Sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ trong gia đình

01

Diễm My 9x rạng rỡ với váy cưới

02

Kết phim "Rồi 30 năm sau": Hân nhận lại cha ruột

03

"Hành trình công lý" tập 14: Hoàng (Việt Anh) tìm thấy đồ của nhân tình trong phòng bạn thân

04

Sống theo 3 cách này để hạnh phúc trọn đời

Dear.vn – Đúng là như vậy thật, khi còn là một cô gái tuổi đôi mươi hay còn độc thân không vướng bận thì phụ nữ suy nghĩ ngây thơ lắm. Họ sống hết mình cho công việc, cho đam mê và cho cuộc đời.

Họ luôn luôn tồn tại một mãnh liệt vô cùng cháy bỏng với những giấc mơ, những tham vọng được đứng trên đỉnh cao của vinh quang. Họ là những người phụ nữ hiện đại và họ luôn luôn sống và suy nghĩ vô cùng hiện đại.

Cho đến khi lập gia đình để làm một người vợ hiền, dâu thảo, một người mẹ đảm đang thì phụ nữ đành hy sinh tất cả những ước mơ của một thời trẻ vội, những đam mê chưa kịp hoàn thành, những giấc mơ vẫn còn dang dở để tập trung vun vén cho tổ ấm bé nhỏ của mình.

Phụ nữ họ khờ lắm. Dù có mạnh miệng thế nào nhưng khi tìm được người đàn ông của cuộc đời mình là họ cảm thấy đủ, cảm thấy cả thế giới như đang được họ nắm trong tay. Ngây ngất và hạnh phúc.

Họ hy sinh mọi thứ nguyện làm một người đàn bà lặng lẽ đứng sau lo toan cửa nhà, con cái để người chồng có thể tập trung lo sự nghiệp, phát triển ước mơ và phấn đấu vì một tương lai tươi sáng. Vậy mà có mấy ai hiểu cho sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ? Họ chẳng dám đi đến đâu vì hết việc nọ lại đến việc kia. Ngập đầu, ngập cổ. Họ chẳng thể nào phấn son, quần là áo lượt như trước. Họ cũng không còn xăm soi xem bụng dư bao nhiêu mỡ, da khô hay không, tóc bao lâu không cắt tỉa và móng tay, móng chân bao lâu chưa làm.

Người phụ nữ hy sinh cả tuổi xuân để yêu một người đàn ông và lo vun vén gia đình, chăm con, chăm mẹ chồng cho anh ta. Khi còn hai bàn tay trắng người đàn ông lúc nào cũng thủ thỉ “khổ thân em, ráng đi. Chờ anh vài năm nữa thôi. Anh sẽ cố gắng vì gia đình nhỏ bé của chúng ta, vì con, vì em.” Nhưng đến khi thành công rồi phải đối mặt với hàng tá phương thức xã giao, hàng trăm cái thứ tình huống trớ trêu và đầy éo le đến nao lòng họ lại thấy chán những người vợ đầu bù tóc rối, mặc quần áo cũ vì tiếc tiền không dám mua đồ mới. Da dẻ không còn mịn màng và nhan sắc cũng chẳng thấy rõ ở đâu trên khuôn mặt từng được biết bao người ganh tỵ.

Khi ấy người họ cần là một cô gái đủ bản lĩnh, thông minh, xinh đẹp, giỏi giang có thể sánh đôi cùng họ chứ không phải người vợ chẳng biết gì ở nhà. Dẫu cho năm xưa vợ anh ta cũng từng là một người phụ nữ xinh đẹp và xuất sắc.

Và rồi khi kinh tế gia đình ổn định, người đàn ông kiếm được nhiều tiền họ bắt đầu thay đổi và có thêm nhiều nhu cầu khác. Và một trong số đó là họ cần một người phụ nữ xinh đẹp để thỏa mãn cái lòng hư vinh vớ vẩn giữa những “thằng” đàn ông được gọi là thành đạt. Rồi thì ngoại tình, cặp bồ nhí, bla bla… thế là hạnh phúc gia đình bắt đầu rạn nứt. Những đứa con đáng thương phải đối mặt với việc ở cùng ai? Bố hay mẹ?

