Người sáng lập hội việt nam cách mạng thanh niên (6-1925) là

.

Cập nhật lúc: 06:10, 17/02/2022 (GMT+7)

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời (6/1925) và sau đó là phong trào “Vô sản hóa” vào những năm 1928-1929 của hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã dẫn đến sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở đất nước ta: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (8/1929), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9/1929). Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó đã ra đời vào ngày 3/2/1930 từ sự hợp nhất ba tổ chức cộng sản này.

• SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN

Vào tháng 6/1924 tại Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) được Quốc tế Cộng sản chỉ định vào Ban Chấp hành những người Cộng sản Châu Á phụ trách Bộ phương Đông và đặc trách Cục phương Nam. Khi tham gia Đại hội Quốc tế thanh niên cộng sản lần thứ IV tại Mátxcơva (Liên Xô) vào tháng 7/1924, Người đã chủ trì soạn thảo và trình bày tại Đại hội “Luận cương về thanh niên thuộc địa”, trong đó nêu lên yêu cầu cấp bách phải tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên cách mạng và hình thành các đoàn thể thanh niên, xây dựng các tổ chức thanh niên cộng sản ở thuộc địa. 

Tiếp đó, Quốc tế Cộng sản đã cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc) công tác, nhằm xúc tiến mọi điều kiện để xây dựng một tổ chức cộng sản ở Đông Dương và giúp đỡ các đại biểu cách mạng ở các nước Đông Nam Á. Tháng 2/1925, Người mở lớp học chính trị đầu tiên tại Trung Quốc. Sau lớp học, Người chọn những thanh niên tích cực nhất để lập ra nhóm bí mật là Cộng sản Đoàn làm hạt nhân cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam. Tháng 6/1925, Người lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với nòng cốt là Cộng sản Đoàn. Việc Cộng sản Đoàn làm nòng cốt cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cho thấy đây là một tổ chức chính trị theo khuynh hướng vô sản và là bước quá độ, là hạt nhân chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng cộng sản về sau. Do đó, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã công bố Chương trình và Điều lệ, nói rõ mục đích làm cách mạng dân tộc để giành lấy độc lập dân tộc, sau làm cách mạng thế giới để đi đến xã hội cộng sản chủ nghĩa. 

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc còn ra báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), là tài liệu giảng dạy cho hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Người khẳng định: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng, muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hi sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” .

VAI TRÒ CỦA PHONG TRÀO “VÔ SẢN HÓA”

Tại Đại hội lần thứ nhất Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ (tháng 9/1928), đồng chí Ngô Gia Tự đã nhận định: Cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã rộng khắp toàn xứ nhưng số hội viên là công nhân - những hạt nhân tiên tiến lại chưa có nhiều. Bởi vậy, cần phải đưa các hội viên đi về xí nghiệp, hầm mỏ, bến cảng, đồn điền, nơi tập trung công nhân và là các yết hầu kinh tế để đẩy mạnh phong trào đấu tranh của công nhân, để rèn luyện mình thành người vô sản. Lý lẽ của đồng chí đã nhanh chóng thuyết phục được mọi người. Hội nghị đã quyết định thông qua chủ trương “Vô sản hóa”. Thực hiện chủ trương này, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đã phân công đồng chí Ngô Gia Tự và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đặc trách theo dõi và vận động công nhân toàn kỳ. Do đó, sau hội nghị, đông đảo hội viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ tỏa đi “Vô sản hóa” khắp các cơ sở công nghiệp trong toàn xứ. Bản thân đồng chí Ngô Gia tự đi “Vô sản hóa” ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội).

Cuối tháng 3/1929, tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, Chi bộ Cộng sản đầu tiên trong nước được thành lập trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng Việt Nam, là hành động tiên phong để tiến tới vận động thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Tại Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên toàn quốc họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) tháng 5/1929, đồng chí Ngô Gia Tự và các đại biểu Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ kiên quyết đấu tranh, nêu yêu cầu thành lập ngay Đảng Cộng sản ở Việt Nam nhưng không đạt kết quả. Đoàn đại biểu Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ tuyên bố thoát ly Đại hội ra về. Về nước, đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đồng chí tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng, tuyên truyền vận động ủng hộ việc thành lập Đảng cộng sản. Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312, Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức ra đời. Đồng chí Ngô Gia Tự tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.

