Hướng dẫn trồng địa lan

Địa lan là loài hoa mang vẻ đẹp sang trọng và được người chơi khá ưa chuộng. Cách trồng và chăm sóc địa lan cũng rất dễ nếu bạn nắm được các điều kiện cơ bản. Dưới đây là một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình trồng lan. Mọi người cùng tham khảo nhé.

Hướng dẫn trồng địa lan

Mục lục nội dung

Chọn thời điểm trồng địa lan

“Cửu nguyệt phân lan”. Theo cách hiểu thông thường nghĩa là Tháng Chín (Âm lịch) là thời điểm tách nhánh trồng địa lan phù hợp nhất. Có thể giải thích rằng: vào thời điểm này, mầm mới của cây địa lan đã phát triển hoàn thiện. Củ địa lan đã hình thành. Lá đã phân chia đầy đủ và tích lũy dinh dưỡng chuẩn bị cho hoa. Cây bắt đầu vào mùa nghỉ. Một lợi điểm nữa của việc tách nhánh lan vào tháng Chín, đó là, tách nhánh vào lúc này, tỉ lệ ra hoa thấp, cây sẽ phát triển mầm cao hơn. Do đó, đối với mục đích nhân giống nhanh, ta sẽ có thể có củ địa lan sinh sôi nảy nở 2 lần trong 1 năm. Tuy nhiên, ngược lại, phải chấp nhận bỏ chơi hoa trong lần tách chiết này.

Phân tích trên chỉ ra thời điểm tốt nhất để áp dụng cách trồng địa lan hiệu quả. Tuy nhiên thời điểm hiện nay địa lan khai thác rừng được mua bán quanh năm. Chúng ta có thể mua để trồng bất cứ thời gian nào. Vì thế để đạt được hiệu quả chúng ta phải xử lý giống kỹ theo các bước sau.

Hướng dẫn trồng địa lan

Cách xử lý giống địa lan trước khi trồng

Đầu tiên gỡ bỏ một phần chất trồng trên bề mặt chậu lan. Sau đó hơi nghiêng chậu, dùng tay vỗ mạnh xung quanh thành chậu cho chất trồng bong ra. Khi bộ rễ đã long ra khỏi chậu và chất trồng, nhẹ nhàng rút cả cụm lan ra khỏi chậu.

Dùng kéo nhọn, cắt bỏ các rễ đã hư thối, cắt sâu vào phần đã thối 3-4 cm, cố gắng giữ lại các rễ vẫn còn tươi. Nếu chất trồng bị nấm trắng hoặc mốc thì cần phải rửa sơ bộ rễ của cây. Tuyệt đối không rửa quá sạch sẽ làm mất vi khuẩn cộng sinh trên rễ lan.

Bình thường ta chỉ nên tách mỗi cụm địa lan 3 đơn vị để cây có thể phát triển mạnh nhất. Tuy nhiên, nếu muốn nhân giống nhanh có thể tách rời từng thân một. Với điều kiện các thân một tách rời phải hoàn toàn khỏe mạnh, không sâu bệnh và còn rễ sống.

Lưu ý nên bôi keo hoặc vôi vào các vết cắt để tránh mầm bệnh. Sau đó để cây lan mới tách vào chỗ râm mát trong vòng nửa ngày đến 1 ngày rồi mới trồng.

Trong trường hợp mới mua địa lan về hoặc mới tách mà phát hiện cây bị nấm, cần xử lý trước khi trồng lại bằng cách: cắt toàn bộ phần rễ, lá bị nấm bệnh, loại bỏ củ già bị thối, ngâm toàn bộ cây lan vào dung dịch thuốc trừ nấm như Ridomil (3g/1 lít nước) trong vòng 15 phút, sau đó mang hong khô vài giờ, ngâm lại bằng dung dịch kích thích sinh trưởng loãng như B1, Atonic,… trong vòng 15 phút, lại hong khô, sang hôm sau có thể trồng lại được.

