Năm bao nhiêu thì trưởng thành

Năm bao nhiêu thì trưởng thành

“Tất cả những người lớn đều từng là trẻ con.. nhưng rất ít người trong số họ nhớ về điều đó.“

Tôi nhớ khi còn nhỏ, những gì tôi thường nghe thấy, chính là

“ Con nít thì biết cái gì ! “

“ Con nít thì hiểu cái gì đâu ! “

“ Ôi, con nít mà, phải vậy thôi !”

Nhưng tôi của khi đó, mọi lời nói, mọi hành động, mọi sự kiện xảy ra từ người lớn. Tôi đều dùng đôi mắt tròn xoe của mình ngắm nhìn, ghi nhận, và hiểu đến cặn kẽ. Nhưng tôi lại không hiểu, tại sao họ lại nghĩ tôi không hiểu, tại sao họ lại không thấy tôi đau lòng, tại sao họ không hề nghĩ việc họ làm sẽ khiến tôi tổn thương, không hiểu nổi tại sao mọi thứ tồi tệ nhất đều là chính mắt một đứa trẻ như tôi chứng kiến.

Có bao giờ bạn tự hỏi, bao nhiêu tuổi là trưởng thành? bao nhiêu tuổi thì bắt đầu hiểu chuyện? Bao nhiêu tuổi thì đã cảm nhận được đau đớn về mặt tinh thần ?

5 tuổi, chúng ta lần đầu đi học, lần đầu được kết bạn, lần đầu được ngắm nhìn một thế giới khác ngoài nhà, chính là trường học. Chúng ta bắt đầu học hỏi cách cư xử, những bài học từ cuộc sống đến sách vở. Trong khoảng thời gian này, chúng ta về mặt thể xác chỉ là những đứa nhóc đáng yêu cắp sách đến trường, non nớt và khờ dại. Nhưng chúng ta đã nhận biết được rất nhiều thứ. Và đôi khi, có những chuyện, dù chúng ta không rõ đó là gì thì tiềm thức cũng đã vô tình ghi nhận lại.

Gia đình, giáo viên, và tất cả những người lớn xung quanh nữa, có lẽ họ đều hiểu rõ khi họ 5 tuổi họ đã hiểu được những gì, và biết được những gì. Nhưng khi họ trưởng thành, họ lại nghĩ đứa trẻ 5 tuổi thì sẽ chẳng biết gì cả.

10 tuổi, chúng ta lần đầu vào trường cấp hai. Ngôi trường của lứa tuổi vị thành niên, chúng ta biết yêu này, biết đau lòng hơn này, còn biết cả những vấn đề về giới tính, về sắc tộc, và về con người. Chúng ta cặn kẽ hơn từ chuyện nhà đến chuyện cuộc sống. Nhưng về mặt thể xác, vẫn là chúng ta đang lớn.

Và một lần nữa, người lớn lại vô tình nghĩ chúng ta còn chưa đủ lớn, chưa đủ trưởng thành để hiểu chuyện. Họ bắt chúng ta không được yêu đương, bởi vì quá nhỏ để bị tình yêu làm cho lạc lối. Họ sợ hãi nhắc đến vấn đề tình dục, bởi chúng ta vẫn quá nhỏ để hiểu tình dục là gì. Họ cũng phớt lờ đi những yêu cầu yêu thương của chúng ta với gia đình, và nực cười thay, lý do của họ là vì chúng ta đã lớn.

15 tuổi, chúng ta vào cấp ba. Ngôi trường để định hướng bản thân của chúng ta sau này. Người lớn, lại một lần nữa nhúng tay. Họ cần điểm số, họ cần huy chương, họ cần thể diện, họ cần rất nhiều từ một đứa trẻ chưa kịp trưởng thành. Họ buộc chúng ta phải lớn để học, để đậu vào một ngôi trường thật tốt, để có thể theo kịp bạn bè. Nhưng họ lại luôn viện cớ chúng ta còn nhỏ để quản lý, để khống chế.

Trong quá trình trưởng thành của mỗi người, có lẽ không dưới một lần chúng ta đều bị cái mác là trẻ con, nhỏ tuổi, con nít khiến cho chúng ta tổn thương. Và cũng bởi vì cái mác đó, mà người lớn mặc sức làm ra những chuyện khiến cho chúng ta mãi mãi bị ám ảnh.

