Thuốc tăng sức đề kháng mùa dịch

Dịch Covid-19 đang là một áp lực lớn của ngành Y tế. Người bệnh F0 thể nhẹ không có triệu chứng và F1 đang được Bộ Y tế thử nghiệm Cách ly tại nhà. Không có phác đồ điều trị những đối tượng này, và khuyến cáo chung được đưa ra là Tuân thủ nguyên tắc 5K, tập luyện thể thao và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Vậy cụ thể, làm thế nào để Tăng sức đề kháng cho cơ thể? Chế độ dinh dưỡng đóng quan trọng thế nào? Dưới đây là tư vấn của BS.CKI Đào Thị Yến Thủy – Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế – BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Virus Corona là một loại siêu vi trùng nhỏ xíu, nhưng đã, đang và sẽ gây ra những trận dịch lớn ảnh hưởng khắp thế giới về tốc độ lây nhiễm và số ca tử vong, bất chấp những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cuối cùng thì cũng chưa ai giỏi như “ông kỹ sư Trời” khi tạo ra cơ thể con người. Hiện chỉ có hệ miễn dịch “vi diệu” trong chính cơ thể chúng ta mới tạo ra được “thuốc” giết chết covid 19. Để phòng ngừa, tránh bị nhiễm bệnh virus, nguyên tắc đầu tiên phải giữ khoảng cách khi tiếp xúc người khác, đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, sát khuẩn các bề mặt tiếp xúc… Nhưng có lẽ, cũng khó mà tránh được mãi mãi, vì chúng ta sống là phải giao tiếp. Virus corona sẽ còn vật chủ để ký gửi và nhảy nhót khắp nơi. Một khi đã nhiễm virus, chỉ còn biết dựa vào sức đề kháng của chính cơ thể mình để tiêu diệt virus, bình phục sức khỏe chống lại sự phát triển và lây lan của virus cho người khác.

Cũng như các loại virus khác, virus corona xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp sẽ gặp hệ thống hàng rào chống đỡ đầu tiên chính là những kháng thể không đặc hiệu IgA (có sẵn trên lớp màng nhày bề mặt niêm mạc mũi, hầu, họng đường hô hấp, hoặc là đường ruột)… Nếu virus độc lực mạnh vượt qua được hàng rào nhày và IgA này, sẽ xâm nhập được vào tế bào niêm mạc đường hô hấp. Từ đó “mượn cơ sở vật chất” của tế bào người để nhân đôi, nhân tư, nhân tám… Đến một mật độ virus đủ nhiều sẽ phá vỡ màng tế bào và xuất hiện nhiều virus trong dịch nhày của niêm mạc mũi họng. Giai đoạn này nếu người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện với người khác thì khả năng lây lan bệnh sẽ rất cao. 

Cái khó của dịch bệnh Covid 19 là, nhiều người khỏe sức đề kháng tốt sẽ không phát bệnh, không có triệu chứng như sốt và ho… nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm virus cho người khác. Virus cũng có thể vào máu và lan tràn đến những bộ phận khác trong cơ thể. 

Sự xâm nhập của virus vào cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch đặc hiệu để tạo ra kháng thể giai đoạn đầu IgM và giai đoạn sau IgG để giết chết tất cả virus tồn tại trong cơ thể. Mật độ virus trong dịch hô hấp sẽ giảm từ từ và biến mất. Người bệnh không còn lây nhiễm cho người khác nữa. Quá trình này thường mất một vài tuần. 

Những người cơ thể có hệ miễn dịch tốt, sẽ tạo nhanh và nhiều kháng thể. Bệnh sẽ nhẹ và nhanh khỏi. Triệu chứng không có hoặc ít. 

Ngược lại, những người có sức đề kháng yếu, sẽ dễ bị phát bệnh hơn, bình phục lâu hơn. Đôi khi, cơ thể lại bị bội nhiễm thêm vi khuẩn hoặc có biến chứng nặng hơn.

