Ông bình vôi là gì

TP - Bây giờ có lẽ bạn đọc đã quá quen với Người Đương thời trung tá Nguyễn Thị Tiến (ảnh nhỏ) ở Bảo tàng Quân khu Bốn cùng kỳ tích hằng bao năm đã âm thầm làm một việc trọng. Từ những hiện vật tìm được trong mộ liệt sỹ ở các chiến trường, chị Tiến đã sưu tầm xác minh khớp nối thông tin để tìm được rất nhiều tên cho những liệt sỹ vô danh!

Hơn 2.000 hiện vật lấy từ phần mộ của các liệt sỹ hiện đang trưng ở đây trước khi Tiến về Bảo tàng này chưa có. Hàng chục rồi hàng trăm đợt quy tập hài cốt liệt sỹ ở Quân khu 4 (QK4) có hàng ngàn liệt sỹ vô danh.

Bao nhiêu năm rồi, trung tá Nguyễn Thị Tiến là cầu nối giữa phần âm với phần dương, giữa thế giới âm của những liệt sỹ đã bỏ mình vì trận mạc với những người đang sống, với thân nhân của họ. Tiến từ những thông tin chứng cớ mơ hồ đã chắp nối tìm ra 69 liệt sỹ từ vô danh trở thành có tên. 3.000 lá thư từ khắp mọi miền đất nước gửi đến Tiến. 

Và hiện giờ, dù đã hưu nhưng những lá thư nhuốm nước mắt như vậy vẫn tìm đến địa chỉ của Tiến, sứ giả của đường âm với cuộc đời trần thế này!

Nhưng ít người biết về năm chục ông bình vôi của Nguyễn Thị Tiến?
Ông bình vôi?

Bao nhiêu những là giấy mực của giới nghiên cứu về cái bình vôi Đại Việt thường có dáng tròn bẹp, trổ một lỗ làm miệng ở vai bình, chân có đế, và trên chóp có quai xách này? Về tục ăn trầu có từ thời vua Hùng Vương thứ 4, và theo đó bình vôi có thể đã có mặt từ thời thượng cổ? 

Rồi bình vôi trong xã hội Việt Nam cổ truyền có chức năng như một vị thần cai quản mọi việc thường nhật trong gia đình nên được gọi là Ông bình vôi hay Ông vôi tương tự như Ông táo trong bếp. Vì vậy mà bình vôi được lưu giữ cẩn thận. Nếu lỡ bị hư hại, sứt mẻ thì cũng không đem vứt đi mà đem treo ở gốc đa hoặc đưa ra nghĩa địa đặt lên mô tiền nhân…

Tôi nhớ lại câu chuyện của nhà văn Sơn Tùng thuở ấy đương là anh cán bộ Tỉnh Đoàn được vinh dự gặp và hầu chuyện 2 người thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Cả Khiêm và cụ Nguyễn Thị Thanh chị ruột Bác Hồ.

… Buổi gặp ấy Sơn Tùng để ý hễ xê xịch đi đâu một tẹo cho dù ra thềm hay ra ngoài sân hoặc đứng lên ngồi xuống... bà Thanh đều kè kè cái ông bình vôi bên người như là vật bất ly thân? Sơn Tùng để ý, cái ông bình vôi ngó bình thường như các ông bình vôi khác của những người quen ăn trầu... 

Không nén được tò mò, Sơn Tùng bật hỏi thì biết được khúc nhôi của cái ông bình vôi ấy thế này. Cụ thân sinh bà Thanh (cụ Hoàng Thị Loan) sinh thời rất nghiện trầu cả khi theo cụ Nguyễn Sinh Sắc vô Huế. Sau khi sinh người con út mới một năm thì cụ mất vì bạo bệnh. Cụ được chôn cất ở Huế. Sau này, một mình bà Thanh cất bốc mộ mẹ từ Huế ra Nghệ An.

Khi cải táng mộ mẹ, bà Thanh cứ bần thần mãi bên cái ông bình vôi mà cái ngày ấy người ta chôn theo... Bà thắp hương xin mẹ giữ lại cái ông bình vôi này. Bà Thanh cười móm mém với Sơn Tùng chứ cháu có biết mần răng người ta lại kêu là ông bình vôi mà không kêu bằng bà? O luôn giữ bên mình cho có ông có bà là rứa đó cháu ạ... 

