Nguyên nhân bị đứt dây chằng

6.2. Điều trị phẫu thuật
– Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo là phẫu thuật phổ biến hiện nay ở Việt nam và trên thế giới. Ưu điểm là vết mổ nhỏ, nhanh lành, thẫm mỹ, phục hồi nhanh.
– Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là sau 1 tuần kể từ khi bị chấn thương.

6.2.1. Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối được chỉ định trong các trường hợp sau đây
– Dây chằng chéo gối đã đứt hoàn toàn hoặc đứt một phần nhưng mất vững.
– Đã trải qua chương trình tập phục hồi chức năng nhưng đầu gối vẫn chưa ổn định.
– Có nhu cầu vận động cao như người hay chơi thể thao hoặc công việc đòi hỏi phải sử dụng đầu gối nhiều.
– Đứt dây chằng chéo khớp gối đã dẫn tới các tổn thương thứ phát là rách sụn chêm hoặc thoái hóa khớp.

6.2.3. Cách thức phẫu thuật?
– Phẫu thuật viên có thể dùng mảnh ghép bằng gân khác thay thế dây chằng chéo trước khớp gối đã bị đứt, có thể là mảnh ghép tự thân hoặc đồng loại. Tuy nhiên do hiện nay ở Việt Nam các ngân hàng mô chưa phát triển nên chủ yếu vẫn là dùng các mảnh ghép tự thân là chính. Các mảnh ghép tự thân hiện nay hay được sử dụng là: mảnh ghép gân hamstring, mảnh ghép gân bánh chè, mảnh ghép gân mác dài, mảnh ghép gân tứ đầu đùi,…
– Việc sử dụng mảnh ghép nào là tùy theo sở thích và kỹ năng được đào tạo của từng phẫu thuật viên, tuy nhiên mảnh ghép hamstring vẫn là mảnh ghép được ưa thích và hay dùng hơn cả.
– Trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân được tê tủy sống hoặc mê nội khí quản.

6.2.4. Những tai biến có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật?
Với bất kỳ phẫu thuật nào đều có tiềm ẩn một số nguy cơ. Đối với phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước cũng sẽ đối mặt với một số ít rủi ro sau đây:
– Tai biến của thuốc gây mê, gây tê trên hô hấp, tim mạch như: trụy tim mạch, suy hô hấp, sẽ được xử trí cấp cứu hỗ trợ tùy vào mức độ cụ thể.
– Chảy máu vết mổ hoặc tê bì vùng da quanh vết mổ.
– Huyết khối tĩnh mạch.
– Lỏng gối.
– Hạn chế biên độ vận động gối.
– Tổn thương sụn dẫn đến rối loại sự phát triển của xương.

6.2.5. Thời gian điều trị phẫu thuật mất bao lâu?
– Bệnh nhân được nhập viện và thực hiện phẫu thuật ngay trong ngày (nếu tình trạng bệnh ổn định).
– Thời gian phẫu thuật mất khoảng 1 – 2 giờ, sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ nằm hậu phẫu khoảng 2 giờ, sau khi tình trạng bệnh nhân ổn định sẽ được chuyển về lại khoa để theo dõi và điều trị tiếp.
– Sau phẫu thuật bệnh nhân cần nằm lại điều trị thuốc, chăm sóc vết thương và theo dõi thêm 5 – 7 ngày sẽ được xuất viện (nếu tình trạng ổn định).

7. Dự phòng chăm sóc
– Tránh các hoạt động thể thao vận động mạnh khớp gối như: đá bóng, chạy nhảy,…
– Phòng tránh các nguy cơ té ngã gây chấn thương trực tiếp lên khớp gối.
– Tập thể dục đều đặn tăng cường sự dẻo dai của khớp gối.