Cuối tháng 7/1929, đồng chí Ngô Gia Tự được cử vào Nam Kỳ vận động các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tiếp tục thực hiện chủ trương đi “Vô sản hóa”, đồng chí Ngô Gia Tự làm công nhân khuân vác ở bến cảng Sài Gòn. Đồng chí đã đầm mưa, giãi nắng đẩy xe than, xi măng, bốc vác hàng hóa vất vả ở các bến tàu. Qua đó, đồng chí đã tuyên truyền giáo dục cách mạng, tổ chức lãnh đạo công nhân đấu tranh. Do sự hoạt động tích cực của đồng chí Ngô Gia Tự, các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng phát triển mạnh ở nhiều nơi, từ Sài Gòn - Chợ Lớn đến Mỹ Tho, từ nhà máy đến các đồn điền ở Nam Kỳ đều có chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.

Thời gian này, phong trào “Vô sản hóa” đã lan rộng và phát triển mạnh mẽ khắp các địa phương trong cả nước, nhất là các thành phố lớn, các khu công nghiệp và vùng mỏ. Trước tình hình thúc bách, những người tiên tiến của cách mạng ở Trung Kỳ cũng nhanh chóng thành lập tổ chức của mình là An Nam Cộng sản Đảng vào tháng 8/1929. Ở Nam Kỳ, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng ra đời vào tháng 9/1929. 

Từ ngày 6/1/1930 đến đầu tháng 2/1930, Hội nghị thành lập Đảng đã họp tại bán đảo Cửu Long thuộc Hương Cảng (thuộc địa của Anh vào năm 1842, trở về với Trung Quốc năm 1997) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan phong trào cách mạng ở Đông Dương. Hội nghị nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9/1960 quyết nghị “từ nay trở đi lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”. 

Trong bản Tuyên đạt thành lập đảng của mình, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng chủ trương phải hợp nhất với Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành một tổ chức cộng sản ở xứ Đông Dương để cho sức mạnh cộng sản vững chắc và duy nhất mới có thể thực hiện cách mạng cộng sản. Vì thế, sau Hội nghị thành lập Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã yêu cầu gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng sản liên đoàn được chấp nhận gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ đây, cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam đã thống nhất trọn vẹn vào một Đảng cộng sản duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản (1931) đã kết nạp Đảng ta làm thành viên chính thức.

NGUYỄN VĂN TOÀN

NGUYỄN ÁI QUỐC - NGƯỜI SÁNG LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 

1. Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị các điều kiện cốt yếu cho sự ra đời của chính đảng cộng sản ở Việt Nam.

Với tư duy và tầm nhìn vượt thời đại, xuất phát từ lòng yêu nước chân chính, ngày 5-6-1911, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước nhằm cứu dân tộc khỏi cảnh “lầm than nô lệ”. Khác với những vĩ nhân đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cho mình một lối đi riêng, xâm nhập từ thực tiễn. Người đã đến những nước tư bản lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp…và nhận thấy rằng tư bản ở đâu cũng giống nhau, đằng sau ánh hào quang là sự đen tối; trên thế giới này chỉ có hai loại người là kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Từ đó Người khẳng định cách mạng tư sản không đem lại điều mà Người ham muốn là độc lập dân tộc, tự do cho dân tộc và ấm no, hạnh phúc tự do cho nhân dân.

