Thiết lập kênh thông tin phối hợp với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh

Trắc nghiệm: Công việc nào sau đây KHÔNG cần thiết để thiết lập kênh thông tin phối hợp với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh tiểu học?

A. Thiết lập hệ thống phương tiện trao đổi thông tin với gia đình.

B. Thiết lập nội dung thông tin cung cấp cho gia đình.

C. Thiết lập phương thức trao đổi thông tin với gia đình.

D. Thiết lập kênh thông tin xã hội đáp ứng nhu cầu của gia đình.

Lời giải:

Đáp án đúng: D. Thiết lập kênh thông tin xã hội đáp ứng nhu cầu của gia đình.

Tìm hiểu về Lưu ý khi thiết lập, vận hành kênh thông tin gián tiếp phối hợp với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh tiểu học cùng Top Tài Liệu các em nhé!

Việc thiết lập, vận hành kênh thông tin gián tiếp phụ thuộc khá nhiều vào các phương tiện hỗ trợ. Tài liệu giới thiệu năm loại phương tiện phổ biến được sử dụng để thiết lập, vận hành kênh thông tin gián tiếp giữa giáo viên và cha mẹ học sinh, gồm: sổ liên lạc điện tử, bảng thông tin, nội san điện tử, thư gửi cha mẹ học sinh và mạng xã hội. Còn trong thực tế, mỗi nhà trường và mỗi giáo viên, trên cơ sở những điều kiện cụ thể sẽ quyết định lựa chọn sử dụng phương tiện nào để thiết lập, vận hành kênh thông tin cho phù hợp.

1. Sổ liên lạc điện tử

– Sổ liên lạc điện tử là một ứng dụng của dịch vụ truyền thông đa phương tiện giúp nhà trường kết nối, chia sẻ hoặc thông báo mọi thông tin cần thiết tới gia đình học sinh. Bằng sổ liên lạc điện tử, các thông tin hữu ích liên quan đến những khó khăn của học sinh về học tập, rèn luyện, sức khỏe, cảm xúc, thói quen, hành vi… có thể được chuyển tải đến cha mẹ học sinh một cách đầy đủ, chính xác và nhanh chóng. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi vì mối quan hệ giữa cha mẹ học sinh và giáo viên có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí, tình cảm của học sinh. Nếu mối quan hệ này tích cực, cha mẹ sẽ hiểu hơn về con cái, có thể dễ dàng thống nhất quan điểm giáo dục với nhà trường, từ đó những khó khăn trong đời sống học đường của học sinh được trợ giúp, tư vấn một cách hiệu quả hơn.

Thiết lập kênh thông tin phối hợp với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh

* Những ưu điểm chính của sổ liên lạc điện tử bao gồm:

– Giúp giáo viên quản lí được tất cả thông tin về học sinh được trợ giúp, tư vấn và cả kết quả trắc nghiệm, mục tiêu cũng như kết quả của những lần tư vấn, trợ giúp cho học sinh;

– Cung cấp thông tin về học tập – rèn luyện cũng như những khó khăn mà học sinh đang gặp phải đến cho cha mẹ học sinh một cách nhanh chóng nhất;

– Khả năng lưu trữ hồ sơ lâu dài, tránh tình trạng thất lạc hồ sơ, thông tin như các phương tiện truyền thống khác;

– Đảm bảo tính riêng tư, bí mật những nội dung cần trao đổi trong tư vấn, hỗ trợ học sinh (chỉ có nhà trường và phụ huynh được biết).

