Lời người bên sông phong cách ngôn ngữ

Đề kiểm tra giữa học kì I Ngữ văn 11 - Đề số 13 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề bài

Phần 1: Đọc  - Hiểu (4.0 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

(Lê Bá Dương, Lời người bên sông)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên.

Câu 2: Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ trong hai câu thơ “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”

Câu 3: Tác giả thể hiện những tâm tư, tình cảm gì khi đứng trước dòng sông Thạch Hãn?

Câu 4: Từ bài thơ, anh/chị hãy viết đoạn văn (8-12 dòng) trình bày suy nghĩ của mình về trách nhiệm của học sinh hiện nay với đất nước.

Phần 2: Làm văn (6,0 điểm)

Phân tích bức tranh phố huyện lúc về đêm cho đến khi đoàn tàu chạy qua trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Lời giải chi tiết

Phần I: Đọc – Hiểu

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

Câu 2:

- Biện pháp nghệ thuật:

+ Hoán dụ: có tuổi hai mươi gợi tuổi trẻ, phần đời sôi nổi, nhiệt huyết, ý nghĩa nhất của mỗi người.

+ Ẩn dụ: sóng nước: chỉ sự hóa thân của những người lính đã hi sinh; bờ: gợi hình dung về quê hương, Tổ Quốc → ca ngợi ý nghĩa sự hi sinh của những người lính với dân tộc.

- Tác dụng: Bài thơ gợi hình, gợi cảm, gợi sự xúc động với người đọc.

Câu 3:

- Thể hiện sự xúc động, xót thương và trân trọng những đồng đội đã hi sinh.

- Ca ngợi sự cống hiến, hi sinh của các anh hùng liệt sĩ để làm nên nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Những người lính đã ngã xuống nhưng tuổi hai mươi của họ sẽ bất tử cùng Tổ Quốc.

Câu 4:

* Gợi ý:

- Trách nhiệm của học sinh thanh niên hiện nay với đất nước:

+ Sống, học tập và cống hiến cho đất nước

+ Rèn luyện nhân cách, tu dưỡng đạo đức, bồi đắp lòng yêu nước

+ Trách nhiệm nghĩa vụ với đất nước phải gắn liền với những việc làm thiết thực, ý nghĩa...

+ Quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế.

Phần II: Làm văn

1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

2. Phân tích

* Không gian phố huyện lúc đêm khuya: Bóng tối tối dày đặc bao trùm lên phố huyện đối lập với ánh sáng nhỏ nhoi, mong manh. Thế giới bóng tối cũng chính là cuộc sống tăm tối và tù túng đang bao phủ con người

* Cuộc sống của con người nghèo khó, bấp bênh, bế tắc. Nhịp sống cứ lặp đi lặp lại một cách đơn điệu, quẩn quanh, tẻ nhạt, mỏi mòn, buồn chán. “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

* Phố huyện lúc chuyến tàu đêm đi qua:

- Khi tàu đến:

+ Từ xa: sự xuất hiện của người gác ghi. Ngọn lửa xanh biếc, một làn khói bừng sáng. Tiếng còi vang lại, tiếng xe rít mạnh vào ghi, tiếng hành khách ồn ào khe khẽ

+ Đến gần: Tiếng còi rít lên, tàu rầm rộ đi tới; lố nhố những người, các cửa kính sang trọng, các toa đèn sáng trưng, sang trọng, đồng và kền lấp lánh.

=> Tâm trạng vui mừng, hân hoan, hạnh phúc. Chuyến tàu tới làm cho phố huyện bừng sáng. Ánh sáng và âm thanh náo nhiệt của đoàn tàu đã phá vỡ màn đêm mênh mông và tịch mịch của phố huyện.

- Tàu đi qua:

+ Những đốm than đỏ, chiếc đèn xanh… khuất sau rặng tre. Phố huyện tịch mịch và đầy bóng tối

→ Nuối tiếc, lặng theo mơ tưởng về Hà Nội.