Tháng 11- 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công, nhân loại bước vào thời đại mới, mở ra cơ hội cho các dân tộc đang bị đô hộ giành lại nền độc lập. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Bản sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, sự bắt gặp của lý tưởng yêu nước với chất lý thời đại đã mở ra bước ngoặt lớn trong tư tưởng cứu nước của Người.  Từ đó Nguyễn Ái Quốc bắt đầu trở thành người chiến sĩ cộng sản đầu tiên và bắt tay vào chuẩn bị các điều kiện cốt yếu để nhanh chóng thành lập một chính đảng cộng sản ở Việt Nam.

Trước hết, Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị về tư tưởng. Khi cách mạng tháng Mười Nga thành công tác động sâu sắc đến không khí chính trị thế giới, năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp, chính đảng tiến bộ nhất lúc bấy giờ ở Pháp. Cũng năm đó, Người viết Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gửi tới Hội nghị Vecsxai, tố cáo những chính sách cai trị thâm độc của thực dân Pháp, đòi hỏi các quyền tự do, dân chủ và bình đảng cho dân tộc Việt Nam. Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế III, thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng các nước thuộc địa thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, sau đó sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ). Người viết nhiều bài trên các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, Tạp chí cộng sản, Tập san Thư tín quốc tế…Chính những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đã nâng cao chuyển biến về tư tưởng trong lực lượng yêu nước bây giờ, nhận thấy bản chất thực dân Pháp, thức tỉnh nhân dân bị áp bức đấu tranh giải phóng dân tộc.

Song song với đó, xuất phát từ chiều sâu đặc điểm xã hội Việt Nam là một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, Nguyễn Ái Quốc tích cực nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin dưới góc độ phát triển và sáng tạo, dần hình thành một hệ thống luận điểm chính trị bước đầu, được hệ thống trong cuốn “Đường Kách mệnh”. Cuốn sách đã xác định những luận điểm về mục tiêu cách mạng, nhiệm vụ cách mạng, lực lượng cách mạng, đảng cách mạng…đã định hình “mô hình” cho đường lối chính trị của một cuộc cách mạng vô sản mang tính chất giải phóng dân tộc, giai cấp ở Việt Nam. Cuốn sách đã được Người đưa vào giảng dạy cho đội ngũ cán bộ tiền thân của Đảng ở Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, trong những năm 1925-1927 tại Quảng Châu – Trung Quốc đã “thổi một luồng gió mới” hình thành tư duy chính trị mới cho những người thanh niên yếu nước Việt Nam, đấu tranh giải phóng dân tộc theo lý tưởng mới, con đường mới – con đường cách mạng vô sản theo Chủ nghĩa Mác - Lê nin và Cách mạng tháng Mười Nga.

Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã dày công sáng lập và xây dựng những tổ chức tiền thân chuẩn bị cho sự nảy nở trong thực tiễn những chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng. Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), tháng 2-1925, Người thành lập nhóm Cộng sản đoàn, 4 tháng sau ( 6-1925), Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà nòng cốt là nhóm Cộng sản đoàn trước đó. Hội đã công bố chương trình, điều lệ, xây dựng hệ thống tổ chức. Để xây dựng và phát triển Hội về mọi mặt, Người đã cử cán bộ đi học ở Trường Đại học Cộng sản phương Đông (Liên Xô), Trường Quân chính Hoàng Phố (Trung Quốc), xuất bản tờ báo Thanh niên, thực hiện phong trào “vô sản hóa” đưa cán bộ đã được đào tạo về nước hoạt động nhằm xây dựng cơ sở của Hội, vừa rèn luyện Hội viên và tập hợp quần chúng.

2. Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt nền móng toàn diện cho việc xây dựng Đảng sau này.

  

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930.

Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
(Dẫn từ Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tác động sâu sắc, phong trào trào cách mạng Việt Nam chuyển biến nhanh chóng. Từ đầu 1929 đến đầu 1930, có ba tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam trên cả ba miền. Tuy nhiên, ba tổ chức cộng sản đã có biểu hiện phân tán về lực lượng, bài xích lẫn nhau, thiếu thống nhất về tổ chức. Trước tình hình đó, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam là thành lập một đảng cộng sản. Ngày 23-12-1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm về Trung Quốc, với tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản- Người triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để thành lập Đảng, thời gian diễn ra từ ngày 6-1 đến 8-2-1930. Việc triệu tập Hội nghị hoàn toàn là sáng kiến của Người, trong thời gian chỉ đạo Người chưa nhận được nghị quyết của Quốc tế cộng sản về việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, bởi nghị quyết tới ngày 28-11-1929, mới được Quốc tế Cộng sản thông qua và khi về đến trong nước thì việc hợp nhất đã thành công. Sau khi chủ trì hoàn thành, Người có gửi bản Báo cáo tới Quốc tế cộng sản ngày 18-2-1930 về sự chủ trì của Người đối với sự kiện thành lập Đảng.2

Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành phương pháp hơp nhất các tổ chức cộng sản một cách đúng đắn, phù hợp. Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản chủ trương cần giải thể các tổ chức rồi lựa chọn các cá nhân ưu tú vào thành lập Đảng3. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc không làm vậy, bởi vì những tổ chức cộng sản đều chung bản chất, chung mục tiêu, chung con đường cách mạng, điều khác chỉ là cách thống nhất và tổ chức nào đóng vai trò chủ thể. Nhận thức được điều đó, Nguyễn Ái Quốc đã chuyển toàn bộ lực lượng và thành lập chính Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là phương pháp tập hợp nhằm tăng cường khối đoàn kết, sức mạnh trong đảng, phù hợp thực tiễn lúc bấy giờ.

Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra Cương lĩnh cách mạng, định hướng cho cách mạng Việt Nam đi từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với sự chủ trì của Người, Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người soạn thảo, xác định “lộ trình” với những luận điểm súc tích cho cách mạng Việt Nam về đường hướng chiến lược, về nhiệm vụ, về lực lượng, về đảng chính trị…Cương lĩnh xác định lực lượng cách mạng biện chứng, khoa học đề cao cao sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện cuộc cách mạng triệt để từ giải phóng dân tộc, giai cấp tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, cách mạng đấu tranh không chỉ vì lợi ích dân tộc Việt Nam mà còn vì sự phát triển của thế giới…Nghị quyết về Đông Dương của Quốc tế Cộng sản chỉ cho rằng chỉ có giai cấp công nhân và nông dân là lực lượng, đồng lực của cách mạng, các bộ phận giai cấp còn lại đều mang tính cải lương, thỏa hiệp. Tuy nhiên, với góc nhìn sát về thực tiễn cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã sáng tạo trong xác định lực lượng khi cho rằng không chỉ có hai giai cấp công nhân và nông dân mà đối với cách mạng Việt Nam còn có cả tư sản dân tộc, tiểu tư sản...Nhiệm vụ tập hợp, phân hóa, lôi kéo giai cấp là của Đảng, chỉ những bộ phận nào lộ rõ bộ mắt phản cách mạng mới đánh đổ. Đó là cách nhìn khách quan, sáng suốt thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc. Đó là một Cương lĩnh đúng đắn, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, giải quyết được những vấn đề cơ bản do thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra. Những giá trị của Cương lĩnh đặt nền móng cho quá trình hoạch định đường lối và chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 90 năm qua.

Một mùa xuân mới nữa lại đến - Xuân Nhâm Dần 2022, trong bối cảnh đầy khó khăn do tác động của Đại dịch Covid - 19. Nhớ về mùa xuân lịch sử Canh Ngọ năm 1930 - với sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang bị xâm lược, với tinh thần sáng tạo, chủ động, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam- mở đường cho đất nước có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay”. Phát huy tinh thần ấy, tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư duy chiến lược toàn diện được đề ra tại Đại hội XIII, đất nước sẽ vượt qua được thử thách, thực hiện thành công khát vọng dân tộc, đất nước sẽ “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”.

     1. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, HN-2011.

      2.  Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, (1930-1945), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật. HN-2018.

         3. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, (1930-1945), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật. HN-2018. 

Video liên quan

Chủ đề