Tất cả những điều đó là do đâu. Do tính ích kỷ của đàn ông hay do sự hy sinh quá nhiều của phụ nữ hay do cả hai?

Một lần vấp ngã phụ nữ khôn ra và sống cho bản thân nhiều hơn. Họ không tin vào thứ tình yêu nam nữ kia nữa, lúc này họ chỉ muốn sống cho họ, sống cho những năm tháng tuổi trẻ bị chôn vùi trong bốn bức tường nơi xó bếp. Họ muốn đi ra, muốn biết đây đó, muốn làm lại cuộc đời dù rằng có hơi muộn. Họ lại trở về với những giấc mơ cháy bỏng của thời đôi mươi.

Còn đàn ông sau khi chơi chán thì lặng lẽ về nhà đối mặt với bốn bức tường quạnh hiu. Họ đánh đổi hạnh phúc ấm áp để lấy mối quan hệ vội vàng dùng tiền duy trì. Còn tiền là còn tình hết tiền là hết tất. Để rồi khi họ già bên họ chẳng còn ai. Khi ấy liệu họ có từng hối hận vì một khoảng thời gian nông nổi trước kia hay không? À ha, đàn ông trên “băm” cũng được gọi là nông nổi vậy những chàng trai hai mươi phải gọi là non trẻ, bốc đồng.

Phụ nữ họ chịu chấp nhận hy sinh là vì họ mong có một gia đình ấm áp. Họ nghĩ rằng người chồng, người cha của con mình sẽ là người đàn ông đáng tin cậy cho họ dựa vào, sẽ là một người khiến họ tự hào và không cảm thấy nuối tiếc khi đánh đổi tất cả tuổi xuân làm một người bình lặng đứng sau một ông chồng đầy hào quang rực rỡ. Chứ không phải là cơn ác mộng hay một sự lựa chọn sai lầm đầy hối hận mà họ từng ngớ ngẩn vướng phải.

Phụ nữ sinh ra là để hy sinh nhưng liệu có mấy ai xứng đáng với sự hy sinh ấy, mấy ai trân trọng và mấy ai giữ gìn?

Bạn là người phụ nữ hiện đại, là người đàn ông hiện đại, quan điểm của bạn như thế nào về đức hy sinh của người phụ nữ trong xã hội ngày nay? Bạn có ủng hộ, có nghĩ chúng ta nên tôn vinh nó nữa hay không?

Phụ nữ và đức hy sinh – hai khía cạnh không thể tách rời?

Có câu chuyện kể rằng, anh chồng thường xuyên ta thán vợ vì không biết hy sinh bản thân cho gia đình, chồng con. Nhà chưa kịp dọn dẹp, anh hỏi vợ sao không hy sinh thời gian xem ti vi để dọn, con khóc anh chất vấn sao vợ không biết vừa nấu nướng vừa trông con để anh có phút yên tĩnh nghỉ ngơi, quần áo chưa phơi anh thắc mắc hẳn vợ đang bận làm việc gì đó cho bản thân mà xao nhãng việc nhà…

Cứ thế rồi cho đến một ngày anh ta có việc phải quay lại camera trong nhà để xem, cũng là dịp để ngó vợ mình làm gì cả ngày mà suốt ngày than mệt. Và sau cú xem lại camera đó anh ta đã xin lỗi vợ vì xưa nay có quá nhiều lời trách móc thiếu chia sẻ. Nhưng nếu nghe câu kết luận của ông chồng ấy thì mới thấy có ngàn vạn lời xin lỗi cũng chẳng ăn thua gì: “Giờ thì tôi đã hiểu bản chất của phụ nữ là hy sinh dù nói ra hay không. Thế nên nếu bạn biết tỏ ra thấu hiểu về sự hy sinh của họ thì họ sẽ càng hy sinh nhiều hơn và gia đình vì thế mà êm ấm hơn”.