=> Đoàn tàu là biểu tượng về một thế giới tươi sáng và tốt đẹp hơn trong ước mơ của những người dân nơi phố huyện nghèo.      

* Tâm trạng của Liên:

- Gần gũi với thiên nhiên, với phố huyện

- Nhớ những kỉ niệm về Hà Nội  - “một vùng sáng rực và lấp lánh”

- Cảm thông, dõi theo cuộc sống của những mảnh đời nghèo khổ nơi phố huyện

- Cố thức để được nhìn chuyến tàu đi qua – sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya

=> Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu. Tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, đôn hậu.

=> Chờ đợi đoàn tàu trong niềm nuối tiếc về quá khứ, về Hà Nội, những ngày tháng hạnh phúc, ấm áp, sung túc khi xưa; ước mơ về một thế giới khác đi qua, rực rỡ, vui tươi, tràn đầy âm thanh và ánh sáng.

* Nghệ thuật: Nghệ thuật đối lập, miêu tả tâm lý nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu…

3. Kết thúc vấn đề: Qua nhân vật Liên nhà văn bày tỏ sự xót thương sâu sắc với những kiếp người nhỏ bé, cơ cực; sự đồng cảm, trân trọng với ước mơ, khát vọng của con người.

HocTot.Nam.Name.Vn

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 11 - Xem ngay

Câu 2: Bài thơ đã gợi nhớ đến những câu thơ nào đã học trong chương trình Ngữ Văn THPT? Đoạn thơ tìm được và bài thơ này có điểm gì tương đồng về nội dung?

căn cứ các văn bản đã học

Câu hỏi: Đọc hiểu Ngợi ca sự hy sinh cao đẹp của những người lính trong chiến dịch thành cổ Quảng Trị năm 1972, nhà thơ Lê Bá Dương đã viết:

“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.”

(Lê Bá Dương,Lời người bên sông)

Trình bày cảm nhận của em về bài thơ trên bằng một bài viết ngắn gọn (khoảng một trang giấy thi).

Dàn ý chi tiết Lời người bên sông

HS có thể diễn đạt bằng những cách khác nhau. Về đại thể, cần nêu được những cảm nhận sau đây:

1. Hai dòng thơ đầu là lời nhắn nhủ của tác giả với những người hôm nay (Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ) như sợ những mái chèo lên dòng Thạch Hãn làm đau những hài cốt của những người lính liệt sĩ vẫn còn nằm lại đáy sông ( Đáy sông còn đó bạn tôi nằm ). Hai dòng thơ gián tiếp nêu lên sự khốc liệt của chiến tranh và sự hy sinh cao đẹp của những người lính, có cả những người lính vô danh vẫn chưa tìm được hài cốt. Đồng thời thể hiện thái độ trân trọng, tri ân của những người hôm nay về sự hy sinh cao đẹp đó. (1đ)

2. Hai dòng thơ tiếp theo tác giả đã khái quát, nâng cao tầm vóc cao đẹp của sự hy sinh : những người lính hy sinh đã hóa thân vào “ dáng hình xứ sở” ( Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm ). Ý nghĩa của sự hy sinh đó, vì thế tồn tại vĩnh hằng trong lòng nhân dân; đi mãi cùng thời gian và không gian của đất nước, của dân tộc. (1đ)

3. Cảm nhận được một số đặc sắc về nghệ thuật: giọng thơ thiết tha và sâu lắng; nhịp thơ biến đổi từ nhịp 2/2/3 sang nhịp 3/4; thủ pháp hoán dụ ( có tuổi hai mươi), ẩn dụ (thành sóng nước/ vỗ yên bờ bãi )… (1đ)

Bài văn mẫu tham khảo Lời người bên sông

Đất nước ta là đất nước của thơ ca nhạc họa, cho nên cỏ cây sông núi cũng mang hồn thơ văn. Người Việt bẩm sinh đã mang tâm hồn thi sĩ, có lẽ vì vậy mà trong đời dường như không mấy ai lại chưa từng một lần ngân lên một vài câu thơ bộc bạch nỗi niềm riêng của mình. Có những vần thơ thắm đượm của người con trai chia tay người yêu lên đường ra trận, thể hiện một tình yêu chung thủy sắt son. Lại có cả những vần thơ của người lính bật lên ngay trên trận địa tưởng nhớ bao bạn bè vừa ngã xuống. Đó là những tiếng lòng da diết, cháy bỏng yêu thương.