8. Hướng dẫn các bài tập phục hồi khớp gối sau phẫu thuật
– Trước mổ, bệnh nhân nên chuẩn bị tối thiểu một đôi nạng và một nẹp gối (tốt nhất là nẹp khóa), phù hợp với chiều cao của bệnh nhân.
– Quy trình luyện tập chia thành 5 giai đoạn:

8.1. Giai đoạn 1: Tập ngay sau mổ cho đến hết 8 tuần
– Nẹp gối:
+ Tuần đầu: nẹp gối duỗi hoàn toàn, từ tuần 2 có thể tập gấp gối
+ Trước 4 tuần: luôn khóa nẹp khi đi lại.
+ Từ tuần 5: có thể không khóa nẹp khi đi lại.
– Đi nạng, tỳ chân:
+ 3 tuần đầu: không nên tỳ chân (đi hai nạng).
+ Tuần 4-8: có thể tỳ chân một phần (đi một nạng hoặc hai nạng).
+ Sau 8 tuần tỳ chân hoàn toàn (bỏ nạng).
– Gấp gối:
+ Tuần đầu tiên không gấp gối.
+ Từ tuần 2: gấp gối thụ động với biên độ tăng dần, tới tuần 8 có thể gấp đến 90 -100 độ.
– Chương trình tập luyện:
Bệnh nhân luyện tập theo các động tác sau, có thể tiến hành ngay ngày đầu sau mổ, mỗi động tác tập nên giữ trong 10 giây, làm 20-30 lần, ngày tập 3-5 đợt. Sau mỗi đợt tập nên chườm lạnh khoảng 15-30 phút.

Chấn thương vùng gối là một tình trạng thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Một trong những hệ lụy của nó là đứt dây chằng đầu gối (hay đứt dây chằng khớp gối). Hệ lụy này để lại cho bệnh nhân những biến chứng ngắn và dài hạn rất nghiêm trọng. Hiện nay, nhờ sự phát triển của y học, việc chẩn đoán và điều trị đứt dây chằng đầu gối đã có những cải tiến đáng kể. Bài viết sau của Bác sĩ Lê Đức Đôn sẽ cung cấp những thông tin về tình trạng đứt dây chằng đầu gối. Mời bạn đọc theo dõi nhé!

Nội dung bài viết

  • Giải phẫu chức năng của dây chằng khớp gối
  • Nguyên nhân đứt dây chằng đầu gối
  • Triệu chứng đứt dây chằng đầu gối
  • Chẩn đoán đứt dây chằng đầu gối
  • Chẩn đoán phân biệt
  • Điều trị đứt dây chằng khớp gối

Giải phẫu chức năng của dây chằng khớp gối

Khớp gối là khớp lớn nhất và phức tạp nhất của cơ thể. Khớp gối được tạo bởi đầu xa xương đùi, đầu gần xương bánh chè, đồng thời được bao phủ bởi bao khớp, dây chằng, gân và các cơ. Cấu trúc giải phẫu đặc biệt và sự tương tác giữa các bộ phận này giúp giữ vững cũng như tạo ra chuyển động cho khớp gối.

Nguyên nhân bị đứt dây chằng
Giải phẫu các dây chằng khớp gối

Các dây chằng chính của khớp gối bao gồm:1

Dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước bám từ vùng gian lồi cầu trước xương chày, ngay phía trước chỗ bám của sụn chêm trong. Từ chỗ bám này, dây chằng đi lên trên, ra sau và vào trong đến bám vào mặt trong lồi cầu ngoài xương đùi. Dây chằng chéo trước ngăn đầu dưới xương đùi trật ra sau và ngăn khớp gối duỗi quá mức.

Dây chằng chéo sau

Dây chằng chéo sau chắc khỏe hơn dây chằng chéo trước. Nó bám từ vùng gian lồi cầu sau xương chày, đi lên trên và ra trước, bắt chéo phía trong dây chằng chéo trước và đến bám vào mặt ngoài lồi cầu trong xương đùi. Dây chằng chéo sau giúp ngăn sự trật ra trước của đầu dưới xương đùi. Đồng thời, nó cũng ngăn khớp gối gấp quá mức.

Dây chằng bên ngoài

Dây chằng bên ngoài hơi tròn. Nó bám từ ngay dưới mỏm trên lồi cầu ngoài xương đùi đến mặt ngoài chỏm mác.

