Nguyên nhân hạn hán ở tây nguyên

TP - Sáng 14-3, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị Bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

> Đắk Lắk đề nghị cấp 150 tỷ đồng chống hạn
> Khô hạn bao phủ miền Trung, Tây Nguyên

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến năm 2011 diện tích rừng toàn khu vực Tây Nguyên khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Những năm gần đây, tình trạng diện tích rừng bị thu hẹp diễn ra ở mức độ cao, bình quân mỗi năm giảm gần 26.000 ha/ năm.

Trong đó, chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su, xây dựng thủy điện, sản xuất nương rẫy, khu công nghiệp chiếm 78%; bị khai thác chặt phá trái phép chiếm 6%.

Chất lượng rừng ở khu vực cũng đã suy giảm nghiêm trọng, rừng giàu hiện chỉ còn 16% còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi.

Ngoài ra, Tây Nguyên còn là vùng nóng về vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, từ năm 2008-2012, khu vực này phát hiện 8.643 vụ phá rừng trái phép.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh trong khu vực cho rằng, để bảo vệ và phát triển rừng của Tây Nguyên bền vững trước mắt cần rà soát, kiểm kê lại diện tích rừng để biết chính xác thực trạng rừng hiện tại để có những giải pháp hữu hiệu; Sắp xếp đổi mới các Công ty Lâm nghiệp Nhà nước cho phù hợp; Tăng cường nguồn vốn bảo vệ và phát triển rừng về cho các địa phương; thành lập cảnh sát rừng, một lực lượng đủ mạnh để răn đe, trấn áp các hành vi phá rừng… Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những ý kiến của các đại biểu tham gia hội nghị, đồng thời yêu cầu các địa phương và các bộ ngành liên quan phối hợp đồng bộ với nhau để có những giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo vệ và phát triển rừng…

Chiều cùng ngày, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị bàn biện pháp chống hạn, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

Theo Bộ NN&PTNT, từ tháng 8 đến nay các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã bị thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.

Hạn gây thiệt hại nặng nề nhất cho các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Chỉ riêng, các tỉnh Tây Nguyên đến thời điểm này đã có trên 73.773 ha/600.000 ha cây trồng các loại bị hạn, chủ yếu là lúa nước và cà phê, trong đó, mất trắng trên 4.002 ha. Dự báo, diện tích khô hạn các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng thêm 73.000 ha.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các địa phương trong khu vực cần xây dựng phương án sản xuất vụ hè thu, vụ mùa theo điều kiện nguồn nước hiện có.

Những khu vực không đủ nước tưới phải kiên quyết chỉ đạo chuyển đổi sang cây trồng cạn, không để nông dân gieo trồng ngoài kế hoạch gây căng thẳng, tranh chấp nguồn nước và thất thu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án, kế hoạch điều tiết xả nước các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi để nâng cao mực nước hạ du, đảm bảo điều kiện cho các công trình thủy lợi lấy nước tưới, hỗ trợ nước sinh hoạt cho nhân dân…

* Ngày 14-3, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết có tới 32,5 ha rừng phòng hộ xung yếu tại tiểu khu 243 (thuộc địa bàn xã Phi Tô, huyện Lâm Hà) bị chặt phá, đốt cháy, trong đó 21 ha vừa bị tàn phá trong các tháng 2 và 3 này.

Số hộ xâm hại rừng để lấy đất trồng cà phê tại các khoảnh 3 và 7 của tiểu khu 243 lên tới khoảng 40 hộ, hầu hết cư trú tại các thôn Hang Hớt, buôn Chuối Cổng Trời và Thực Nghiệm (xã Mê Linh, Lâm Hà).

Khi Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Ban tiến hành cưỡng chế, giải tỏa các rẫy cà phê trên để trồng lại rừng, các đối tượng vi phạm đã dùng dao, rựa, xà gạc, mã tấu tấn công khiến nhiều cán bộ, nhân viên bị thương; trạm quản lý bảo vệ rừng bị đập phá.

Một số đối tượng giang hồ, đầu nậu đất ở Lâm Hà và TP Đà Lạt cũng thuê người đốn hạ cây rừng, lấn chiếm đất trái phép. Khi hành vi vi phạm bị phát hiện, ngăn chặn, các đối tượng chặn đường hành hung người thi hành công vụ hoặc hăm dọa sẽ chém giết.