Hướng dẫn trồng địa lan

Cách chọn chậu trồng địa lan

Yêu cầu đối với chậu trồng địa lan cần đảm bảo một số yếu tố sau:

– Phù hợp: chậu trồng cây gì thì phải phù hợp với dạng cây đó, sao cho cân đối hài hòa với tổng thể cây trồng. Chậu trồng địa lan cũng phải phù hợp với diện tích vườn lan, không nên lựa chọn chậu quá to trong khi diện tích quá nhỏ, không nên dùng chậu quá to để trồng một khóm lan nhỏ,…

– Tính thẩm mỹ: Vẻ đẹp của cây địa lan thể hiện cả ở dáng cây, dáng lá, hình thái hoa và hương thơm. Do vậy, Chậu trồng địa lan cũng phải đảm bảo sao cho tôn vinh vẻ đẹp của cây địa lan thêm bội phần.

– Đảm bảo cho sự phát triển của cây: chậu gì thì cũng phải đảm bảo độ thoát nước, và chứa đủ giá thể để cho cây có thể phát triển một cách tốt nhất. Nếu chậu có lỗ thoát nước nhỏ, có thể khoan thêm lỗ dưới đáy chậu hoặc thành chậu để nước có thể thoát dễ dàng sau khi tưới, tránh gây úng cho cây lan.

– Các yếu tố khác: Tùy theo mục đích của việc trồng địa lan mà lựa chọn loại chậu trồng sao cho phù hợp. Trồng lan thương mại thì nên chọn chậu trồng địa lan có giá thành vừa phải, hợp lý. Trồng lan thưởng thức có thể lựa chọn các loại chậu thật đẹp…

Nếu trồng bằng chậu đất nung hoặc chậu gốm nên ngâm nước trong 1 ngày rồi mới đem ra trồng, để tránh việc chậu đất nung hoặc gốm khô hút nước ngược từ giá thể, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lan

Hướng dẫn trồng địa lan

Cách làm giá thể trồng địa lan

Địa lan có thể trồng bằng rất nhiều loại giá thể khác nhau như: đất cục, xỉ than, than củi, trấu, đá, vỏ lạc, vỏ thông, dớn cọng, dớn mềm,… Về cơ bản giá thể phải đảm bảo yêu cầu sao cho luôn “ẨM nhưng không được ƯỚT”. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong cách chọn giá thể trồng địa lan. Hiện tại mình trồng địa lan bằng khá nhiều giá thể khác nhau. Một trong số đó là sỉ than tổ ong, đá bọt, vỏ lạc đôi khi là vỏ trấu hun. Một cách làm giá thể mà mình hay dùng như sau:

Than tổ ong loại già lửa người ta đốt xong xin về dùng dao cùn băm nhỏ ra. Dùng rổ có lỗ khoảng 0,8-1cm sàng bỏ loại nhỏ và vụn đi. Chỉ lấy loại lớn hơn thôi có thể to bằng quả trứng gà cũng được. Tất cả cho vào thùng hoặc thau ngâm đầy nước 1 đêm để no nước. Xả bằng vòi xối hết những vụn bám quanh các viên than này. Sau cùng để ráo nước mang đi trồng. Bạn có thể trồng địa lan bằng 100% bằng xỉ than này cũng được. Hoặc có thể phối trộn tuỳ ý vỏ thông + xỉ than + vỏ lạc hun đều. Lót loại to xuống đáy chậu cho thoáng, rồi đặt cây vào bổ sung loại nhỏ lên. Trên cùng mặt chậu chọn vài viên tròn to xếp vào cho đẹp. Chi tiết cách trồng cụ thể như sau:

Hướng dẫn trồng địa lan

Cách trồng địa lan

Bước 1: Cho sỉ than loại to xuống đáy chậu cho thoáng để dễ thoát nước khi tưới. Tiếp tục cho các giá thể đã chuẩn bị từ trước đến nửa chậu.

Bước 2: Đặt khóm địa vào lan chính giữa chậu. Chú ý hướng phát triển của khóm lan quay ra thành chậu. Xếp theo nguyên tắc, khóm già xoay vào tâm, khóm non hướng ra miệng chậu. Làm như vậy khi cây non nứt ra từ khóm già sẽ mọc tỏa ra mép chậu.

Bước 3: Cố định chặt cây lan bằng cách cắm que tre, và cột nhánh lan vào que đó, phân bố đều các khóm lan trên mặt chậu. Tiếp tục cho giá thể vào chèn nhẹ nhàng xung quanh bộ rễ của khóm lan từ dưới lên trên. Cứ như thế cho đến khi ngập dần lên gần gốc lan. Yêu cầu của khóm lan khi trồng vào chậu và cho giá thể phải đảm bảo giá thể ngập rễ và củ nổi lên trên giá thể. Tránh để củ ngập trong giá thể, dễ bị thối do nấm bệnh.