* Bên cạnh những ưu điểm trên, sổ liên lạc điện tử còn tồn tại một số điểm hạn chế:

– Mặc dù tính tiện ích của sổ liên lạc điện tử được thể hiện thông qua sự nhanh chóng và kịp thời khi cung cấp thông tin trao đổi với cha mẹ về tư vấn, hỗ trợ học sinh, song nó cũng có thể làm giảm bớt thời gian cha mẹ có thể gặp được giáo viên và trao đổi những vấn đề liên quan đến quá trình phát triển tâm sinh lí của học sinh;

– Với hình thức sổ liên lạc điện tử thông qua tin nhắn SMS, đôi khi thông tin trao đổi với cha mẹ học sinh chỉ mang tính chất thông báo một chiều từ phía giáo viên chủ nhiệm, hạn chế sự tương tác, phản hồi từ phía cha mẹ học sinh;

– Hình thức sổ liên lạc điện tử đòi hỏi giáo viên phải cân nhắc về những thông tin nên hoặc không nên cung cấp (chia sẻ) với cha mẹ để đảm bảo tính bí mật trong tư vấn, hỗ trợ học sinh. Đôi khi, những phản ứng của cha mẹ học sinh lại gây nên những khó khăn nhất định cho quá trình tư vấn, hỗ trợ học sinh trong giáo dục và dạy học.

2. Bảng thông tin

* Bảng thông tin là nơi lưu trữ, chia sẻ, thông báo các nội dung chính thống về hoạt động của nhà trường tới giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các đối tượng khác trong trường học.

* Đối với hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh trong giáo dục và dạy học, bảng thông tin là phương tiện hiệu quả để liên kết giữa giáo viên với cha mẹ học sinh dựa trên một số ưu thế nổi bật:

– Những nội dung được đưa vào bảng thông tin là những phát ngôn chính thức từ nhà trường, mọi thông tin xuất hiện trên bảng đều được kiểm soát, quản lí chặt chẽ từ Ban giám hiệu. Do vậy, bảng tin là một trong những phương tiện trao đổi thông tin đáng tin cậy giữa giáo viên và cha mẹ học sinh nhằm tạo nên sự đồng thuận, thống nhất trong tư vấn, hỗ trợ cho học sinh gặp khó khăn trong đời sống học đường;

– Không giống như các phương tiện khác (sổ liên lạc điện tử, tin nhắn, email…), cha mẹ học sinh là người chủ động trong tiếp cận với nội dung của bảng thông tin. Để tận dụng ưu thế này của bảng tin, nhà trường cần thường xuyên cập nhật những nội dung thông tin mới và trình bày sao cho dễ quan sát, dễ nhớ và tập trung vào những vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm như: đổi mới phương pháp dạy học, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có ý nghĩa, khen thưởng, thông báo thành tích của con…

– Việc trình bày bảng tin khá đơn giản, dễ thực hiện và có thể linh động theo các hoạt động của nhà trường. Bên cạnh những thông tin có tính chất “phát ngôn” của nhà trường, một góc nhỏ dành cho những thông tin hữu ích về vấn đề tư vấn, hỗ trợ học sinh sẽ thể hiện tính chuyên nghiệp và không mất nhiều công sức để giáo viên có thể kết nối với cha mẹ học sinh.

* Một số trở ngại khi sử dụng phương tiện này trong tư vấn, hỗ trợ học sinh:

– Thông tin ở bảng tin thường liên quan đến số đông học sinh hoặc những nội dung mang tính chất toàn trường. Những thông tin này sẽ phù hợp cho các chuyên đề tư vấn tâm lí mang tính chất phòng ngừa hoặc tư vấn nhóm hơn là các trường hợp tư vấn, hỗ trợ học sinh có tính chất cá nhân;

– Bảng thông tin có thể khó tiếp cận với một bộ phận cha mẹ học sinh ít thời gian đến trường hoặc không quá quan tâm đến các hoạt động thường ngày của nhà trường;

– Những thông tin đưa lên bảng tin của nhà trường thường đòi hỏi sự ngắn gọn, chính xác nên đôi khi làm giảm tính hấp dẫn của thông tin liên quan đến tư vấn, hỗ trợ học sinh;

– Nhà trường/ giáo viên có thể gặp khó khăn trong việc đánh giá liệu cha mẹ học sinh đã xem nội dung ở bảng tin hay chưa.

3. Nội san điện tử (E-magazine)

– Nội san điện tử là một kiểu bài báo đa phương tiện bao gồm cả chữ viết, hình ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới. Ở đó, người ta sử dụng hiệu ứng cho tiêu đề, chữ viết linh hoạt với những phần trích dẫn và hình ảnh được bố trí đẹp mắt. Nội san điện tử thường được thiết kế trong cùng một giao diện với Website của các trường học. Khi tiếp cận một bài đọc trong nội san điện tử, các bậc cha mẹ sẽ trải nghiệm cảm giác như đang đọc các tạp chí chuyên nghiệp được thiết kế cầu kì, cẩn thận. Những thông tin về đặc điểm tâm – sinh lí lứa tuổi, những khó khăn của học sinh trong đời sống học đường, bí quyết làm bạn cùng con…đều sẽ được chuyển tải đến cha mẹ học sinh bằng một con đường hấp dẫn và sinh động nhất.

* Những ưu điểm chính của bản tin điện tử:

– Với giao diện hiện đại, tích hợp cả hình ảnh và video nên thời lượng người đọc dành cho một bài báo của nội san điện tử lâu hơn gấp nhiều lần so với các bản tin hoặc thông báo truyền thống qua các kênh thông tin khác;

– Nội dung của bản tin điện tử có đặc điểm nổi bật là mang tính chất chuyên sâu, rất phù hợp để chia sẻ với cha mẹ học sinh về những vấn đề đặc trưng tâm – sinh lí lứa tuổi học sinh, những khó khăn của học sinh liên quan đến học tập, các mối quan hệ và phát triển bản thân;

– Đối với các cấp học lớn (tiểu học và tiểu học), hoàn toàn phù hợp cho chính các em trở thành tác giả đăng bài viết trong nội san. Tiếng nói của học sinh trong nội san điện tử sẽ là một thông điệp hiệu quả giúp giáo viên kết nối với cha mẹ học sinh tốt hơn;

– Một bài báo điện tử với giao diện chuyên nghiệp, nhưng lại chuyển tải những hình ảnh hoạt động của trường, của lớp mà con mình đang theo học làm tăng tính hấp dẫn trong việc tiếp cận thông tin đối với cha mẹ học sinh.

* Tuy nhiên, bên cạnh những đặc điểm nổi bật như trên thì việc thiết kế và duy trì nội san điện tử sẽ đặt ra một số khó khăn nhất định như:

– Một bài báo điển hình của nội san điện tử cần có hình ảnh (hoặc) video đẹp. Nội dung chuyên sâu của nội san cũng cần có sự gia công nhất định của người viết hoặc chọn lọc bài viết;

– Để thiết kế một bài báo cho nội san điện tử cũng cần những giáo viên thông thạo về công nghệ thông tin trong nhà trường;

– Nhiều trường học hiện nay vẫn chưa được trang bị tốt về hệ thống mạng, khó khăn trong việc thiết kế, xây dựng nội san điện tử.

4. Thư gửi cha mẹ học sinh

– Trao đổi thư từ với cha mẹ học sinh là một hình thức truyền thống trong phối hợp, trao đổi giữa gia đình và nhà trường. Hình thức này được sử dụng để thông báo tình hình học tập, rèn luyện của học sinh giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh; đặc biệt là khi học sinh có những biểu hiện khó khăn nào đó ở trường học. Thư gửi cha mẹ học sinh có thể được thực hiện bằng gửi thư qua đường bưu điện hay qua thư điện tử (email). Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các giáo viên đều lựa chọn thư điện tử trong trao đổi với cha mẹ học sinh do đặc điểm thuận tiện và kịp thời của phương tiện này.

* Thư gửi cha mẹ có nhiều ưu điểm như:

– Tài khoản email là tương đối phổ biến với hầu hết các bậc cha mẹ hiện nay. Qua thư điện tử, thông tin được gửi đến cha mẹ học sinh nhanh chóng, đặc biệt với những sự việc cần có sự trao đổi kịp thời liên quan đến những khó khăn mà học sinh đang gặp phải;

– Đối với những học sinh có nhiều khó khăn trong học tập và rèn luyện (nhất là những học sinh cá biệt), thư gửi cha mẹ sẽ có một ý nghĩa quan trọng để giáo viên chủ nhiệm chia sẻ những kiến thức sư phạm về giáo dục tới gia đình một cách cụ thể và có hiệu quả;

– So với các phương tiện khác, thư gửi cha mẹ có nhiều ưu thế trong trao đổi với phụ huynh học sinh về những vấn đề riêng tư, đòi hỏi tính bí mật, giúp cho quá trình tư vấn, hỗ trợ học sinh đạt được hiệu quả;

– Mặc dù nhiều cha mẹ học sinh thời hiện đại thường yêu thích các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram… nhưng nếu để lựa chọn nhận thông tin một cách chỉn chu, đáng tin cậy thì họ vẫn sẽ chọn email. Đây là phương tiện thể hiện sự chuyên nghiệp, hữu ích để nhà trường, giáo viên có thể đưa ra các thông báo chính thống, rõ ràng cho cha mẹ học sinh. Thư gửi cha mẹ cũng thể hiện sự trang trọng, nghiêm túc và tính cấp thiết đối với vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ học sinh.

* Việc phối hợp và trao đổi với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh thông qua phương tiện thư điện tử có một số hạn chế nhất định:

– Không phải cha mẹ học sinh nào cũng có thói quen sử dụng tài khoản email một cách thường xuyên. Trong nhiều trường hợp, thư gửi của giáo viên chủ nhiệm có thể không đến được với cha mẹ học sinh đúng thời điểm cần đến sự hợp tác của họ để tư vấn, hỗ trợ cho học sinh;

– Đôi khi thư gửi cha mẹ học sinh có thể thất lạc (rơi vào hòm thư rác), ảnh hưởng đến sự phối hợp giữa giáo viên và cha mẹ học sinh trong tư vấn, hỗ trợ cho học sinh;

– Sử dụng phương tiện thư gửi cha mẹ học sinh có thể khiến giáo viên gia tăng khối lượng công việc do phải trả lời thư một cách cẩn thận và cân nhắc. Đặc biệt, khi giáo viên cần có sự hợp tác từ phía cha mẹ học sinh để tư vấn, hỗ trợ cho nhiều học sinh cùng một thời điểm;

– Khi sử dụng phương tiện thư từ để trao đổi với cha mẹ học sinh, giáo viên có thể sẽ rơi vào trạng thái “bị động” để chờ đợi phản hồi từ phía cha mẹ học sinh. Có một số cha mẹ có thể chỉ đọc tiêu đề của email mà không có sự phản hồi, hoặc đã đọc đầy đủ nội dung của email nhưng không phản hồi sớm. Vì vậy, giáo viên cần kết hợp với các phương tiện khác để thông báo về việc gửi thư điện tử tới cha mẹ học sinh và đưa ra lời nhắc, lời đề nghị về thời hạn phản hồi thư.

5. Mạng xã hội

– Mạng xã hội là một trang web hay nền tảng trực tuyến cho phép người dùng có thể kết nối, giao lưu, chia sẻ những thông tin hữu ích trên nền tảng Internet. Mạng xã hội có nhiều dạng thức và tính năng khác nhau, giúp mọi người dễ dàng kết nối từ bất cứ nơi đâu. Các mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Facebook, Zalo, Skype, Instagram, Viber, Youtube… Với nhiều ưu điểm và tính năng ngày càng được nâng cao, mạng xã hội là phương tiện hiệu quả để giáo viên thiết lập và duy trì mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình học sinh.

* Sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh có những lợi thế nổi bật sau:

– Chức năng chủ yếu của mạng xã hội là thiết lập, đẩy mạnh sự kết nối giữa các cá nhân, nên các chức năng gọi điện, nhắn tin, bình luận, thể hiện cảm xúc làm tăng tính tích cực, thiện cảm của quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin giữa giáo viên và gia đình học sinh;

– Một trong số những ưu thế của mạng xã hội so với các phương tiện khác là tính tương tác cao và nhanh chóng. Chỉ cần gửi đi một tin nhắn văn bản hoặc một hình ảnh, ngay lập tức giáo viên có thể nhận được thông báo về sự tương tác của cha mẹ học sinh đối với mình. Trong những trường hợp khẩn cấp cần trao đổi với cha mẹ học sinh, mạng xã hội giúp quá trình kết nối diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn hẳn các phương tiện khác;

– Sử dụng mạng xã hội trong trao đổi và phối hợp với gia đình học sinh sẽ giúp tiết kiệm chi phí so với các cuộc gọi truyền thống;

– Không phải lúc nào giáo viên cũng có thể thu xếp được buổi gặp mặt trực tiếp để trao đổi với gia đình về vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ học sinh. Mạng xã hội giúp giáo viên có thể trao đổi, chia sẻ với gia đình học sinh cho dù họ đang ở bất cứ nơi nào.

* Bên cạnh những ưu điểm trên, mạng xã hội cũng có một số hạn chế nhất định khi giáo viên trao đổi thông tin với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh ở chỗ:

– Đôi khi có những cuộc trò chuyện, trao đổi ngoài lề gây ảnh hưởng đến mục tiêu trao đổi, phối hợp với gia đình về vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh;

– Tính bảo mật về thông tin cá nhân vẫn còn là một hạn chế chưa được khắc phục trong việc sử dụng mạng xã hội hiện nay. Do đó, nội dung trò chuyện, trao đổi giữa giáo viên và gia đình học sinh có thể bị kẻ xấu xâm nhập, lợi dụng vì mục đích không chính đáng;

– Mạng xã hội bao gồm một mạng lưới các tài khoản cá nhân nên việc đăng tải những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng có thể diễn ra. Những thông tin đó có thể gây “nhiễu”, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa giáo viên với gia đình học sinh và tác động đến hiệu quả tư vấn, hỗ trợ học sinh trong giáo dục và dạy học;

– Trong một số trường hợp, việc lạm dụng mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến việc vận hành kênh thông tin trực tiếp giữa giáo viên với cha mẹ học sinh, làm giảm hiệu quả hỗ trợ, tư vấn học sinh trong nhà trường.

* Để sử dụng mạng xã hội phối hợp với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh được hiệu quả, giáo viên nên:

– Sử dụng ngôn từ phù hợp, đúng mực, không nên gay gắt;

– Không cung cấp những thông tin sai sự thật hoặc chưa được kiểm duyệt kĩ càng;

– Tránh đưa thông tin, hình ảnh một cách tùy tiện. Nếu có, chỉ nên đưa những hình ảnh phù hợp, mang tính giáo dục. Đồng thời, chỉ nên sử dụng các hình thức thông tin này vào mục đích phối hợp giáo dục học sinh, không nên lồng ghép mục đích khác để tránh tạo ra các tác động phản giáo dục;

– Tạo các nhóm khác nhau trên để trao đổi riêng với từng nhóm đối tượng (chẳng hạn, nhóm riêng với ban đại diện cha mẹ học sinh; nhóm riêng với tập thể cha mẹ học sinh…). Trên nhóm, chỉ nên đưa thông tin chung, không động chạm đến cá nhân học sinh/gia đình/lực lượng nào, tránh vi phạm vào tự do cá nhân của mỗi người;

– Những trao đổi riêng về từng học sinh thì nên trao đổi theo tài khoản riêng của giáo viên với tài khoản riêng của cha mẹ học sinh nhằm đảm bảo tính riêng tư và bảo mật;

– Cần chú ý quy định của Luật an ninh mạng và các quy định khác khi sử dụng mạng xã hội;

– Thận trọng khi bình luận hay cung cấp thông tin của cá nhân và gia đình học sinh.

Tóm lại, việc thiết lập, vận hành kênh thông tin phối hợp với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh có ý nghĩa rất quan trọng để có thể đảm bảo mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường (giáo viên) và gia đình (cha mẹ học sinh) trong quá trình giáo dục các em. Để thực hiện hiệu quả công việc này, giáo viên nên lưu ý lựa chọn các phương thức, phương tiện kết nối sao cho phù hợp với nội dung và điều kiện trao đổi thông tin theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức, phương tiện đó.