Phản tích con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý trình bày ý nghĩa phương pháp luận

 V.I. Lênin đã nhận định thế nào về con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý? Hãy phân tích khái quát nhận định đó và rút ra quy luật chung của quá trình phát triển nhận thức

–    Nhận định của V.I. Lênin về con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý:

Theo V.I. Lênin, con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan là: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn.

–    Phân tích khái quát quan điểm đó

Theo sự nhận định nói trên, con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý (tức sự phản ánh đúng đắn đối với hiện thực khách quan) là một quá trình. Đó là quá trình bắt đầu từ “trực quan sinh động” (còn gọi là nhận thức cảm tính) tiến đến “tư duy trừu tượng” (còn gọi là nhận thức lý tính). Nhưng tư duy trừu tượng không phải là điểm cuối cùng của một chu kỳ nhận thức mà nhận thức phải tiếp tục tiến tới thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà nhận thức có thể kiểm tra và chứng minh tính đúng đắn của nó và tiếp tục vòng khâu tiếp theo của quá trình nhận thức. Đây cũng chính là quy luật chung của quá trình con người nhận thức về hiện thực khách quan.

+ Giai đoạn từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính:

Nhận thức cảm tính là giai đoạn mở đầu của quá trình nhận thức. Đó là giai đoạn nhận thức mà con người, trong hoạt động thực tiễn, sử dụng các giác quan để tiến hành phản ánh các sự vật khách quan, mang tính chất cụ thể, cảm tính với những biểu hiện phong phú của nó trong mối quan hệ với sự quan sát của con người, ở giai đoạn này, nhận thức mới chỉ phản ánh được cái hiện tượng, cái biểu hiện bên ngoài của sự vật cụ thể, cảm tính trong hiện thực khách quan mà chưa phản ánh được cái bản chất, quy luật, nguyên nhân của những hiện tượng quan sát được. Do đó, đây chính là giai đoạn thấp của quá trình nhận thức. Trong giai đoạn này nhận thức được thực hiện qua ba hình thức cơ bản là: cảm giác, tri giác và biểu tượng.

Nhận thức lý tính là giai đoạn cao hơn của quá trình nhận thức. Đó là sự phản ánh gián tiếp, trừu tượng và khái quát những thuộc tính, những đặc điểm bản chất của sự vật khách quan. Đây là giai đoạn nhận thức thực hiện chức năng quan trọng nhất là tách ra và nắm lấy cái bản chất, có tính quy luật của các sự vật, hiện tượng. Nhận thức lý tính được thực hiện thông qua ba hình thức cơ bản là: khái niệm, phán đoán và suy lý (suy luận).

+ Mối quan hệ giữa nhận thức cảm tính, nhận thức lý tính với thực tiễn:

Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là những nấc thang hợp thành chu trình nhận thức. Trên thực tế chúng thường diễn ra đan xen vào nhau trong một quá trình nhận thức, song chúng có những chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Nếu nhận thức cảm tính gắn liền với thực tiễn, với sự tác động của khách thể cảm tính, là cơ sở cho nhận thức lý tính thì nhận thức lý tính, nhờ có tính khái quát cao, lại có thể hiểu biết được bản chất, quy luật vận động và phát triển sinh động của sự vật, giúp cho nhận thức cảm tính có được sự định hướng đúng và trở nên sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, nếu dừng lại ở nhận thức lý tính thì con người mới chỉ có được những tri thức về đối tượng, còn bản thân những tri thức đó có thật sự chính xác hay không thì con người vẫn chưa thể biết được. Trong khi đó, nhận thức đòi hỏi phải xác định xem những tri thức đó có chân thực hay không. Để thực hiện điều này thì nhận thức nhất thiết phải trở về với thực tiễn, dùng thực tiễn làm tiêu chuẩn, làm thước đo tính chân thực của những tri thức đã đạt được trong quá trình nhận thức. Mặt khác, mọi nhận thức, suy đến cùng đều là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn.

+ Quy luật chung của quá trinh phát triển nhận thức:

Từ việc phân tích trên đây có thể thấy: quy luật chung của quá trình phát triển nhận thức là: …từ thực tiễn đến nhận thức – từ nhận thức (đã có) lại trở về với thực tiễn (mới) – từ thực tiễn này lại tiếp tục quá trình phát triển của nhận thức (mới), V.V..

