Thành cổ Châu Sa của người Chăm Pa được xây bằng gì

TS Đoàn Ngọc Khôi, người chủ trì cuộc khai quật, cho biết: Quảng Ngãi hiện còn 60 vết tích, phế tích các đền tháp, mộ táng, lò nung, giếng nước, không gian cư trú... của người Chăm. Thành cổ Châu Sa là toà thành có qui mô lớn nằm ở hạ lưu bờ bắc sông Trà Khúc. Thành trải rộng trên bốn xã Tịnh An, Tịnh Châu, Tịnh Thiện và Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh, được bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1994. Thành Châu Sa được nhà nghiên cứu H. Parmentier tìm thấy đưa vào tập kiểm kê, có mô tả đền tháp chăm pa ở miền trung Việt Nam từ năm 1924. Thành được đắp chắc chắn bằng loại đất sét pha sỏi laterit có màu đỏ, theo phương pháp dầm nệm từng lớp. Chân bờ thành rộng 25m, bề mặt rộng 5m, cao trung bình 5-6m, dài hơn 4km. Tòa thành dựa trên trục đường giao thông quan trọng nhất là đường thủy kết nối với hai cửa biển quan trọng: cửa Sa Kỳ ở phía bắc và cửa Đại ở phía nam. Cư dân đi qua đường sông vào nội thành Châu Sa thông qua hệ thống hào thành. Cấu trúc thành Châu Sa mở ra hướng bên ngoài. Chính yếu tổ mở này nên thành Châu Sa đã một thời là trung tâm phát triển rất phồn thịnh về giao thương, văn hóa,... Điều này ngày càng thúc giục tôi phải tìm ra những vết tích, di tích còn lại trong nội thành Châu Sa.


Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi phát hiện một khu đất rộng lõm sâu thấp hơn khoảng 1m so với mặt bằng chung trong nội thành Châu Sa. Tìm hiểu khu vực xung quanh, chúng tôi tiếp tục phát hiện nhiều mảnh ngói, gốm... in đậm nết văn hóa Chăm Pa còn vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Với những căn cứ thu thập được, chúng tôi quyết định chọn hố thám sát, khai quật thăm dò thì thật bất ngờ một lò nung gạch của người Chăm còn khá nguyên vẹn phát lộ chỉ cách mặt đất sâu khoảng 50cm. Khu di tích này khoảng 1.000m2 bao gồm khu sản xuất gạch ngói, gốm gia dụng, các lò nung gạch ngói... Toàn bộ di tích ở đây còn khá nguyên vẹn, chưa bị xâm hại bởi quá trình canh tác sản xuất của người dân. Sau hố thăm dò này, chúng tôi sẽ xin giấy phép của bộ Văn hóa thông tin và Du lịch để khai quật toàn bộ khu di tích này.

Thưa ông, việc phát lộ khu sản xuất gạch ngói của người Chăm cổ tại di tích thành cổ Châu Sa có ý nghĩa như thể nào về giá trị khảo cổ học?

Lâu nay việc sản xuất gạch ngói của người Chăm vẫn là câu hỏi lớn trong lĩnh vực khảo cổ học tại Việt Nam. Nhiều giả thuyết cho rằng các đền tháp Chăm được xây bằng cách sắp xếp gạch thô tao nên các đền tháp sau đó dùng củi để nung. Phát hiện của cuộc thám sát này tại khu sản xuất gạch ngói, đặc biệt là lò nung ngói của người Chăm cổ tại thành cổ Châu Sa đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta: người Chăm đã nung gạch trong lò sau đó mới lấy ra để xây dựng đền tháp.

Cấu trúc lò nung của người Chăm cổ trông rất đơn sơ: lò nung gạch dài 3m, rộng 1,8m, bao nung dài khoảng 15cm. Khẩu lò có lỗ thông hơi để không khí vào, bên dưới các viên gạch có lớp cát và than để nhiệt lan tỏa đều làm chín các viên gạch có kích thước dày. Nét đặc biệt của lò nung này là miệng hở, không có ống khói. Nằm sát cách lò nung gạch khoảng 1m, các dãy ngói mỏng hơn (gạch) được bố trí song song nung ngoài trời với lớp than bên dưới, củi đốt bên trên, giữa các viên ngói, người Chăm cổ dùng những viên sỏi cuội lót cho ngói thô không dính nhau, nhiệt từ lớp than bên dưới tỏa ra viên ngói đều hơn. Đặc biệt là phương pháp nung gạch ngói của người Chăm cổ chủ yếu là dùng kỹ thuật đốt ngoài trời chứ không phải nung trong lò kín.

