Phụ nữ việt nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang

Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh”, Người dẫn lời Các Mác: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. V.I.Lênin nói: Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công. Những lời ngợi khen của các nhà kinh điển lỗi lạc và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhận định phụ nữ luôn nắm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong xã hội và gia đình.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn dành cho chị em phụ nữ những tình cảm thương yêu, quý mến và thân tình nhất. Mỗi khi đến dự hội nghị hay cuộc họp của các địa phương, các bộ, ngành, Người đều hỏi có đại biểu nữ và mời họ lên hàng ghế đầu, cùng ngồi. Đi đến địa phương nào, Người cũng đều hỏi thăm về các phong trào phụ nữ, những chị em có nhiều công lao với cách mạng.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tháng 10-1966, Bác Hồ khẳng định: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Phụ nữ việt nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang

Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Đồng thời, Người đã nêu một cán bộ lãnh đạo nữ rất kiên cường, dũng cảm của miền Nam chống Mỹ cứu nước “Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta…” và chỉ ra rằng “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.

Nhớ lại thời kỳ hiện đại, nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, biết bao người phụ nữ nổi tiếng và cả biết bao người phụ nữ vô danh đã làm tròn trách nhiệm trọng trách được Đảng, Nhà nước giao, phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, không những xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu… xông pha đánh giặc, vẻ lên nét đẹp truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” và đã đóng góp xứng đáng vào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đồng thời, giành thắng lợi cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, phụ nữ đã đóng góp 68% số ngày công phục vụ toàn chiến dịch; các chị đã chung lưng sát cánh cùng bộ đội, đắp đường, bắc cầu, phá bom.

Phụ nữ việt nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang

Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến việc giải phóng phụ nữ. Năm 1956, Người căn dặn các cán bộ phụ nữ toàn miền Bắc “đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hoà bình thế giới”. Ảnh: Tư liệu

Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, trong phong trào Đồng Khởi năm 1960 đã có gần 1 triệu lượt phụ nữ đấu tranh trực diện kết hợp với lực lượng vũ trang, góp phần làm tan rã trên 20.000 binh lính và dân vệ, phá kìm kẹp ở 895 xã trên tổng số 1.193 xã ở miền Nam và nhiều chiến công khác của các chị em phụ nữ trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, nữ biệt động Sài Gòn, TP. Huế… góp phần “Đại thắng mùa xuân 1975”, thống nhất đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ mới, phụ nữ Việt Nam cũng thật xứng đáng với danh hiệu 8 chữ vàng: trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng được Đảng và Nhà nước trao tặng. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XII (2006 - 2011) đạt 25,76%, khóa XIII (2011 - 2016) đạt 24,4%, là một trong những nước đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và là một trong ít nước có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao nhất thế giới. Hơn 20 năm qua, nước ta luôn có Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội là nữ.

Trong số người làm công ăn lương của cả nước, phụ nữ chiếm hơn 50,3%; chủ doanh nghiệp 32,4%; tỷ lệ nữ nhà báo gần 30%; số nữ có trình độ chuyên môn cao đã được nâng lên đáng kể: cao đẳng hơn 61%, đại học hơn 37%; thạc sĩ hơn 34%, tiến sĩ hơn 26%... Có thể nói, phụ nữ đã thể hiện quyết tâm vươn lên làm chủ đất nước, xã hội và bản thân, có nhiều đóng góp thiết thực ý nghĩa.

Ðể phát huy vai trò phụ nữ trong thời kỳ mới, người phụ nữ hiện đại cần nỗ lực nhiều hơn trong việc trau dồi, tích lũy tri thức, vốn sống; yêu quê hương, có lối sống văn hóa, hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, cả sự nghiệp và gia đình. Đồng thời, tạo lập cho mình ý thức cầu tiến, tự tin, sáng tạo, biết chăm sóc bản thân… là những đức tính và nét đẹp văn hóa của người phụ nữ ngày nay.

Ngày 8/3/1965, nhằm đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam, Đảng, chính phủ, Bác Hồ đã tặng họ bức trướng thêu 8 chữ vàng "Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang".

Phụ nữ việt nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang

Bức trướng thêu 8 chữ vàng mà Đảng, chính phủ, Bác Hồ  tặng phụ nữ miền Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”; “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.

Ngày 8/3/1965, nhân kỷ niệm 55 năm ngày quốc tế phụ nữ (1910-1965) Bác dành tặng phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. 

Hai chữ “Anh hùng” là thể hiện thái độ hăng hái tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm và giành những điều tốt đẹp cho dân tộc ta. “Bất khuất” là chỉ sự kiên cường gan dạ không sợ kẻ thù mà vẫn xông ra chiến trường làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước. “ Trung hậu” là sự quyết trí chống lại những cái tiêu cực không chỉ cho gia đình, số phận mà còn cho cả vận mệnh của đất nước. “Đảm đang” là chỉ sự chăm chỉ, khéo léo trong việc chăm chồng, chăm con, chăm gia đình có một cuộc sống hạnh phúc hay đảm đang trong việc ứng xử đấu tranh cho đất nước có một cuộc sống hạnh phúc.

Phụ nữ việt nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh) 

Người phụ nữ Việt Nam xưa và nay.

Văn hóa Việt Nam ta là lối sống cộng đồng, trọng tình, trọng nghĩa, trọng tĩnh, trọng nữ. Bởi vậy, ở nước ta, phụ nữ từ xa xưa đã có vị trí, vai trò vô cùng to lớn trong cuộc sống. 

Thời chiến tranh, chị em phụ nữ không quản khó khăn, hiểm nguy, người xung phong ra tiền tuyến, người nhiệt huyết ở hậu phương. Dù ở bất kể phương diện nào, phụ nữ Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những người phụ đã lưu danh cho tận ngày nay: “nữ vương” đầu tiên trong lịch sử là Trưng Trắc, Trưng Nhị, “bà chúa thơ Nôm” - Hồ Xuân Hương, chiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, nữ anh hùng Võ Thị Sáu, nữ tướng Nguyễn Thị Định,..

Thời bình, phụ nữ Việt Nam càng khẳng định vị trí quan trọng của mình trong cuộc sống. Người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Vừa đóng góp cho xã hội những giá trị lớn lao, vừa tròn nghĩa vụ người mẹ, người vợ khi trở về mái ấm của riêng mình. Điển hình là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đang giữ vị trí Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Bình nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội bà Tòng Thị Phóng,...

Ngày nay, phụ nữ Việt Nam hội nhập cùng thế giới, tiếp thu những nét tính cách thời đại, đồng thời vẫn luôn giữ vững và phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc. Không chỉ dừng lại ở 8 chữ vàng, phụ nữ Việt Nam ngày càng hiện đại, văn minh, giỏi giang. Họ thông minh và cá tính, khác hẳn với những mẫu phụ nữ điển hình thời trước. Phụ nữ ngày nay không dành hết thời gian để làm các công việc nội trợ mà chủ động và hoạt bát với công tác xã hội. Họ không chỉ giúp bản thân tốt hơn, giúp bảo vệ quyền của nữ giới mà còn giúp quảng bá hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với thế giới.

Hoa hậu H’hen Niê - cô gái dân tộc thiểu số dũng cảm, tự tin vượt ra khỏi định kiến để khẳng định giá trị của mình. Thành công của nhiều nữ doanh nhân Việt Nam: bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch hãng hàng không Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG (từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á), bà Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk… 

Phụ nữ việt nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang

Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội vui mừng được gặp Bác Hồ 25/11/1965.

TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa nhấn mạnh: “Ý nghĩa 8 chữ vàng mà Bác Hồ dành tặng cho phụ nữ Việt Nam vẫn đúng. Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng anh hùng chỉ có trong thời xưa, là đội quân tóc dài - đội quân mà làm rung chuyển cả dãy núi Trường Sơn. Anh hùng không chỉ sinh ra thì khói lửa chiến tranh mà còn hiện thân trong hình ảnh những người lao động sản xuất”. 

Nhiều quan điểm cho rằng ngành báo chí nguy hiểm, cần thể lực nên phù hợp với nam giới hơn nhưng điều này không hẳn đúng. Ngày nay, các nữ nhà báo, phóng viên không chỉ hoạt động tích cực mà còn thử thách bản thân trong cả mảng báo chí điều tra. Ở đây sức mạnh được thể hiện ở năng lực trí tuệ, nữ giới dám làm, cống hiến. Vượt lên mặc cảm bản thân, định kiến xã hội, mặc cảm về giới, thậm chí nhiều người hy sinh cả sở thích cá nhân, cả thiên chức làm mẹ để xông lên khẳng định mình, sáng tạo, cống hiến. 8 chữ vàng thể hiện phẩm chất của con người thì dù là ở thời kỳ nào thì nó cũng đúng và có giá trị”.  

Phụ nữ Việt Nam ngày nay và lời dạy của Bác

TS Hồng cho rằng: “Nhiều người nghĩ rằng phụ nữ ngày nay không còn “Trung hậu”, “Đảm đang” nữa, tôi thì không nghĩ thế. Để phụ nữ ngày nay xứng đáng với 8 chữ “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” thì có nhiều biện pháp. Biện pháp mà các nhà xã hội học có nói đó là phải đấu tranh cho bình đẳng giới. 

Phụ nữ việt nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang

Bình đẳng giới ở đây không chỉ nói bằng lời mà phải thể hiện bằng hành động. Người phụ nữ phải biết tự vươn lên, tự khẳng định mình, tự đấu tranh cho quyền hạnh phúc của mình, quyền được cống hiến, được thừa nhận. Rất nhiều phụ nữ cứ sợ, thậm chí là nhiều người phụ nữ bị bạo hành về cả thể xác lẫn tinh thần mà họ không dám đấu tranh. Vậy nên phụ nữ cần phải đấu tranh cho chính mình.

Thứ hai, người đàn ông phải nhìn nhận đúng người phụ nữ cả trong gia đình và cả trong xã hội. Rất nhiều người đàn ông thiển cận, nhìn người phụ nữ giống chỉ như cây chổi lau nhà, chỉ nội trợ trong gia đình mà quên mất họ là những người “gánh cả non sông vượt dặm dài” và trên vai của họ còn công việc của xã hội. Nên người đàn ông phải chia sẻ. 

Thứ ba, người phụ nữ phải tự nâng cao năng lực của mình và hoàn thiện phẩm chất của mình. Năng lực ở đây là họ phải sống với đam mê, nhiệt huyết và sẵn sàng hy sinh cho đam mê đó.

Cùng với đó, cộng đồng, xã hội, các thiết chế văn hóa xã hội phải tạo điều kiện cho phụ nữ thực thi trách nhiệm, quyền lợi, bổn phận và nghĩa vụ của mình với tư cách là một công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lê Lan Anh - CJC