Nghe được câu chuyện ấy nhiều người có chung suy nghĩ giống tôi rằng biệt thự hay chung cư cũng chỉ là nơi để ở, một bó hồng Ecuador hay một bông hồng tỉ muội cũng đều là hoa, thà cười trong cái “tổ nhỏ” thân một mình còn hơn là khóc với “tổ ấm” trong tòa biệt thự cùng người đàn ông như ông chồng ấy.

Thế nhưng, tiếc rằng ông chồng kiểu thế không hiếm trên thế gian này, hay nói cách khác là độ “phủ sóng” lại còn rất rộng. Họ nghĩ và “tạo điều kiện” cho phụ nữ cùng nghĩ rằng phụ nữ lúc độc thân được sống cho mình, nhưng khi lập gia đình phải sống cho chồng, khi có con lại hy sinh mọi thứ vì con.

Bởi vậy nên phụ nữ dù hiện đại đến đâu cũng vẫn phải sống trong một môi trường “chưa hiện đại kịp” khi trở về nhà. Lấy chồng, có con, rồi họ lại tự hỏi mình “lấy chồng để làm gì”, “biết thế chẳng lấy chồng”, bởi vì có chồng hay không họ vẫn tự mình xoay xở, vẫn tự mình chăm lo con cùng khả năng độc lập tài chính. Có chồng nhưng họ thiếu thốn sự chia sẻ, lại có thêm gánh vác, trách nhiệm và mất đi đôi cánh bay bổng tự do…

Họ nghĩ gì?

Họ ở đây là những người đàn ông, phụ nữ thuộc thế hệ @, thế hệ số. Không những thẳng thắn chia sẻ quan điểm cá nhân về mệnh đề “đã là phụ nữ thì phải hy sinh”, mà họ còn đang cố gắng sống khác đi để gia đình thực sự là nơi ngự trị của sự hòa hợp về tư tưởng và quan điểm, cuộc sống và trách nhiệm cân bằng.

Hãy lắng nghe họ chia sẻ: “Tôi nghĩ đức hy sinh của người phụ nữ rất đáng được tôn vinh, nhưng điều đó chỉ thực sự đẹp khi người chồng đã cố gắng hết sức nhưng người phụ nữ vẫn phải chịu phần thiệt thòi. Chứ trong trường hợp mà người chồng đi cờ bạc, trai gái, còn vợ phải ở nhà nuốt nước mắt lo kinh tế, chăm con thì đức hy sinh lúc này mang một nghĩa rất u ám”.

“Tôi trân trọng đức hy sinh nhưng không đồng ý tôn vinh hay đề cao đức tính này. Vì nếu nó là thứ được đề cao, được tôn vinh, nó sẽ là thứ mà con người muốn hướng tới. Và từ đó, nó sẽ trở thành những chuẩn mực đánh giá, những áp lực vô hình đè nặng lên đôi vai của những người phụ nữ”.

“Tôi nghĩ đức hy sinh vẫn là một điều gì đó rất đáng quý của người phụ nữ Việt. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần phải phân biệt rõ giữa hy sinh và chịu đựng. Sự hy sinh của người phụ nữ chỉ có ý nghĩa nếu những người xung quanh họ trân trọng và biết ơn sự hy sinh đó. Còn nếu sự hy sinh trở thành chịu đựng, nhẫn nhục, không được nhận lại sự coi trọng từ những người được hưởng nhờ sự hy sinh đó thì chẳng nên ủng hộ”.

“Tôi trân trọng, ngưỡng mộ mẹ mình và những gì mẹ đã hy sinh cho gia đình, con cái. Nhưng từ hồi học lớp 10, khi viết trong bài văn về mẹ, tôi đã từng viết rằng: “Em yêu mẹ, thương mẹ, ngưỡng mộ mẹ nhưng nhất định sẽ không sống một cuộc đời hy sinh hết thảy mọi thứ như mẹ! Em thấy trân trọng sự hy sinh của các bà, các mẹ cho con cái. Không phải ai cũng sẵn sàng cho đi như vậy. Nhưng em không còn ủng hộ sự hy sinh đó trong xã hội hiện đại nữa vì nó đem lại nhiều hệ lụy và sự mất cân bằng”.

“Tôi nghĩ bây giờ không nên coi việc “xây nhà” là của đàn ông và “xây tổ ấm” là của phụ nữ nữa. Trong xã hội hiện đại thì vai trò của người phụ nữ ngày càng quan trọng và họ thể hiện rằng mình không thua kém gì đàn ông. Do đó, hãy để người phụ nữ cùng gánh vác việc “xây nhà” với đàn ông và ngược lại thì người đàn ông cũng phải chia sẻ việc “xây tổ ấm” với vợ. Trong gia đình mà vợ chồng tôn trọng nhau và gánh vác công việc giúp nhau thì sẽ hiểu nhau hơn và từ đó sẽ hạnh phúc hơn”…

Quan niệm về sự hy sinh của người phụ nữ bây giờ không như trước kia

Những trao đổi, tranh luận về đức hy sinh của phụ nữ không chỉ tồn tại trên các diễn đàn hay hội nhóm mà đã đi vào hội thảo khoa học cấp quốc gia để thấy rằng tầm quan trọng của nó đến mức nào.

“Quan niệm về sự hy sinh của người phụ nữ bây giờ không như trước kia” đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đưa Nghị quyết XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - Nhận diện và giải pháp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội nhân văn và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam.

Theo bà Mai Hoa thì “nhiều nam giới cũng cho biết họ dị ứng với cụm từ “đức hy sinh của phụ nữ” vì bản thân nam giới cũng hy sinh chứ không riêng gì phụ nữ. Phụ nữ hiện đại ngày nay so với những người phụ nữ ngày xưa thì mức độ hy sinh chắc chắn là khác nhau. Ngày xưa với vai trò người mẹ có câu ca dao “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”, phụ nữ có thể mặc áo vá để nhường con áo lành thì bây giờ không như thế nữa vì điều kiện vật chất đã khác…

"Thế thì sự hy sinh của phụ nữ ngày nay là như thế nào? Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải nhận diện vấn đề rằng nếu như trước đây người phụ nữ hy sinh tất cả cho con cái thường được tôn vinh và ảnh hưởng rất lớn đến con thì bây giờ sự tôn vinh và ảnh hưởng ấy chưa chắc đã như xưa, bởi ngày nay làm mẹ đã khác…”

Còn nhớ MC Trấn Thành đã từng bày tỏ quan điểm về phụ nữ: “Tôi rất sợ người ta dạy phụ nữ hai chữ “hy sinh”. Đó là hai từ tàn nhẫn nhất trên đời để dạy người phụ nữ. Không có lý do gì phụ nữ phải hy sinh và không có gì đáng để hãnh diện khi nói “tôi là người phụ nữ Việt Nam hy sinh nhất”. Phụ nữ là để đẹp, để nâng niu, để lo, để chiều chuộng. Đáng lẽ sự hy sinh phải dành cho đàn ông”.

Có thể thấy, quan điểm của Trấn Thành đã phần nào nói lên những điều phụ nữ xứng đáng được nhận. Sống đã không đơn giản, sống vì người khác càng chẳng đơn giản chút nào. Phụ nữ có thể hy sinh, có thể vun vén cho cuộc sống gia đình nhưng hãy đừng hy sinh quá mức. Bởi lẽ, trong cuộc sống nếu không có sự nhường nhịn, hy sinh thì mỗi con người sẽ chẳng khác gì chú ngựa đua chỉ nhắm mắt chạy hùng hục trên đường đua của mình.

Trong gia đình, để kiến tạo hạnh phúc thì sự nhẫn nhịn và hy sinh là cần thiết từ cả hai phía, nhưng đừng bao giờ để sự hy sinh là chịu đựng và ép buộc mà không được trân trọng đúng mức. Vì chồng hay vợ, nam hay nữ, dù ai đi nữa thì cũng đều cần được tôn trọng, yêu thương, chia sẻ và hạnh phúc. Thiếu điều gì trong bốn thứ trên thì hạnh phúc sẽ là khuyết thiếu…