Điều này đã cơ bản làm thay đổi nhận thức của các nhà nghiên cứu khảo cổ học về cấu trúc lò nung gạch ngói xây dựng nên đền tháp, thành lũy của người Chăm cổ.

Ông trăn trở điều gì nhất khi nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Chăm Pa?

Trong khi nền văn hóa Sa Huỳnh đã được tiếp cận nhiều vấn đề khoa học lớn, thành quả nghiên cứu đạt nhiều thành tựu đáng kể thì văn hóa Chăm Pa dọc các tỉnh duyên hải miền trung vẫn còn dừng lại ở kết quả nghiên cứu quá khiêm tốn so với bề dày của di sản văn hoá vốn có của nó. Do vậy, nhà nước cần quan tâm đầu tư kinh phí, chuyên gia để nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này. Riêng thành cổ Châu Sa đã xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1994, đến nay đã qua 13 năm, thế nhưng chúng ta vẫn chưa có động thái gì để tôn tạo, trùng tu toà thành này. Hiện tại, khu dân cư nằm trong khu vực toà thành cổ Châu Sa có diện tích đất sản xuất nhỏ hẹp nên khi người dân mở rộng không gian di trú sẽ đụng đến di sản.

08:21, 06/05/2018

Thành cổ Châu Sa là thành đất do người Chăm xây dựng duy nhất còn lại ở Việt Nam hiện nay. Đây là ngôi thành gắn với nhiều bí ấn cùng lịch sử thăng trầm của dân tộc Chăm và vương quốc Chiêm Thành.

Thành Châu Sa được dân gian gọi là thành Hời (thành của người Hời, tức người Chăm). Sử cũ gọi là thành Đa La, Chiêm Lũy động, Cổ Lũy động. Thành tọa lạc ở khu vực hạ lưu tả ngạn sông Trà Khúc, nay thuộc xã Tịnh Châu, cách TP. Quảng Ngãi 7 km về hướng đông bắc.

Thành cổ Châu Sa được phát hiện vào năm 1924 khi nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier (1871-1949) tìm thấy ở đây một bia đá (về sau gọi là “Bia đá Châu Sa”) có 4 mặt khắc chữ Chăm nói về cuộc đời hai vị vua đầu tiên của vương triều Indrapura (875-982). Trên bia cũng ghi chính xác năm dựng bia là 903. Cùng với các bằng chứng khảo cổ khác, các nhà khoa học cho rằng thành cổ Châu Sa ra đời trong khoảng thế kỷ 9 - 10 và là một trong những trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa quan trọng của vương quốc Chiêm Thành lúc bấy giờ.

Bia di tích thành cổ Châu Sa.

Từ sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471, vùng đất từ nam đèo Hải Vân đến bắc đèo Cù Mông được sáp nhập vào Đại Việt, thành lập Đạo thừa tuyên Quảng Nam, cổ thành Châu Sa dần bị rơi vào quên lãng. Cho nên, đến thế kỷ 19, các sử gia triều Nguyễn vẫn còn nghi ngờ về ngôi cổ thành này. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép về thành này như sau: “Thành cổ Châu Sa ở xã Châu Sa, huyện Bình Sơn. Diện tích hơn 5 mẫu 5 sào. Tương truyền có hai thuyết: Một thuyết nói là thành Đại La của nước Chiêm Thành, một thuyết là Vệ Thành của Tam ty đời Lê (tức 3 ty thuộc Đạo thừa tuyên Quảng Nam đời nhà Hậu Lê). Chưa rõ thuyết nào đúng”.

Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, dấu tích của thành Châu Sa ngày nay vẫn còn khá nguyên vẹn với nhiều tường đất, hào lũy. Thành có hai lớp: thành nội và thành ngoại. Thành nội được đắp bằng đất, hình chữ nhật dạng gần vuông (540 m x 580 m), cạnh dài theo hướng bắc - nam. Tường thành cao từ 4-6 m, chân thành rộng từ 20-25 m, mặt thành rộng 5-8 m. Quanh thành có hào nước rộng từ 20-25 m, nay phần nhiều đã bị bồi lấp thành ruộng. Thành nội có 5 cửa mở theo hướng đông, tây, nam, bắc và tây nam; trong đó, cửa nam được đào đắp công phu hơn cả, được phỏng đoán là cửa chính của thành.

Một đoạn tường đất trong thành nội.

Thành ngoại gồm có ba mặt, được kết hợp giữa đào đắp với việc tận dụng địa thế tự nhiên (đồi núi thấp, gò, ao đầm, suối rạch). Phía nam của thành ngoại nhìn ra sông Trà Khúc nên không có bờ thành.

Điểm nhấn đặc biệt trong kiến trúc tổng thể của thành cổ Châu Sa là hai gọng thành hình càng cua đối xứng nhau theo trục nam - bắc nằm giữa thành nội và thành ngoại, về hướng phía nam. Trong đó, gọng phía tây dài gần 700 m, gọng phía đông dài gần 500 m.

Tuy được đắp bằng đất nhưng thành cổ Châu Sa có quy mô khá lớn, án ngữ ở vị trí trọng yếu của một vùng lưu vực rộng lớn thuộc sông Trà Khúc. Thành thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược cũng như sự khôn khéo của người Chăm xưa trong việc kết hợp tối ưu giữa chức năng quân sự - phòng thủ với vai trò kinh tế - dân sự. Đây được xem là ngôi thành đất tiêu biểu của người Chăm.

Ngày nay, trải qua những thăng trầm lịch sử, thành cổ Châu Sa vẫn còn đó như là chứng tích về vương triều Chăm Pa một thuở lẫy lừng. Thành được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1994.

Tuấn Vũ

Quảng NgãiNằm ở bờ bắc sông Trà Khúc, thành cổ Châu Sa có niên đại hơn 1.000 năm là di tích dân sự lớn nhất vương quốc Champa.

Thành cổ Châu Sa ở xã Tịnh Châu, cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 6 km, cách cửa biển Cổ Lũy khoảng 8 km, phía Nam thành giáp sông Trà Khúc (dòng sông lớn nhất Quảng Ngãi), phía bắc giáp sông Hàm Giang.

Người có công khai quật thành cổ này là kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học người Pháp H. Parmentier. Năm 1924, ông tìm thấy trong thành một bia đá niên đại năm 903. Bia khắc thông tin về hai vị vua đầu tiên của vương triều Chăm Indrapura (875-982) là Indravarman II và Yaya Simhavarman. Như vậy thành Châu Sa tồn tại từ vương triều Indrapura vào cuối thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 10.

Bảng hiệu di tích quốc gia Thành cổ Châu Sa ở xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh

Theo các thư tịch của Trung Quốc và Việt Nam, vương triều Indrapura bắt đầu từ khi Indravarman II lên ngai vàng năm 875. Khi đó, kinh đô của Champa được chuyển từ châu Panduraga (tương đương một tỉnh hay tiểu quốc - nay thuộc Ninh Thuận, Bình Thuận) ra phía bắc là châu Amaravati (nay thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Theo TS Ngô Văn Doanh, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, nguyên ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, châu Amaravati có hai khu vực là Chiêm Động hay Đại Chiêm (nay là tỉnh Quảng Nam) và Cổ Lũy hay Chiêm Lũy (nay là tỉnh Quảng Ngãi). Các tài liệu khảo cổ và lịch sử cho biết, thành Châu Sa là di tích dân sự lớn nhất trên vùng đất này.

Về cấu trúc của thành, nhà khảo cổ H. Parmentier vào năm 1924 đã vẽ bản đồ miêu tả song chỉ dừng lại ở thành nội và một gọng thành hình càng cua ở phía tây. Trong đợt khảo sát năm 1993, Viện Khảo cổ và Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi xác định thành Châu Sa có hai vòng thành là thành nội và thành ngoại.

TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thành nội hình chữ nhật, theo hướng bắc – nam, có 5 cửa thông thương với bên ngoài. Tại góc đông – nam và tây – nam có hai đoạn thành bắt góc chạy theo hướng bắc – nam hướng về sông Trà Khúc, gọi là hai Càng Cua.

Bờ thành nội phía tây và phía đông dài 558 m, cao 4-5 m, đáy thành 20-25 m, mặt thành rộng 5-8 m. Bờ thành "Càng Cua" phía tây dài 674 m. Bờ thành "Càng Cua " phía đông dài 443 m. Xung quanh các bờ thành có các hào (mương) nước rộng 20-40 m.

Theo TS Khôi, thành Châu Sa được đắp bằng đất sét pha cát thạch anh thô. Một lát cắt nơi cửa đông của thành nội có cấu tạo lớp trên là dăm đá ong pha đá cuội thạch anh, lớp dưới là cát tro màu xám. Thành được đắp rất công phu và quy mô.

Bờ tường thành nội, hào thành Châu Sa trên cao theo Google Earth và hiện trạng bờ thành um tùm cây cỏ. Ảnh: Google Earth - Phạm Linh

Thành ngoại trải dài trên khu vực rộng lớn nhưng chưa xác định rõ ràng ranh giới, nhằm bảo vệ thành nội. Các mương nước xung quanh thành nối với sông Trà Khúc và các sông nhỏ, tạo nên một hệ thống đường thủy chằng chịt, thuận lợi cho tàu bè đi lại. Các đồ gốm khai quật được cho thấy đây là nơi diễn ra giao thương sôi động.

Ngoài ra, thành Châu Sa được các ngọn núi tự nhiên che chắn, bảo vệ. Phía bắc thành là núi Chồi và núi Đồng Danh. Phía tây bắc thành là đồi Bàn Cờ. Phía tây là núi Thiên Ấn. Phía đông nam là núi Ngang. Từ các ngọn núi có thể quan sát được toàn cảnh thành và bao quát cửa biển Cổ Lũy, thuận lợi phòng vệ quân sự.

Trong những cuộc khai quật thành Châu Sa sau đó, các nhà khoa học phát hiện thêm nhiều di tích, di vật cổ của người Chăm như lò gốm ở Núi Chồi, xã Tịnh Châu. Lò đất nung được khoét vào sườn đồi, tường lò xếp bằng đá, sản phẩm là những tấm đất nung có nội dung Phật giáo.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh, các tác phẩm đất nung Phật giáo Núi Chồi được làm từ một khuôn có kích thước đồng loạt (cao 6,5 cm, rộng 4 cm, dài 1 cm) và có hình như một cánh sen dài nhọn đầu. Bên trong là hình Đức phật.

Tiểu phẩm Phật giáo ở Núi Chồi giống với các tiểu phẩm Phật giáo được tìm thấy ở Thái Lan. Điều này cho thấy mối liên kết của thành Châu Sa thuộc Champa với một trung tâm Phật giáo lớn.

Tiểu phẩm phật giáo được khai quật ở thành Châu Sa. Ảnh: Đoàn Ngọc Khôi

Từ đầu thế kỷ 15, thành Châu Sa cũng như châu Amaravati chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, năm 1402, nhà Hồ chiếm vùng đất này. Nhưng đến năm 1407, nhân lúc nhà Minh đem quân diệt nhà Hồ, vua Champa giành lại vùng đất Amaravati (Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Đến năm 1470, vua Lê Thánh Tôn hạ chiếu thân chinh đánh Champa. Đến tháng 6 năm 1471, ông lấy được toàn bộ Amaravati, đặt tên mới là thừa tuyên (tỉnh) Quảng Nam. Sách Đại Nam nhất thống chí cho rằng, thành Châu Sa lúc này có thể là một vệ thành của nhà Lê.

Trải qua các biến thiên của lịch sử, thành Châu Sa bị rơi vào lãng quên. Mãi đến năm 1994, sau 70 năm nhà khảo cổ học H. Parmentier phát hiện thành cổ Châu Sa, thành mới được công nhận di tích quốc gia.

Từ đó đến nay, thành vẫn không được cắm mốc ranh giới để bảo vệ. Khu vực hào (mương) thành và nhiều vị trí trong thành trở thành nơi người dân canh tác, xây nhà. Từ trên Google Maps, có thể thấy được rõ nét tường thành nội cao hơn khu vực xung quanh và các hào thành, giúp hình dung tổng thể bố cục.

Nhưng khi đến nơi, nhiều phần của bờ tường thành bị xói mòn, phía trên tường thành phủ những rặng tre. "Khách trong nước và quốc tế tìm đến thành cổ Châu Sa, tôi chỉ bờ thành nhưng họ bảo không thấy gì rồi bỏ đi", ông Lương Công Thanh, người dân sống quanh thành nói.

Ông Trần Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu, cho biết người dân tận dụng đất để trồng trọt, chăn nuôi nên có phần ảnh hưởng thành cổ, việc cắm mốc chưa cụ thể rõ ràng nên khó cho việc quản lý. Ông cho rằng, cơ quan chức năng cần khoanh vùng, xác định rõ ranh giới để quản lý di tích.

Theo Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, việc di tích thành cổ Châu Sa xuống cấp có hai nguyên nhân: đầu tiên chưa có sự đầu tư đầy đủ để tôn tạo, thứ hai là chưa đưa được di tích đến với cộng đồng. Hiện Bộ Văn hóa Thể Thao Du lịch đã giao TS Khôi chủ trì thăm dò nội thành Châu Sa trong tháng 10 này.

"Sau cuộc thăm dò, khi có đủ cứ liệu, chúng tôi sẽ đề xuất một cuộc khai quật quy mô lớn, để làm rõ giá trị và bảo tồn thành cổ Châu Sa", lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi nói.

Phạm Linh

Video liên quan

Chủ đề