Pgs bùi hiền là ai

LTS: Xung quanh đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của Phó giáo sư Bùi Hiền, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ góc nhìn của mình.

Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc nội dung bài viết này. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Vừa qua, sau khi tiếp tục cho công bố phần 2 trong toàn bộ công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt của mình, Phó giáo sư Bùi Hiền có nói rằng những người “chân thành, văn minh hãy đọc kỹ đề xuất” của ông.

Thực lòng bản thân tôi kể từ sau bài viết “Khi tranh luận lạc đường” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tự nhủ sẽ không nói gì thêm nữa.

Nhưng khi nghe được lời nhắn nhủ trên của ông, tôi lại xin được hưởng ứng coi như lần cuối cùng góp thêm vài lời về câu chuyện này.   

1. Thiếu cơ sở khoa học cả về lý luận lẫn thực tiễn

Bằng những hiểu biết của cá nhân, cùng với việc theo dõi tất cả những ý kiến phân tích đánh giá của dư luận thời gian qua về công trình này, đặc biệt là những ý kiến từ các nhà ngôn ngữ học, các chuyên gia văn hóa... có uy tín, một cách chân thành và nghiêm túc nhất, tôi có thể khẳng định:

Toàn bộ công trình nghiên cứu của Phó giáo sư Bùi Hiền chưa “đủ chuẩn” để có thể gọi là một công trình nghiên cứu khoa học đúng nghĩa.

Bởi lẽ, công trình của Phó giáo sư Bùi Hiền theo tôi không đáp ứng được hai điều kiện quan trọng và bắt buộc của một công trình nghiên cứu khoa học đó là: mục tiêu và phương pháp nghiên cứu.

Nói cách khác, đây là công trình sai ngay từ “vạch xuất phát”, hoàn toàn không có cơ sở khoa học cả về lý luận lẫn thực tiễn ngôn ngữ.

Pgs bùi hiền là ai
Phó giáo sư Bùi Hiền, Tiến sĩ Đoàn Hương tham gia chương trình Cafe sáng với VTV3 xung quanh công trình của ông. Ảnh: VTV.vn.

Đây là vấn đề đã được các chuyên gia ngôn ngữ và văn hóa như: Giáo sư Hoàng Dũng, Giáo sư Nguyễn Đức Dân, Giáo sư Trần Đình Sử, Tiến sĩ Hữu Đạt, Tiến sĩ Châu Minh Hùng (Chu Mộng Long), nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Đức… phân tích và chỉ ra rất rõ ràng và cụ thể.

Đặc biệt nhất phải kể đến hai bài viết rất kỹ lưỡng (một trên Báo Thanh Niên, một trên Báo Vietnamnet) của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi – một chuyên gia về ngữ âm học và âm vị học hàng đầu nước nhà hiện nay – ngay sau mỗi lần Phó giáo sư Bùi Hiền công bố công trình cứu của mình.

Và nếu như phải khái quát lại tất cả những vấn đề mà các nhà ngôn ngữ học đã đề cập nhằm cho thấy sự hạn chế và sai lầm của Phó giáo sư Bùi Hiền thì theo tôi có hai câu hỏi cũng là vấn đề cơ bản và quan trọng như sau:

Một là, cơ sở lý luận và thực tiễn nào để Phó giáo sư Bùi Hiền đặt vấn đề cải tiến toàn bộ chữ viết tiếng Việt hiện hành?

Cứ cho là chữ viết hiện nay có một những chỗ bất cập nhưng nó có bức thiết đến nỗi phải xóa bỏ tất cả để làm cuộc cách mạng như ông đề xuất không?

Hai là, cơ sở khoa học nào mà ông lại lấy tiếng Hà Nội để làm chuẩn từ đó đề xuất cách viết mới dùng chung cho cả nước?

Và cơ sở nào để ông gạt bỏ chữ “đ” ra khỏi bảng chữ cái, cũng như đề xuất thay thế cách viết các phụ âm, nguyên âm của chữ viết tiếng Việt hiện hành trong toàn bộ công trình của mình?

2. Ảo tưởng và bảo thủ?

Thiển nghĩ mọi chuyện đã rõ như ban ngày như vậy nhưng không hiểu sao cho đến nay tuy Phó giáo sư Bùi Hiền lúc nào cũng nói sẽ“lắng nghe” ý kiến phản biện từ các nhà chuyên môn, thế nhưng trên thực tế lại không phải như vậy.

Cá nhân tôi giờ phút này vẫn không thấy Phó giáo sư Bùi Hiền lên tiếng trao đổi lại với các nhà khoa học đã phản biện ông (như tôi đã dẫn ra ở trên) dù chỉ một lần.

