Quan điểm của Đảng và Nhà nước về biển, đảo

Trên các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều bài viết, ý kiến với những nhận định khác nhau về thời hạn cho thuê đất trong dự thảo về “Ðặc khu kinh tế”. Việc tham gia đóng góp ý kiến với tinh thần xây dựng để góp phần phát triển, bảo vệ đất nước là điều vô cùng đáng quý, thể hiện tinh thần “mọi công dân đều phải có trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước” và Ðảng, Quốc hội, Chính phủ luôn nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến mang vỏ bọc “góp ý”, “tâm huyết” nhưng bộc lộ rõ ý đồ chống phá, kích động biểu tình, lật đổ chế độ.

Mỗi người cần phải hiểu rõ, quản lý và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đảo thời kỳ hội nhập quốc tế là vấn đề đặc biệt quan trọng. Trong quá trình hội nhập, bên cạnh những thuận lợi chắc chắn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, luôn có tác động nhiều mặt đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, biển, đảo ngày càng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước có biển cũng như các nước không có biển. Ðặc biệt, trong tình hình nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, tạo ra những “cơn khát” về nguyên, nhiên liệu; đất đai canh tác ngày càng thu hẹp do dân số và tốc độ đô thị hoá tăng nhanh; sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cho phép loài người vươn ra để làm chủ biển cả, khai thác các nguồn lợi từ biển phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế, biển, đảo trở thành nguồn lực kinh tế to lớn, sống còn và “không gian sinh tồn mới”. Ðây là vấn đề dẫn đến nhiều quốc gia cùng hướng mạnh ra biển và cùng tuyên bố chủ quyền dẫn đến nảy sinh nhiều thách thức, mâu thuẫn về chính trị, kinh tế và an ninh - quốc phòng.

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích biển Ðông; bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam trên 3.260km, qua địa phận của 28 tỉnh, thành phố.

Với chiều dài và diện tích rộng lớn, biển, đảo nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia; là phên giậu, chiến luỹ hình thành tuyến phòng thủ quan trọng, đồng thời là không gian sinh tồn mới có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó, hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu, để bảo vệ sườn phía Ðông của Tổ quốc.

Nhận định về biển, đảo của nước ta, báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI) trình Ðại hội XII của Ðảng chỉ rõ: vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta chưa được loại trừ; còn tồn tại những vấn đề xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe doạ trực tiếp đến hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Ðông. Biển Ðông trở thành một trong những “điểm nóng”, mối quan tâm hàng đầu của thế giới.

Quan điểm của Ðảng là phát triển kinh tế biển phải gắn với quản lý, bảo vệ biển, đảo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển, hải đảo. Ngay từ Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng cũng đã xác định: “Phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế”; Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam xác định: “Chiến lược biển phải kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh…”.

Mạnh về biển: tức là phải mạnh về kinh tế, quân sự, quốc phòng - an ninh trên biển, đảo. Nhưng muốn biển mạnh, trước hết bờ phải vững, bờ vững chính là cơ sở, nền tảng để xây dựng biển mạnh.

Giàu lên từ biển: biển nước ta có nhiều tài nguyên phong phú, đa dạng với trữ lượng lớn, đặc biệt là thuỷ sản và dầu khí. Nhưng chúng ta chưa khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh của Biển, đến nay, tỷ trọng các ngành kinh tế biển mới chiếm 48% GDP. Ðể làm giàu lên từ biển, phấn đấu đến năm 2020 các ngành kinh tế biển chiếm tỷ trọng 53 - 55% GDP của cả nước.