Dây chằng bên trong

Dây chằng bên trong dẹt, bám từ mỏm trên lồi cầu trong xương đùi đến lồi cầu trong và mặt trong đầu trên xương chày. Dây chằng bên trong yếu hơn dây chằng bên ngoài. Vì thế, dây chằng này thường bị rách trong chấn thương thể thao.

Nguyên nhân đứt dây chằng đầu gối

Hầu hết các nguyên nhân đều đến từ các chấn thương thể thao. Một phần còn lại là do các chấn thương nghề nghiệp hoặc tai nạn giao thông. Những chấn thương này đều là những chấn thương có mức năng lượng từ trung bình đến nặng:2

Đứt dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước là dây chằng thường bị tổn thương nhiều nhất tại khớp gối. Dây chằng này thường bị kéo giãn hoặc đứt do một động tác xoay người hoặc đổi hướng đột ngột (khi hai chân đứng trên một mặt phẳng nhưng gối xoay sang một mặt phẳng khác). Các môn thể thao như trượt tuyết, bóng rổ hay đặc biệt là những cú ngoặt bóng trong bóng đá thường có nguy cơ cao dẫn đến đứt dây chằng chéo trước.

Nguyên nhân bị đứt dây chằng
Cơ chế đứt dây chằng chéo trước

Đứt dây chằng chéo sau

Đứt dây chằng chéo sau cũng là một chấn thương thường gặp ở vùng gối. Tuy nhiên, tổn thương dây chằng này thường do một tác động trực tiếp và đột ngột. Ví dụ: tai nạn xe hơn hoặc một cú tắc bóng từ đối phương.

Đứt dây chằng bên trong và bên ngoài

Tổn thương giãn và đứt các dây chằng bên thường do một lực tác động vào bên trong hoặc bên ngoài khớp gối, như trong các môn hockey hoặc bóng bầu dục.

Triệu chứng đứt dây chằng đầu gối

Triệu chứng cấp tính:3

  • Đau vùng gối, thường xảy ra ngay sau chấn thương và rất nghiêm trọng.
  • Nghe tiếng “pop” hoặc “tac” ngay khi xảy ra chấn thương tại gối.
  • Sưng bầm nhiều vùng gối.
  • Đôi khi có thể cảm thấy tê hoặc mất cảm giác hoặc vị thế của khớp gối trong không gian.
  • Khó có thể đứng dậy và đi lại ngay lập tức sau tai nạn. Bạn gần như mất khả năng dồn toàn bộ trong lượng cơ thể lên hai chân.
  • Đặc biệt, trong các chấn thương nghiêm trọng, tất cả các dây chằng khớp gối bị đứt, có thể bạn sẽ thấy khớp gối bị biến dạng, nhô các các đầu xương ngay dưới da. Biến dạng này có thể biến mất do vô tình trong quá trình sơ cứu hoặc không được chú ý.

Trong trường này, rất có thể bạn đã bị trật khớp gối, lưu ý rằng biến chứng này rất nguy hiểm có thể dẫn đến tắc động mạch khoeo – là động mạch chính cung cấp máu cho phần chân phía dưới tổn thương. Do đó, nếu tổn thương này để lâu mà không được phát hiện hoặc phát hiện trễ có thể dẫn đến thiếu máu nuôi. Cuối cùng có thể gây ra hoại tử chân và có thể phải cắt cụt chân.

Vì vậy, cần thông báo cho nhân viên y tế ngay rằng bạn từng bị biến dạng gối sau chấn thương cũng như các triệu chứng như: tê nhiều hoặc mất cảm giác, đau, tím tái vùng chân dưới khớp gối.

Triệu chứng muộn:

  • Cảm giác lỏng lẻo, mất vững khớp gối khi thực hiện động tác chạy, leo cầu thang hoặc xoay người đột ngột.
  • Khó có khả năng quay lại các môn thể thao đã chơi trước đây. Đây là do hạn chế vận động và cảm giác e sợ chấn thương tương tự.

Chẩn đoán đứt dây chằng đầu gối

Thông thường, khi đến khám vì chấn thương vùng gối, nếu là trường hợp cấp tính, gối bệnh nhân thường sưng nề nhiều và rất đau khi vận động cũng như khi thăm khám. Do đó, hầu như khó có thể phát hiện chính xác các tổn thương này khi bệnh nhân vừa bị chấn thương.