Trước tình trạng phá rừng lập rẫy trái phép vẫn âm ỉ diễn ra tại khu vực này, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng quyết định thành lập tổ công tác từ tỉnh xuống hỗ trợ các cơ quan chức năng ở huyện Lâm Hà để bảo vệ những cánh rừng phòng hộ xung yếu.

Theo Báo giấy

Hạn hán là gì ?

Hạn là một hiện tượng tự nhiên được coi là thiên tai, tạo thành bởi sự thiếu hụt nghiêm trọng lượng mưa trong thời gian kéo dài, làm giảm hàm lượng ẩm trong không khí và hàm lượng nước trong đất, làm suy kiệt dòng chảy sông suối, hạ thấp mực nước ao hồ, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng, làm môi trường suy thoái gây đói nghèo dịch bệnh... nếu xắp xếp theo thứ tự gây thiệt hại về tài sản và sinh mạng trên toàn cầu thì hạn hán đứng thứ 4 sau lũ lụt, động đất và bão.

Nguyên nhân gây ra hạn hán

Tác động của con người:

Tình trạng phá rừng bừa bãi làm giảm khả năng điều tiết nước mặt, hạ thấp mực nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước; việc trồng cây không phù hợp, vùng ít nước cũng trồng cây cần nhiều nước (như lúa) làm cho việc sử dụng nước quá nhiều, dẫn đến việc cạn kiệt nguồn nước; thêm vào đó công tác quy hoạch sử dụng nước, bố trí công trình không phù hợp, làm cho nhiều công trình không phát huy được tác dụng... Vùng cần nhiều nước lại bố trí công trình nhỏ, còn vùng thiếu nước (nguồn nước tự nhiên) lại bố trí xây dựng công trình lớn. Ngoài ra, chất lượng thiết kế, thi công công trình chưa được hiện đại hóa và không phù hợp. Thêm nữa, hạn hán thiếu nước trong mùa khô cạn là do không đủ nguồn nước và thiếu những biện pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng do sự phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực, các vùng chưa có quy hoạch hợp lý hoặc quy hoạch phát triển không phù hợp với mức độ phát triển nguồn nước, không hài hòa với tự nhiên, môi trường vốn vẫn tồn tại lâu nay. Mức độ nghiêm trọng của hạn hán thiếu nước càng tăng cao do nguồn nước dễ bị tổn thương, suy thoái lại chịu tác động mạnh của con người.

Thời tiết bất thường cũng gây nên lượng mưa thiếu hụt thường xuyên kéo dài hoặc tạm thời thiếu hụt một thời gian

Mưa ít, lượng mưa không đáng kể trong thời gian dài hầu như quanh năm, đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khô hạn và bán khô hạn. Lượng mưa trong khoảng thời gian dài đáng kể thấp hơn rõ rệt mức trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tình trạng này có thể xảy ra trên hầu khắp các vùng, kể cả vùng mưa nhiều.

Mưa không ít lắm, nhưng trong một thời gian nhất định trước đó không mưa hoặc mưa chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của sản xuất và môi trường xung quanh. Đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khí hậu gió mùa, có sự khác biệt rõ rệt về mưa giữa mùa mưa và mùa khô.

Tác hại của hạn hán

Bất kể giai đoạn hạn hán, có những hậu quả ngắn hạn và dài hạn với bất kỳ hạn hán nào do tính chất và sự phụ thuộc của xã hội vào nước. Các vấn đề liên quan đến hạn hán có thể có tác động kinh tế, môi trường và xã hội đối với cả các khu vực chúng xảy ra và các khu vực có quan hệ với những nơi hạn hán xảy ra.

Hầu hết các tác động kinh tế của hạn hán có liên quan đến nông nghiệp và thu nhập từ cây trồng.

Trong thời gian hạn hán, việc thiếu nước thường có thể làm giảm sản lượng cây trồng, và do đó làm giảm thu nhập cho nông dân và tăng giá thị trường của sản phẩm vì ít đi. Hạn hán kéo dài, thất nghiệp của nông dân và thậm chí các nhà bán lẻ có thể xảy ra, có một tác động đáng kể đến nền kinh tế của khu vực và những người có quan hệ kinh tế với nó.