Sơn Tùng để ý bên bà Thanh có một cái cút rượu nhỏ. Tiếp chuyện hai anh em, lúc lâu bà lại rút ra cái chén hạt mít tí xíu làm một chíp nhỏ. Khi rượu còn trong chén, lòng bàn tay trái của bà luôn luôn ấp lên miệng chén! Cháu hỏi mần chi mà cứ phải giữ tay rứa? Cho khỏi bay cái hồn của rượu đi! O biết uống rượu cho đỡ buồn từ khi đi ở tù về.Lần này ghé Vinh rẽ qua nhà cựu binh Nguyễn Thị Tiến.

Cũng cần nói qua trung tá Tiến là vợ người bạn cùng học khoa Văn với tôi hồi ở ĐH Tổng hợp tên là Trương Đình Chiến. Chiến làm ở Đài truyền hình Vinh. Thuận vợ thuận chồng… Nếu như có chuyện không mấy may mắn này khác trong cuộc sống riêng, Chiến đã tìm thấy ở công việc tâm linh đền ơn đáp nghĩa của vợ những nguôi ngoai an ủi. 

Việc nhà Chiến phải lo tất để Tiến an tâm bám theo những chuyến xe quy tập liệt sỹ nơi rừng rú xa ngái dài ngày nhiều chuyến sang tận Lào. Ngoài việc thông cảm động viên vợ, Chiến và con gái còn phải trực tiếp giúp Tiến những việc xác minh địa chỉ liệt sỹ, rồi đi thử ADN giúp các thân nhân liệt sỹ…

Vài chuyến ghé nhà bạn quáng quàng vội vã nên tôi chưa kịp để ý đến một cái góc trong nhà. Chao ôi giăng chật góc là những ông bình vôi đủ loại, kích cỡ hình thù. Vợ chồng nhà này sưu tập đồ cổ tự bao giờ thế này? Hỏi Tiến chỉ cười nhưng Chiến thủng thẳng là cũng có liên quan đến đường âm cả đó.

Mỗi ông bình vôi đều được đánh số kèm xuất xứ. Động thái cẩn thận ấy cứ như một thao tác nghiệp vụ Bảo tàng?

Ngồi chuyện với Tiến, mỗi ông bình vôi có số phận có xuất xứ khác nhau. Có cảm giác lần theo những địa chỉ của mỗi ông như bắt gặp với một câu chuyện một cuốn lý lịch? Mà toàn những chuyện buồn?

Như ông bình vôi của bà Niềm vợ liệt sỹ Quách Đình Thả ở Lương Sơn, Hòa Bình. 12 năm trước Tiến về tận Lương Sơn, Hòa Bình để làm một số thủ tục cho việc tìm mộ liệt sỹ Quách Đình Thả (sau này đã tìm được mộ và thân nhân) Bà Niềm, vợ liệt sỹ Thả (đã mất) khi đó đã tặng Tiến chiếc bình vôi nói là hồi yêu nhau, ông Thả đã lấy trộm chiếc bình vôi của mẹ để tặng cho người thương. Tiến có nghe phong thanh đại loại bình vôi của người Mường là vật linh trợ giúp cho những đôi lứa lấy được nhau nên anh chàng Thả hồi đó đã mạo muội làm vậy!

Mới cách đây mấy hôm, 15 người của gia đình liệt sỹ Quách Đình Thả đã đến nghĩa trang Quốc tế Việt Lào, nơi tìm thấy mộ liệt sỹ Thả. Họ thắp hương chung cho các liệt sỹ (mộ liệt sỹ Thả đã đưa về quê Hòa Bình) họ vẫn vào viếng nghĩa trang liệt sỹ. Rồi cả đoàn lại cất công quay về Nhà tưởng niệm Bảo tàng QK4 (nơi lưu giữ kỷ vật liệt sỹ Quách Đình Thả) để thắp hương. Họ cứ khăng khăng rằng phải đến thăm chị Tiến. 