Sau 1-2 tuần, bệnh nhân bớt sưng nề và giảm đau. Lúc này, bác sĩ có thể thực hiện các nghiệm pháp khám để chẩn đoán tổn thương bên trong gối:4

  • Kiểm tra tầm vận động chủ động và vận động khớp gối.
  • Nghiệm pháp Lachman.5
  • Nghiệm pháp ngăn kéo trước, ngăn kéo sau.
  • Nghiệm pháp Pivot-Shift.
  • Nghiệm pháp kéo giãn dây chằng bên/bên ngoài (dạng/khép khớp gối) có kháng lực.
  • Ngoài ra, có thể thực hiện nghiệm pháp Mc Murray hoặc nghiệm pháp Apley để chẩn đoán tổn thương các sụn chêm đi kèm.6
Nguyên nhân bị đứt dây chằng
Thăm khám dây chằng chéo trước

Sau khi thăm khám một cách hoàn chỉnh và có hệ thống, bác sĩ sẽ có cái nhìn tổng quan về các chấn thương tại khớp gối của bệnh nhân. Từ đó, đưa ra những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh học phù hợp. Điều này giúp khẳng định lại chẩn đoán cũng như đánh giá mức độ nặng của tổn thương.

Thông thường, hình ảnh học được sử dụng trong các trường hợp đứt dây chằng khớp gối là cộng hưởng từ khớp gối (MRI). Đây là phương tiện giúp khẳng định chẩn đoán chính xác trong hầu hết các trường hợp tổn thương dây chằng.

Nội dung sau đây là hình ảnh học đặc trưng của đứt dây chằng chéo trước trên MRI để minh họa. Các hình ảnh này được phân thành dấu hiệu nguyên phát và thứ phát. Dấu hiệu nguyên phát là những hình ảnh tổn thương liên quan đến bản thân dây chằng. Dấu hiệu thứ phát là những hình ảnh xung quanh có liên quan mật thiết đến dây chằng chéo trước.5

Dấu hiệu hình ảnh nguyên phát5

  • Sưng nề, tràn dịch khớp gối.
  • Tăng tín hiệu trên chuỗi xung T2.
  • Mất liên tục các thớ sợi dây chằng.
  • Bất thường về hướng dẫn chằng chéo trước liên quan đến đường liên lồi cầu đùi (đường Blumensaat): Các sợi của dây chằng chéo trước có hướng ít dốc hơn so với đường tiếp tuyến của đỉnh liên lồi cầu (hay còn gọi là đường Blumensaat). Điều này được thể hiện thông qua góc của dây chằng chéo trước và đường gian lồi cầu (đỉnh góc nằm ở phía trước) > 15°, chỉ ra rằng dây chằng bị đứt hoặc bị kéo dãn quá mức gây chùn.
  • Dấu hiệu “notch” trống: tính hiệu dịch tại điểm bám của dây chằng ở mặt trong lồi cầu ngoài. Nó chỉ ra rằng có sự bong điểm bám tại đây.

Dây chằng chéo trước thường bị đứt ở đoạn 1/3 giữa và biểu thị qua hình ảnh mất liên tục dây chằng hoặc bất thường chu vi dây chằng. Tín hiệu dây chằng có thể tăng đậm độ trên chuỗi xung T2. Nếu góc nghiêng của dây chằng vẫn bình thường nhưng có sự tăng tín hiệu, có khả năng dây chằng chéo trước đã bị đứt một phần.

Dây chằng chéo trước có thể chỉ bị tổn thương một trong hai bó của nó. Hình ảnh học của tổn thương bó sau ngoài đơn thuần bao gồm:

  • Gap sign: tín hiệu dịch hoặc khoảng trống giữa cạnh trong của lồi cầu ngoài xương đùi và cạnh ngoài của đoạn giữa dây chằng, có thể nhìn thấy trên lát cắt ngang hoặc đứng ngang trên MRI.
  • Footprint sign: che phủ không hoàn toàn cạnh ngoài của gai chày tại điểm bám ở xương chày của dây chằng chéo trước, chỉ có thể nhìn thấy trên phim MRI lát cắt đứng ngang.

