Phong trào sinh viên 5 tốt đánh giá xét chọn sinh viên một cách toàn diện ở các tiêu chí nào sau đây

Phong trào “Sinh viên 5 tốt” được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chuyển tiếp từ cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” (trước đây là “Sinh viên 3 tốt”) nhằm hướng tới việc xây dựng hình ảnh sinh viên toàn diện với các tiêu chí: “Học tập tốt”, “Đạo đức tốt”, “Thể lực tốt”, “Tình nguyện tốt”, “Hội nhập tốt”.  

Vậy, là “Sinh viên 5 tốt” bạn được những gì?

  • Nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Nhà trường

Đăng ký tham gia “Sinh viên 5 tốt”, các bạn sẽ được tiếp cận, định hướng phấn đấu theo các tiêu chí cụ thể. Trong quá trình thực hiện, mỗi cá nhân sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía lãnh đạo Nhà trường, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên, Khoa, Viện trong việc đồng hành, hướng dẫn và tư vấn nhằm giúp các bạn gặt hái thành công danh hiệu cao quý này.

  • Nhận thức được những chuyển biến tích cực từ bản thân

Phấn đấu để đạt được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” đồng nghĩa với việc bạn sẽ trải qua một quá trình rèn luyện, phấn đấu về các mặt: học tập, đạo đức, thể lực, tình nguyện và hội nhập trong suốt năm học. Vì vậy, những chuyển biến tích cực tích cực về các mặt trên là điều mà mỗi cá nhân tham gia phong trào “Sinh viên 5 tốt” cảm nhận được đầu tiên về bản thân mình.

  • Làm chủ năng lực hoạch định mục tiêu cá nhân

Có khả năng lên kế hoạch cho chính bản thân để chinh phục các tiêu chí của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Bạn sẽ rèn luyện cho bản thân ý thức tự giác, chủ động trong học tập, nghiên cứu khoa học; khả năng sắp xếp thời gian hợp lý thông qua việc cân đối thời gian giữa việc học và tham gia các hoạt động xã hội; sự tự tin, chuyên nghiệp khi giao tiếp và sinh hoạt với mọi người, đặc biệt là sinh viên quốc tế.

  • Được vinh danh trong toàn trường

Bên cạnh việc hoàn thiện bản thân về nhiều mặt, khi được công nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” bạn chính là niềm tự hào của bạn bè và gia đình, là tấm gương sáng để nhiều thế hệ sinh viên học tập, phấn đấu.

  • Sẵn sàng năng lực và kỹ năng cho công việc tương lai

Trải qua nhiều năm triển khai thực hiện, nhiều sinh viên bước ra từ phong trào đã khẳng định được bản thân trước nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước bằng kiến thức, kỹ năng vững vàng. Đặc biệt, Giấy chứng nhận “Sinh viên 5 tốt” các cấp dần trở thành tấm vé thông hành “lợi hại” bổ sung, hoàn thiện vào bộ hồ sơ xin việc, tạo lợi thế cạnh tranh cho các bạn khi tham gia ứng tuyển tại các công ty, doanh nghiệp.

Vì vậy, các bạn sinh viên hãy tích cực tham gia phấn đấu trở thành "Sinh viên 5 tốt" nhằm được thụ hưởng mọi điều kiện, môi trường, động lực tốt nhất để tự hoàn thiện bản thân và tự tin đóng góp nhiều nhất cho xã hội ngay sau khi ra trường.

Mọi thông tin liên quan đến Phong trào “Sinh viên 5 tốt”, mời các bạn sinh viên liên hệ: Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên Email:.

Fb: FaceBook.Com/VpCdCdKt

HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
BCH TỈNH PHÚ YÊN
*** Số: 05 -HD/HSV

Phú Yên, ngày 15 tháng 4 năm 2019

HƯỚNG DẪN


Thực hiện phong trào “Sinh viên 5 tốt” nhiệm kỳ 2018 - 2023
-----------------------  

Thực hiện Hướng dẫn số 02-HD/TWHSV, ngày 11/4/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam về việc Thực hiện phong trào “Sinh viên 5 tốt” nhiệm kỳ 2018 - 2023; Nhằm tạo môi trường để sinh viên rèn luyện trên các mặt: đạo đức, học tập, thể lực, tình nguyện, hội nhập, Ban Thư ký Hội Sinh viên tỉnh Phú Yên ban hành hướng dẫn thực hiện phong trào “Sinh viên 5 tốt” nhiệm kỳ 2018 - 2023, cụ thể như sau:

 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU


1. Mục đích - Xây dựng môi trường, động lực cho sinh viên rèn luyện, phấn đấu toàn diện trên các mặt: đạo đức, học tập, thể lực, tình nguyện, hội nhập; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng. - Là giải pháp thiết thực phát huy vai trò người bạn đồng hành của Hội sinh viên với sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện; tham gia tích cực cuộc vận động xây dựng các giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam do Trung ương Đoàn phát động. - Thông qua phong trào, phát hiện, tuyên dương và nhân rộng các điển hình sinh viên, tập thể sinh viên tiêu biểu; tham gia quá trình hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.

2. Yêu cầu


- Phong trào “Sinh viên 5 tốt” được triển khai tới 100% các cấp bộ Hội và hội viên, sinh viên Việt Nam; tuyên truyền rộng rãi trong hội viên, sinh viên, nhà trường và xã hội; trở thành phong trào chủ đạo trong các cơ sở Hội và sinh viên Việt Nam, mục đích ý nghĩa của phong trào, và giá trị của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” hướng đến yếu tố tự rèn luyện của sinh viên, sự phát triển của tập thể sinh viên.
- Hội Sinh viên các trường chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu nhà trường, phối hợp với các đơn vị triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt” sáng tạo, thiết thực trong hội viên, sinh viên.
- Chú trọng công tác hỗ trợ của Hội Sinh viên đối với hội viên, sinh viên để phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Phát hiện kịp thời các nhân tố tích cực để động viên khen thưởng và nhân rộng.
- Có giải pháp tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra từ Hội Sinh viên các cấp để hội viên, sinh viên thực hiện tốt các nội dung phong trào “Sinh viên 5 tốt”.
- Triển khai thiết thực, hiệu quả các hoạt động kết nối, hỗ trợ, phát huy sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” các cấp sau tuyên dương.
II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP
  1. Công tác triển khai, tuyên truyền, giới thiệu phong trào đến hội viên, sinh viên
- Tổ chức tuyên truyền trực quan về phong trào “Sinh viên 5 tốt” trên bảng tin, tờ rơi, tranh, ảnh... trong trường học, tại các địa điểm tập trung nhiều sinh viên. 100% Hội Sinh viên các trường có hình thức giới thiệu về phong trào tại vị trí phù hợp tại các giảng đường, khu Ký túc xá... Chú ‎ý giới thiệu các tiêu chí phấn đấu để đạt danh hiệu giúp sinh viên xác định hướng phấn đấu cụ thể, phù hợp. - Phối hợp các đơn vị truyền thông báo chí, xây dựng các tuyến bài giới thiệu phong trào qua các điển hình được tuyên dương, các mô hình, giải pháp hiệu quả trong quá trình triển khai phong trào. -  Xây dựng chuyên mục “Sinh viên 5 tốt” trên các tờ thông tin nội bộ, ấn phẩm, trang tin điện tử của Đoàn - Hội Sinh viên trường, các trang mạng xã hội. - Tuyên truyền lồng ghép thông qua các hoạt động tình nguyện, các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do Đoàn - Hội Sinh viên tổ chức.

- Tuyên truyền, lồng ghép giới thiệu về phong trào “Sinh viên 5 tốt” và danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” thông qua các hoạt động, chương trình, sự kiện của tổ chức Hội. Chú trọng triển khai trong các sự kiện chào tân sinh viên, các hoạt động tham quan nhà trường, trải nghiệm phong trào của sinh viên mới nhập trường.

- Tập trung tuyên truyền tới nhóm sinh viên chưa biết, chưa tham gia hoặc tham gia không tích cực phong trào Sinh viên 5 tốt để sinh viên thấy được những lợi ích của sự phấn đấu, rèn luyện đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt. Đồng thời, phát huy những sinh viên 5 tốt để tuyên truyền, vận động, khuyến khích các sinh viên tham gia phong trào. Nội dung truyền thông về phong trào Sinh viên 5 tốt cần đảm bảo tính trẻ trung, sáng tạo, thường xuyên cập nhật, đổi mới để phù hợp với sinh viên.