Quá trình này lặp đi lặp lại, không có điểm dừng cuối cùng, trong đó, trình độ của nhận thức và thực tiễn ở chu kỳ sau thường cao hơn chu kỳ trước, nhờ đó mà quá trình nhận thức đạt dần tới những tri thức ngày càng đúng đắn hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn về thực tại khách quan.

Đây cũng chính là quan điểm về tính tương đối của nhận thức của con người trong quá trình phản ánh hiện thực khách quan, tiến dần tới chân lý ngày càng đầy đủ hơn.

III. CON ĐƯỜNG BIỆN CHỨNG CỦA SỰ NHẬN THỨC CHÂN LÝ

Nhận thức của con người là một quá trình trong đó có nhiều giai đoạn, nhiều trình độ khác nhau

a. Nhận thức cảm tính: (trực quan sinh động)

  • Là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức.
  • Phản ánh trực tiếp sự vật, hiện tượng.
  • Kết quả: Đem lại hình ảnh bề ngoài của sự vật, hiện tượng.
  • Được thực hiện dưới 3 hình thức: cảm giác, tri giác, biểu tượng.
    • Cảm giác: Là hình thức đầu tiên, giản đơn nhất của nhận thức, là nguồn gốc của mọi hiểu biết của con người. Phản ánh từng mặt, từng thuộc tính bên ngoài của sự vật, hiện tượng vào giác quan của con người.
    • Tri giác: nảy sinh trên cơ sở cảm giác, là sự tổng hợp nhiều cảm giác, phản ánh đầy đủ hơn, cho hình ảnh hoàn chỉnh hơn về sự vật.
    • Biểu tượng: Biểu tượng giữ lại những nét chủ yếu, nổi bật của sự vật do cảm giác, tri giác đem lại, là hình ảnh của sự vật được ghi lại trong trí nhớ. Hình thức cao nhất của biểu tượng là sự tưởng tượng. Có thể xem sự tưởng tượng là bước trung gian cần thiết để chuyển từ nhận thức cảm tính sang nhận thức lý tính.

b. Nhận thức lý tính: (tư duy trừu tượng)

  • Là giai đoạn tiếp theo và cao hơn về chất, nảy sinh trên cơ sở nhận thức cảm tính.
  • Phản ánh gián tiếp sự vật, hiện tượng.
  • Kết quả: đem lại sự hiểu biết về bản chất của sự vật, hiện tượng.
  • Giai đoạn này được thực hiện qua những hình thức tư duy như: khái niệm, phán đoán, suy lý (suy luận)
    • Khái niệm: Là một hình thức của tư duy trừu tượng, phản ánh những mối liên hệ và thuộc tính bản chất, phổ biến của sự vật, hiện tượng. Khái niệm cũng vận động và phát triển.
    • Phán đoán: Là sự liên kết các khái niệm để khẳng định hoặc phủ định một thuộc tính, một mối liên hệ nào đó của hiện thực. Phán đoán được biểu hiện dưới hình thức ngôn ngữ là mệnh đề theo những nguyên tắc văn phạm nhất định.
    • Suy lý: Là một hình thức của tư duy trừu tượng trong đó xuất phát từ một hoặc nhiều phán đoán làm tiền đề để rút ra phán đoán mới làm kết luận. Suy lý là một công cụ mạnh của tư duy trừu tượng thể hiện quá trình vận động của tư duy đi từ những cái đã biết đến nhận thức cái mới một cách gián tiếp.

c. Sự thống nhất biện chứng giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính

  • Chủ nghĩa duy vật siêu hình trong lịch sử đã tuyệt đối hóa một trong 2 giai đoạn của nhận thức. Tuy có một số yếu tố hợp lý nhưng 2 quan niệm duy cảm và duy lí đều là phiến diện.
  • Quan điểm duy vật biện chứng cho rằng nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính vừa đối lập vừa thống nhất nhau: chúng cùng phản ánh thế giới vật chất, cùng cơ sở vật chất là hệ thống thần kinh, cùng chịu sự chi phối của điều kiện lịch sử xã hội. Nhận thức cảm tính là cơ sở của nhận thức lý tính. Nhận thức lý tính giúp nhận thức cảm tính trở nên chính xác hơn. Trên thực tế chúng đan xen nhau (1).