Dấu hiệu hình ảnh thứ phát5

  • Đụng gập xương tại lồi cầu ngoài xương đùi hoặc mâm chày sau ngoài.
  • Mâm chày di chuyển ra trước > 7mm.
  • Sừng sau của sụn chêm ngoài không được che phủ.
  • Gãy xương kiểu Segond (kiểu gãy vòng cung).
  • Giảm độ dốc của dây chằng chéo sau. Nguyên nhân là do bị vướng bởi đầu tư do bị đứt của dây chằng chéo trước.
  • Tổn thương dây chằng bên trong hoặc bên ngoài đi kèm.

Chẩn đoán phân biệt

Tổn thương sụn chêm6

Tổn thương sụn chêm thường xảy ra kèm với đứt dây chằng chéo trước hoặc các tổn thương đáng kể khác. Triệu chứng chính là đau tại khe khớp gối và cứng khớp. Tràn dịch (sưng nề) khớp gối có thể xuất hiện sau 1 đến 2 ngày, nhưng có thể xuất hiện tràn máu trong khớp sớm nếu tổn thương mạch máu nuôi sụn khớp. Động tác thăm khám hiệu quả thường là thực hiện nghiệm pháp Mc Muray. MRI là một công cụ có độ nhạy cao để phát hiện rách sụn chêm, nhưng có thể bị nhầm lẫn với hình ảnh thoái hóa chất nền trung tâm của sụn chêm.

Căng bao khớp sau7

Đây là hiện tượng cứng khớp và tràn dịch không đáng kể, đau nhiều khi duỗi gối. Kiểm tra các dây chằng thường vững. Chẩn đoán hầu hết dựa trên lâm sàng, hiếm khi cần hình ảnh học. Đôi khi phát hiện tín hiệu bất thường ở bao khớp sau trên MRI, nhưng các bó sợi dây chằng còn nguyên vẹn.

Bán trật/Trật xương bánh chè8

Người bệnh đau dữ dội quanh xương bánh chè, có thể thấy bánh chè bị trật khỏi vị trí thông thường. Xuất huyết trong khớp thường xảy ra, khó chống chân, và cảm giác mất vững bánh chè. Thăm khám phát hiện sưng nề nhiều vùng bánh chè và dây chằng cánh trong. Đồng thời, bệnh nhân có cảm giác e sợ khi người khám cố làm trật xương bánh chè. Nghiệm pháp ngăn kéo trước còn vững. Tình trạng này thường được phát hiện trên X-quang khớp gối nếu bánh chè không được nắn chỉnh. Hình ảnh thường thấy là bán trật ra ngoài và bất thường khớp chè đùi.

Điều trị đứt dây chằng khớp gối

Dựa trên thông tin về bệnh sử, các dấu hiệu, nghiệm pháp thăm khám được cùng những hình ảnh trên cộng hưởng từ, bác sĩ sẽ có chiến lược điều trị phù hợp với từng bệnh nhân khác nhau.

Mục tiêu của việc điều trị đứt dây chằng khớp gối bao gồm:

  • Giảm triệu chứng.
  • Phục hồi chức năng.
  • Hạn chế biến chứng.

Điều trị ban đầu bao gồm chống chân có kiểm soát, nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và nẹp bảo vệ. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) hoặc các thuốc giảm đau có thể giúp kiểm soát đau và sưng nề, nhưng không làm thay đổi nguyên nhân bệnh sinh.3

Phương án điều trị nên dựa trên mong muốn của bệnh nhân, cùng với bản chất của chấn thương bên trong gối. Bệnh nhân có thể được chia ra làm ba nhóm:

  • Ít vận động.
  • Nhu cầu vận động trung bình.
  • Nhu cầu vận động cao.

Mục tiêu điều trị vật lí trị liệu9

Bệnh nhân nên được hướng dẫn thực hiện những động tác trong tầm vận động chủ động một cách nhẹ nhàng (không đau) trong những ngày đầu sau chấn thương. Mục tiêu đầu tiên của vật lý trị liệu là giảm sưng và đau. Đồng thời, liệu pháp giúp khôi phục được đầy đủ tầm vận động của bệnh nhân.

Mục tiêu tiếp theo là hồi phục sức mạnh của cơ, các cảm nhận bản thể và cảm thấy vững chắc khớp gối khi vận động. Chú ý rằng trong quá trình tập luyện, nếu có tình trạng trật khớp chè đùi tái diễn, điều này có thể do rách sụn chêm hoặc tổn thương sụn khớp đi kèm. Lúc này, cần phải thay đổi chiến lược điều trị để cá nhân hóa từng trường hợp.10

Bệnh nhân ít nhu cầu vận động

Nhóm này bao gồm những người ít nhu cầu vận động, cũng không đủ thể trạng để phẫu thuật. Nhóm cũng có thể bao gồm những bệnh nhân không đồng ý những điều trị phức tạp. Họ có thể điều trị tốt nhất thông qua vật lý trị liệu tại nhà, nẹp bảo vệ gối. Họ cũng phải vận động theo hướng dẫn để hạn chế nguy cơ mất vững khớp gối về sau.

Bệnh nhân có nhu cầu vận động trung bình

Nhóm bệnh nhân này bao gồm những người có lối sống tương đối tĩnh tại cho đến những người có nhu cầu thể lực mức độ vừa phải, tuy nhiên nhu cầu sử dụng khớp gối không quá nhiều. Họ thường chơi các môn thể thao: đánh golf, bơi, đạp xe đạp, đi bộ,.. trong thời gian rảnh. Dựa trên độ nặng của tổn thương và nhu cầu vận động trong cuộc sống, bệnh nhân có thể được cho tập vật lý trị liệu nghiêm ngặt và dùng nẹp phù hợp cho từng người khác nhau. Nếu tình trạng mất vững vẫn còn xảy ra khi vận động, có thể cần phải tư vấn nhằm khuyến khích bệnh nhân thay đổi các động tác sử dụng khớp gối nói riêng và các động tác phối hợp khớp háng, gối và cổ chân nói chung.

Bệnh nhân có nhu cầu vận động cao

Những bệnh nhân này có tầm mức vận động từ cao đến rất cao và thường là các vận động viên chuyên nghiệp; đặc biệt đối với các môn thể thao đòi hỏi ngoặt bóng, xoay người, nhảy cao, hoặc giảm tốc độ ngột (bóng đá, bóng rổ, trượt tuyết, tập Gym,…). Một số khác có thể là những người làm việc trong môi trường nặng nhọc hoặc có thể bị gây nguy hiểm nếu khớp gối không vững (thợ lợp mái nhà, công nhân xây dựng, cảnh sát hoặc quân nhân). Những đối tượng này thường được điều trị tốt nhất bằng việc phẫu thuật tái tạo dây chằng.

Tuy nhiên đôi khi vẫn có thể lựa chọn điều trị bảo tồn và tập vật lý trị liệu đối với những bệnh từ chối mổ. Nhiều nghiên cứu so sánh giữa tập vật lý trị liệu cùng với tái tạo dây chằng sớm sau chấn thương với tái tạo dây chằng trì hoãn cho thấy không có sự khác biệt về mặt chức năng ở những bệnh nhân trẻ hoạt động mạnh.11

Một số khác, bất kể mức độ chấn thương và nhu cầu vận động, lại có xu hướng không thể dung nạp điều trị bảo tồn và có thể có hiệu quả nếu được phẫu thuật. Điều này có liên quan đến dáng người và cách đi hằng ngày của họ.

Tái tạo dây chằng chéo trước12

Tái tạo dây chằng chéo trước được thực hiện nhằm phục hồi chức năng và độ vững của khớp gối. Phẫu thuật có thể được thực hiện sớm nhất có thể sau khi gối đã hết sưng nề và tầm vận động đã được khôi phục tốt (thường là 1 – 2 tuần đầu sau chấn thương đối với bệnh nhân đã được điều trị ban đầu phù hợp).