Bước 4: Tưới đẫm nước cho chậu lan. Đặt cây địa lan vừa trồng xong vào chỗ râm mát, tránh nắng tuyệt đối 1-2 tuần. Hàng ngày pha B1 thật loãng cỡ 1cc cho 5 lít nước và phun sương ẩm nhằm kích thích ra rễ nhanh. Trong thời gian này, tuyệt đối không được bón bất kỳ một loại phân bón gì (trong vòng khoảng 2-3 tháng)

Hướng dẫn trồng địa lan

Cách chăm sóc địa lan

Khi thấy cây địa lan sau khi trồng đã nhú rễ, bật mầm, căng tròn trở lại (sau khoảng 1 tháng) thì có thể chuyển cây ra vị trí chăm sóc bình thường cùng với các cây lan khác. Không nên dùng phân bón cho cây khi cây chưa phát triển trở lại. Việc chăm sóc cây lúc này cần nắm vững các điều kiện sau:

Hướng dẫn trồng địa lan

Tưới nước cho địa lan

Cách tưới nước cho địa lan rất nhàn, cứ nhớ là chờ chậu địa lan khô rồi hãy tưới. Bạn biết đấy! vai trò của khô nó quan trọng như ướt vậy. Nếu ngày nào cũng tưới, chắc chắn cây thối củ và chết. Khi khô, rễ sẽ cần nước, trong khi độ ẩm nó ở dưới đáy chậu, vì thế rễ sẽ phải mọc ra để lấy ẩm và nước. Chính vì thế khô mới tưới sẽ giúp rễ phát triển.

Để biết khi nào giá thể khô thì bạn chỉ cần thọc tay vào giá thể cỡ 5cm. Nếu giá thể trồng địa lan còn ướt thì đừng có tưới, nếu khô thì tưới. Khi tưới nên tưới bên ngoài vành chậu nơi bộ rễ địa nó ở đó. Tưới chậm chậm cho đến khi nước chảy ra khỏi đáy chậu thì thôi. Lưu ý không tưới vào củ, dễ bị chết củ đấy.

Bón phân cho địa lan

Về phân bón thì mình thường dùng phân hữu cơ như phân cá hoặc phân gà đóng viên bón cho địa lan. Pha chung với nước tỉ lệ 15g/ 10 lít nước để tưới, 10 ngày tưới 1 lần. Ngoài ra kết hợp thêm các loại phân đa trung và vi lượng bón theo chu kỳ phát triển.

Trong giai đoạn đầu mới trồng cây bắt đầu nảy mầm đến khi phát triển hoàn chỉnh thành củ cần bón phân có lượng N cao hơn. Trong giai đoạn chuẩn bị ra hoa nên dùng phân bón có lượng P cao hơn và K thấp hơn một chút để giúp cây có đủ dưỡng chất tạo chồi nụ và nuôi hoa.

Những tháng mùa đông lạnh nên giảm số lượng bón phân xuống còn 1 tháng 1 lần. kết hợp phân hữu cơ và phân hóa học. Đặc biệt chú ý trong thời gian cây phát triển chồi hoa tuyệt đối không dùng các loại phân bón qua lá vì phân đọng trên chồi hoa dễ hỏng hoa.

Phòng trừ sâu bệnh cho địa lan

Với cách trồng địa lan đang áp dụng. Mình chỉ phòng bệnh là chính, môi trường phải luôn sạch sẽ trong lành, thoáng mát. Tháng phun nước vôi trong vào môi trường vườn và cây lan 1-2 lần. Lúc nào độ ẩm cao hay nấm mốc mình phun Benkona, hoặc physan. Giờ mình không phun gì khác. Khi cây bị bệnh, cần cách ly ngay tránh lây lan. Nếu xác định được rõ bệnh cần dùng thuốc thích hợp để chữa, không được thì bỏ.

Đó là cách trồng và chăm sóc địa lan tại vườn nhà mình. Có lẽ sẽ còn rất nhiều chi tiết nhưng các bạn tự tìm hiểu thêm nhé.