Sáng kiến kinh nghiệm làm quen chữ cái

Sáng kiến kinh nghiệm làm quen chữ cái

Một số biện pháp giúp trẻ 5 6 tuổi học tốt môn làm quen chữ cái. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng đến sự hình thành phát triển nhân cách ở mỗi trẻ. Thông qua các hoạt động học tập, vui chơi ở trường mầm non mà khả năng nhận thức của mỗi trẻ cũng được nâng lên, trong đó, Một số biện pháp giúp trẻ 5 6 tuổi học tốt môn làm quen chữ cái rất cần thiết đối với trẻ mầm non, vì nó là phương tiện góp phần trong việc giáo dục đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, đặc biệt giúp trẻ phát triển ngôn ngữ

1. Tạo môi trường giúp trẻ làm quen chữ cái.

1.1 Tạo môi trường trong lớp học:

Tạo môi trường chữ cái cho trẻ làm quen là một việc làm không thể thiếu trong môi trường lớp học. Nó rất quan trọng đòi hỏi giáo viên mầm non cần phải tạo môi trường giúp trẻ hứng thú trong hoạt động làm quen chữ cái. Khi tạo môi trường cần phải đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp với chủ đề, đề tài và trò chơi. Môi trường phải thường xuyên thay đổi nội dung và hình thức tổ chức giúp trẻ không bị nhàm chán.

Ví dụ: Ở góc học tập, tôi dành riêng một khoảng tường tạo và dán tên góc “Bé học chữ cái”. Ở góc này, tôi chọn những hình ảnh, từ cắt dán phù hợp với chủ đề lớp đang thực hiện và cho trẻ chơi sao chép từ bằng cách tìm, ghép từ tương ứng với từ có sẵn hoặc tìm và cắt dán chữ cái còn thiếu trong từ.

Hay những góc chơi trong lớp, ngoài kí hiệu góc chơi tôi còn dán tên góc. Các đồ dùng, đồ chơi từng góc chơi, tôi có dán tên riêng cho từng loại.

Các bảng, biểu trong lớp như bảng “Bé đến lớp” hay “Hoa bé ngoan”, những học phẩm, đồ dùng học tập của trẻ, đồ dùng cá nhân như ca, khăn, bàn chải đánh răng,… tôi cho trẻ nhận biết bằng tên của trẻ.

Vào đầu năm học, tôi cho trẻ làm quen tên trẻ qua các đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập. Sau mỗi nhóm chữ cái học xong, tôi cho trẻ nói chữ cái có trong tên của trẻ.

1.2 Tạo môi trường ngoài lớp học:

Tạo môi trường chữ cái trong lớp chưa đủ, tôi còn phối hợp với các giáo viên trong tổ khối Lá cùng nhau xây dựng môi trường chữ cái ngay cả ở hành lang, hiên, ngoài trời nhằm giúp trẻ nhận biết và phát âm tốt các chữ cái đã học mọi lúc, mọi nơi.

– Với khoảng không gian ở hành lang, hiên, chúng tôi dán các ô chữ cái cho trẻ bật, vẽ những ô ăn quan với kí hiệu ô bằng chữ cái,…

– Ngoài sân trường, tôi cùng các cô tạo môi trường chữ cái bằng các trò chơi như vẽ đoàn tàu mang 29 chữ cái cho trẻ chơi trò chơi “Đi tàu hỏa” một trẻ là người bán vé, các trẻ khác là hành khách, hành khách sẽ mua vé và lên toa có chữ cái giống với chữ cái trên vé. Một vòng tròn to chia thành nhiều phần, mỗi phần được kí hiệu một chữ cái, với trò chơi “Hãy đứng lại!”, một trẻ quản trò đứng giữa vòng tròn chạy ra xa và gọi to chữ cái hãy đứng lại, trẻ nào đứng trên phần chữ cái của quản trò gọi thì sẽ đứng lại,…

Ngoài ra, chúng tôi còn kí hiệu chữ cái trên các ô gạch dẫn đến nơi chơi cát, nước, nhà chồi. Các cây xanh, hoa trên sân trường đều được gắn tên cho từng loại.

Như vậy, việc tạo môi trường chữ cái cho trẻ làm quen nhằm lôi cuốn được trẻ tham gia một cách tích cực vào các hoạt động làm quen chữ cái và khắc sâu những chữ cái đã học.

2. Chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi trong hoạt động làm quen chữ cái.

Nếu như một hoạt động học khô khan, không sử dụng đồ dùng, đồ chơi thì dẫn đến khả năng chú ý, tập trung của trẻ rất thấp. Vì vậy cần phải chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi cho hoạt động học thật đẹp mắt, mới lạ và hấp dẫn trẻ để lôi cuốn sự tập trung chú ý của trẻ vào hoạt động. Những đồ dùng, đồ chơi mầm non này có thể cô và trẻ cùng sưu tầm những nguyên vật liệu và cùng làm. Với cách làm như thế, tôi vừa tiết kiệm, trẻ vừa hứng thú hoạt động với những đồ chơi trẻ tự làm.

Ví dụ: Chủ đề “Tết- Mùa xuân” cô cùng trẻ sưu tầm những túi ni lông màu và làm ra các loại hoa có gắn các chữ cái l, m, n. Tôi cho trẻ chơi trò chơi thi đua “Mua hoa chợ tết” đi mua hoa đem về nhà theo yêu cầu của cô.

Ngoài ra, trẻ có khả năng ghi nhớ những gì trẻ thích, vì thế tôi đã sử dụng đồ dùng trực quan để tạo hứng thú cho trẻ trong hoạt động làm quen với chữ cái.

3. Tổ chức hoạt động học làm quen chữ cái.

Trẻ mẫu giáo “Học bằng chơi, chơi mà học” song song với việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm phát huy tính tích cực, sáng tạo của trẻ. Vì vậy để tạo cho trẻ thích thú trong học tập, tôi phải đổi mới hình thức, phương pháp để hoạt động học nhẹ nhàng và linh hoạt.

Để trẻ tham gia vào hoạt động tích cực và sáng tạo, trước hết, tôi phải tìm tòi những thủ thuật gây hứng thú để lôi cuốn trẻ vào hoạt động học một cách sinh động. Tôi đã chọn nhiều hình thức như kể chuyện, đọc thơ, trò chơi,… cuốn hút trẻ vào hoạt động học sao cho thật thoải mái, hứng thú, phù hợp với chủ đề, nhận thức của trẻ và hoạt động nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo ở trẻ.

Ví dụ: Chủ đề “Động vật nuôi trong gia đình” với nhóm chữ cái i, t, c mở đầu hoạt động tôi cho trẻ chơi trò chơi “Tiếng kêu các con vật”, tiếp theo đọc câu đố về con vịt cho trẻ đoán, cho trẻ xem con vịt và đọc từ “Con vịt”, yêu cầu trẻ tìm và phát âm chữ cái đã học, giới thiệu chữ cái i, t, c cho trẻ làm quen.

Ở tuổi mẫu giáo, phát triển ngôn ngữ mạch lạc là quan trọng nhất. Trẻ là chủ thể của quá trình phát triển ngôn ngữ. Ngôn ngữ của trẻ được phát triển thông qua quá trình giao tiếp của trẻ với những người xung quanh. Để phát triển ngôn ngữ, trẻ phải được nghe lời nói, được bắt chước lời nói. Vì vậy vào hoạt động làm quen chữ cái, tôi giới thiệu chữ cái cho trẻ làm quen. Sau đó, tôi phát âm thật rõ ràng, chính xác để trẻ nghe và bắt chước phát âm lại cho chính xác.

Ngoài ra muốn trẻ ghi nhớ các chữ cái được lâu hơn ngoài việc giới thiệu chữ cái trên phần mềm Activinspire, tôi có thể dùng thẻ chữ cái hoặc cắt từng chữ cái lần lượt cho từng trẻ cầm hoặc sờ và đọc to chữ cái đó. Đặc biệt, tôi rất chú trọng đến việc rèn phát âm cho trẻ. Để phát huy tính tích cực, sáng tạo của trẻ, tôi đã đặt những câu hỏi cho trẻ suy nghĩ và tư duy nhằm giúp trẻ ghi nhớ chữ cái lâu hơn.

Chẳng hạn, tôi hỏi trẻ cấu tạo của chữ cái, cho trẻ tạo dáng các chữ cái đó hoặc hỏi trẻ chữ cái đó giống những vật gì xung quanh trẻ. Ví dụ: Tôi cho trẻ suy nghĩ và tạo dáng chữ i, t, c hay hỏi trẻ chữ o giống gì?

Với hoạt động ôn luyện, tôi thường tìm tòi thay đổi cách tổ chức nhằm giúp trẻ khắc sâu hơn chữ cái vừa học. Bởi trẻ 5-6 tuổi hoạt động chủ đạo là hoạt động vui chơi nên thông qua trò chơi những chữ cái đã được học sẽ giúp trẻ khắc sâu hơn sự ghi nhớ của mình một cách tự nhiên và thoải mái, từ đó trẻ tự lĩnh hội kiến thức nhẹ nhàng. Tôi thường tổ chức các trò chơi mang tính chất động tĩnh đan xen nhau.

Chẳng hạn với trò chơi mang tính tĩnh, tôi tổ chức cho trẻ chơi những trò chơi dùng hột hạt hoặc các nét rời để xếp chữ vừa học hay tìm chữ cái có xung quanh lớp, những chữ cái trong hộp xúc xắc,… Để trẻ nhận dạng được chữ cái, tôi đã gợi ý bằng nhiều cách khác nhau như: Chữ gì giống chữ o mà có mũ trên đầu hay chữ gì gồm 1 nét cong tròn khép kín và có mũ trên đầu,…

Còn những trò chơi mang tính động, tôi thường tổ chức các trò chơi thi đua như: Trong hoạt động làm quen chữ u, ư chủ đề “Ngày hội 8/3”, tôi tạo ra 3 ngôi nhà và nhiều tấm thiệp với các kí hiệu chữ khác nhau, tôi đưa ra yêu cầu là các đội sẽ chọn đúng thiệp và đi đúng con đường có mang chữ u hoặc chữ ư để giao thiệp đúng địa chỉ nhà,… với nhiều con đường có mang chữ cái khác nhau, trẻ rất thích thú và tích cực đi trên con đường mang chữ u hoặc chữ ư để thực hiện đúng nhiệm vụ chơi.

Hoặc với chủ đề động vật, tôi lại tổ chức cho trẻ thi đua nhau đến trại vịt giống tìm mua những chú vịt có kí hiệu chữ cái i, t, c theo yêu cầu của từng đội. Những chú vịt này được cô và trẻ cùng làm từ những hộp sữa chua, từ đó mà trò chơi chọn vịt giống có mang chữ cái theo yêu cầu làm cho trẻ rất thích thú.

Hay trò chơi “Vịt về chuồng” thuộc chủ đề “Động vật”, tôi đã dùng lá dừa nước kết lại tạo thành chuồng vịt và gắn chữ cái cho từng chuồng, rồi trẻ sẽ chọn mũ vịt có kí hiệu chữ cái mà mình thích đội lên đầu và đi tìm chìa khóa chuồng có gắn chữ cái tương ứng với kí hiệu chữ cái trên mũ vịt. Bắt đầu trò chơi, tôi cho trẻ hát bài hát “Đàn vịt con” và kết thúc bài hát những chú vịt về đúng chuồng có kí hiệu chữ cái giống với chữ cái trên chìa khóa,…

Ngoài ra, tôi còn luyện phát âm cho trẻ bằng cách sưu tầm hoặc tự sáng tác những bài thơ có gắn các chữ cái vừa dạy. Như để luyện phát âm chữ h trong chủ đề thực vật, tôi cho trẻ đọc những câu thơ:

  • Hoa hồng, hoa huệ
  • Hoa huệ, hoa hồng
  • Bé vui bé hát
  • Huệ huệ- Hồng hồng.

Hay luyện phát âm chữ cái bằng cách xướng âm theo một bài hát nào đó thuộc chủ đề đang thực hiện. Như chủ đề “Gia đình” tôi cho trẻ xướng âm chữ e, ê theo lời bài hát “Mẹ đi vắng”,…

Để tạo sự hứng thú cho trẻ trong khi chơi, tôi lựa chọn các bài hát có lời hoặc không lời, tiết tấu sôi động phù hợp chủ đề lồng ghép trong các trò chơi. Tôi luôn bao quát, động viên, khích lệ trẻ kịp thời. So sánh kết quả chơi để khích lệ tinh thần chơi của trẻ.

Kết quả từ việc thay đổi nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức, tôi thấy trẻ hứng thú hơn vào hoạt động học, tôi lên lớp tự tin hơn, gần gũi trẻ hơn và hoạt động học rất sinh động.

4. Lồng ghép, tích hợp các hoạt động học nhẹ nhàng, khoa học.

4.1 Lồng ghép, tích hợp các hoạt động học khác vào hoạt động làm quen chữ cái

Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức một hoạt động làm quen chữ cái. Ngoài việc dùng ngôn ngữ nói để gây sự chú ý cho trẻ, tôi còn lồng ghép, tích hợp các môn học khác vào hoạt động học làm quen chữ cái phù hợp với từng chủ đề.

* Lồng ghép, tích hợp văn học:

Tôi thường tích hợp văn học vào hoạt động làm quen chữ cái vì nó rất thích hợp cho việc gây hứng thú, luyện phát âm cho trẻ. Những câu chuyện, bài thơ, câu đố,… phải phù hợp với chủ đề và có từ chứa chữ cái chuẩn bị cho trẻ làm quen.

Ví dụ: Tôi kể cho trẻ nghe câu chuyện “Giọt nước tí xíu” bằng tranh, tiếp theo đưa tên câu chuyện “Giọt nước tí xíu” cho trẻ tìm và rút chữ cái đã được học. Sau đó, tôi giới thiệu chữ cái u, ư chuẩn bị cho trẻ làm quen.

Hay tôi sử dụng các bài thơ, bài vè, câu đố,… để gây hứng thú. Ví dụ:

– Bài thơ nói về chữ o, ô, ơ:

O tròn như quả trứng gà

Ô thì đội mủ

Ơ thì mang râu.

– Câu đố chữ a: Thân em không đứng một mình

Móc dù sát cạnh thắm tình chị em

Đố biết chữ gì ? Hãy tìm cho cô từ nào có chứa chữ a!

– Câu đố chữ ă: Em là bạn của chữ a

Đội thêm cái rá trông ra dáng mình

Đố biết chữ gì? Chữ nào có chứa chữ ă ?…

Ngoài ra, những bài đồng dao, bài vè dễ nhớ, dễ đọc cũng gây được sự hứng thú cho trẻ như bài “Rềnh rềnh ràng ràng” “Nu na nu nống” hay một số bài thơ tôi tự sáng tác để chuyển đội hình,…

* Lồng ghép, tích hợp âm nhạc:

Âm nhạc là hoạt động thường mang tính vui tươi, nhí nhảnh, mang lại sự hứng thú cho trẻ rất cao. Vì vậy, tôi thường tích hợp âm nhạc vào hoạt động làm quen chữ cái để gây hứng thú hay chuyển đội hình hoặc là trò chơi luyện phát âm phù hợp với chủ đề và khả năng của trẻ.

Ví dụ: Chủ đề “Trường mầm non” tôi cho trẻ hát và vận động bài hát “Vui đến trường”, sau đó cùng trò chuyện và cho trẻ xem hình ảnh cô giáo với từ “Cô giáo”, tiếp theo tôi giới thiệu chữ o, ô cho trẻ làm quen hoặc cho trẻ xướng âm chữ o, ô, ơ theo lời bài hát “Vui đến trường”.

Để tạo sự mới lạ, tôi sáng tác một số bài hát dựa trên lời bài hát có sẵn để gây hứng thú cho trẻ như: Nào bạn ơi! Đến đến đây, ta cùng nhau mình vui học chữ, học chữ e và chữ ê nữa nhé bạn ơi!,…

* Lồng ghép, tích hợp môi trường xung quanh:

Xung quanh trẻ có rất nhiều đồ dùng, đồ chơi, có rất nhiều sự vật hiện tượng rất gần gũi với trẻ. Vì vậy, tôi đã lựa chọn một trong những đồ vật đó cùng với tên gọi có chứa chữ cái dự kiến cho trẻ làm quen để gây sự chú ý của trẻ.

Ví dụ: Tôi cho trẻ lắng nghe tiếng kêu của vịt con, cho trẻ đoán và xem vịt con thật, sau đó tôi giới thiệu từ “Vịt con”.

* Lồng ghép, tích hợp tạo hình:

Trong hoạt động làm quen chữ cái, luyện tập cá nhân là rất quan trọng không thể thiếu. Nên tạo hình rất phù hợp cho việc luyện cá nhân và tôi đã cho trẻ tạo hình từ các nguyên vật liệu khác nhau hoặc tô màu, xé, cắt, dán, nặn chữ cái,… Trẻ được khắc sâu hơn về chữ cái đã học.

* Lồng ghép, tích hợp toán:

Hoạt động làm quen với toán thường được lồng ghép để cho trẻ đếm chữ cái có trong từ hay nhóm chữ cái được làm quen. Ngoài ra còn được lồng ghép vào trò chơi thi đua, trẻ thi nhau gạch dưới chữ cái vừa học hay tìm đồ vật có kí hiệu chữ cái theo yêu cầu của cô. Sau khi hết thời gian chơi, tôi cùng trẻ đếm số lượng và nhận xét.