Những trận cãi vã không hồi kết của ba mẹ, những đòn roi không hề có chút lý lẽ từ sự tức giận của giáo viên. Hay chỉ đơn giản là những lần vô tâm của gia đình khiến chúng ta lạc lõng và cô đơn, trong chính ngôi nhà mình đã lớn lên.

Trong mắt người lớn, trẻ con chỉ là một tờ giấy trắng chẳng biết gì. Thật ra trong sâu thẳm tâm trí của từng đứa trẻ luôn tồn tại một cây viết mực. Những gì nó chứng kiến, trải qua đều từng nét nắn nót viết vào tờ giấy trắng đó. Và chúng ta đều đã từng viết ra những dòng nước mắt trong đau đớn, từ quá khứ của mình.

Trẻ con thì cũng sẽ đau lòng.

Trẻ con thì cũng sẽ tổn thương.

Trẻ con thì cũng sẽ hiểu những gì đang diễn ra xung quanh nó. Bạo lực, tình dục, áp đặt và cả sự tan vỡ. Có lẽ khi chúng còn quá nhỏ, những việc đó chúng sẽ không hiểu. Nhưng não bộ là một thứ rất thú vị. Chúng sẽ ghi nhận, rồi đợi đến khi nhận thức hoàn thiện ở năm 15, 16 tuổi, chúng sẽ lần nữa diễn lại từng cảnh, từng cảnh một trong tâm trí một đứa trẻ. Rồi chúng sẽ nhận định lại vấn đề một lần nữa. Và tâm lý cũng sẽ bị việc đó gạch cho ứa máu một vài lần nữa.

Ba mẹ cãi nhau, bạo hành gia đình, quấy rối tình dục, bắt nạt trong lớp học. Dù là bất kỳ chuyện gì, dù lớn dù nhỏ đều vô tình tạo thành một bóng ma nhất định trong lòng trẻ nhỏ.

Nhưng trong tâm trí của người lớn lại không bao giờ nghĩ đến việc đó. Chúng ta vô tâm phớt lờ những tổn thương tâm lý của trẻ nhỏ. Dù rằng chúng ta cũng từng là nạn nhân, hoặc ít nhất là một trong số chúng ta đã từng.

Chúng ta luôn nhìn vào những biểu hiện. Trầm cảm là bệnh, tự kỉ là bệnh, rối loạn lo âu cũng là bệnh, ngoài những triệu chứng bệnh khá nặng đó ra, nếu một đứa trẻ lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh. Chúng ta một lần nữa mặc nhiên, đứa trẻ đó hoàn toàn bình thường.

Nhưng chúng thật sự bình thường sao ? Mỗi một vấn đề thương tổn đến tâm lý của một đứa trẻ, không có biểu hiện nghiêm trọng, không có nghĩa nó không có tác động đến chúng.

Tôi vẫn còn nhớ về vụ án của Marie, một đứa trẻ bị cưỡng bức tại nhà của mình, sau đó vì không có biểu hiện quằn quại đau đớn, khổ sở như những người lớn đã mặc định, họ cho rằng cô bé đã nói dối để thu hút sự chú ý. Từ những người có thể yêu thương và bảo vệ mình nhất, ai trong số họ cũng đều lựa chọn không tin tưởng. Và rồi tên hung thủ trở thành tên biến thái gây ra hàng loạt vụ án tương tự, và gây ra những chấn thương tâm lý không thể nào xóa nhòa trong lòng các nạn nhân, kể cả Marie. Đứa trẻ dường như ngoài mặt không có vấn đề gì. Nhưng sâu trong lòng là những tổn thương ám ảnh cô bé cho đến tận bây giờ.

Hay nói gần nhất là câu chuyện về cô bé lớp 9 bị bé trai lớp 8 cưỡng bức đến mang thai chẳng hạn. Sự việc gây náo động cả cộng đồng mạng lẫn dư luận về luân lý đạo đức. Nhưng thái độ của phụ huynh những đứa trẻ đó là gì ?

“Mang thai”, “Quá nhỏ”, “Chịu trách nhiệm”, và “Cưới xin” ? Có hợp lý không khi trong vấn đề này, cô bé đó là nạn nhân, và việc mang thai chính là bằng chứng phũ phàng và đau đớn nhất cho những gì cô bé đó đã trải qua. Cô bé đã hoảng sợ khi bị gài bẫy, cô bé đã đau đớn khi bị cưỡng bức, và cô bé đã hoang mang khi đang mang trong mình một đứa trẻ. Nhưng việc người lớn nhìn vào, chưa có bất kỳ thứ gì liên quan đến tâm lý của cô bé đó. Và cưới xin liệu là giải pháp hay chính là hình phạt giam lỏng cô bé cả đời ? Người lớn ở đây có phải đã quá ích kỉ và phiến diện hay không ?