Khi cơ thể bị suy dinh dưỡng, thiếu đạm hoặc các vi chất như vitamin A, vitamin C, sắt, kẽm… việc sản xuất kháng thể, các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng sẽ bị suy yếu. Cơ thể vì thế bị giảm sức đề kháng. 

Biểu hiện của việc suy giảm sức đề kháng, chính là dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như: viêm đường hô hấp, viêm phổi, tiêu chảy… thường xuyên và kéo dài.

Trong mọi hoàn cảnh, mọi người nên và cần thiết chăm sóc hệ miễn dịch cơ thể. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động, ngủ đủ giấc, lối sống vệ sinh, chủng ngừa phòng bệnh, dùng thuốc hỗ trợ khi cần… chính là những ghi nhớ để tăng miễn dịch.

Với trẻ em:  cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 18-24 tháng để tận hưởng nguồn kháng thể và tế bào bạch cầu quý giá trong sữa mẹ.

Chế độ ăn dù trẻ em hay người lớn cũng phải đủ năng lượng với các nhóm chất dinh dưỡng. Mỗi ngày 3 bữa ăn chính đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường (cơm, bún, mì, nui, khoai, bắp…), thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, trứng, đậu hũ…), dầu mỡ, rau và trái cây các loại. 

Đặc biệt cần lưu ý các nhóm chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng như chất đạm phải cung cấp đủ. Với người trưởng thành, bữa ăn chính cần tối thiểu 50-70g thịt, hoặc 70-90g cá hoặc tôm, 1 – 2 quả trứng hoặc 1 miếng đậu hũ… Uống 1-3 ly sữa mỗi ngày, cũng là nguồn cung cấp chất đạm thêm cho khẩu phần ăn.

Nam giới thể trạng to lớn có thể tăng đến 100g thực phẩm giàu đạm trong mỗi bữa ăn. 

Trẻ em thì cần xé nhỏ miếng thịt kho, cá chiên, tôm hấp… để trẻ ăn được cả phần xác của thực phẩm. Các bé nhỏ cũng phải băm nhỏ thịt cá vào nấu cùng cháo, bột.. 

Các thực phẩm giàu đạm cũng là nguồn cung cấp dồi dào lượng vitamin A (thịt, cá, gan, trứng), sắt (thịt, cá, gan, huyết), kẽm (hàu, sò, thịt, cá …)…

Cần chú trọng cung cấp cho cơ thể lượng vitamin C mỗi ngày. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi ngày chúng ta cần ăn 300g rau và 200g trái cây tươi. Ngoài việc cung cấp chất xơ, rau và trái cây chính là nguồn vitamin C tự nhiên, hấp thụ chủ yếu từ chế độ ăn. 

Tuy nhiên, cần lưu ý với các loại rau xanh, quá trình lưu trữ, ngâm, rửa, đun nấu chế biến làm thất thoát lượng vitamin C khá lớn. Vì thế, trái cây nên được ăn loại quả tươi hàng ngày. Nên ăn 2 loại trái cây khác nhau, thay đổi loại giữa ngày này và ngày khác. 

Các loại trái cây nhiều vitamin C đứng đầu là ổi, ớt chuông, kiwi… Sau đó là đu đủ, dưa hấu, chuối, cam, chanh, quýt, bưởi…

Xem thêm: Chanh sả gừng có phải là thần dược trị virus Corona

Một số người hay có thói quen uống các viên Vitamin C như là một giải pháp hữu hiệu và cần thiết để tăng sức đề kháng khi đã bị cảm cúm… Điều này cũng hợp lý do khi cơ thể bị nhiễm trùng thì nhu cầu vitamin C có thể tăng gấp vài lần. Bình thường, nhu cầu vitamin C của cơ thể là 100mg/ ngày. Nhưng nếu bệnh có thể dùng thuốc vitamin C liều cao hoảng 500mg trong một thời gian ngắn. Liều tối đa là 1g (1000 mg) / mỗi ngày. 

Nên lưu ý, 3-5 ngày sau khi uống vitamin C, cơ thể mới sinh nhiều kháng thể giúp tăng sức đề kháng. Vì thế, nhiễm bệnh rồi mới lo tăng sức đề kháng thì đã muộn. Vì vậy, ăn trái cây tươi thường xuyên hàng ngày, chính là cách củng cố hệ miễn dịch phòng bệnh.

Chế độ dinh dưỡng dù rất quan trọng trong việc đảm bảo sức đề kháng tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, xin nhắc lại, đó chưa phải là tất cả. Chúng ta vẫn phải làm tốt tất cả những khuyến cáo khác của chuyên gia và bác sĩ:

  • Khi thời tiết lạnh, việc giữ ấm cơ thể bằng quần áo ấm, khăn, vớ, chăn mền, tránh gió lùa, tắm nước ấm… rất quan trọng. 
  • Bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị lây nhiễm siêu vi (cách ly người bệnh, đeo khẩu trang, mắt kính, không dùng chung đồ dùng cá nhân, không tiếp xúc gần người bệnh). Rửa tay bằng xà bông trước khi ăn uống
  • Thường xuyên tập thể dục 30-45 phút sáng và chiều sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng sức đề kháng cơ thể. Người chơi thể thao đều đặn sẽ rất ít bị bệnh nhiễm trùng, chưa kể chứng táo bón, mỡ máu, loãng xương, đường huyết cao, béo phì… cũng được kiểm soát tốt. 
  • Cần ngủ sớm và ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe khoắn.

Xin chúc mọi người luôn có một sức khỏe thật tốt, một trí tuệ minh mẫn. Cùng chung tay, chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch Covid-19 này.

BS.CKI Đào Thị Yến Thủy

Việc dùng các loại thuốc tăng cường miễn dịch phải có chỉ định, tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ điều trị; không được tự ý sử dụng dù đó là các loại vitamin hay khoáng chất.


Hình ảnh một số sản phẩm tăng sức đề kháng


Hình ảnh một số sản phẩm tăng sức đề kháng


Miễn dịch là khả năng phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hệ miễn dịch kém khiến cho cơ thể mệt mỏi, dễ ốm, thậm chí mắc bệnh nặng. Trong thời điểm dịch bệnh COVID – 19 diễn biến phức tạp, với mong muốn giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng thời phục hồi nhanh nếu không may bị mắc bệnh, nhiều người đã tìm đến các loại thuốc tăng cường miễn dịch và sử dụng một cách tràn lan.

Chất tăng cường miễn dịch là các chất (bao gồm cả thuốc và chất không phải thuốc như chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng…) có khả năng tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể thông qua kích hoạt hoặc tăng cường hoạt động của các thành phần trong hệ thống miễn dịch.

Thuốc tăng cường miễn dịchcó tác dụng hỗ trợtăng cường miễn dịchcho cơ thể bằng cách gia tăng các chức năng hoạt động chung, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt, tăng sự đáp ứng miễn dịch hoặc tác động kích thích các ***cytokin, interleukin làm cho tế bào miễn dịch tiết ra nhiều kháng thể chống lại tác nhân ảnh hưởng.

Trên thị trường hiện nay đang có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng tăng cường miễn dịch theo các cơ chế rất khác nhau, tuy nhiên phần lớn đều chưa chứng minh được hiệu quả thực sự trên lâm sàng. Mặt khác, bất kỳ chất nào đưa vào cơ thể cũng đều có khả năng gây ra các tác dụng không mong muốn cho người sử dụng. Vì vậy người dân không nên tùy tiện sử dụng, không lạm dụng các loại thuốc này. Cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi có quyết định sử dụng các chất được quảng cáo là tăng cường miễn dịch để tránh lãng phí về tiền bạc mà không đem lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn có thể gây hại cho sức khoẻ. Chỉ bổ sung thuốc tăng cường miễn dịch khi cơ thể thiếu hụt trầm trọng vì thuốc tăng cường miễn dịch cũng có thể gây rối loạn trong cơ thể nếu dùng thừa. Cần trao đổi cụ thể với bác sĩ để có sự lựa chọn thuốc đúng, an toàn và hiệu quả.

Đặc biệt với trẻ em, khi cho trẻ uống bất kỳ một loại thuốc tăng cường miễn dịch nào, cần phải đọc kỹ thành phần có trong thuốc, để tránh việc có thể bổ sung chồng chéo các chất gây quá liều. Việc cho trẻ uống quá liều có thể khiến trẻ bị ngộ độc và tổn hại gan thận, làm gia tăng các tác dụng không mong muốn của thuốc. Lưu ý, không cho trẻ uống kéo dài vì sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Trong quá trình sử dụng cần bảo quản thuốc đúng, tránh làm hỏng thuốc khiến thuốc mất tác dụng, thậm chí có thể sản sinh ra các chất không có lợi.

Thuốc tăng cường miễn dịch thường sử dụng gồm:
- Vitamin: Một số vitamin có tác dụng chống lại gốc tự do nên có thể tăng cường miễn dịch như vitamin C, beta-carotene, viamin E...

- Vitamin C là chất tan trong nước, cần cho sự tạo thành collagen, tham gia một số phản ứng oxy hóa-khử; giúp hấp thu sắt, canxi và acid folic cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp các vết thương mau lành và duy trì sụn, xương, răng luôn chắc khỏe.Vitamin C có thể khử gốc tự do góp phần chống oxy hóa để bảo vệ chống lại sự phá huỷ gây ra bởi các gốc tự do giúp kháng khuẩn, gìn giữ được sự toàn vẹn của mạch máu, hô hấp tế bào, giúp sản sinh các tế bào bạch cầu… Từ đó, giúp ngăn chặn vi khuẩn, vi nấm tấn công bảo vệ cơ thể. Ngoài ra, vitamin C còn có chức năng chống lại dị ứng, kích thích tạo dịch mật và giải phóng các hormon steroid, vitamin C cần cho chuyển đổi cholesterol thành acid mật, liên quan đến giải độc.

- Vitamin E có đặc tính chống oxy hóa, ngăn cản oxy hóa các thành phần thiết yếu trong tế bào và sự tạo thành các sản phẩm oxy hóa độc hại như sản phẩm peroxyd hóa do chuyển hóa các acid béo chưa bão hòa, phản ứng lại với các gốc tự do là nguyên nhân gây tổn hại màng tế bào do oxy hóa mà không tạo ra các gốc tự do khác trong quá trình đó. Beta-carotene cũng có thể khử gốc tự do tại màng lipid tế bào, chúng được chuyển hóa thành vitamin A là chất thiết yếu của cơ thể với tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại; sử dụng để làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa ung thư và một số bệnh lý khác...; điều trị suy dinh dưỡng, giảm nguy cơ tử vong, giảm nguy cơ cháy nắng; chúng còn trực tiếp làm tăng tế bào T củahệ miễn dịchnên tăng sự sản xuất kháng thể.

- Interferon:Là những cytokin tự nhiên có hoạt tính chống virut, chống tăng sinh và điều tiết miễn dịch. Tác dụng chống virut và chống tăng sinh có liên quan với những biến đổi trong tổng hợp RNA, DNA và các protein tế bào, kể cả các gene tế bào ung thư. Chống virut với tác dụng ức chế sự sao chép virut trong các tế bào nhiễm virut. Chống tăng sinh với tác dụng ngăn chặn tăng sinh tế bào. Điều tiết miễn dịch với tác dụng tăng hoạt tính thực bào của đại thực bào và tính độc hại tế bào đặc thù của các tế bào lympho đối với các tế bào đích. Hiện nay, các nhà khoa học xác định có 3 nhóm interferon chính gồm: alpha, beta và gamma; mỗi nhóm có một tác dụng điều trị khác nhau tùy theo bệnh lý.

- Nguyên tố vi lượng:Cũng có khả năng tăng cường miễn dịch như chất kẽm, selen... Kẽm là chất giúp cân bằng nội tiết, tăng cường miễn dịch, giúp tái tạo da và tóc; chúng rất cần thiết cho phụ nữ có thai và trẻ em; do kẽm là chất chống ôxy hóa nên có khả năng giúp giảm tốc độ lão hóa, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giúp nhanh lành vết thương, giúp sự tăng trưởng, làm cơ thể mạnh lên, từ đó tăng đáp ứng miễn dịch; kẽm cùng với vitamin A, B6, E giúp tuyến ức tăng khả năng miễn dịch. Selen là thành phần thiết yếu của nhiều chất chống ôxy hóa và enzym trong cơ thể, chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới chống ôxy hóa do tham gia nhiều quá trình sinh học.

Một cách an toàn hơn, chúng ta có thể tăng cường miễn dịch, chống lại bệnh tật bằng thực phẩm ăn hàng ngày như rau xanh (súp lơ, rau bina, ớt chuông…), hoa quả bổ sung vitamin C (cam, quýt, bưởi, ổi…), các loại thịt ... Một số chất chống ôxy hóa từ thực phẩm và thảo dược như tỏi, hành, kinh giới, cây kế St. Mary, hạt nho, ginkgo biloba... cũng có tác dụng tăng cường miễn dịch. Tỏi, hành, kinh giới có nhiều chất flanovoid giúp ngăn ngừa sự phát triển các virut trong cơ thể và sự tạo thành các gốc tự do. Cây kế St. Mary cũng có nhiều flavonoid, đặc biệt là silymarin có tác dụng loại bỏ gốc tự do trực tiếp và gián tiếp. Hạt nho có nhiều proanthocianidins giúp ngăn ngừa sự hao tổn vitamin E. Ginkgo biloba chứa ginkgolides và flavonoid khác như quercetin giúp giảm tác hại của quá trình ôxy hóa và hỗ trợ việc chống ôxy hóa của cơ thể. Bên cạnh đó cần duy trì thói quen, lối sống lành mạnh như: không hút thuốc, tăng cường vận động tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc 8 giờ/ngày, tránh thức khuya, hạn chế uống bia rượu, uống nhiều nước, tránh căng thẳng, thực hiện tốt việc phòng tránh nhiễm khuẩn như đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên và ăn chín uống sôi, tránh tụ tập nơi đông người.


Thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất giúp tăng cường miễn dịch

Tóm lại, việc dùng các loại thuốc tăng cường miễn dịch phải có chỉ định, tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ điều trị; không được tự ý sử dụng dù đó là các loại vitamin hay khoáng chất. Vitamin và nguyên tố vi lượng nên bổ sung bằng thực phẩm ăn hàng ngày như rau xanh, hoa quả, thịt...; chỉ bổ sung bằng thuốc khi cơ thể thiếu hụt trầm trọng, nếu dùng thừa sẽ gây rối loạn trong cơ thể. Interferon cũng chỉ dùng khi thật cần thiết và đúng thời điểm sử dụng mới có hiệu quả tăng cường miễn dịch.

*** Cytokin là một nhóm protein đa dạng không phải là kháng thể, chúng đóng vai trò là các chất trung gian giữa các tế bào, là sản phẩm của các tế bào miễn dịch, hoạt động như các chất trung gian và điều hòa các quá trình miễn dịch. Cytokin là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả một nhóm lớn các protein, chúng bao gồm:

+ Monokin là cytokin được sản xuất bởi các tế bào thực bào đơn nhân
+ Lymphokin là cytokin được sản xuất bởi tế bào lympho được hoạt hóa, đặc biệt là các tế bào Th
+ Interleukin là cytokin có vai trò trung gian giữa các bạch cầu
+ Chemokin là một phân tử nhỏ chủ yếu chịu trách nhiệm cho việc di chuyển bạch cầu


Video liên quan

Chủ đề