4.2 Lồng ghép, tích hợp hoạt động học làm quen chữ cái vào các hoạt động học khác

Không những các hoạt động học khác được lồng ghép vào các hoạt động làm quen chữ cái mà ngược lại hoạt động làm quen chữ cái cũng cần được lồng ghép vào các hoạt động khác một cách khoa học và nhẹ nhàng.

Tôi cho trẻ làm quen chữ cái qua tên các bài thơ, câu chuyện hay gạch dưới chữ cái theo yêu cầu có trong bài thơ,…qua hoạt động làm quen văn học; Tên các bài hát hay hát xướng âm bài hát đó theo chữ cái cô yêu cầu,… qua hoạt động âm nhạc; Tên các sự vật, hiện tượng trong hoạt động làm quen với môi trường xung quanh,…

5. Dạy trẻ làm quen chữ cái mọi lúc, mọi nơi.

5.1 Thông qua hoạt động góc.

Hàng ngày, trẻ đều được tham gia vào hoạt động chơi ở các góc. Đặt biệt là góc học tập rất thích hợp cho việc trẻ làm quen chữ cái. Trẻ là trung tâm của mọi hoạt động, trẻ phải được thực hành và trải nhiệm. Vì thế, để lôi cuốn trẻ vào góc chơi, tôi đã chuẩn bị rất nhiều đồ dùng, đồ chơi, các nguyên vật liệu cho trẻ hoạt động.

Ở góc học tập, trẻ có cơ hội được củng cố ôn luyện chữ cái đã học một cách hiệu quả nhất. Tôi chuẩn bị các đồ chơi như cánh hoa kỳ diệu trẻ sẽ xoay cánh hoa và tìm đọc chữ cái tương ứng hoặc sao chép từ, ghép từ tương ứng với từ có sẵn,…

Ngoài ra, tôi còn chuẩn bị rất nhiều đồ dùng, nguyên vật liệu như bút màu, bút chì, đất nặn, màu nước, nắp chai, kẽm lông, kéo, giấy màu,… để trẻ có thể vẽ, cắt dán, nặn, xếp chữ, tô màu chữ cái đã học.

Sau khi thực hiện xong, tôi hỏi trẻ đó là chữ cái gì? Như vậy trẻ vừa nhớ lại chữ đã học và vừa luyện được phát âm. Hay tôi chuẩn bị rất nhiều chữ cái khác nhau, tôi giúp trẻ ghi tên ra, trẻ có nhiệm vụ tìm và cắt ghép các chữ cái lại thành tên của trẻ.

Tôi cũng có thể gợi ý cho trẻ về nhà sưu tầm những tờ báo, lịch có chữ cái to mang vào lớp, đến giờ chơi tôi cho trẻ dùng kéo cắt rời và phát âm các chữ cái mà trẻ đã học, tôi có thể hỏi thêm trẻ về đặc điểm của chữ cái đó. Từ đó, trẻ được củng cố và khắc sâu những chữ cái mình đã học.

Cùng với việc chuẩn bị nhiều đồ dùng, nguyên vật liệu khác nhau của cô và trẻ, cùng với sự hướng dẫn gợi ý của cô, tôi thấy trẻ rất hứng thú tích cực tham gia làm quen chữ cái, phát âm rõ ràng và nhớ được chữ cái lâu hơn.

Ở góc đọc sách, tôi chuẩn bị nhiều sách tranh chữ to cho trẻ đọc hoặc chuẩn bị các hình ảnh, từ có liên quan đến chủ đề cho trẻ làm sách sáng tạo. Ví dụ: Tôi cho trẻ ghép từ tương ứng lên hình ảnh về vòng tuần hoàn của nước và dán lại thành quyển sách.