Cũng như câu chuyện của Marie, mọi người chỉ tập trung ghi nhận những gì họ mặc định trong đầu họ.

Cưỡng bức thì nạn nhân phải đau đớn, phải thống khổ, phải sợ hãi. Nếu không có biểu hiện đó, thì đứa trẻ đang nói dối.

Có thai, thì sinh nó ra hoặc phá bỏ, hoặc kết hôn. Nhưng chưa bao giờ ai trong số họ nghĩ, có thai chính là ám ảnh tâm lý cả đời cô bé đó phải chịu, dù sinh ra hay phá bỏ. Và kết hôn với người đã cưỡng bức mình, có còn pháp lý và sự hành hạ nào tàn nhẫn hơn thế nữa không?

Dường như lớp người lớn đi trước chúng ta hiểu sai về vết thương tinh thần. Và trong tâm trí họ dường như quên mất, trẻ con thì vẫn sẽ bị tổn thương tâm lý, dù rằng chúng không có biểu hiện quá nặng. Nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến suốt cả cuộc đời của một đứa trẻ.

Khi một đứa trẻ còn chưa đủ hình thành những nhận thức trong đầu mình. Ba mẹ, và những người lớn xung quanh lại vô tình khiến cho chúng quên mất sự cảnh giác, và quên mất mình đã tổn thương. Để khi lớn lên, chúng đem theo bóng ma mà hình thành tính cách của mình.

Khi bạn bị xàm xỡ, người lớn sẽ nói “Không bị hãm là may rồi”. Chúng ta nghĩ đó là may mắn, nhưng tiềm thức lại khiến chúng ta sợ những cái va chạm. Rồi thì chúng ta tránh né nó một cách vô thức, nhưng chưa bao giờ chọn cách chống lại hay đối đầu.

Khi bị cưỡng bức, người lớn sẽ nói “Thôi chuyện qua rồi, cứ cố vượt qua là được”. Chúng ta sẽ nghĩ, à, chỉ là chuyện đã qua rồi. Nhưng chuyện đã qua đó lại vô tình khiến chúng ta mất ngủ cả đêm vì những hình ảnh đau đớn cứ diễn ra trong giấc mộng.

Khi mang thai vì bị cưỡng bức, ngươi lớn lại nói “Nó nhỏ quá, cứ phá thai đi, không chịu được trách nhiệm”. Thế là, những nạn nhân lại mặc nhiên trở thành một cái gì đó khiến người lớn xấu hổ, và sợ chịu trách nhiệm.

Có ai từng nghĩ, những đứa trẻ trên khi trưởng thành sẽ ra sao không?

Chúng sẽ vẫn trưởng thành đấy, vẫn sẽ mạnh mẽ đối đầu với cuộc sống đấy. Nhưng chúng sẽ đau khổ, sẽ ám ảnh, sẽ bị chính gia đình của mình dồn vào đường cùng. Vùng vẫy trong tuyệt vọng, cũng chỉ có một mình cố gắng vượt qua. Và khi vùng vẫy không nổi nữa, chúng sẽ đem tất cả những đau đớn của mình đổ lên một đứa trẻ khác, bởi vì đó là cách duy nhất khiến chúng có thể trốn tránh sự thật. Vòng lặp, lại cứ thế xoay.

Chúng biết hết đấy, thế nên, nếu bạn đã là một người trưởng thành. Đã là một người lớn, theo cả mặt thể xác lẫn tinh thần. Hãy quan sát những đứa trẻ xung quanh mình, hãy bảo vệ tinh thần của chúng một cách đủ đầy. Những vấn đề về tình dục trên chỉ là ví dụ, ngoài xã hội chúng ta còn tỉ tỉ thứ đáng lo ngại còn thế nữa. Thế nên,

Đừng vì chúng còn nhỏ mà có thể mặc sức để chúng chứng kiến những việc tồi tệ từ người lớn.

Đừng vì chúng còn nhỏ mà có thể phớt lờ những tổn thương chúng có thể mang.

Đừng để vòng luẩn quẩn này lặp đi lặp lại với những đứa trẻ.