 Ðến Nghị quyết Ðại hội XII, Ðảng ta tiếp tục chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn- nhất là địa bàn chiến lược. Trong quy hoạch xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược, các phương án bảo vệ cần làm tốt ngay từ khâu thẩm định các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo; quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo không để ảnh hưởng đến thế bố trí quân sự, thế trận quốc phòng, an ninh. Trong quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo hiện nay, nước ta đang chuẩn bị tích cực xây dựng 3 đặc khu kinh tế gồm Vân Ðồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Trước ý kiến lo ngại về dự thảo “Ðặc khu kinh tế”, đặc biệt là thời hạn cho các nhà đầu tư thuê đất dự án, trả lời cơ quan báo chí tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng khẳng định: “… Ðây là đất thuê, và việc thuê đó theo quy trình nào thì hằng năm uỷ ban nhân dân trình hội đồng nhân dân giá thuê đất chứ không phải là giao vĩnh viễn như là nhượng tô, nhượng địa như Hongkong trước đây, hoàn toàn khác nhau về bản chất. Rất tiếc, nhiều người đã hiểu lầm vấn đề này, rất tiếc là như thế!”, “An ninh quốc gia, an ninh kinh tế đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu lâu dài để mọi người không phải lo rằng một quốc gia nào đó đầu tư độc quyền trong vấn đề này. Quá trình thực hiện sẽ có thiết kế cụ thể, còn luật chỉ là khung để tạo ra môi trường pháp lý cần thiết”; và việc đón các nhà đầu tư từ các quốc gia sẽ có cơ cấu phù hợp, có tỷ lệ cần thiết chứ không phải chỉ một nước.

Chúng ta luôn xác định Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời theo tinh thần 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt: Ðồng chí tốt - đối tác tốt - bạn bè tốt - láng giềng tốt.

Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các hành động quá khích, kích động biểu tình, gây hấn. Ðồng thời đấu tranh phản bác lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về phát triển kinh tế biển, đảo của Ðảng, Nhà nước ta; kiên quyết không mắc mưu của kẻ thù; không để các thế lực thù địch, phản động tái diễn kịch bản gây khiếu kiện, biểu tình như “vụ giàn khoan Hải Dương 981”.

Xuân Thu

Biển, đảo Việt Nam là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cấu thành chủ quyền quốc gia, cửa ngõ giao lưu quốc tế, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Đây cũng là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ phía Đông của đất nước, tạo khoảng không gian quan trọng để kiểm soát việc tiếp cận lãnh thổ trên đất liền. Hiện nay, biển Việt Nam có diện tích trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 29% diện tích của Biển Đông (3,5 triệu km2) và rộng gấp 3 lần diện tích đất liền (332 nghìn km2). Biển Việt Nam tiếp giáp với vùng biển của 07 nước: Trung Quốc, Philipines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Hiện nay, Việt Nam đã đàm phán phân định ranh giới biển với các quốc gia xung quanh Biển Đông. Nước ta hiện có 28 tỉnh, thành phố giáp biển, chiều dài bờ biển khoảng trên 3.260 km, từ Móng Cái đến Hà Tiên, gần 3.000 đảo lớn, nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều cảng biển quan trọng, nhiều danh lam thắng cảnh và khu du lịch nổi tiếng. Hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước đều gắn liền với biển, như: du lịch, dầu khí, thủy sản, giao thông vận tải, công nghiệp tàu thủy... Bởi vậy, an ninh biển, đảo có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam, tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường hòa bình của đất nước .

Thời gian qua, trên Biển Đông đã và đang tồn tại các vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền lãnh thổ cần phải giải quyết, đó là: bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; bảo vệ chủ quyền và giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa 5 nước 6 bên, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philipines, Brunei, Đài Loan (Trung Quốc); phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và xác định ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng với đó, những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta vẫn chưa được loại trừ do đang tồn tại những nhận thức khác nhau về chủ quyền; có những yêu sách chủ quyền trái với thông lệ và luật pháp quốc tế; áp đặt tư duy chủ quan, nước lớn trong các hoạt động ở Biển Đông, như: đẩy mạnh việc xây đắp phi pháp các đảo nhân tạo, cải tạo các đảo đã chiếm đóng trái phép, nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông; tăng cường các hoạt động chống phá, mở rộng vùng hoạt động kinh tế… Những hoạt động này đã và đang đe dọa, làm ảnh hưởng không chỉ đối với quốc phòng, an ninh của Việt Nam mà cả an ninh, an toàn của nhiều nước trong khu vực .

Nhận thức rõ nguy cơ, thách thức nói trên, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động, tích cực giải quyết từng bước những tồn tại về biên giới lãnh thổ trên biển và đất liền với các nước liên quan nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác, góp phần củng cố hoà bình, an ninh khu vực, đồng thời tăng cường thế và lực của đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đã ký nhiều văn bản với các nước liên quan đến biển, đảo, như: Thoả thuận khai thác chung vùng biển chồng lấn với Malaysia; Hiệp định phân định vùng biển chồng lấn với Thái Lan và thực hiện tuần tra chung trên vùng biển chồng lấn; Hiệp định về biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa với Inđônêxia; Hiệp định về biên giới trên bộ với Campuchia...

Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về biển, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động khai thác, quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), phục vụ nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, nâng tầm vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Cụ thể là: Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trên cơ sở đó, ngày 30/5/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, ngày 05/3/2020 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nghị quyết số 26/NQ-CP Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; đồng thời tiếp tục nâng cao vị trí, tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh biển, đảo, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh một số quan điểm, chủ trương trong quản lý, đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới cần được quán triệt sâu sắc, như sau:

- Thực hiện quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc” . Xác định sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sức mạnh tổng hợp quốc gia, của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng, thế trận an ninh nhân dân, trong đó, sức mạnh quốc phòng, an ninh giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, lấy khu vực phòng thủ ven biển làm chỗ dựa, lực lượng Hải quân làm nòng cốt; kết hợp sức mạnh của mọi ngành, mọi lực lượng hướng biển, vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh với tinh thần tự lực là chính để quản lý, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên các vùng biển; sẵn sàng ngăn chặn, đẩy lùi, đánh thắng các hành động xâm lấn của bất kỳ thế lực nào để bảo vệ biển, đảo.

- Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển” 3. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài, do đó, quan điểm chung trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “kiên định nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược”; những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp, giữ vững chủ quyền biển, đảo nhưng phải ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo cần có sự kết hợp sức mạnh trên các mặt trận: Kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, sự đồng tình, đồng thuận, đại đoàn kết toàn dân tộc và sử ủng hộ quốc tế. Kết hợp các biện pháp ngoại giao, pháp lý, thông tin, truyền thông hiệu quả. Chú trọng kiện toàn cơ quan, đội ngũ, cán bộ làm công tác thực thi pháp luật trên biển, phát huy vai trò các biện pháp công tác của lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển. Huy động các nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, trong đó có lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển .


Đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)_Nguồn: Tạp chí cộng sản

- Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Theo đó, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng pháp luật của Nhà nước với quá trình kinh tế - xã hội, các hoạt động trên biển, đảo nhằm duy trì và phát triển các mối quan hệ, các hoạt động đó trong trật tự, theo đúng định hướng của Nhà nước trong việc thăm dò, khai thác các tiềm năng của biển, thực thi và bảo vệ chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, hải đảo và thềm lục địa của quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực. Quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển còn là bảo vệ các quyền của quốc gia về biển phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định mà nước ta đã ký với các nước có liên quan. Đó là quyền của quốc gia về bảo tồn, quản lý, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên của biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng trời, các đảo và quần đảo gắn liền với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển. Nội dung quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bao gồm: bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc trên biển, đảo; bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội và văn hóa trên biển, đảo và vùng ven biển; tăng cường tiềm lực quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng, văn hóa, khoa học, giáo dục; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên biển, đảo; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển; tăng cường hoạt động pháp lý trên trường quốc tế tạo cơ sở bảo vệ chủ quyền biển, đảo bền vững.

 

Thượng cờ trên biển Hoàng Sa (tỉnh Khánh Hòa) )_Nguồn: Tạp chí cộng sản

- Chúng ta phải khẳng định một lần nữa rằng biển, đảo chính là phần lãnh thổ quan trọng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi công dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo là đặc biệt quan trọng. Mỗi chúng ta cần nắm vững quan điểm của Đảng, có định hướng lý tưởng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trước hết là giữ vững ý chí, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, không tin, nghe theo, tiếp tay cho những lời tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt của các cá nhân, tổ chức, thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá cách mạng Việt Nam. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta cần xây dựng và phát huy tinh thần sẵn sàng tham gia trực tiếp vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn biển, đảo quê hương. Tham gia tích cực công tác tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Tăng cường học tập, nghiên cứu phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ biển, đảo và phát triển kinh tế biển, đảo bền vững. Tham gia tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển, hải đảo. Quảng bá hình ảnh biển Việt Nam, chung tay xây dựng thương hiệu biển Việt Nam góp phần nâng cao vị thế quốc gia và hội nhập quốc tế trong bảo vệ biển, đảo./.

Đỗ Nhật Thiện – Khoa K6

Video liên quan

Chủ đề