Hò khoan điệu lý nồng nàn cô gái anh thương

(QBĐT) - Chiều dần xuống trên cánh đồng lúa vàng rộm đang vào vụ gặt của xã Phong Thủy (Lệ Thủy), cùng với cô Lan-cán bộ của Trung tâm Văn hóa -Thông tin và Thể thao huyện Lệ Thủy, chúng tôi đến thăm nhà nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hải Lý. Câu chuyện về hò khoan như dài thêm, rộng ra bởi niềm đam mê, thao thiết với điệu hò quê hương của vợ chồng nghệ nhân chân đất này.

Bán lúa lấy tiền dự hội diễn

Chúng tôi ghé thăm vợ chồng nghệ nhân ưu tú Hải Lý khi hai người đang tranh thủ giúp gia đình người con trai ở kế bên, phơi sân lúa đầy. Vào vụ gặt, họ bận rộn, gửi con rồi gửi luôn sân lúa đang phơi cho ông bà để cuối chiều kịp cất vào bồ. Ông bà mời chúng tôi vào phòng khách, ở đó, không gian tuy hẹp nhưng dường như lắng lại bởi xung quanh treo nhiều chiếc đàn, đạo cụ của nghệ thuật dân gian như đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tì bà… Và cuộc đời của vợ chồng nông dân đam mê hát dân ca như những thước phim quay chậm về thuở thanh xuân của họ đã cuốn hút chúng tôi. 

Tuổi thơ của nghệ nhân Nguyễn Thị Hải Lý đắm trong giai điệu hò khoan. Cha bà, cố nghệ nhân hò khoan nổi tiếng của Lệ Thủy Nguyễn Hữu Sào đã dạy và gieo vào anh chị em bà niềm đam mê hò khoan từ nhỏ...

Nghệ nhân ưu tú Hải Lý chia sẻ: “Hò khoan Lệ Thủy là loại hình diễn xướng dân gian, hát như để vơi đi sự nhọc nhằn trong lao động, để truyền dạy kinh nghiệm sản xuất, để giao duyên, gửi gắm tình cảm lứa đôi... Biết hát từ nhỏ nhưng đến năm 15 tuổi, tôi mới đến chính thức đến với “nghiệp” hát dân ca nhờ sự dìu dắt của thầy giáo Hoàng Đình Luyện”.

Hò khoan điệu lý nồng nàn cô gái anh thương
Vợ chồng nghệ nhân ưu tú Hải Lý biểu diễn bài hát "Quảng Bình quê ta ơi" bằng các nhạc cụ dân tộc.

Để có bạn diễn xướng, bà Hải Lý cùng người anh trai là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Điệp tập hợp những người biết hát và đam mê hò khoan thành câu lạc bộ (CLB) dân ca Đại Phong mà nòng cốt của gia đình bà. Hải Lý hò, con trai xố, anh trai đàn nguyệt, chồng thổi sáo, cứ thế “sàn diễn” là sân gia đình đêm nào cũng vang lên những câu hát dân ca.

Cũng từ đấy, nhiều người yêu hò khoan xin góp mặt để sinh hoạt văn nghệ. Ban ngày, họ lo việc đồng áng, tối về sân nhà bà Lý tập luyện. Dưới ánh trăng, người dựng sân khấu, người thì đưa cối xay, cối giã vào để hò điệu giã gạo, quết vôi, người tập hò…

Tiến thêm một bước mới trong việc tạo lập không gian cho hò khoan, bà Nguyễn Thị Hải Lý xin huyện thành lập CLB hò khoan Lệ Thủy, nay là CLB nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy, trở thành cầu nối thiết thực, gần gũi giữa những người yêu dân ca. Với 15 thành viên luyện tập thường xuyên 3 buổi mỗi tuần, kinh phí tự túc, hoạt động của CLB là điểm nhấn trong các chương trình văn hóa, văn nghệ của địa phương.

Để có kinh phí mua đàn dân tộc, nghệ nhân ưu tú Hải Lý phải vay quỹ của Hội Phụ nữ 7 triệu đồng mua chiếc đàn nguyệt về phục vụ biểu diễn. Từ những bước đi đầu tiên đó, đến nay, bộ đạo cụ của CLB có giá trị khoảng 100 triệu đồng. Nhiều người hảo tâm khi biết tiếng của CLB nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy đã gửi tặng bộ loa và nhiều thiết bị, trang phục khác.

Ông Ngô Lực, chồng nghệ nhân ưu tú Hải Lý kể rằng, năm 2014, có hội diễn dân ca miền Trung tổ chức tại TP. Huế, CLB nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy muốn đi nhưng cấp trên không đồng ý nên không có kinh phí để đi dự. Thế nhưng, vì lòng đam mê với dân ca mà CLB vẫn cử đội đi dự hội diễn và nói rõ ai đi thì mỗi người bán một tạ lúa để làm lộ phí.

Tiền bán tạ lúa chỉ chừng mấy trăm nghìn nhưng ai cũng vui, bởi được thỏa niềm yêu dân ca của mình. Hội diễn năm ấy, đội mang về chiếc huy chương đầu tiên cho hò khoan Lệ Thủy, tiếng vang từ đó, sau này mỗi khi có hội diễn, huyện đều cử đội đi và cấp kinh phí đầy đủ. 