Bài thơ “Lời người bên sông” của Lê Bá Dương là một trong nhiều trường hợp như thế. Trong những năm tháng lăn lộn ở chiến trường Quảng Trị rực lửa, Lê Bá Dương đã chiến đấu ngoan cường dũng cảm và lập được nhiều chiến công xuất sắc. Bàn chân của người chiến sĩ trẻ đã in dấu khắp từ sông Ô Lâu, sông Thạch Hãn, thị trấn Đông Hà, rồi cao điểm Phulơ… Lê Bá Dương từng chứng kiến và nghẹn ngào tiễn biệt biết bao đồng đội thân yêu, có người hy sinh ngay trên trận địa nhưng cũng không ít người vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông. Trong giây phút xuất thần, Lê Bá Dương đã viết nên khúc tưởng niệm “Lời người bên sông”, bài thơ xuất hiện lần đầu trên tạp chíVăn nghệ Mặt trận B5. Nguyên văn như sau:

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Tan chợ chiều xuôi đò có vội

Xin xin đừng khuấy đục dòng trong

Bài thơ tứ tuyệt giống như một lời khẩn cầu nhẹ nhàng mà sâu lắng, rằng ai đó có xuôi ngược trên dòng sông chiến trận năm xưa thì xin hãy nhẹ tay chèo. Khẽ thôi, xin đừng “khuấy đục dòng trong”, các bạn tôi vừa mới có được chút ngơi nghỉ sau những ngày trận mạc. Tiếng “ơi” trong bài là thán từ mà người dân vùng Quảng Trị vẫn thường dùng, nó khiêm nhường nhỏ nhẹ mà vang xa, da diết. Tác giả đã dụng công khi dùng phương ngữ để nói về sự kiện xảy ra ngay trên vùng đất lửa. Dù không có ý phô diễn văn chương và rất kiệm lời nhưng mấy câu thơ mộc mạc ấy vẫn in đậm trong tâm khảm của những người lính từng sống và chiến đấu ở vùng đất đầy máu lửa này.

Bài thơ đã được được khắc trang trọng lên bức tường của Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Hàng triệu con người đã đến chiêm ngưỡng và không nén nổi xúc động khi nhẩm đọc những dòng thơ xa xót hòa lẫn máu và nước mắt. Dường như đây không còn là thơ nữa mà là những dòng ký thác của những người đi qua cuộc chiến với những đồng chí đồng đội đã hóa thân thành cỏ cây, sông nước. Ấy là nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi và lòng biết ơn vô hạn. Tất cả gói gọn chỉ trong ngần ấy câu thơ, mà yêu thương, mà da diết đến khôn cùng.

Cho dù có nhiều dị bản nhưng người đọc vẫn nhận ra cái chất giọng thấm đẫm ân tình của Lê Bá Dương. Đây không chỉ là thơ mà còn là máu xương, là tấm lòng và cao hơn là sự tri ân của cả một thế hệ được sống trong hòa bình nhưng vẫn day dứt khôn nguôi khi nhớ về những người con ưu tú đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước.

Dẫu không phải là một người làm thơ chuyên nghiệp, nhưng chỉ với một bài thơ nhỏ, Lê Bá Dương đã chạm khắc được vẻ đẹp huyền diệu của tâm hồn, neo lại trong lòng bạn đọc, đặc biệt không chỉ với những người lính từng đi qua cuộc chiến đầy khốc liệt mà cho các thế hệ mai sau có dịp thấu hiểu và ngưỡng mộ quá khứ hào hùng của cả một dân tộc đã một thời không quản ngại chiến đấu, hy sinh giành độc lập tự do cho Tổ quốc.