Pgs bùi hiền là ai

Khi tranh luận lạc đường

Đã vậy, không biết dựa vào đâu mà có không dưới một lần Phó giáo sư Bùi Hiền xác quyết rằng công trình của ông “là công cụ sắc bén hơn, tiện lợi hơn cho công cuộc hội nhập quốc tế hiện nay:

Người nước ngoài dễ học tiếng Việt hơn, dễ tiếp cận với nền kinh tế, văn hoá, khoa học Việt Nam hơn… dễ làm cho bạn bè mau hiểu Việt Nam, chóng có cảm tình với tiếng nói và chữ viết của người Việt hơn”.

Thậm chí ông còn mạnh miệng khẳng định đề xuất của ông (nếu làm theo) sẽ giúp “tiết kiệm được khoảng 9% thời gian, công sức, tiền của, vật tư, tài nguyên số trong việc xây dựng tất cả các loại văn bản bằng viết tay hoặc gõ bàn phím.

Điều này cũng có nghĩa là làm tăng năng suất lao động hàng năm tới 8-9%”?

Chỉ riêng chỗ này thôi, tôi cho rằng, Phó giáo sư Bùi Hiền không những rất bảo thủ, không chân thành lắng nghe ý kiến phản biện nghiêm túc từ các nhà khoa học mà còn rất ảo tưởng về công trình nghiên cứu của mình.

Không những vậy, qua theo dõi và quan sát những gì đã diễn ra tôi buộc phải nói rằng tôi nghi ngờ về sự trung thực và cẩn trọng của ông liên quan đến công trình này.

Sở dĩ tôi nói như vậy là vì ngay khi công bố phần 2 công trình của mình, Phó giáo sư Bùi Hiền có trả lời trên Báo Tiền Phong rằng:

“Tôi phải gấp rút làm việc này. Tôi dự định tháng 3 công bố trong giới khoa học phần 2 nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ nhưng bây giờ thì làn sóng xô đẩy tôi, bắt buộc tôi phải xong sớm.

Để kết thúc nó phải tăng tốc độ lên”.

Pgs bùi hiền là ai

Ý tưởng mới và tâm lý số đông

Thiển nghĩ, nghiên cứu khoa học là công việc vô cùng vất vả, đặc biệt là với những công trình mang tính ứng dụng, hay có tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của con người và xã hội.

Vì lý do đó, nó đòi hỏi các nhà nghiên cứu ngoài năng lực chuyên môn, tư duy và phương pháp nghiên cứu thì sự nhẫn nại, kiên trì và cẩn trọng là những tiêu chí bắt buộc cần phải có.

Hay nói như Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là “khoa học, nhà khoa học, nghiên cứu, trí thức, v.v.. không phải là những phù hiệu mà ai muốn mang vào ngực thì mang mà là những việc làm thực tiễn, những ý nghĩ hay những sáng kiến mới.

Muốn có những sáng kiến mới và làm nghiên cứu thực tế, nhà khoa học phải làm việc một cách gian khổ, bất vụ lợi, có khi rất lâu dài.

Có thể ví khoa học như một cái đỉnh chót vót của sự chính trực, công bằng và hợp lý. Nhưng cái đỉnh này rất trơn và dễ bị tuột.

Người ta cần phải có một sự cố gắng tột bực mới đến gần hay đứng trên nó được, và càng phải cố gắng hơn để đứng ở vị trí đó.”

Thế nhưng, qua lời phát biểu trên cùng với việc thay đổi nhanh chóng từ cách viết “Tiếq Việt” thành “Tiếw Việt” chỉ trong một thời gian ngắn làm tôi có cảm giác cảm giác ông đang bị sự tác động của dư luận nên phải cố làm cho xong.

Nói khác đi, đây là chỉ dấu cho thấy Phó giáo sư Bùi Hiền thiếu sự nhẫn nại và cẩn trọng cần thiết trong hoạt động nghiên cứu của một nhà khoa học trên cả hai phương diện tư duy lẫn phương pháp làm việc.

3. Hệ lụy của tư duy nước đôi và những lời khen vội vàng

Trong bài viết “Khi tranh luận lạc đường” trước đây tôi có nói đại khái rằng ở Việt Nam từ khi có mạng xã hội đến nay, mỗi khi có vấn đề nào đó gây tranh cãi, nhiều người thường hay lên tiếng phê phán những người chưa chi đã vội chê bai và “ném đá” người khác mà không chịu tìm hiểu hết ngọn nguồn sự việc.

Thế nhưng, ở chiều ngược lại, rất hiếm khi thấy có sự phê phán hay sự cảnh tỉnh nào dành cho những người cũng chưa chi đã vội vàng đưa ra những lời khen vô tội vạ nhằm chứng tỏ bản thân mình “cấp tiến” và luôn ủng hộ cái mới.