- Thành lập CLB “Sinh viên 5 tốt” các cấp, tổ chức các hoạt động như “Hành trình Sinh viên 5 tốt” hoặc diễn đàn“Sinh viên 5 tốt”, triển khai hiệu quả  mô hình 01 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” hỗ trợ từ 01 đến 02 sinh viên trong quá trình phấn đấu đạt danh hiệu.


2. Các hoạt động tạo môi trường để sinh viên tham gia phong trào
2.1. Nhóm giải pháp tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện đạo đức tốt - Tổ chức các hoạt động tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường: hội thi, diễn đàn học tập hiệu quả các môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 100% các trường Đại học, Cao đẳng có hình thức thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho hội viên, sinh viên. - Thành lập CLB, đội, nhóm sinh viên tìm hiểu, tuyên truyền về pháp luật. Tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện về các chủ đề “Xây dựng văn hóa ứng xử trong học đường”, “Sử dụng mạng xã hội văn minh”, “Thói quen tốt trong sinh viên”, xây dựng lối sống lành mạnh, ứng xử văn minh, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của sinh viên. Tuyên truyền, vận động sinh viên tham gia cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”… - Tổ chức các chương trình, hội diễn, liên hoan văn nghệ với các ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển đảo... nhằm giúp cho sinh viên nâng cao ý thức về trách nhiệm của bản thân với đất nước, gia đình, nhà trường và xã hội. - Tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ sinh viên Việt Nam”, giới thiệu các tấm gương người tốt, việc tốt; gương sinh viên tiêu biểu; gương sinh viên 5 tốt, tạo động lực cổ vũ sinh viên rèn luyện, phấn đấu. Giới thiệu các gương sinh viên điển hình của nhà trường trên hệ thống phát thanh, bảng tin, bản tin nội bộ, tập san của trường. - Định kỳ hàng năm tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các khoa tổ chức gặp gỡ đối thoại với sinh viên để sinh viên trao đổi, bày tỏ nguyện vọng, nhu cầu chính đáng thông qua đó nắm bắt tư tưởng, định hướng, hỗ trợ sinh viên. Hội Sinh viên các trường chủ động đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu, phối hợp với các phòng, ban, khoa trong nhà trường tạo điều kiện ủng hộ cơ sở vật chất, điều kiện cho sinh viên học tập, rèn luyện.

2.2. Nhóm giải giáp tạo môi trường cho sinh viên học tập tốt

- Tổ chức các hoạt động giáo dục thái độ, động cơ học tập đúng đắn, tinh thần cầu tiến trong học tập cho sinh viên, khắc phục tình trạng thiếu nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập; phối hợp hợp phòng chống các tiêu cực, gian lận trong học tập, thi và kiểm tra; phát động sinh viên đăng ký thực hiện “học nghiêm túc - thi chất lượng”. - Củng cố, phát triển, thành lập mới các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ học thuật, đội, nhóm, cộng đồng sinh viên học tập viên, phấn đấu mỗi khoa, chuyên ngành có ít nhất 01 Câu lạc bộ học thuật. Khuyến khích các cuộc thi học thuật liên ngành, liên trường. Xây dựng kênh thông tin trực tuyến tổng hợp đề tài nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên theo chuyên đề, ngành học làm tài liệu tham khảo cho sinh viên. - Tổ chức các hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học, diễn đàn trao đổi phương pháp học tập, nghiên cứu hiện đại, phương pháp tư duy sáng tạo, phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các sinh viên học tốt với sinh viên trong đơn vị. Tập trung giải pháp giúp đỡ nhóm sinh viên học lực trung bình, yếu. Xây dựng văn hóa đọc trong sinh viên, khuyến khích sinh viên thường xuyên cập nhật kiến thức mới từ thư viện, thư viện điện tử. - Thường xuyên tổ chức các hoạt động trang bị kiến thức, công cụ tư duy sáng tạo cho hội viên, sinh viên. Hàng năm tổ chức “Ngày hội sinh viên sáng tạo”,các cuộc thi sáng kiến, ý tưởng sáng tạo trong sinh viên. Vận động hội viên, sinh viên triển khai cuộc vận động “Mỗi sinh viên một ý tưởng sáng tạo” chia sẻ ý tưởng, sáng tạo trên Cổng Thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam và ứng dụng di động “Sáng tạo trẻ”. - Tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học liên trường của sinh viên cùng nhóm ngành, kết nối sinh viên ngoài nước. Tổ chức trao đổi với các nhà giáo, nhà khoa học để sinh viên học tập kinh nghiệm, trau dồi kiến thức. Chủ động liên hệ, mời giảng viên trẻ tham gia hỗ trợ chuyên môn cho các Câu lạc bộ học thuật, các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, giải pháp hiệu hiệu quả, làm tiền đề hình thành các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tổ chức hội nghị khoa học sinh viên cấp khoa, cấp trường; giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học hoặc các hình thức biểu dương sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tham mưu lãnh đạo trường các cơ chế về cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, thư viện, trang thiết bị,…), kinh phí để sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Hội Sinh viên tỉnh, thành phố chủ động phối hợp các sở- ngành tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, giới thiệu nhu cầu, đặt hàng đề tài nghiên cứu cho sinh viên, kết nối, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên. - Vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm để duy trì, phát triển các quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ sinh viên vượt khó học tốt, quỹ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. - Biểu dương, tôn vinh sinh viên đạt kết quả cao trong các kỳ thi Olympic, nghiên cứu khoa học, trong các cuộc thi học thuật của trường, khu vực, toàn quốc và quốc tế.