Hò khoan thành máu thịt

Có thể, giữa những phương tiện nghe nhìn hiện đại, giữa thời internet kết nối thế giới và vạn vật với làng quê hiện nay, các làn điệu dân ca cổ truyền và người hát dân ca dần mai một hoặc ít được chú ý, nhưng với vợ chồng nghệ nhân ưu tú Hải Lý thì sự tác động đó dường như không đáng kể.

Dù tuổi đã cao song không vì thế, lửa đam mê hò khoan trong họ dần tắt, trái lại vẫn nồng nàn cháy. Bây giờ, sau những công việc đời thường mỗi ngày, ông bà vẫn dành thời gian cuối chiều để ông đàn, bà hát, ngân nga, nhịp nhàng điệu hò khoan cho con cháu cùng nghe.

Bà Hải Lý chia sẻ, mấy hôm nay, vợ chồng bà đang tập bài “Quảng Bình quê ta ơi” bằng các đạo cụ cổ truyền và mời khách nghe thử. Vẫn là giai điệu "Quảng Bình quê ta ơi" quen thuộc song qua đàn nhị và đàn bầu, thanh âm như lắng lại, da diết hơn, chất chứa hơn. Ông chơi đàn nhị, bà đánh đàn bầu vừa hát, hai đôi chân chai sạm bởi ruộng đồng nhấp lên xuống nhịp nhàng trên nền nhà, họ đúng là những nghệ sỹ chân đất đích thực, say sưa “cháy lên” cùng ca từ và nhịp điệu bài hát.

Hò khoan điệu lý nồng nàn cô gái anh thương
Một buổi biểu diễn hò khoan của CLB nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy.

Đoạn, ông dừng lại rồi quay sang chúng tôi giải thích: "Bài hát này rất khó biểu diễn nếu với âm nhạc dân tộc, vì nhạc sỹ Hoàng Vân sáng tác cho hợp xướng và sử dụng ocác nhạc cụ khác. Muốn đánh được bài hát nổi tiếng này bằng đàn nhị, tôi phải “mượn” nốt trên cây đàn". Còn với nghệ nhân ưu tú Hải Lý, ở tuổi 67, bà mới tập đàn bầu với sự trợ giúp của người chồng. Nhờ có gen nghệ thuật và biết sử dụng nhiều nhạc cụ dân tộc nên chỉ sau vài buổi tập, bà đã đánh được đàn bầu thông qua việc luyến láy khá thuần thục phím đàn trên các nốt nhạc.

Ông Ngô Lực chia sẻ thêm: Nhạc phẩm "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sỹ Hoàng Vân viết trên nền các làn điệu hò khoan cho nên nhiều người hát được dù chưa thuộc hết cả bài và nhất là mọi người đều có thể xố “khoan, khoan, hò khoan” theo khi có người hát chính. Vì thế, ông bà chọn bài hát này để tập bằng các loại đàn dân tộc là để gần gũi hơn nữa với người nghe và cả những người yêu làn điệu hò khoan. Để bên cạnh sự khoan thai, trìu mến của bài hát có thêm niềm tha thiết của đàn nhị, tiếng trầm lắng của đàn bầu thành tiếng lòng của người dân quê hương Quảng Bình.   

Theo nghệ nhân ưu tú Hải Lý, bà một đời theo cha, theo thầy gắn bó với hò khoan Lệ Thủy, đến lượt các con và học trò của bà lại tiếp nối dòng nhiệt huyết ấy. Hiện nay, đội hò khoan của riêng gia đình bà có 5 người, có đầy đủ các đạo cụ để có thể tổ chức một buổi biểu diễn phục vụ người nghe. Con trai bà, anh Ngô Văn Diễn không chỉ là một chủ doanh nghiệp, một nông dân mà còn là một giọng hò khoan sâu lắng, từng đạt huy hương vàng trong hội thi dân ca.

Giờ đây, vừa tìm lại các lời hát cũ, sáng tác tác phẩm mới để phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nghệ nhân ưu tú Hải Lý còn là nòng cốt trong hoạt động đưa dân ca vào trường học. Các thành viên CLB nghệ nhân hò khoan nhận dạy hát cho giáo viên và học sinh các trường, phối hợp tổ chức các hội thi đàn hát dân ca tạo sân chơi bổ ích cho lớp trẻ. Hò khoan Lệ Thủy dần đi vào các trường học, trở thành phong trào văn hóa-văn nghệ sâu rộng mà ở đó hạt nhân là học sinh. Đây chính là mạch nguồn nuôi dưỡng quan trọng nhất để hò khoan Lệ Thủy được kế thừa và trường tồn với thời gian.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Lệ Thủy Dương Ngọc Liên chia sẻ, việc hò khoan Lệ Thủy được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là kết quả của cả một quá trình nỗ lực gìn giữ, bảo tồn của chính quyền địa phương; sự dày công sưu tầm, quảng bá, trao truyền của những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở mà trong đó có các nghệ nhân. Với nghệ nhân ưu tú Hải Lý, hò khoan Lệ Thủy không chỉ là tình yêu và đam mê mà còn là trách nhiệm trao truyền, chỉ dạy để phát huy vốn quý của văn hóa quê hương. 

Hoàng Phúc