Nhiệm kỳ Tổng thống của nước Nga hiện nay là bao nhiêu năm?

Buổi lễ long trọng được tổ chức tại phòng khánh tiết Andreevsky, Cung điện Krenlin Lớn ở thủ đô Moskva. Đây là lần thứ 4, ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga.

Đặt tay phải lên bản Hiến pháp Liên bang Nga, ông Putin đọc lời tuyên thệ nhậm chức Tổng thống: "Tôi nguyện trong khi thực thi chức trách Tổng thống Liên bang Nga tôn trọng và bảo vệ quyền và tự do con người và công dân, tuân thủ và bảo vệ Hiến pháp Liên bang Nga, bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh và sự thống nhất quốc gia, trung thành phục vụ nhân dân."

Bản Hiến pháp trong lễ tuyên thệ nhậm chức được dùng riêng cho lễ nhậm chức Tổng thống Nga từ năm 1996 đến nay. Văn bản tuyên thệ gồm 33 từ đã được quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga.

Ngay sau khi ông Putin đọc xong lời tuyên thệ, Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Valery Zorkin tuyên bố ông Vladimir Putin đã chính thức trở thành Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ 6 năm tới.

Tổng thống Vladimir Putin đọc lời tuyên thệ nhậm chức tại điện Kremlin ngày 7/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Putin có 6.000 khách mời, trong đó có các thành viên Chính phủ, Đuma quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), Tòa án Hiến pháp, đại diện Ban tranh cử của ông Putin, các trưởng phái đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức thanh niên, tôn giáo.

Ông Putin sinh ngày 7/10/1952 tại thành phố Leningrad. Ông học luật, tốt nghiệp năm 1975 và trở thành sĩ quan tình báo KGB trong 16 năm, trước khi chuyển sang con đường chính trị năm 1991. Ông chuyển tới Moskva năm 1996, làm việc trong chính quyền của Tổng thống Boris Yeltsin và trở thành quyền Tổng thống vào cuối năm 1999, sau khi ông Yeltsin từ chức.

Năm 2000, Putin được bầu làm Tổng thống và tái đắc cử năm 2004. Sau khi hết hạn nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai năm 2008, ông làm Thủ tướng trong khi ông Dmitry Mevedev làm Tổng thống. Hiến pháp Nga quy định tổng thống nắm quyền tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp. Năm 2012, ông Putin tái đắc cử và lãnh đạo nước Nga từ đó tới nay.

Ông Putin đắc cử nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 4 với tỷ lệ áp đảo gần 78% phiếu ủng hộ, tương đương 55 triệu cử tri, trong cuộc bầu cử hồi tháng 3. Theo Hiến pháp, sau khi nhậm chức ngày 7/5, ông Putin sẽ thực thi chức trách Tổng thống trong 6 năm, tức là đến hết ngày 7/5/2024.

Sau lễ nhậm chức, Tổng thống Putin sẽ đề cử Thủ tướng và gửi đề cử lên Đuma quốc gia Nga phê chuẩn. Sau khi Đuma quốc gia thông qua ứng cử viên Thủ tướng, Thủ tướng mới trong trong vòng 1 tuần sẽ đệ trình lên Tổng thống Putin đề xuất về thành phần chính phủ. Sau khi Tổng thống phê chuẩn, Chính phủ mới sẽ bắt đầu hoạt động.

Xác suất để đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành “tổng thống trọn đời” của nước Nga với tới sáu nhiệm kỳ là “rất cao”.

Nhưng điều này sẽ được sáng tỏ hơn qua cuộc trưng cầu dân ý dự kiến vào ngày 22 tháng Tư tới đây, một nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Nga trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt.

“Xác suất này rất cao vì bà Valentina Tereshkova nữ phi công vũ trụ đầu tiên trên thế giới, phát biểu đề nghị tại Duma, tức Hạ viện Nga, cho phép Vladimir Putin tham gia như một công dân ứng cử hai lần nữa và không tính 4 nhiệm kỳ trước,” Giáo sư Vladimir Kolotov từ Đại học Tổng hợp St. Petersburg nói với BBC.

“Putin trả lời là vấn đề này để cho nhân dân Nga giải quyết trong ngày trưng cầu dân ý dự kiến vào ngày 22 tháng Tư.

“Nhưng mà theo giới quan sát ở Nga thì có khả năng là Vladimir Putin có thể làm tổng thống đến năm 2036.”

Mời quý vị theo dõi tiếp dưới đây cuộc trao đổi của BBC với nhà quan sát và phân tích chính trị này.

BBC:Có ý kiến nói đây là dấu hiệu một “chủ nghĩa độc tài” đang được tăng cường ở nước Nga, Giáo sư bình luận thế nào?

GS. Kolotov: Cái đấy thì khó nói, vấn đề là sẽ có trưng cầu dân ý và như vậy nhân dân sẽ ra quyết định, như là sẽ bỏ phiếu ngày 22/04, nếu người ta bỏ phiếu không cho phép, thì là sẽ không cho phép, coi như là không ai bắt buộc và mọi người, ai ai cũng đều có quyền tán thành hay là phản đối.

Ở Nga bây giờ có tự do ngôn luận, có người nói là tán thành đề xuất này, có người phản đối và người ta trao đổi ý kiến rất là tự do, cho nên đấy không phải là vấn đề khó khăn. Vấn đề chỉ là người ta sẽ bỏ phiếu ngày 22/04 như thế nào.

Về mặt khác phải nói Vladimir Putin có uy tín rất lớn ở nước Nga, tại vì so với lãnh đạo trước là Boris Yeltsin, thì Vladimir Putin có tính hiệu quả quản lý cao hơn rất nhiều. Chính vì thế người ta tin vào Putin.

Nhưng có một số người khác nói là phải cho người khác làm việc lên thay để mà nước Nga có thể phát triển được.

Song một số người có tính bảo thủ nói là Putin làm việc được thì cho phép làm tiếp. Cho nên đấy là vấn đề đang tranh luận rất sôi nổi ở nước Nga.

Nguồn hình ảnh, EPA

BBC: Còn quan điểm riêng của Giáo sư thì thế nào?

GS. Kolotov: Tôi cũng không biết, nhưng so với chế độ của Yeltsin, thì chế độ của Putin là tốt hơn nhiều và tôi trước đây được sinh ra dưới thời của Leonid Brezhnev, và dưới rất nhiều những người lãnh đạo nước Nga, thì trong số đó Putin là người giỏi nhất.

Đấy là điều rất khó tranh luận, nhưng vấn đề là ông cũng đã lớn tuổi (sinh năm 1952) và hai nhiệm kỳ nữa căng thẳng thì không biết thế nào.

Làm gì tránh khủng hoảng?

BBC:Trong trường hợp khi đó ông Putin có vấn đề về sức khỏe do tuổi tác, thì nước Nga chuẩn bị như thế nào để tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng lãnh đạo nào đó, nếu xảy ra?

GS. Kolotov: Tôi nghĩ đặt vấn đề như thế rất là đúng, tại vì phương án ở Nga nói là để tất cả mọi trứng vào một giỏ thì rất là nguy hiểm, có rủi ro rất cao, nên nước Nga và bất kỳ nước nào trên thế giới phải có nhiều phương án và chắc chắn ông Putin cũng suy nghĩ về vấn đề này.

Và cũng có người bình luận là tất nhiên trong vòng mấy năm cuối cùng mà Putin làm tổng thống, nhiệm kỳ trước từ thế kỷ trước từ năm 1999 và hồi đó ông có vai trò rất lớn ở nước Nga, thì tất nhiên không thể nào rút được một người có quyền lực như thế một lúc từ đỉnh cao chính trị của nước Nga.

Người ta nói là kiểu gì ông cũng phải có tiếng nói và phải có vai trò gì ở nước Nga trong thời kỳ sắp tới sau khi hết nhiệm kỳ.

Vì đấy là người có uy tín quốc tế, có kinh nghiệm rất lớn. Có thể nói là bây giờ, trên chính trường quốc tế, ông là một trong những người cao tay nhất và tất nhiên là người ta cần phải sử dụng kinh nghiệm của người đó với tư cách là cố vấn hay với tư cách nào đó.

Cho nên ông tiếp tục làm tổng thống chỉ là một trong những phương án, nhưng mà kiểu gì ở Nga ai cũng nói là phải nghiên cứu vấn đề để mà ông cũng có vai trò lớn, tiếp tục có vai trò lớn ở nước Nga.

Dưới hình thức gì thì người ta đang tranh luận, nhưng mà một trong những ý kiến là tiếp tục làm tổng thống.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Putin năm 2005

BBC: Có những ứng cử viên nào tại thời điểm này mà có thể thay thế cho ông Putin trong trường hợp có biến cố nào đó mà ngay bản thân ông Putin cũng không mong muốn, như sức khỏe hay tuổi già, mà khiến ông không thể tiếp tục làm công việc của tổng thống được? Mở rộng ra thì có đảng phái nào hay khuynh hướng chính trị nào có thể làm nhân tố thay thế?

GS. Kolotov: Tôi nghĩ ở nước Nga bây giờ vẫn còn nhiều người có kinh nghiệm quản lý, ví dụ như là ông Sergey Kiriyenko cựu Thủ tướng, hay là ông Dmitri Medvedev đã từng làm tổng thống và bây giờ làm Chủ tịch Hội đồng An ninh của nước Nga.

Xung quanh ông Putin có nhiều người có kinh nghiệm lớn trong việc quản lý nhà nước như là nhiều người mà ai cũng biết tên và cũng có nhiều người có kinh nghiệm nhưng mà không được nổi tiếng như những người nói trên.

Tôi nghĩ vấn đề nhân sự không phải là vấn đề không giải quyết được ở nước Nga.

BBC:Bà Velentina Tereshkova lên tiếng vừa rồi là một động thái mang tính ‘dàn xếp’ chính trị như đảng của ông Putin từng bị cáo buộc nhiều lần trước đây bởi phe đối lập là đã tiến hành để ‘thao túng, lũng đoạn’ nhằm chiếm độc quyền quyền lực hay không?

GS Kolotov: Chuyện nội bộ chúng ta không thể nào biết được, tất nhiên là tôi cũng nghe ý kiến như thế và cũng có nhiều chuyện tiếu lâm ở nước Nga về vấn đề này, nhưng mà quý vị biết không thể tự nhiên mà bà Tereshkova có một đề xuất như thế và người ta cũng chú ý đây là lần đầu tiên bà phát biểu ở viện Duma và có đề xuất như thế.

Tất nhiên bà là người có uy tín rất lớn và trên nước Nga nói chung, bởi vì bà trước đây đứng đầu Liên hiệp hội Hữu nghị với các nước từ thời Liên Xô, cho nên bà có tiếng nói ở nước Nga và trên thế giới.

Tất nhiên bà nói là bà đã gặp nhiều người trong dân và người ta có đề nghị như thế, nên bà nói lại, nhưng tất nhiên là không giải quyết vấn đề này một cách bí mật như Hội Tam Điểm, mà nếu muốn tiếp tục tạo điều kiện để Tổng thống Putin tiếp tục làm tổng thống, thì phải giải quyết vấn đề một cách công khai, rõ ràng, cởi mở, chứ không làm theo kiểu cửa sau, dưới hình thức này hay là hình thức kia.

Có người có đề xuất như thế và đó là sự thật và việc giải quyết vấn đề một cách cởi mở, công khai, tôi nghĩ là đúng, còn vấn đề người ta đúng hay không, đó là chuyện khác.

Giáo sư Vladimir Kolotov trả lời BBC News Tiếng Việt trực tiếp bằng tiếng Việt qua điện thoại viễn liên. Ông hiện là Trưởng Khoa Lịch sử Viễn Đông thuộc Đại Học St. Petersburg, đồng thời là nhà quan sát, bình luận và phân tích chính trị nước Nga.

Trong phần tiếp theo của cuộc trao đổi này với BBC, nhà nghiên cứu bình luận về đối lập và dân chủ ở nước Nga dưới thời Vladimir Putin, mời quý vị đón theo dõi.

Chủ đề