Nguyên nhân cách phòng bệnh tay chân miệng

1. Bệnh Tay - chân - miệng là gì?

Bệnh Tay - chân - miệng là một bệnh lây do một nhóm vi rút đường ruột gây nên. Hiện chưa có vắc xin phòng ngừa và có thể gây tử vong nhanh. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với nước miếng, phân, dịch bóng nước của trẻ bệnh, hoặc gián tiếp qua đồ chơi vật dụng sử dụng chung với trẻ bệnh. Nếu người lớn không rửa sạch bàn tay khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ bệnh, có thể là trung gian truyền bệnh cho những trẻ khác.

2. Làm gì khi phát hiện trẻ bị Bệnh Tay - chân - miệng?

- Phụ huynh, người chăm sóc trẻ nên nghĩ ngay đến Bệnh Tay - chân - miệng và đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện trẻ có dấu hiệu:

  • Sốt
  • Đau miệng, chảy nhiều nước miếng, bỏ ăn,
  • Nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối

- Phụ huynh, người chăm sóc trẻ phải cho trẻ ở nhà, không đưa trẻ đi học hay đến những chỗ đông trẻ em khi trẻ có dấu hiệu bệnh như đã nêu

- Phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên cần sớm phát hiện trẻ sốt, cách ly, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh.

3. Làm gì khi trẻ có những dấu hiệu trở bệnh nặng?

- Phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần theo dõi diễn biến bệnh của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng sau:

  • Sốt cao 390C hoặc sốt liên tục trên 2 ngày
  • Quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì
  • Giật mình, hốt hoảng, chới với
  • Đi đứng loạng choạng hoặc run giật, yếu tay chân
  • Khó thở, thở nhanh hay thở không đều
  • Nôn ói nhiều
  • Da nổi bông

- Đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới ngay khi phát hiện một trong những dấu hiệu trên để điều trị kịp thời tránh biến chứng nặng hay tử vong

4. Phòng chống Bệnh Tay - chân - miệng như thế nào?

Bệnh Tay - chân - miệng nguy hiểm vì chưa có vắc xin phòng ngừa và có thể gây tử vong  nhưng có thể phòng ngừa được bệnh nếu:

- Phụ huynh và người chăm sóc trẻ tại các gia đình, giáo viên ở nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mẫu giáo chủ động thực hiện rửa tay thường xuyên, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần theo hướng dẫn như sau:

  1. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng cho trẻ, người chăm sóc trẻ. Rửa tay trước khi ăn, trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, sau khi chăm sóc trẻ (thay tã, dọn vệ sinh cho trẻ), khi bàn tay bị vấy bẩn, đặc biệt là sau khi chăm sóc, tiếp xúc với trẻ bệnh
  1. Vệ sinh hàng ngày đồ chơi, vật dụng mà trẻ tiếp xúc, lau chùi sàn nhà, khu vực sinh hoạt của trẻ hàng ngày bằng nước và xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông dụng hoặc bằng dung dịch Chloramin B (cấp miễn phí tại Trạm y tế), pha nửa muỗng cà phê trong 1 lít nước hoặc dung dịch Surfanios hoặc dung dịch Javel như Zonrox (pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì)
  2. Khử khuẩn:
  • Khử khuẩn hàng tuần (trường hợp không có trẻ bệnh): ngâm đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc, lau chùi sàn nhà, khu vực sinh hoạt của trẻ bằng dung dịch Chloramin Bpha một muỗng cà phê trong 1 lít nước hoặc dung dịch Surfanios hoặc dung dịch Javel như Zonrox (pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì)
  • Khử khuẩn hàng ngày (trường hợp có trẻ bị bệnh): khử khuẩn phải được thực hiện hàng ngày trong 10 đến 15 ngày. Pha 5 muỗng cà phê bột Chloramin B trong 1 lít nước hoặc dung dịch Surfanios hoặc dung dịch Javel như Zonrox (pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì). Đối với vật dụng, đồ chơi của trẻ bị bệnh phải tiến hành khử khuẩn ngay sau khi trẻ vừa chơi hoặc sử dụng xong

- Cách ly trẻ bệnh tại nhà trong 10 ngày hoặc cho đến khi hết bóng nước hoặc hết loét trong miệng để tránh lây cho trẻ khác

5. Cách khử  khuẩn đồ chơi, vật dụng, nhà cửa như thế nào là đúng cách để phòng được Bệnh Tay - chân - miệng?

  • Bước 1: Lau sạch, rửa sạch bụi, chất bẩn trên bề mặt các vật dụng trẻ thường tiếp xúc, sinh hoạt, ngủ, sàn nhà trước khi khử khuẩn
  • Bước 2: Lau sàn nhà, vật dụng…, ngâm đồ chơi trong dung dịch khử khuẩn đã pha, để trong 10 – 20 phút
  • Bước 3: Lau lại bằng nước sạch và lau khô. Với đồ chơi của trẻ thì rửa lại bằng nước sạch và phơi khô

Lưu ý: Nên dùng hai xô hoặc thau riêng biệt: một để chứa nước đã pha dung dịch khử khuẩn, một chứa nước sạch để xả bẩn. Khăn lau cũng nên dùng 2 cái riêng: một để lau khử khuẩn, một để lau lại, lau khô. Khi thấy dung dịch khử khuẩn hay nước xả bẩn, đục màu thì thay dung dịch hoặc nước khác. Không tận dụng dung dịch đã khử khuẩn đồ chơi, vật dụng để lau nhà vì dung dịch lúc này không đủ tác dụng khử khuẩn.

Vì sức khỏe của trẻ hãy chung tay phòng chống

Bệnh Tay - chân – miệng!