Thế nào là truyện kể dân gian Hưng Yên

Home Forums > Khoa Học Xã Hội > Chuyên Ngành Ngữ Văn > Chuyên Ngành Văn Học Việt Nam >

Tags:

(You must log in or sign up to reply here.)

Văn hóa- văn nghệ dân gian Hưng Yên: Tiềm năng lớn cần được quan tâm đúng mức

(ĐCSVN) - “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, câu ca ấy phần nào nói lên vẻ đẹp giàu đáng tự hào của Hưng Yên một thời hưng thịch cách đây mấy trăm năm. Góp phần làm nên niềm tự hào ấy hiện nay vẫn tồn tại, hàng trăm di tích lịch sử- văn hóa được xếp hạng Quốc gia cùng với sự phong phú của các giá trị văn hóa- văn nghệ dân gian truyền thống đã tạo nên một Hưng Yên đậm đà bản sắc, đóng góp cho nền văn hóa Việt. Trong đó tiềm năng văn hóa- văn nghệ dân gian của Hưng Yên giống như một kho tàng nhiều màu sắc, đa hệ giá trị đang rất cần được tìm hiểu, nghiên cứu, quan tâm đúng mức.

Văn hóa- văn nghệ dân gian (VH-VN DG) là một khái niệm rộng bao hàm các giá trị vật thể và phi vật thể, chia ra nhiều lĩnh vực khác nhau như: Văn học dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian (chèo, tuồng, ca trù…); trò chơi dân gian (đánh đu, vật, bơi lội…); mỹ thuật dân gian (đình, đền, tranh, bia…); ẩm thực dân gian; nghề truyền thống; lễ hội truyền thống; các phong tục tập quán... Đó là những giá trị văn hóa từ xa xưa lưu truyền lại, hay nói một cách hình tượng thì VH-VN DG giống như một thứ “tài sản” quý mà các thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Những giá trị ấy không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa giáo dục, thẩm mỹ to lớn. Với số lượng lớn và mật độ đậm đặc về VH-VN DG, ở bất cứ địa phương nào trên đất Hưng Yên cũng có thể gặp và chiêm ngưỡng những giá trị đẹp đẽ ấy. Có những giá trị nổi tiếng với nhiều người, mang tầm quốc gia, quốc tế như: khu di tích Phố Hiến, di tích Đa Hòa, nghệ thuật chèo, ca trù… nhưng cũng còn rất nhiều di sản VH-VN DG đang bị bụi thời gian phủ mờ, ít được biết đến.

Những giá trị vật thể và phi vật thể ấy trước tiên thể hiện nền văn hiến lâu đời của người Hưng Yên, hình thành những phong tục tập quán độc đáo như đám cưới, đám tang, chúc thọ; trình diễn những cái hay cái đẹp trong thưởng thức văn hóa- văn nghệ như ca hát, hò vè, trong vui chơi giải trí. Tất cả đều thể hiện rõ nét truyền thống đạo lý tốt đẹp, lối sống dung dị, lạc quan của người Hưng Yên. Qua tổng kết của các nhà nghiên cứu VH-VN DG Hưng Yên thì cứ 1 km2 lại có 1,3 di tích, cứ 5km2 có 1 di tích được xếp hạng Quốc gia, có hàng trăm lễ hội mang tính chất dân gian, hàng nghìn câu tục ngữ, ca dao và chuyện kể dân gian, cùng rất nhiều loại hình trình diễn khác nhau, và những làng nghề truyền thống. Nhìn khái quát kho tàng VH-VN DG Hưng Yên có thể thấy sự đa dạng, phong phú cũng như tiềm năng sâu rộng trên nhiều mặt. Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuộc điền dã kiểm kê nhưng vẫn chưa có sự khẳng định chính xác, chưa thể liệt kê hết được những giá trị VH-VN DG, vốn nảy mầm từ dân gian, lớn lên trong dân gian và được dân gian lưu truyền. Tài sản đó vô cùng quý báu, nếu không được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn thì những giá trị ấy có thể bị lãng quên, bị mất mát bất cứ lúc nào, nhất là khi những người còn giữ gìn được nó trong dân gian đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Thực trạng VH-VN DG Hưng Yên hiện nay cho thấy sự tìm hiểu, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị này còn nhiều điều trăn trở.

Nghiên cứu về VH-VN DG Hưng Yên phải kể đến Chi hội văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hưng Yên. Được thành lập từ năm 2004, Chi hội hoạt động với nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị VH-VN DG của Việt Nam nói chung, VH-VN DG Hưng Yên nói riêng, đồng thời truyền dạy kinh nghiệm, kiến thức cho các đối tượng nghiên cứu trong lĩnh vực. Trao đổi với Thạc sỹ Vũ Tiến Kỳ, chi hội trưởng, chúng tôi được biết: Những năm qua các hội viên trong Chi hội vì say mê với VH-VN DG, tâm huyết với các giá trị truyền thống của Hưng Yên đã nỗ lực trong công tác và thu được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong nghiên cứu, Chi hội đã tiến hành tìm hiểu về lễ hội dân gian của Hưng Yên với các đề tài: “Lễ hội Hưng Yên và sự biến đổi” (Hoàng Mạnh Thắng), các bài nghiên cứu về lễ hội Đa Hòa, lễ hội đền Tống Trân, đình Võng Phan, lễ hội đình Quan Xuyên, lễ hội đình Cả... của các tác giả Vũ Tiến Kỳ, Hoàng Mạnh Thắng, Dương Thị Cẩm, Đào Quang Lâm; về danh nhân văn hóa có các báo cáo tham luận tại Hội nghị khoa học “Tướng quân Phạm Ngũ Lão và lễ hội đền Ủng” do UBND huyện Ân Thi và Viện khoa học phát triển nhân lực kinh tế và văn hóa phối hợp tổ chức, sưu tầm được truyện thơ “Tướng quân Phạm Ngũ Lão” gồm hơn 2000 câu thơ. Bên cạnh đó là các công trình nghiên cứu phong tục tập quán, sưu tầm văn học dân gian Hưng Yên... Đồng thời các hội viên trong Chi hội đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, phối hợp với Sở VH-TT-DL, trường CĐSP Hưng Yên, Ban văn nghệ dân gian- Hội VHNT tỉnh Hưng Yên tiến hành sưu tầm, tổng hợp trong toàn tỉnh. 5 năm hoạt động, các hội viên đã có hàng chục công trình nghiên cứu được in thành sách, hàng trăm bài viết, báo cáo giá trị được đăng tải trên các ấn phẩm của tỉnh và Trung ương. Nhiều bài viết và công trình nghiên cứu được TƯ Hội đánh giá cao, như: “Lễ hội Hưng Yên và sự biến đổi” (Hoàng Mạnh Thắng- 2009); “Kim Động vùng văn hóa dân gian đặc sắc” (Xuân Thiêm, Đào Quang Lâm- 2008); “Truyện cổ dân gian Hưng Yên” (Vũ Tiến Kỳ- 2008); “Hưng Yên- vùng phù sa văn hóa” (Nhiều tác giả- 2009)...

Bên cạnh việc sưu tầm, nghiên cứu, Chi hội đã tổ chức thành công 2 khóa bồi dưỡng, truyền dạy kỹ năng nghiên cứu sưu tầm VH-VN DG cho các cộng tác viên, cán bộ văn hóa, sinh viên trong tỉnh, nhằm bổ sung kiến thức về VH-VN DG Hưng Yên và hướng dẫn các phương pháp sưu tầm, nghiên cứu hiệu quả.

Những thành quả đã đạt được là không nhỏ nhưng ông Vũ Tiến Kỳ cũng định rằng, so tiềm năng VH-VN DG phong phú của Hưng Yên thì những nghiên cứu, những thu hoạch ấy còn quá khiêm tốn. Số lượng các công trình nghiên cứu chuyên sâu còn ít, phần lớn các tác phẩm còn nặng về sưu tầm, rất nhiều đề tài hay mới chỉ được tìm hiểu những bước gợi mở ban đầu. Nguyên nhân một phần là do thiếu về nhân lực tham gia nghiên cứu, sự non yếu về công tác chuyên môn, nhất là việc nghiên cứu, tìm hiểu về VH-VN DG chưa đều khắp, sự đầu tư chưa có chiều sâu. Ngay cả những giá trị VH-VN DG nổi tiếng cũng mới chỉ được tìm thấy, được bảo quản, được nhân dân biết đến trong những dịp nhất định như hội hè, lễ kỷ niệm… chứ chưa thực sự được tìm hiểu kỹ càng và thưởng thức một cách thường xuyên. Một câu hỏi đặt ra là trong khi rất nhiều giá trị còn phủ bụi thời gian, bị các thế hệ sau dần quên lãng, bị các loại hình văn hóa hiện đại- ngoại lai khác lấn sân, trong khi thực trạng nghiên cứu, gìn giữ các giá trị VH-VN DG còn nhiều hạn chế như hiện nay thì những “tài sản” vô giá của ông cha để lại có còn tồn tại nguyên vẹn?.

Để văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy hệ giá trị phong phú của nó trong đời sống, thực sự trở thành tài sản quý giá lưu truyền cho các thế hệ sau thì không chỉ là công việc của những người làm công tác nghiên cứu mà còn đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương và ý thức của tất cả mọi người. Không những đội ngũ nghiên cứu VH- VN DG phải nỗ lực hơn mà các ngành chức năng cũng cần tạo điều kiện về nguồn lực, hỗ trợ kịp thời để việc nghiên cứu, bảo tồn VH-VN DG Hưng Yên có những bước tiến mới, tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Song song với việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các giá trị VH-VN DG, cần có biện pháp phù hợp kết hợp du lịch danh thắng với du lịch văn hóa dân gian, tìm hiểu văn hóa truyền thống, đặc biệt là quan tâm tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về ý nghĩa to lớn của VH-VN DG trong sự phát triển của cộng đồng. Gốc có vững thì cây mới bền, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà cha ông để lại chính là cội rễ cho văn hóa hôm nay. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là cần tìm hiểu, giữ gìn những giá trị ấy để xây dựng văn hóa của địa phương mình hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Video liên quan

Chủ đề