Mặc dù đứt dây chằng chéo trước thường gặp ở độ tuổi từ 15 đến 45, nhưng chỉ riêng tuổi già cũng không phải là không được phép phẫu thuật. Ngay cả xuất hiện cứng khớp cũng không phải là chống chỉ định tái tạo dây chằng.

Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê tủy sống. Bệnh nhân sẽ được lấy gân của bản thân hoặc mảnh ghép nhân tạo để khôi phục lại dây chằng chéo trước. Sau đó, được cố định bằng vít chẹn hoặc vòng kim loại. Thời gian cuộc mổ kéo dài từ 1 đến 3 tiếng.

Nguy cơ phẫu thuật bao gồm: nhiễm trùng, thuyên tắc tĩnh mạch sâu, tổn thương thần kinh mạch máu vùng gối, mất vận động, đau khớp chè đùi, đau tại vị trí lấy mảnh ghép, đứt gân, gãy bánh chè; tuy nhiên, cần chú ý rằng các biến chứng này hiếm khi xảy ra.

Nguyên nhân bị đứt dây chằng
Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước

Khâu nối trực tiếp dây chằng chéo trước hiếm khi được thực hiện do kết quả chung khá kém. Bong điểm bám dây chằng có thể được điều trị với phẫu thuật mổ mở, mở nhỏ hoặc nội soi nắn chỉnh.

Hướng dẫn sau mổ

Điều này phụ thuộc vào trình tự ca mổ, tính chất của bệnh nhân và tư vấn của phẫu thuật viên. Bệnh nhân có thể đứng bằng nạng và mang nẹp những ngày đầu sau mổ. Chườm lạnh, kê cao chân là những điều được khuyên thực hiện. Tập vật lý trị liệu được thực hiện ngay ngày đầu tiên sau mổ. Bệnh nhân có thể được xuất viện từ 2 – 3 ngày sau phẫu thuật. Tái tạo dây chằng chéo có thể giúp trở lại với nhu cầu vận động cao. Tuy nhiên, nó không thể làm giảm nguy cơ cứng gối sau chấn thương.13

Nguyên nhân bị đứt dây chằng
Mang nẹp gối những ngày đầu sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước

Những lời khuyên vận động sau mổ

Những lời khuyên này phụ thuộc vào kiểu hình và mức độ chấn thương, có hay không tổn thương đi kèm, kĩ thuật mổ, lược đồ tập luyện, tinh thần của bệnh nhân và nhu cầu thể lực.

Việc trở lại với những môn thể thao không hoặc ít đối kháng (tập gym, xe đạp) có thể nhanh hơn so với các môn có tính đối kháng (bóng đá, bóng rổ). Khôi phục toàn bộ tầm vận động thường sau 6 đến 12 tháng, trường hợp chỉ sau 3 tháng cũng đã được ghi nhận. Việc chạy nhảy có thể được thực hiện 4 tháng sau mổ. Những hoạt động thể chất trung bình sau 6 tháng và những hoạt động mạnh sau 8 tháng.14

Việc khôi phục vận động an toàn phụ thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ chế độ tập vật lí trị liệu. Một nghiên cứu tổng hợp đã đưa ra bằng chứng về việc tập vật lí trị liệu sau tái tạo dây chằng nên được thực hiện trong 9 đến 12 tháng. Tầm vận động nên được khôi phục từ từ và thích hợp cho từ đối tượng. Không nên vội vã trong việc tập luyện do có thể dẫn đến giãn hoặc đứt lại dây chằng.15

Đứt dây chằng đầu gối là một chấn thương thường gặp. Nó cần được xử trí ban đầu phù hợp để tối ưu hóa quá trình điều trị sau này. Chẩn đoán đứt dây chằng phải xác định được thành phần nào bị tổn thương. Phải luôn luôn phối hợp giữa thăm khám bằng tay cùng với hình ảnh học. Việc điều trị dựa trên mức độ tổn thương, nhu cầu vận động của bệnh nhân. Và phải cá nhân hóa việc điều trị để đạt hiệu quả tối ưu. Bệnh nhân cần tuân thủ tập vật lí trị liệu để có thể quay lại sinh hoạt hằng ngày sớm nhất có thể. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc.