Hướng dẫn bé bị sốt nhưng vẫn chơi bình thường

Trẻ bị sốt là một dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ đang đáp ứng lại các nhiễm trùng. Đây là triệu chứng thường xuyên xuất hiện ở trẻ nhỏ. Ba mẹ hãy cùng AVAKids theo chân bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn - Nguyên Phó Trưởng Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2 tìm hiểu về triệu chứng sốt ở trẻ nhé!

1Sốt là gì?

Sốt là khi thân nhiệt của trẻ tăng cao hơn nhiệt độ bình thường, do bộ phận điều nhiệt trong cơ thể trẻ thay đổi. Trên thực tế, thân nhiệt của mỗi người đều khác nhau, vì vậy không có con số thân nhiệt cụ thể để xác định đó là sốt.

Dựa trên số liệu thống kê chung, trẻ được xác định bị sốt khi đo nhiệt độ ở hậu môn trên 38 độ C, ở miệng là trên 37.8 độ C, ở nách là trên 37.2 độ C, nhiệt độ màng nhĩ là 38 độ C.

Hướng dẫn bé bị sốt nhưng vẫn chơi bình thường

Sốt là khi thân nhiệt của trẻ tăng cao hơn nhiệt độ bình thường. Ảnh: iStock

2Vì sao trẻ bị sốt?

Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi phát hiện có sự xâm nhập của mầm bệnh như vi trùng, vi-rút hoặc ký sinh trùng.

Đa số trẻ bị sốt là do nhiễm các bệnh liên quan đến siêu vi như cảm siêu vi, nhiễm trùng ruột, viêm tai, viêm dạ dày ruột, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản,... Thông thường, trẻ bị sốt do siêu vi sẽ có thân nhiệt từ 38 - 40 độ C, kéo dài trong 2 - 3 ngày.

Sốt do siêu vi chưa có thuốc điều trị, cơ thể trẻ sẽ tự tiêu diệt siêu vi đó.

Lưu ý: Ngày ở đây được tính tương đối 24 giờ, ba mẹ nên cần lưu ý để cung cấp thông tin chính xác cho bác sĩ khi đưa con đến bệnh viện khám.

 

Một số nguyên nhân dẫn đến sốt do vi trùng là nhiễm trùng tai, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, viêm màng não, viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A.

Sốt do vi trùng hoặc ký sinh trùng đều có thể được điều trị hiệu quả bằng kháng sinh.

Thân nhiệt của trẻ cao hay thấp khi sốt không giúp xác định nguyên nhân khiến trẻ bị sốt (siêu vi hay vi khuẩn) và không xác định được mức độ nghiêm trọng ít hay nhiều. Ba mẹ nên dựa vào biểu hiện hành vi của trẻ để xác định.

  • Nếu trẻ sốt cao nhưng vẫn sinh hoạt và chơi bình thường, ba mẹ có thể để trẻ ở nhà và theo dõi thêm.
  • Nếu trẻ sốt nhẹ hoặc khi đã hết sốt nhưng vẫn lừ đừ hoặc li bì thì ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám.

3Cách đo nhiệt độ khi trẻ bị sốt

Để biết trẻ bị sốt bao nhiêu độ, ba mẹ cần lưu ý cách đo nhiệt độ sau đây:

  • Để xác định trẻ có bị sốt hay không bằng cách đo thân nhiệt, ba mẹ nên đo ở hậu môn (trực tràng) của trẻ. Đo ở vị trí này sẽ gây khó chịu cho trẻ, nhưng lại đặc biệt chính xác đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi.
  • Ba mẹ có thể đo nhiệt độ ở tai, nhưng vị trí này lại thiếu chính xác đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể đo thân nhiệt của trẻ tại vùng nách.