Hoặc những người trước một vấn đề nào đó hầu như chỉ dám khen, chê theo kiểu tư duy nước đôi, chỗ này khen một tẹo chỗ kia chê một tí thành ra cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì.

Trong tranh luận đặc biệt là tranh luận về những vấn đề học thuật mang tính chuyên sâu, mọi sự khen hay chê trong vội vàng đều nguy hại như nhau và đều vi phạm những nguyên tắc trong “văn hóa tranh luận”, “văn hóa phản biện”.

Pgs bùi hiền là ai

Bộ Giáo dục chưa có phương án nào cải tiến chữ quốc ngữ

Thậm chí trong nhiều trường hợp những lời khen vội vàng có khi còn nguy hại hơn cả những lời chê rất nhiều.

Bởi vì khen như thế dễ tạo ra sự ảo tưởng cho đối tượng được khen, có nguy cơ gây ra sự rối loạn cho xã hội vì sự thật giả, “vàng thau lẫn lộn”...

Cố nhà văn Nguyễn Khải gọi đó là những lời “khen cho chết”...

Đến hôm nay, tôi vẫn bảo lưu quan điểm này của mình.

Tôi cho rằng, sự ảo tưởng và bảo thủ của Phó giáo sư Bùi Hiền về công trình của ông cho đến giờ phút này ít nhiều là do sự “góp sức” của một số cá nhân chưa chi đã vội vàng lên tiếng tung hô và nhất là cho rằng công trình của Phó giáo sư Bùi Hiền là “ý tưởng mới”, “ý tưởng hay” và “có cơ sở khoa học”...

Thậm chí có người còn lên cả đài truyền hình quốc gia lớn tiếng mắng mỏ những ai không ủng hộ Phó giáo sư Bùi Hiền bằng lời lẽ rất khó nghe.

Bên cạnh đó, chính cách tư duy nước đôi của số ít nhà khoa học khi đánh giá công trình của ông cũng là nguyên nhân gây nhiễu và rối loạn thông tin.

Lẽ ra, trước một vấn đề quan trọng có tác động và ảnh hưởng đến toàn xã hội như thế không cho phép những kiểu tư duy nước đôi trong nhận định và đánh giá mà cần một sự phản biện trên tinh thần khoa học, khách quan và nghiêm túc nhất để có thể đi đến tận cùng bản chất của sự việc.

Thế nhưng có người cố tình bênh vực và bao biện cho những sai lầm của Phó giáo sư Bùi Hiền trong công trình này với lý do rất ỡm ờ rằng:

Đây là “công trình của cá nhân”, ông “không lấy ngân sách Nhà nước” để nghiên cứu, hay “dù sao ông cũng lớn tuổi” rồi v.v và v.v...

Tôi cho rằng đây là sự ngụy biện trong tranh luận. Vì những lý do trên hoàn toàn không phải là những tiêu chí hay thước đo để đánh giá hiệu quả, sự đúng sai của một công trình khoa học.

Pgs bùi hiền là ai

10 sự kiện của ngành giáo dục năm 2017 do giáo viên bình chọn

Hơn nữa, trên thực tế chẳng có công trình nghiên cứu nào mà không thuộc về một hai một vài cá nhân nào đó?

Một khi Phó giáo sư Bùi Hiền đã quyết định công bố rộng rãi công trình của mình thì đó không còn là vấn đề của cá nhân ông nữa mà là vấn đề của xã hội.

Vì đề xuất của ông có nguy cơ gây ảnh hưởng đến toàn dân tộc.

Ngoài ra, tuy hiện tại Phó giáo sư Bùi Hiền không sử dụng ngân sách nhà nước để nghiên cứu nhưng cũng nên nhớ rằng Phó giáo sư Bùi Hiền luôn miệng khẳng định mình là nhà khoa học và ông đã nghiên cứu công trình này 40 năm rồi.

Điều đó cũng có nghĩa cái nền tảng tri thức để ông trong tư cách một nhà khoa học với học hàm Phó giáo sư và học vị Tiến sĩ trong 40 năm qua thực ra cũng từ ngân sách Nhà nước mà ra.

Chỉ có bác nông dân cả đời làm ruộng mới không nợ kinh phí của nhà nước mà thôi.

Còn chuyện ông đã lớn tuổi thì sao? Chẳng lẽ người lớn tuổi thì được quyền làm sai?

Nên nhớ rằng một nền khoa học muốn phát triển lành mạnh thì trước hết, bản thân những “người trong cuộc” phải sòng phẳng, rạch ròi với nhau trong các mối quan hệ.

