Nội dung phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và gia đình học sinh

CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA GVCN VỚI GV BỘ MÔN

VÀ CÁC GIẢI PHÁP GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG CHO HỌC SINH

 Trong hoạt động dạy học, GVCN có một vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối giữa nhà trường với học sinh, giữa học sinh với GV bộ môn và là sợi dây liên kết không thể thiếu giữa nhà trường với phụ huynh học sinh. Nếu ví tập thể lớp là một cơ thể sống thì giáo viên chủ nhiệm giống như linh hồn của cả lớp. Bởi vậy, công tác phối hợp giữa GVCN với GV bộ môn, giữa gia đình và nhà trường là thực sự cần thiết là một mắt xích vô cùng quan trọng không thể thiếu trong việc giáo dục toàn diện học sinh.

Với kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm của mình, tôi xin đưa ra một số giải pháp - Phương hướng để làm tốt công tác phối hợp giữa GVCN và GVBM trong hoạt động giảng dạy và quản lý HS như sau:

Một là:  GVCN phải tìm hiểu kĩ hoàn cảnh từng học sinh trong lớp ngay từ đầu năm học. Đặc biệt là những học sinh rơi vào hoàn cảnh: bố mẹ li hôn, bố mẹ đi làm ăn xa, bố mẹ mắc tệ nạn XH, con mồ côi, gđ hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng HS con nhà giàu,  học yếu, mê game say sưa điện tử , … GVCN cần phải gần gũi, quan tâm sát sao hơn.

Hai là:  GVCN phải xây dựng được  đội ngũ cán bộ lớp có tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nhiệt tình và gương mẫu trong mọi hoạt động của nhà trường.

Ba là:  Kết hợp với Hội cha mẹ của lớp lập ra quỹ dùng để khen thưởng cho cá nhân HS, cho tập thể tổ có phong trào thi đua học tốt trong các đợt thi đua chào mừng 20/11, 22/12, 26/3,  trong các kì thi, cấp thi mà nhà trường tổ chức, phát động để khuyến khích các em thi đua trong học tập.

Bốn là:  GVCN phối hợp chặt chẽ với GV bộ môn để nắm bắt kịp thời tình hình HS của lớp. GVCN phải thường xuyên theo dõi kết quả học tập và đạo đức của các em qua sổ điểm, sổ đầu bài, trực tiếp qua giáo viên dạy từng môn để nắm bắt kịp thời năng lực của HS.GVBM cần cung cấp danh sách HS học yếu, ý thức yếu trong giờ dạy của mình  cho GVCN biết:  em nào thường xuyên không học bài, không làm bài, hoặc có hành vi, thái độ không tốt …  cần phải báo ngay với GVCN để GVCN có biện pháp và báo về gia đình, kết hợp cùng gia đình giáo dục các em.

GVCN phải biết lắng nghe, tiếp thu những đánh giá, nhận xét của GVBM về HS của lớp mình chủ nhiệm. Đồng thời GVCN cũng phải biết lắng nghe những phản hồi từ phía HS về các thầy cô giáo giảng dạy bộ môn. Từ đó sẽ có được thông tin 2 chiều tìm ra phương pháp giáo dục HS tốt nhất. GVCN  phản ánh, trao đổi kịp thời những mong muốn của HS đến GVBM giảng dạy tại lớp mình chủ nhiệm. GVCN và GVBM cần phối hợp động viên các em khi các em có chuyện không vui, học tập sa sút.

Năm là:  GVCN thông tin kịp thời cho gia đình học sinh: hiện tượng bỏ giờ, nghỉ học không lí do, vi phạm điều cấm … để có biện pháp giải quyết phù hợp.

Sáu là:  Bên cạnh việc dạy kiến thức cho HS, GVCN cũng như GV bộ môn cần quan tâm đến dạy kĩ năng sống, rèn luyện đạo đức, tư cách, phẩm chất cho các em. Uốn nắn từ lời nói, hành vi, ứng xử, cách giao tiếp, cách ăn mặc … cho phù hợp với lứa tuổi HS.

Bẩy là:   Để làm tốt công tác chủ nhiệm, GVCN cũng như GV bộ môn cần có tấm lòng chân thành, bao dung, sự nhiệt tình, chu đáo, hòa nhã, có tinh thần trách nhiệm cao, là tấm gương sáng cho HS noi theo.

                                                                                      Tin bài: Lý Thị Bằng

GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM LỚP–CHIẾC CẦU NỐI

GIỮA GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG, GIỮA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH

                                                            Đàm Thị Kim Hoa

                            (Giáo viên Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh - Phú Yên)

GVCN trong một buổi sinh hoạt ngoại khoá

* Một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm

            Khi phân tích nhóm từ “Trường học thân thiện”, chúng ta có thể hình dung rằng: Phải làm thế nào để Nhà trường không chỉ là nơi cho các em học sinh đến và thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là học tập, tiếp thu kiến thức từ các Thầy, Cô giáo truyền đạt mà Nhà trường còn là môi trường để các em có thể phát triển tư duy, năng lực sở trường, đồng thời cũng là nơi bắt nguồn để hình thành nên các mối quan hệ thật sự chân tình giữa “Thầy và Trò”; giữa “Trò và Trò”; giữa các khối lớp hiện đang học tập trong nhà trường và kể cả các thế hệ học sinh đã rời khỏi ghế nhà trường,... Khi các em học sinh dần dần trưởng thành trong môi trường có sự gắn bó và hòa đồng như vậy, cùng với những kiến thức đã tích lũy được sẽ tạo điều kiện cho các em có một sự tự tin nhất định, giúp cho các em có thể mạnh dạn trao đổi trước bạn bè, trước các Thầy, Cô giáo; có khả năng giao tiếp, ứng xử hoạt bát trước tập thể, trước đám đông. Điều này tác động rất lớn đến tâm lý của các em và là tiền đề để hình thành nên yếu tố “Tích cực” từ trong mỗi học sinh. Nhà trường và các Thầy, Cô giáo khai thác hữu hiệu yếu tố này sẽ là đòn bẩy cho các em học sinh được thể hiện “Học sinh tích cực” trong từng tiết học, từng môn học và ngay cả từng bậc học.

            Nói đến việc giáo dục học sinh, một vấn đề hết sức căn bản có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác “Dạy và học”; đó là sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên và học sinh. Trong đó, Giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò như là chiếc cầu nối, là mắc xích của sự kết hợp được thể hiện qua các mối quan hệ cụ thể:

- Một là giữa Nhà trường với gia đình: Lớp học là đơn vị tổ chức giáo dục cơ bản của trường học. Mỗi lớp học có Giáo viên chủ nhiệm lớp và hầu hết các bậc phụ huynh học sinh đều thống nhất rằng “Người có tác dụng tốt nhất đối với con em mình, chính là Giáo viên chủ nhiệm”. Nhà trường, giáo viên, gia đình và các đoàn thể... là các lực lượng giáo dục thông qua đầu mối liên kết là Giáo viên chủ nhiệm.

Giáo viên chủ nhiệm trở thành người trung gian trao đổi thông tin giữa Nhà trường và gia đình, thực hiện nhiệm vụ lĩnh hội và truyền đạt những chủ trương của Nhà trường đến với gia đình đồng thời thu nhận ý kiến, nguyện vọng của gia đình để báo cáo lại lãnh đạo Nhà trường. Qua đó gắn kết được trách nhiệm giữa Nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh. Mời phụ huynh học sinh tham gia Hội phụ huynh học sinh Nhà trường nhằm phát huy tính tích cực của các bậc phụ huynh trong việc tham gia cùng Nhà trường để giáo dục con em mình. Tổ chức họp phụ huynh học sinh định kỳ theo qui định của Nhà trường, trong những trường hợp đặc biệt chủ động xin ý kiến Ban Giám hiệu Nhà trường để tổ chức họp đột xuất hoặc gặp riêng và trao đổi với từng phụ huynh học sinh để bàn bạc, trao đổi thông tin, nhằm đề ra những biện pháp khắc phục, uốn nắn kịp thời. Qua đó đã thể hiện sự quan tâm sâu sát của Nhà trường, đồng thời tạo được sự tin tưởng của phụ huynh học sinh đối với Nhà trường khi con em mình được học tập ở tại trường.

-Hai là giữa giáo viên bộ môn và học sinh của lớp: Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh sự quán xuyến, đôn đốc, theo dõi của Giáo viên chủ nhiệm còn có tập thể các Thầy, Cô giáo trực tiếp giảng dạy và truyền đạt kiến thức bộ môn. Qua trao đổi, tiếp nhận thông tin từ các giáo viên giảng dạy bộ môn, Giáo viên chủ nhiệm có thể nắm bắt thêm về tinh thần, thái độ học tập, ý thức tổ chức kỷ luật, học lực... của từng học sinh trong lớp. Từ đó, tạo điều kiện cho Giáo viên chủ nhiệm có sự nhìn nhận và đánh giá khách quan về chất lượng học tập của từng học sinh trong lớp đồng thời có biện pháp động viên, nhắc nhở, giáo dục phù hợp đối với từng học sinh. Trong các buổi sinh hoạt lớp phải thật sự cởi mở và thể hiện sự quan tâm tận tình để các em có điều kiện đề đạt ý kiến, nguyện vọng về công tác giảng dạy của giáo viên bộ môn. Qua đó, Giáo viên chủ nhiệm đúc kết có chọn lọc và chuyển tiếp nguyện vọng của học sinh đến với các giáo viên bộ môn để tập thể sư phạm giảng dạy tại lớp có tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh.

- Ba là giữa giáo viên chủ nhiệm và học sinh trong lớp: Đối với sự nghiệp “Trồng người”, hình ảnh Người Thầy giáo mẫu mực luôn là tấm gương sáng cho các em học sinh; Do vậy, xuất phát từ vai trò trách nhiệm và sự gắn kết với học sinh mà đòi hỏi mỗi Giáo viên chủ nhiệm phải giàu lòng nhân ái, vị tha, kiên trì, nhiệt tình, biết tôn trọng nhân cách học sinh và được các em tin yêu. Giáo viên chủ nhiệm cần có uy và có sức cảm hóa thuyết phục, có bản lĩnh để xử lý kịp thời các tình huống sư phạm đa dạng, phải biết đối xử khéo léo, công bằng và nghiêm minh trong nhận xét đánh giá đối với học sinh; là người chịu trách nhiệm về sự phát triển toàn diện của học sinh lớp mình phụ trách. Hoạt động của Giáo viên chủ nhiệm về bản chất là một trong những hoạt động sáng tạo nhất trong quá trình giảng dạy; là người xây dựng kế hoạch giáo dục riêng để giáo dục tập thể học sinh lớp mình; biết tìm hiểu, nghiên cứu đối tượng để xây dựng kế hoạch phát triển tập thể học sinh, tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong lớp, taọ điều kiện để phát huy ý thức tự quản của học sinh, xây dựng đội ngũ cán bộ lớp có năng lực để điều hành hoạt động của lớp; chủ động tiếp xúc với học sinh để nắm bắt về điều kiện và hoàn cảnh của học sinh; động viên, an ủi giúp cho các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc ốm đau, bệnh tật cố gắng yên tâm học tập và biết vượt khó, vươn lên. Điều đó vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện được tình người trong mối quan hệ “Thầy - Trò”, tạo được ấn tượng tốt và xây dựng nên hình ảnh đẹp đẽ, cao cả của những Thầy, Cô giáo trong ký ức của các em học sinh. 

Video liên quan

Chủ đề