Cách tính nhiệt độ để xác định thân nhiệt của trẻ tại từng vị trí đo khác nhau như sau:

  • Khi đo nhiệt độ ở trực tràng, ba mẹ không cần cộng/trừ thêm vì vị trí này phản ánh chính xác nhất thân nhiệt của trẻ.
  • Khi đo nhiệt độ ở nách, ba mẹ phải cộng thêm từ 0.4 - 0.5 độ C để xác định thân nhiệt trung tâm của trẻ. Tuy nhiên, cách đo này không đúng cho mọi trường hợp.
  • Bác sĩ không khuyến khích ba mẹ đo nhiệt độ ở lưỡi của trẻ vì nhiệt độ ở khu vực này bị tác động bởi nhiều yếu tố như đồ ăn, thức uống nóng lạnh khác nhau.

4Làm gì khi trẻ bị sốt?

Hướng dẫn bé bị sốt nhưng vẫn chơi bình thường

Cho trẻ uống nhiều nước khi bị sốt. Ảnh: Freepik

Bên cạnh việc chăm sóc và theo dõi trẻ sát sao, ba mẹ cần thực hiện thêm một số việc sau đây:

  • Cho trẻ uống nhiều nước hay uống theo sở thích của trẻ: nước ấm, nước mát hoặc có thể cho trẻ ăn kem để bổ sung nước. Vì khi trẻ bị sốt, cơ thể sẽ bị mất nước mà ba mẹ khó có thể nhận ra.
  • Mặc đồ thoáng mát cho trẻ: Nếu không phải đang là mùa đông, ba mẹ không nên ủ ấm cho trẻ, vì như vậy sẽ khiến trẻ sốt cao hơn.
  • Giữ nhiệt độ trong phòng ở mức mát: Nhiệt độ từ 20 - 25 độ C, hoặc ba mẹ có thể bật quạt, tạo điều kiện để không gian phòng thông thoáng.

5Có nên lau nước mát, dán hạ nhiệt khi trẻ bị sốt?

Câu trả lời là KHÔNG! Nhiều ba mẹ cho rằng lau người cho trẻ bằng khăn mát hoặc dán miếng hạ nhiệt cho trẻ sẽ giúp hạ sốt. Tuy nhiên, quan niệm này là sai lầm.

Hướng dẫn bé bị sốt nhưng vẫn chơi bình thường

Không nên lau nước mát, dán hạ nhiệt khi trẻ bị sốt. Ảnh: Freepik

Sốt là hiện tượng nhiệt độ bên trong cơ thể trẻ tự tăng lên, chứ không phải do tác động nhiệt độ từ bên ngoài. Vì vậy, lau bằng khăn mát hay dán miếng hạ nhiệt sẽ chỉ làm giảm nhiệt độ trên bề mặt da của trẻ. Ngay sau đó, cơ thể sẽ phản ứng để nhiệt độ da về lại đúng nhiệt độ sốt của cơ thể, lúc này trẻ sẽ bị run lên và nổi da gà.

Ngoài ra, việc lau bằng khăn mát cũng khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Vì vậy, các chuyên gia trên thế giới đều không khuyến khích việc lau người cho trẻ khi bị sốt.

Xem thêm:

  • Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao? Ba mẹ xem ngay cách xử lý
  • Bác sĩ gỡ rối cho mẹ bỉm "Bé bị chàm sữa bôi thuốc gì?"
  • Cách xử trí nhiễm trùng đường ruột trẻ em. Ba mẹ tham khảo ngay

6Đôi lời từ AVAKids

Không phải bất cứ trường hợp bị sốt nào của trẻ cũng nguy hiểm. Ba mẹ nên tìm hiểu kỹ lưỡng để từ đó có thể chủ động đối phó với vấn đề này. AVAKids hy vọng chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn đã cung cấp cho ba mẹ những thông tin hữu ích để xử trí khi trẻ bị sốt.

Các bài viết của AVAKids/Vũ Trụ Bỉm Sữa chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguyệt Minh tổng hợp

Kiểm duyệt bởi Ngọc Thanh

1. Sách: Để con được ốm - Uyên Bùi & Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn