Quan điểm, nguyên tắc cơ bản thù ba trong xây dựng lực lượng vũ trang

Một số quan điểm cơ bản của Đảng về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới

Trên cơ sở những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lê nin về xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo, đề ra đường lối xây dựng LLVT ba thứ quân; trong đó nhấn mạnh vai trò của dân quân, tự vệ (DQTV). Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ,  cùng với việc xây dựng các đơn vị chủ lực Đảng ta chủ trương xây dựng lực lượng DQTV “vững mạnh, rộng khắp”. Nhờ đó, lực lượng DQTV đã không ngừng phát triển, trưởng thành và trở thành một lực lượng chiến lược trong việc tiêu hao, tiêu diệt quân địch, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh; bảo vệ sản xuất, bảo vệ địa phương, cơ sở, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hiện nay, xu thế chủ đạo của tình hình thế giới và khu vực là hòa bình, hợp tác, phát triển, nhưng đồng thời cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Đối với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Chúng ra sức lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để kích động, gây mất ổn định chính trị-xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, sẵn sàng vũ trang xâm lược khi có điều kiện.

Do đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta có sự phát triển mới. Đó là "Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc". Những quan điểm, tư tưởng đó thể hiện rõ mục tiêu và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. DQTV là một bộ phận của LLVT, trong chiến tranh có nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc, bảo vệ địa phương, cơ sở... Trong thời bình, DQTV phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng và tài sản của nhân dân ở địa phương, cơ sở; xung kích trong bảo vệ sản xuất, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch họa; vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Nhận thức rõ vị trí chiến lược của DQTV trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh. Hệ thống quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng DQTV được thể hiện trong nhiều văn kiện (Nghị quyết, chỉ thị). Để góp phần thống nhất nhận thức, chúng tôi khái quát một số quan điểm cơ bản của Đảng về xây dựng lực lượng DQTV để các địa phương, các ngành, các cấp tiếp tục quán triệt trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và chỉ huy trực tiếp của cơ quan quân sự; gắn xây dựng DQTV với kiện toàn và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở.

Quan điểm này xác định cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đối với lực lượng DQTV. Trong đó, sự lãnh đạo trực tiếp, về mọi mặt của tổ chức cơ sở đảng đối với DQTV là vấn đề có tính nguyên tắc, là nhân tố quyết định bảo đảm cho DQTV vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực sự là một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân ở cơ sở. Sự lãnh đạo của Đảng đối với DQTV phải thường xuyên, liên tục trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, được thực hiện đồng bộ, thống nhất, theo cơ chế đã xác định trong Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. Mọi hoạt động của lực lượng DQTV đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của Chủ tịch ủy ban nhân dân và sự  chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của xã đội, của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức và cơ quan quân sự cấp trên. Yêu cầu quan trọng trong tình hình hiện nay là, phải quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 05-12-2002 của Ban chấp hành Trung ương (Khoá IX) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới", nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng DQTV. Hằng năm, cấp ủy đảng cơ sở phải có nghị quyết chuyên đề về quốc phòng-an ninh (QP-AN); đề ra biện pháp thiết thực, tổ chức thực hiện và kiểm tra chặt chẽ. Hiện nay, tỷ lệ đảng viên trong DQTV của cả nước đạt 12,05%, đoàn viên thanh niên đạt 42,18%; nhiều địa phương đã thành lập chi bộ quân sự ở cấp xã, phường, thị trấn. Đó là những yếu tố hết sức thuận lợi để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với DQTV. Yêu cầu đối với các chi bộ quân sự phải không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, trở thành chi bộ mẫu mực về mọi mặt, nhất là về tổ chức kỷ luật và tính chiến đấu. Đối với các xã, phường, thị trấn chưa thành lập chi bộ hoặc tổ đảng quân sự, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện theo quy định.

Bên cạnh đó, cần nêu cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền đối với DQTV; gắn xây dựng lực lượng DQTV với kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở; tập trung trước hết vào việc kiện toàn Ban chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn, cơ sở tự vệ có số lượng đủ, chất lượng ngày càng cao; đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực và có kinh nghiệm công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Việc bố trí xã đội trưởng nhất thiết phải là đảng viên, có đủ điều kiện tham gia cấp uỷ, từng bước tăng tỷ lệ tham gia cấp uỷ. Trong công tác đào tạo, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 34/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng "Về đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn". Chú trọng đào tạo toàn diện, ở cả 3 khối kiến thức: quân sự, lý luận chính trị và quản lý nhà nước, tạo cơ sở để cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức trách; đồng thời, có hướng phát triển, bổ sung vào đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Đối với khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, cần chú trọng tuyển chọn, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Hai là, xây dựng lực lượng DQTV “vững mạnh, rộng khắp”, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trước hết là chất lượng chính trị.

Đây là quan điểm cơ bản, xuyên suốt quá trình xây dựng lực lượng DQTV. Đảng ta khẳng định: "Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân". Xây dựng lực lượng DQTV “vững mạnh, rộng khắp” là cụ thể hóa quan điểm quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, “vững mạnh” được biểu hiện ở chất lượng tổng hợp cao, trước hết là chất lượng về chính trị; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, có ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; có phẩm chất đạo đức tốt, luôn gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. 

Xây dựng DQTV “rộng khắp” không chỉ theo vùng, miền, từng bản, làng, thôn xóm, mà còn rộng khắp ở các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội. Thực hiện phương châm “ở đâu có Đảng, có dân, thì ở đó có dân quân”; kiên quyết không để thôn, bản “trắng” dân quân, kể cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của DQTV trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngay từ cơ sở.

Quán triệt Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", với chủ trương “mạnh về biển, giàu lên từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo”, các địa phương ven biển và tổ chức kinh tế hoạt động trên biển, đảo cần rà soát lại công tác xây dựng, củng cố lực lượng DQTV biển. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng DQTV biển; từng bước nâng cao số lượng, coi trọng chất lượng, tổ chức biên chế, trang bị phù hợp với khả năng quản lý và chức năng, nhiệm vụ của dân quân; gắn sản xuất với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; gắn huấn luyện quân sự với hoạt động chiến đấu trị an, cứu nạn, cứu hộ trên biển.

Trước sự phát triển mới của nền kinh tế nhiều thành phần, các ngành, các địa phương cần chú trọng phát triển lực lượng tự vệ (LLTV) trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, công ty cổ phần trên cơ sở nguyên tắc tổ chức LLTV đã được Nghị định số 184/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định. Trong điều kiện hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng các chế tài, quy định chủ doanh nghiệp tổ chức LLTV theo quy định của pháp luật, thì giải pháp quan trọng trước hết là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Nghị định 184 của Chính phủ, để chủ doanh nghiệp, (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, nghĩa vụ, trách nhiệm và cả lợi ích của việc thành lập LLTV. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ ở các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ hoạt động của  LLTV.

Ba là, DQTV là LLVT quần chúng, có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; xây dựng lực lượng DQTV là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Quan điểm này xuất phát từ luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và nguyên tắc phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng LLVT của Đảng ta. DQTV là một bộ phận của LLVT nhân dân, xây dựng lực lượng DQTV là một nội dung quan trọng trong đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng. Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta chủ trương xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc. DQTV là một thành phần của khu vực phòng thủ, là lực lượng nòng cốt của thế trận làng, xã. Do đó, các địa phương, cơ sở, trước hết là cấp ủy đảng, chính quyền cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác xây dựng lực lượng DQTV. Trong công tác giáo dục chính trị, cần tập trung quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng trong tình hình mới; nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ... Trong huấn luyện quân sự, nắm vững phương châm “Cơ bản, thiết thực, chất lượng”, coi trọng việc nâng cao năng lực, phương pháp tổ chức huấn luyện của đội ngũ cán bộ. Huấn luyện DQTV sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị trong biên chế; tổ chức diễn tập sát với thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ QP-AN của địa phương, nhằm xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra trên địa bàn. Mặt khác, cần chú trọng bảo đảm chế độ, chính sách đối với DQTV; có chính sách hỗ trợ các xã nghèo trọng điểm về QP-AN, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Việc lập quỹ QP-AN ở địa phương, cơ sở phải căn cứ vào Pháp lệnh DQTV, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; quy chế thu, quản lý, sử dụng do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế trên địa bàn, tích cực tham gia đóng góp xây dựng quỹ QP-AN, góp phần thực hiện tốt phương châm “dân bàn, dân cử, dân chăm lo”, xây dựng lực lượng DQTV ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thiếu tướng Hoàng Châu Sơn

Cục trưởng cục Dân quân tự vệ

Chủ đề