Chuyến thăm gặp ấy khiến bộ sưu tập bình vôi của Tiến thêm một kỷ vật nữa. Đó là một chiếc bình vôi bằng đồng có nắp vặn kèm dây xích buộc vào một thanh sắt nhỏ dùng để quệt vôi khi têm trầu. Người nhà liệt sỹ Thả nói đó là chiếc bình vôi của bà cố liệt sỹ Quách Đình Thả, hôm nay gia đình mang vào tặng chị Tiến!

Chuyện chiếc bình vôi của người nhà liệt sỹ Nguyễn Minh Đạt quê xã Diễn Phong, Diễn Châu, Nghệ An cũng ly kỳ. Bà Thanh vợ liệt sỹ Đạt năm nay 73 tuổi. Hai vợ chồng cùng là bộ đội. Bà Thanh là thương binh. Bình vôi có được do trước khi đi B, anh Đạt về quê xin mẹ một chiếc bình vôi tặng vợ. Anh Đạt nói với vợ là chờ anh nhé, nhớ anh thì sau này ăn trầu cho bền răng, còn cái bình này là anh còn sống… 

Thế là chị cứ khư khư cất cái bình vôi cho đến bây giờ lần nào giỗ anh, chị lại kể chuyện ôm bình vôi chờ chồng... Chị Thanh đã tặng lại chiếc bình vôi cho ân nhân của gia đình đã cất công tìm được mộ chồng mình ở Triệu Phong - Quảng Trị. Trong khi giấy báo tử chỉ ghi vỏn vẹn hàng chữ lạnh lùng đã hy sinh ở Mặt trận phía Nam. Phần mộ liệt sỹ Đạt chính là liệt sỹ đầu tiên mà Nguyễn Thị Tiến tìm được.

Chuyện cô Tiến ở Bảo tàng QK4 được nhiều gia đình liệt sỹ tặng bình vôi loang ra. Lần ấy có một bà cụ đến thăm Bảo tàng đòi gặp Tiến và trao cho Tiến một chiếc bình vôi. Ngồi chuyện với bà mẹ, Tiến xúc động khi được biết, mẹ là Nguyễn Thị Long, quê ở Hoằng Xá - Nghi Lộc - Nghệ An. Con trai mẹ đi B đã hy sinh không biết đang nằm ở rừng xanh núi đỏ nào. 

Bà tặng Tiến chiếc bình vôi kèm 1 quả cau, 3 lá trầu và 3 khẩu trầu đã têm. Bà bộc bạch mà Tiến thấy lạnh cả người chị cầm bình vôi này têm trầu cho các liệt sỹ đi hỏi vợ dưới âm phủ. Còn trầu cau này để con trai bà dưới kia có đồ mà hỏi vợ…

Tôi gạn thêm điều khó nói là từ khi bày biện những ông bình vôi này nhà mình có sự gì không thì nhận ngay được cái cười rằng không có gì. Rằng mọi việc vẫn yên ổn.

Mãi lúc chia tay, tôi đã bật lên một tiếng reo như hồi con trẻ khi Tiến bộc bạch ý định là sắp tới sẽ hiến tặng toàn bộ sưu tập Ông bình vôi này cho một Bảo tàng nào đó. Mà ưu tiên đầu tiên là một bảo tàng phụ nữ!

Những Ông bình vôi như góp phần bầu nên những huyền thoại về tình mẫu tử sự thủy chung bền chặt nghĩa tình của người Việt đang hiện diện trong gia đình trung tá Nguyễn Thị Tiến sắp tới sẽ thiên di sang một bảo tàng phụ nữ nào đó, trời ơi, tại sao không?

 Những chiếc bình vôi bên những khẩu trầu khiến những đêm dằng dặc như ngắn lại, như nguôi ngoai của những bà mẹ ngồi ngóng đợi tin con! Còn những đứa con ngoài trận mạc thì cũng đau đáu ngóng về mẹ.

Vợ chồng Tiến đưa tôi coi một chiếc cối giã trầu làm bằng vỏ đạn tìm thấy trong phần mộ của một liệt sỹ nằm dưới chân căn cứ Pa Thí rừng Lào. Chắc chiến sĩ ấy chăm chắm đợi ngày về để tặng mẹ? Chao ôi những sự cau trầu của người Việt!