Hướng dẫn dạy hát khách đến chơi nhà

Tất cả mọi người vốn yêu quý chị bởi tính tình hiền hòa thân thiện qua các cuộc hội diễn chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam tại địa phương. Tuy còn công tác nhưng những ngày có sự kiện quan trọng của địa phương, chị vẫn tham gia với sự đam mê cống hiến của một nghệ sĩ sống giản dị, hòa đồng. Những hoạt động của địa phương nơi chị sinh sống cũng như các cơ quan, đơn vị có nhu cầu, chị đều hướng dẫn họ hát và biểu diễn say sưa rất thành công. Vì thế, được tin chị dạy hát miễn phí tuần hai buổi tại phường mọi người đến học rất đông. Ngoài Câu lạc bộ quan họ phường Suối Hoa, hàng tuần không kể nắng mưa chị đều đi xe buýt sang Hà Nội dạy hát, nơi chị truyền dạy số lượng học viên tham dự rất đông. Ngoài công việc biểu diễn, chị có tố chất đặc biệt trong nghiệp văn chương, đạo diễn và sáng tác âm nhạc.
Nghe tiếng chị dạy quan họ dễ học, dễ hiểu bởi chị có chuyên môn sư phạm (26 năm đứng trên bục giảng) nhiều người rủ nhau đến học hát. Hàng tuần tại gia đình chị mọi người vẫn tập trung học hát rất say mê. Có học viên ở tận Từ Sơn cũng lên theo học, cảm động nhất là chồng chị luôn tạo điều kiện và đón tiếp mọi người rất niềm nở. Anh thường lặng lẽ ngồi ở ngoài trông xe cho những học viên ở xa. Nhiều gia đình cả hai vợ chồng cùng tham dự. Cũng có người đưa con đến nhờ chị kiểm tra chất giọng và bồi dưỡng thêm vì họ thấy con mình có năng khiếu ca hát. Chị nhẹ nhàng hỏi han các cháu và kiểm tra chất giọng nhằm tìm tòi bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nhà.
Người Bắc Ninh vốn sống trong làn điệu dân ca ngọt ngào trữ tình, quan họ ngấm vào máu thịt nhưng không phải ai cũng biết hát quan họ cho đúng, cho hay. Chính các nghệ nhân cũng phải theo mẹ đi các canh hát từ khi còn rất nhỏ. Quá trình lâu dài tới hàng chục năm mới thuộc khoảng trăm bài quan họ để có thể giao lưu, hát canh, hát hội. Nhiều nghệ sĩở nhà hát quan họ hàng năm vẫn phải về học hát các nghệ nhân làng quan họ gốc. Bởi thế người Bắc Ninh ai cũng yêu quan họ. Từ trẻ đến già sau giờ làm việc và học tập họ có thể hát cho nhau nghe hoặc hát đối, hát đơn. Từ khi quan họ được tổ chức Unesco thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thểđại diện của nhân loại thì số lượng người ở Bắc Ninh cũng như nhiều tỉnh bạn có nhu cầu học hát quan họ đã tăng lên rất nhiều. Họ mong muốn được tự mình thể hiện những làn điệu dân ca ngọt ngào đằm thắm với những ca từ mộc mạc mà tinh túy. Người quan họ không chỉ hát khi hội hè mà khách đến chơi nhà cũng hát, cuộc vui sinh nhật cũng hát,… và nhất là những ngày kết duyên của các đôi trai gái thì càng không thể thiếu những làn điệu quan họđầy ý nghĩa quantrọng để chúc phúc cho những đôi lứa yêu nhau hạnh phúc trăm năm.
Nhìn Kim Oanh hát mẫu trước khi dạy, tôi không biết gọi chị là nghệ nhân, cô giáo, nhạc sĩ hay nghệ sĩ. Chỉ biết tất cả đều im lặng khi giọng ca ngọt ngào da diết cất lên. Sau khi hát mẫu chị dạy từng câu một. Nét mặt tươi tắn với giọng ca trong vắt khiến cho người học có một cảm giác say sưa. Sau mỗi câu hát mẫu là một dàn đồng ca quan họ. Học quan họ rất khó. Chị phải hướng dẫn cách nhả chữ, cách mở rộng khẩu hình, cách lấy hơi, cách gõ nhịp, và đặc biệt là uốn nắn sao cho giọng hát tiến gần tới yêu cầu vang, rền, nền, nảy…Cứ như vậy, chị sửa từng chữ, từng câu, từng cách luyến láy, lên xuống sao cho mượt mà, cho thật nhẹ nhàng tha thiết. Bởi quan họ là phải nhẩn nha, í ơ thì người nghe mới thấy hết chất trữ tình, sâu lắng. Chả thế mà mỗi canh hát chỉ riêng chia tay nhau mà dùng dằng giã bạn suốt mấy tiếng vẫn chưa dứt ra được.
Hiện nay Kim Oanh dậy tất cả 4 lớp, trong đó có 2 lớp Dân ca ba miền, 1 lớp tại Khu đô thị Times city Hà Nội và 1 lớp lại nhà chị. Hai lớp quan họ, 1 lớp tại Nhà văn hóa khu 3 phường Suối Hoa và 1 lớp tại Quang Châu-Việt Yên-Bắc Giang (quê hương của chồng chị). Nhiều hôm vì phải về khuya nên chồng chịcũng đi cùng để chị yên tâm truyền dạy. Tuy vất vả là vậy nhưng tôi luôn thấy ánh mắt chị lấp lánh niềm vui và kịp thời động viên mỗi khi học viên trong lớp hát đúng, hát hay.
Không chỉ dạy hát quan họ, Kim Oanh còn dạy cách thức biểu diễn để các lớp học giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Chị dàn dựng các tiết mục rất khéo léo và dễ hiểu. Các CLB gặp nhau rất vui, sau màn chào hỏi là họ có thể biến căn nhà trở thành sân khấu với trang phục quan họ nền nã. Chị hai áo tứ thân khăn mỏ quạ e lệ trong vành nón quai thao. Anh hai khăn xếp áo the cùng chiếc ô lục soạn làm duyên. Từ những người bình thường bỗng chốc trở thành những anh hai chị hai trong canh hát giao duyên. Những bài quan họ lại vang xa, bay bổng.
Người nghệ sĩ hát rút ruột những làn điệu dân ca ấy đã viết nên những tác phẩm mà tôi tin rằng có thể sống mãi trong lòng người, giờ đây chẳng quản mệt mỏi đã ngày đêm nhen lửa nuôi dưỡng và làm sáng mãi những làn điệu dân ca của quê hương, của Tổ Quốc. Kim Oanh sẽ mãi xứng danh là con chim sơn ca. Chị đang từng ngày, từng giờ góp sức mình giữ gìn và làm lan tỏa làn điệu dân ca quan họ quý giá để quan họ trường tồn không chỉ ở vùng Kinh Bắc mà còn lan xa tới các tỉnh thành khác. Việc làm và tấm lòng của chị góp phần vào việc đưa thành phố Bắc Ninh trở thành nơi đáng sống của Việt Nam.

Lưu Lan Phương

Chủ đề