Ở các góc chơi khác, trẻ được làm quen chữ cái qua tên góc, tên các đồ dùng, đồ chơi của các góc đó hay linh hoạt lồng ghép trò chơi chữ cái như sao chép, ghép tên các góc. Ví dụ: Ở góc xây dựng, tôi hỏi trẻ chơi góc gì? Tôi cho trẻ quan sát từ “Góc xây dựng”, sau đó hỏi chữ cái đã học có trong từ “Góc xây dựng” và cho trẻ ghép từ. Trong góc xây dựng có những đồ chơi gì? Từ nào chỉ gạch xây dựng?,…

5.2 Thông qua hoạt động chơi ngoài trời.

Vào giờ chơi ngoài trời, tôi cho trẻ đi dạo quanh sân trường và đọc tên các loại hoa, cây xanh có trong sân trường hay tên các phòng chức năng, tên lớp, tôi cũng kết hợp hỏi trẻ chữ cái đã học. Ngoài ra, khi ra sân trường khả năng tập trung của trẻ bị phân tán nên tôi sử dụng những bài bài thơ, bài vè, bài hát để tập trung sự chú ý và vừa để luyện phát âm của trẻ hay dùng phấn vẽ các chữ cái đã học trên sân trường. Những ô gạch làm đường đi có kí hiệu chữ cái đến các khu vực chơi ngoài trời cũng giúp trẻ nhận dạng và phát âm tốt chữ cái đã học khi trẻ bước lên.

5.3 Thông qua hoạt động chơi, học theo ý thích.

Đây là những khoảng thời gian rất thích hợp để tôi củng cố những chữ cái đã học cho trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau như: Cho trẻ xem video cách phát âm chữ cái trên mạng, tổ chức trò chơi sao chép từ và tên của trẻ, vẽ chữ tự do theo yêu cầu của cô,… Trong khi chơi, tôi chú ý đến những trẻ yếu để giúp trẻ hoàn thành tốt yêu cầu cô đưa ra.

5.4 Giáo dục trẻ trong các hoạt động khác.

Khả năng ghi nhớ của trẻ không lâu do đó việc dạy trẻ làm quen chữ cái không dừng lại ở hoạt động học mà phải được củng cố thêm kiến thức kỹ năng đã học thường xuyên mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao khả năng ghi nhớ của trẻ.

Vào giờ đón trẻ tôi cho trẻ nhận biết tên của trẻ có trong bảng “Bé đến lớp” hay bảng “Hoa bé ngoan” trong giờ trả trẻ, tôi có thể hỏi trẻ chữ cái đã học có trong tên các bảng đó. Để trẻ không bị nhàm chán, thông qua giờ đón và trả trẻ, tôi còn cho trẻ xem một số hình ảnh, tranh đẹp có gắn các từ tương ứng và hỏi trẻ chữ cái đã học có trong các từ đó, chơi Kidsmart, hướng trẻ vào góc học tập chơi.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, tôi thường theo dõi sự tiến bộ của trẻ qua việc học làm quen chữ cái, để điều chỉnh kịp thời các biện pháp giáo dục phù hợp với mỗi cá nhân trẻ.

6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với cha mẹ trẻ trong việc cho trẻ làm quen với chữ cái.

Phối hợp với cha mẹ trẻ trong việc cho trẻ làm quen với chữ cái là việc làm rất quan trọng, nếu chỉ có cô dạy thì chưa đủ, mà phải kết hợp cả hai thì trẻ khắc sâu những chữ cái đã học được ở lớp. Để thực hiện tốt việc này, tôi đã trao đổi cùng cha mẹ trẻ trong những buổi họp về tầm quan trọng của việc cho trẻ nhận dạng và phát âm đúng 29 chữ cái ở lớp Lá để chuẩn bị tâm thế cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1.

Trong những giờ đón trả trẻ, tôi trao đổi về cách nhận biết và phát âm chữ cái đã dạy cho trẻ, tuyên truyền cha mẹ trẻ không nên dạy trẻ biết trước chữ cái làm thế sẽ tạo cho trẻ tính chủ quan và khả năng tập trung chú ý không cao trong hoạt động học, không tùy tiện cho trẻ nghỉ học ở nhà để học theo kịp với các bạn khác.

Tôi tuyên truyền với cha mẹ trẻ kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ hàng tuần ở góc “Cha mẹ cần biết” để cha mẹ trẻ nắm được chương trình học của con mình và có thể dạy thêm ở nhà.

Ngoài ra, tôi còn vận động cha mẹ trẻ trong việc hỗ trợ nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để cô cùng trẻ làm ra những đồ dùng, đồ chơi phong phú phục vụ cho hoạt động học đem lại hiệu quả cao.

Từ đó, các bậc cha mẹ quan tâm hơn đến trẻ, hiểu được tầm quan trọng của hoạt động giúp trẻ 5 6 tuổi học tốt môn làm quen chữ cái trong trường Mầm non và cho trẻ đi học đều đặn hơn.