Về vấn đề môi trường, hạn hán có thể dẫn đến nhiễm côn trùng và bệnh thực vật, tăng xói mòn, sinh cảnh và suy thoái cảnh quan, giảm chất lượng không khí và lượng nước hiện diện, cũng như tăng nguy cơ cháy do thảm thực vật khô hơn. Trong hạn hán ngắn hạn, môi trường tự nhiên thường có thể phục hồi, nhưng khi có hạn hán dài hạn, các loài thực vật và động vật có thể chịu đựng rất nhiều, và qua thời gian sa mạc hóa có thể xảy ra với sự thiếu độ ẩm.

Cuối cùng, hạn hán có tác động xã hội có thể gây ra tranh chấp giữa người được sử dụng nhiều nước với người được sử dụng ít nước, bất bình đẳng trong phân phối nước giữa người giàu và người nghèo, sự chênh lệch ở các khu vực cần giảm nhẹ thiên tai và giảm sức khỏe.

Ngoài ra, ở các nước đang phát triển ở nông thôn, việc di cư dân cư có thể bắt đầu khi một khu vực bị hạn hán vì thường người dân sẽ đi đến các khu vực mà nước và lợi ích của nó phổ biến hơn. Điều này sau đó làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của khu vực mới, có thể tạo ra xung đột giữa các quần thể lân cận và đưa người lao động ra khỏi khu vực ban đầu. Theo thời gian, việc gia tăng tình trạng nghèo đói và tình trạng bất ổn xã hội có thể phát triển.

Hạn hán có đặc điểm là hình thành chậm, thời gian ảnh hưởng kéo dài, có tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực bao gồm đời sống sinh hoạt, sản xuất, môi trường,vv... Ở Tây Nguyên hầu như năm nào cũng bị hạn hán đe dọa. Năm bình thường hoặc có mưa khá thì Tây Nguyên cũng phải chịu vài, ba tháng khô hạn (thường là từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 4) với trên 2/3 số vùng ảnh hưởng nắng hạn và thiếu nước. Đây là thời kỳ mà độ ẩm không khí, lượng mưa và lượng dòng chảy đạt thấp nhất trong năm và cũng là thời kỳ cao điểm của nắng nóng. Với đặc thù là lượng mưa năm có sự biến động khá lớn quanh trị trung bình (năm mưa nhiều có thể có lượng lớn gấp đôi năm mưa ít), và lượng dòng chảy trong sông suối lại phụ thuộc chủ yếu vào mưa nên những năm mưa ít thì tình trạng hạn và thiếu nước trong mùa khô liền kề diễn ra rất gay gắt. Tần suất xuất hiện những năm hạn nghiêm trọng ở Tây Nguyên vượt 20% tức khoảng 5 năm lại có một năm hạn nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Phòng chống hạn

Hạn hán là một hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng chúng ta vẫn có thể giảm nhẹ những thiệt hại do hạn hán gây ra thông qua việc phòng, chống hạn hán một cách có hiệu quả.

Các bước quan trọng nhất trong việc giảm thiểu tác động của hạn hán là bảo tồn đất và nước. Bằng cách bảo vệ đất, nó có thể hấp thụ lượng mưa tốt hơn, nhưng nó cũng có thể giúp nông dân sử dụng ít nước hơn vì nó bị hấp thụ và không nhiều nước chảy ra ngoài. Nó cũng tạo ra ít ô nhiễm nước hơn bởi các loại thuốc trừ sâu và phân bón hiện diện trong hầu hết dòng chảy nông trại.

Ngoài ra, khử muối nước biển, tái chế nước và thu hoạch nước mưa là những việc đang được phát triển để xây dựng trên nguồn cung cấp nước hiện có và giảm hơn nữa tác động của hạn hán ở vùng khí hậu khô.

Chúng ta cũng cần phải sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt. Trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm nước cần được thực hiện về cả 3 phương diện: quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn. Xây dựng mới những hồ chứa có dung tích thích hợp nhằm tăng cường dòng chảy kiệt cho các hệ thống sông. Xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới tiêu, giành thế chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp, vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài phòng, chống hạn hán. Ngoài ra, một giải pháp phòng chống hạn khác có hiệu quả lâu dài và bền vững là trồng rừng và bảo vệ rừng./.