Tóm lại: Nhận tính cảm tính và nhận thức lý tính là 2 giai đoạn của quá trình nhận thức thống nhất. Từ nhận thức cảm tính đến lý tính là một bước nhảy trong nhận thức. Lênin nêu khái quát con đường biện chứng của sự nhận thức: "Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn là con đường biện chứng của nhận thức chân lí

  • Trực giác (Một hình thức đặc biệt của nhận thức) là năng lực nắm bắt trực tiếp chân lí không cần lập luận lôgich trước (chứ không phải là một hiện tượng thần bí). CNDVBC coi trực giác là một hình thức nhânh thức có tính bỗng nhiên, trực tiếp và không ý thức được. Thực chất là trực giác có cơ sở từ toàn bộ hoạt động thực tiễn và hình thức có trước của chủ thể nhận thức của loài người. Trực giác là sản phẩm của tài năng và sự say mê, sự kiên trì lao động khoa học một cách nghiêm túc, thể hiện tính sáng tạo cao.

2. Biện chứng giữa lí luận và thực tiễn

a. Khái niệm lí‎ luận

  • Lí‎ luận với nghĩa chung nhất là sự khái quát những kinh nghiệm thực tiễn, là tổng hợp các tri thức về tự nhiên, xã hội đã được tích lũy trong quá trình lịch sử của con người.
  • Như vậy lí luận là sản phẩm cao của nhận thức, là những tri thức về bản chất của hiện thực.
  • Lí luận là sản phẩm của quá trình nhận thức nên bản chất của lí‎ luận là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.

b. Mối quan hệ biện chứng giữa thực tiễn với lí‎ luận

Giữa lí luận và thực tiễn có sự liên hệ, tác động qua lại tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Sự thống nhất giữa lí luận và thực tiễn là nguyên lí cao nhất và căn bản nhất của triết học Mác- lênin. Sự thống nhất giữa lí luận và thực tiễn là sự thống nhất biện chứng, thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn.

  • Trong quan hệ với lí luận, thực tiễn có vai trò quyết định, vì thực tiễn là hoạt động vật chất, còn lí‎ luận là sản phẩm của hoạt động tinh thần. Vai trò quyết định của thực tiễn đối với lí luận thể hiện ở chỗ:
    • Thực tiễn là cơ sở, động lực và mục đích của nhận thức (lí luận).
    • Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lí.

Thông qua hoạt động thực tiễn, lí luận được vật chất hóa, hiện thực hóa, biến từ cái tinh thần thành cái vật chất.

  • Lí luận tác động trở lại đối với thực tiễn.
    • Lí luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn: Lí luận giúp con người xác định mục tiêu, phương hướng…cho hoạt động thực tiễn.
    • Lí luận có vai trò điều chỉnh hoạt động thực tiễn, làm cho hoạt động thực tiễn có hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, lí luận cách mạng có vai trò to lớn trong thực tiễn cách mạng. Lênin viết: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”.

Như vậy, kết quả của quá trình nhận thức cho con người tri thức về sự vật hiện tượng. Muốn biết tri thức đó đúng hay sai thì tư duy trừu tượng phải trở về với thực tiễn để thực tiễn kiểm tra chân lý, bổ sung cho chân lý và để nhận thức phục vụ thực tiễn. Trong suốt quá trình nhận thức, thực tiễn vừa là điểm khởi đầu vừa là điểm kết thúc.

3. Ý nghĩa phương pháp luận

  • Quá trình nhận thức chân lí phải đi từ thấp đến cao, không được tuyệt đối hóa giai đoạn nào.
  • Không được đề cao thực tiễn, hạ thấp vai trò của lí luận vì như thế sẽ rơi vào chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa kinh nghiệm và ngược lại, không được đề cao lí luận đến mức xa rời thực tiễn, rơi vào bệnh chủ quan duy chí. Thực tiễn không có lý luận trở thành thực tiễn mù quáng, lý luận không có thực tiễn là lý luận suông.
  • Đổi mới tư duy gắn liền với hoạt động thực tiễn là một trong những chủ trương lớn hiện nay của Đảng ta. Chỉ có đổi mới tư duy lí luận, gắn lí luận với thực tiễn thì mới có thể nhận thức được các quy luật khách quan và trên cơ sở đó, đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Giáo trình Triết học Mác Lênin
  • Đại học An Giang