Chúng ta cũng từng là trẻ nhỏ, chúng ta cũng từng chịu tổn thương. Vậy thì, hãy yêu thương những đứa trẻ và đừng để chuyện tồi tệ như thế xảy ra nữa.

Trẻ con thì cái gì cũng biết đấy!

03/07/2018

Chúng ta đã trưởng thành được bao nhiêu phần

Trưởng thành – 1 khái niệm, 1 trạng thái mà từ già đến trẻ, từ bé đến lớn chắc ai cũng từng nghe qua 1 lần. Chúng ta sinh ra, lớn lên, qua ngưỡng tuổi 18 đã có thể coi là bắt đầu trưởng thành?

Năm bao nhiêu thì trưởng thành

Chắc chắn rất nhiều người trên hành tinh này đều nghĩ như vậy. Nhưng có phải chúng ta đã thực sự hiểu rõ được bản chất của trưởng thành ? Hay áp đặt một suy nghĩ, đánh dấu một độ tuổi nhất định nào đó cùng với một cách hiểu mơ hồ mà chúng ta tự coi mình là trưởng thành ? Vậy khi nào mới được gọi là trưởng thành?

Một người mới lập gia đình, cố gắng chăm chỉ làm việc, quan tâm chăm sóc chồng(hoặc vợ) mình, luôn đặt trách nhiệm xây dựng tổ ấm lên hàng đầu, đó được gọi là người trưởng thành. Một sinh viên mới ra trường, tự thân vận động kiếm việc, tự bươn chải lo toan cuộc sống, chịu trách nhiệm cho tương lai của mình, cho mọi hành vi, việc làm của bản thân, nhất định không phụ thuộc, dựa dẫm vào bố mẹ, đó cũng là hành động của người trưởng thành. Một đứa con thành đạt trong cuộc sống, đi khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng luôn nghĩ về những điều tốt nhất cho bố mẹ, luôn cố gắng để bố mẹ có một cuộc sống thảnh thơi, được hưởng thụ sau bao năm nhọc nhằn nuôi con khôn lớn, đó cũng gọi là người trưởng thành.

Một học sinh cấp III, học cùng, chơi cùng với những người bạn giàu có hơn mình nhưng không đua đòi, cố chạy theo lối sống đó bằng cách vòi vĩnh bố mẹ, ngược lại sống giản dị, chân thật, thậm chí kiếm việc làm nho nhỏ để từng ngày từng ngày giảm gánh nặng cho bố mẹ và tự lập cho sau này, đó cũng là suy nghĩ của người trưởng thành.

Một đứa trẻ lên chín, rủ em trai “kiếm tiền” bằng cách học thật giỏi để giành được tiền thưởng trong những cuộc thi lớn nhỏ trong thành phố. Cứ mỗi lần được giải là một lần đút lợn tiết kiệm kèm theo những “kế hoạch sắm đồ” cho bố mẹ trong tương lai. Số tiền có lẽ chẳng đáng bao nhiêu nhưng suy nghĩ, ước mơ thì lớn biết chừng nào. Và đó cũng chính là suy nghĩ của người trưởng thành.

Chúng ta khi bé luôn luôn mong ước mình lớn thật nhanh, để được thỏa thích làm những điều mình mong muốn. Nhưng khi lớn lên rồi họ lại sợ những trách nhiệm vô hình bị áp đạt với độ tuổi đã được coi là “trưởng thành”. Nhưng thực chất, một khi chúng ta đã có những suy nghĩ trưởng thành, trách nhiệm sẽ luôn đi kèm như người bạn đồng hành khích lệ chúng ta phải hoàn thành thật tốt, sống trọn vẹn từng ngày, và đó chính là món quà vô giá để khi càng lớn tuổi, chúng ta nhìn lại cũng không còn nuối tiếc.

Qua những điều trên, tôi muốn nói rằng trưởng thành không nhất thiết phải đến một độ tuổi nhất định nào đó mới bộc phát, mà từ khi chúng ta sinh ra trên cõi đời này, từng ngày chúng ta lớn lên, chính là cả một quá trình trưởng thành, học hỏi để tìm ra và khẳng định “Tôi là ai trong cuộc đời này”. Vậy không phải khi nào mới trưởng thành ? Mà là chúng ta đã trưởng thành được bao nhiêu phần?

Người dự thi: Nguyễn Hải Linh