Đạo đức trong khoa học không chấp nhận những phán xét, kết luận dựa trên cảm xúc, tình cảm ủy mỵ, riêng tư; cũng không chấp nhận việc mang “tinh thần đồng nghiệp”, “quan hệ bạn bè” hay truyền thống gia đình, dòng tộc ra để làm tiêu chí đánh giá. 

4. Thay lời kết

Có thể thấy, từ khi đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của Phó giáo sư Bùi Hiền được công bố cho đến nay đã vô tình gây ra sự phân hóa và chia rẽ giữa những người ủng hộ và phản đối ông.

Đặc biệt, theo tôi, công trình này đã làm cho các nhà khoa học nhất là các chuyên gia ngôn ngữ học sự nhọc lòng và “khổ tâm”.

Vì trong tư cách chuyên gia, nếu họ im lặng, không nói gì thì rất có thể câu chuyện sẽ còn dây dưa kéo dài và nhất là sẽ ầm ĩ lên (như thời gian qua chúng ta đã thấy).

Nhưng nếu buộc phải “ra mặt” lên tiếng hoài thì cũng rất “kẹt” cho họ.

Vì vừa mất thời gian mà có khi lại mang tiếng vì cũng có ý kiến cho rằng “chuyện này có đáng không mà sao nói hoài”?

Nói điều này để thấy công trình của Phó giáo sư Bùi Hiền rõ ràng đã và đang gây ra những “tác hại” và “phiền toái” nhất định cho xã hội chứ không phải không có.

Thế nên, nói đi cũng phải nói lại, tôi cho rằng đã đến lúc Phó giáo sư Bùi Hiền nên thể hiện sự tôn trọng dành cho tất cả mọi người đặc biệt là các chuyên gia ngôn ngữ học thời gian qua đã nhọc lòng và “khổ tâm” vì ông.

Mong Phó giáo sư Bùi Hiền bình tâm và dành thời gian tìm đọc tất cả những bài viết phản biện trên tinh thần học thuật khách quan mà các nhà khoa học đã công bố trên các phương tiện truyền thông.

Từ đó nhìn lại những việc làm của ông trong 40 năm qua.

Làm được điều này, theo tôi cũng là một cách ứng xử cho thấy sự chân thành và văn minh như chính ông đã đề nghị và mong mỏi.

Cuối cùng, thiển nghĩ câu chuyện này có lẽ cũng nên được khép lại tại đây, để không còn ai trong tất cả chúng ta vì chuyện này mà làm tổn thương nhau nữa.

Tài liệu tham khảo:

1.  “Phó giáo sư Bùi Hiền: Ai chân thành, văn minh hãy đọc kỹ đề xuất của tôi”.

Xem tại: https://www.tienphong.vn/giao-duc/pgs-bui-hien-ai-chan-thanh-van-minh-hay-doc-ky-de-xuat-cua-toi-1225924.tpo

2. “Phó giáo sư Bùi Hiền nêu lí do 'công bố' bản chuẩn cải tiến chữ quốc ngữ”.

Xem tại: https://www.tienphong.vn/giao-duc/pgs-bui-hien-neu-li-do-cong-bo-ban-chuan-cai-tien-chu-quoc-ngu-1224909.tpo

3. “Đề xuất của Phó giáo sư Bùi Hiền không đúng với bản chất nguyên âm”.

Xem tại: https://thanhnien.vn/giao-duc/de-xuat-cua-pgsts-bui-hien-khong-dung-voi-ban-chat-nguyen-am-917714.html

4. “Giáo sư Ngôn ngữ học phản biện đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của Phó giáo sư Bùi Hiền”.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/nha-ngon-ngu-hoc-phan-bien-de-xuat-cai-tien-chu-viet-tieng-viet-cua-pgs-bui-hien-413852.html

5. Hoàng Dũng, “Đường dẫn xuống địa ngục lót toàn bằng thiện ý” – về một đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ. Xem tại: https://www.facebook.com/dzung.hoang.501

6. Chu Mộng Long, “Về cải tiến chữ Quốc Ngữ theo sáng kiến của Bùi Hiền”.

Xem tại: https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/1942481972432703

7. Hiền Hòa, “Tiếng Việt mà thành Tiếq Việt sẽ đứt gãy văn hóa dần dần”. Xem tại: https://tuoitre.vn/tieng-viet-ma-thanh-tieq-viet-se-dut-gay-van-hoa-dan-dan-20171127112804828.htm

8. Nguyễn Văn Tuấn –“Đi vào nghiên cứu khoa học”. Nhà xuất bản tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, 2015

Nguyễn Trọng Bình