực tả ý.

Sân khấu chèo ngày nay càng phát triển, Hề không chỉ dừng lại ở thuật pha trò mà còn đi xa hơn nữa để có một số phận hẳn hoi. Phận Hề tuy nhỏ, đơn độc, nhưng lại có khả năng bứt phá mạnh mẽ, gan góc chống lại cường quyền, cợt đùa với dao nhọn, gươm sắc của các ông Hoàng, bà Chúa.

Vai Hề Hoạn trong vở chèo Bài ca giữ nước của tác giả Tào Mạt là một thí dụ:

- Tâu lệnh bà, bà Hoàng hậu luôn luôn đe móc mắt tôi. Cho nên tôi phải làm sẵn một bài hề mù để lỡ khi có bị móc mắt thì tôi xin hát để cảm ơn bà ấy ạ:

-Nay ơn đức cao sâu,

-Cho nên tôi mới được mù lòa.

-Ba nghìn thế giới,

-Tôi thấy nó nhập nhòa như dưới đáy ao.

-Cô Mơ, cô Mận, cô Ðào, trong ba cô ấy, tôi thấy cô nào cũng xinh.

-Quá yêu nhau cho nên tôi vít lá, vin cành,

-Không bùa, không rượu, không tình sao lại say?

-Mắt quá tinh,

-Cho nên tôi nhìn đêm mới hóa ra ngày.

-Móc đi hai con mắt, thì ngày rày nhìn nó cũng như đêm.

-Khoắng hai tay, tôi đi thất thểu...bên thềm...

Ðây là những nét đẹp trong thế giới của vai Hề. Nó đơn giản, mộc mạc, nhưng lại thật gần gũi với con người. Bởi Hề đã nói lên được ít nhiều những nguyện vọng của quần chúng lao khổ, chống lại cường quyền ở một xã hội phong kiến mục nát mà chúng ta đã đi qua. Bởi vậy, trên sân khấu chèo, Hề sinh ra để sống và đã sống vượt thời gian mà không bao giờ gọi là cũ kỹ.

Lúc sinh thời, trạng hề Tư Liên, vua hề Tống Văn Ngũ ra sân khấu chưa nói được câu nào mà khán giả đã cười rồi. Mới động đậy, ngúng nguẩy cái chân, cái tay đôi chút lại làm rộ lên một trận cười nữa.

Người ta bảo rằng hiện tượng này chỉ dành cho những bậc kỳ tài trong thiên hạ. Chuyện Hề chèo nói mãi cũng chẳng hết.