2.3. Nhóm giải pháp tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện thể lực tốt

- Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai cuộc vận động “Mỗi sinh viên tập luyện một môn thể thao”. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của sức khỏe thể chất, xây dựng ý thức tự rèn luyện thể dục, thể thao. - Tổ chức các hoạt động thể thao phong trào nhằm thu hút sinh viên tham gia luyện tập, thi đấu: ngày hội sinh viên khỏe, đồng diễn thể dục, đi bộ đồng hành, chạy việt dã, ngày hội thể thao dân gian... Định kỳ tổ chức các giải thể thao các cấp (bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, nhảy đối kháng…). - Tham mưu với nhà trường về việc xây dựng, sử dụng các công trình thể thao phục vụ việc rèn luyện sức khỏe của sinh viên. Phối hợp với chính quyền địa phương trên địa bàn giới thiệu các địa điểm tập luyện thể dục, thể thao với những chính sách ưu đãi cho sinh viên. - Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch trong việc xây dựng các chương trình, đề án nâng cao thể lực, thể hình cho sinh viên.

2.4. Nhóm giải pháp tạo môi trường cho sinh viên tình nguyện tốt

- Tổ chức cho sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện thường xuyên tại trường, lớp, ký túc xá thông qua các hoạt động Ngày Thứ bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh. Giới thiệu, khuyến khích sinh viên chọn và gắn với một địa chỉ tình nguyện cụ thể, lâu dài. Phấn đấu mỗi năm học mỗi sinh viên tham gia ít nhất 5 hoạt động tình nguyện. - Tổ chức các đội hình sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, chiến dịch Xuân tình nguyện, tình nguyện mùa đông. Chú trọng các đội hình tình nguyện tập trung theo chuyên môn, chuyên ngành tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, vùng khó khăn, biên giới, biển đảo, địa bàn xây dựng nông thôn mới. - Tổ chức các đội sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi tư vấn, giúp đỡ thí sinh và người nhà thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi, chuẩn bị các điều kiện để tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, giúp đỡ giới thiệu nơi ăn, chỗ trọ, đi lại, địa điểm thi... Tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường” hỗ trợ sinh viên năm thứ nhất nhập trường. - Tổ chức cho sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện; tập huấn cho sinh viên về kỹ năng tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia hiến máu tình nguyện. Thành lập ngân hàng máu sống, máu hiếm trong sinh viên. - Tổ chức chăm sóc bảo vệ môi trường học đường và nơi ở xanh - sạch - đẹp, tham gia xây dựng văn minh đô thị; đảm nhận công trình, phần việc sinh viên như con đường sinh viên, vườn hoa sinh viên, hàng cây sinh viên kết hợp với các cuộc thi phòng ở kiểu mẫu, nhà trọ văn hóa,… - Vận động, tổ chức các đội hình sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ các sự kiện lớn của địa phương, đất nước; hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thiên tai, tai nạn,...  

2.5. Nhóm giải pháp tạo môi trường cho sinh viên hội nhập tốt

- Tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin chủ trương của Đảng, nhà nước về hội nhập cho sinh viên. Mời các diễn giả, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các kỹ năng để hội nhập. - Phát động sinh viên học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ. Khuyến khích sử dụng thành thạo tin học, ngoại ngữ và kỹ năng thực hành xã hội, chuẩn bị hành trang cho sinh viên tự tin hội nhập. Tổ chức các cuộc thi ngoại ngữ, tin học tạo động lực cho sinh viên phấn đấu. - Tổ chức các chương trình tọa đàm, giao lưu văn hóa, thể thao, các cuộc thi sáng tạo giữa sinh viên trong trường với lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam; xây dựng mối quan hệ và tăng cường kết nối với các Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức sinh viên hợp pháp trong khu vực và trên thế giới.

Chú ý: Trong quá trình triển khai các giải pháp trên, chú ý hình thức ghi nhận quá trình tham gia các hoạt động của sinh viên, làm cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện từng tiêu chí trong phong trào. Các cấp bộ Hội cần có giải pháp hỗ trợ nhóm sinh viên cận 5 tốt (đã đạt 3 hoặc 4 tiêu chí) hoặc có hình thức ghi nhận phù hợp, nhằm động viên, khuyến khích các sinh viên này tiếp tục phấn đấu trở thành sinh viên 5 tốt.


III. CÔNG TÁC BÌNH CHỌN, TUYÊN DƯƠNG SINH VIÊN 5 TỐT
1. Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh - Hội sinh viên tỉnh xây dựng tiêu chuẩn cụ thể của danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của sinh viên ở địa phương. - Thành lập Hội đồng xét chọn do đồng chí Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Thành phần hội đồng gồm: Thường trực Hội Sinh viên tỉnh, Ban Thanh niên trường học Tỉnh Đoàn, Văn phòng Hội Sinh viên tỉnh. - Hội đồng xem xét bình chọn sinh viên 5 tốt cấp tỉnh và giới thiệu sinh viên 5 tốt đề nghị xét ở cấp Trung ương.

2. Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”cấp trường

-  Hội sinh viên trường xây dựng tiêu chuẩn cụ thể của danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp trường, hướng dẫn cho liên chi Hội, chi Hội xây dựng tiêu chí danh hiệu 5 tốt cấp mình. - Thành lập Hội đồng xét chọn do đồng chí Chủ tịch Hội Sinh viên trường làm Chủ tịch Hội đồng. Thành phần hội đồng có thể gồm: đại diện phòng Công tác Sinh viên, đại diện phòng Đào tạo, đại diện Ban Thư ký Hội Sinh viên trường, đại diện Ban Thường vụ Đoàn trường. - Hội đồng xem xét, bình chọn danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp trường và giới thiệu các sinh viên đủ tiêu chuẩn sinh viên 5 tốt cấp tỉnh, cấp Trung ương lên Hội sinh viên cấp tỉnh xem xét, công nhận.

- Thời gian xét chọn: Xong trước ngày 20/11 hàng năm.

- Tổ chức các hoạt động phong trào, văn hóa, văn nghệ… gắn với tuyên dương, trao giấy chứng nhận Sinh viên 5 tốt cấp trường và Giấy khen của Hội Sinh viên trường vào dịp 20/11 hoặc 9/1.

3. Danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Liên chi Hội, chi Hội. Tùy điều kiện cụ thể từng trường, Ban Thư ký Hội Sinh viên trường có hướng dẫn phù hợp.


IV. CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ TẬP THỂ SINH VIÊN 5 TỐT Các cấp bộ Hội chủ động đề ra tiêu chí đánh giá, công nhận danh hiệu Tập thể sinh viên 5 tốt căn cứ vào Hướng dẫn bình chọn danh hiệu sinh viên 5 tốt và tập thể sinh viên 5 tốt do Trung ương Hội Sinh viên ban hành.

V. HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ VÀ PHÁT HUY SINH VIÊN 5 TỐT

- Tham mưu cấp ủy, Ban Giám hiệu có các chế độ ưu tiên về học phí, điều kiện học tập, nơi ở, sử dụng phòng thí nghiệm, thư viện… đối với sinh viên 5 tốt. - Thực hiện các hoạt động kết nối sinh viên 5 tốt với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ trong việc tìm học bổng, giới thiệu việc làm; giới thiệu địa điểm thực tập, kiến tập, giới thiệu tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học ... - Các cấp bộ Hội xây dựng câu lạc bộ sinh viên 5 tốt, tổ chức sinh hoạt và hoạt động định kỳ nhằm chia sẻ kinh nghiệm học tập, rèn luyện, hỗ trợ sinh viên 5 tốt. - Phát huy Sinh viên 5 tốt trong các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên, xây dựng các điển hình sinh viên tiêu biểu có uy tín, sức thuyế phục cao trong sinh viên, cổ vũ, động viên sinh viên tham gia tốt phong trào, phấn đấu đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN


1. Hội Sinh viên tỉnh - Ban hành Hướng dẫn thực hiện phong trào Sinh viên 5 tốt. - Ban hành Hướng dẫn xét chọn danh hiệu, tập thể Sinh viên 5 tốt.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông về phong trào “Sinh viên 5 tốt” trên hệ thống báo chí của Đoàn, Hội, trên website và mạng xã hội...

- Hàng năm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Hội Sinh viên các cấp thực hiện phong trào Sinh viên 5 tốt.

- Tổng kết phong trào “Sinh viên 5 tốt” nhiệm kỳ 2013 - 2018.


2. Hội Sinh viên các trường
- Cụ thể hóa hướng dẫn thực hiện phong trào “Sinh viên 5 tốt” và xây dựng tiêu chuẩn bình chọn danh hiệu Sinh viên 5 tốt của đơn vị. - Triển khai các nội dung truyền thông về phong trào Sinh viên 5 tốt trên hệ thống báo chí, trang tin điện tử Đoàn - Hội Sinh viên trường...

- Tổ chức triển khai phong trào và truyền thông phong trào “Sinh viên 5 tốt” tới hội viên, chi Hội. Khuyến khích cách triển khai sáng tạo, phù hợp với điều kiện của trường. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các liên chi hội, chi hội triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt”. Cụ thể hóa trong chương trình công tác hàng năm, xây dựng tiêu chí xét chọn sinh viên 5 tốt cấp trường.


- Hướng dẫn sinh viên đăng ký danh hiệu Sinh viên 5 tốt từng cấp vào đầu năm học. Tiến hành tổng kết, đánh giá, nhân rộng các mô hình hay, giải pháp hiệu quả trong quá trình triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt” cấp trường cuối năm học.
- Gửi báo cáo các mô hình tiêu biểu phong trào “Sinh viên 5 tốt” về Văn phòng Hội Sinh viên tỉnh trước ngày 10/11/ hàng năm.
- Tiến hành sơ kết, tổng kết phong trào “Sinh viên 5 tốt” .
Ban Thư ký Hội Sinh viên tỉnh Phú Yên đề nghị Hội Sinh viên các trường trực thuộc tập trung triển khai thực hiện phong trào Sinh viên 5 tốt theo các nội dung đã ban hành. Báo cáo kết quả thực hiện phong trào Sinh viên 5 tốt hàng năm về Văn phòng Hội Sinh viên tỉnh. Email: trước ngày 30/5 hàng năm.  

Nơi nhận:

- TW HSV Việt Nam (b/c); - Ban Dân vận Tỉnh ủy (b/c); - Sở Nội vụ (b/c) - BTV Tỉnh Đoàn (b/c); - UB. Hội LHTN Việt Nam tỉnh (b/c); - Đảng ủy, BGH các trường (p/hợp) - Đoàn các Học viện, trường ĐH-CĐ; - Hội Sinh viên các Học viện, trường ĐH-CĐ (t/hiện); - Các đ/c UV.BCH Hội Sinh viên tỉnh;

- Lưu: VP HSV.

TM. BAN THƯ KÝ HỘI SINH VIÊN TỈNH


CHỦ TỊCH     (Đã ký)    

Trần Minh Trí

Video liên quan

Chủ đề