Thuyết thần học là gì

Posted on 07/04/2009 by Xuân Bích Việt Nam

Chương I

THẦN HỌC VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP CỦA THẦN HỌC

Thomas P. Rausch, S.J.

Vào cuối sứ vụ của Người ở Galilê, Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ một câu hỏi: “Người ta bảo Thầy là ai?” (Mc 8,27). Các môn đệ lúng túng. Các ông đã nghe những người khác bàn tán. Các ông đã đích thân theo Người trong một thời gian – có lẽ hơn một năm rồi. Các ông đã nghe Người nói rằng Thiên Chúa và triều đại của Thiên Chúa đang đến gần. Các ông đã nhìn thấy Người tiếp cận những người xa lạ, an ủi những kẻ sầu khổ, thậm chí chữa lành nhiều kẻ ốm đau. Các ông đã thấy Người thách đố thái độ tự phụ cho mình là công chính và sự khắt khe của giới cầm quyền tôn giáo. Chính các ông đã cảm nhận niềm hy vọng mới và cảm nhận triều đại Thiên Chúa đang có mặt nơi chính sự hiện diện của Đức Giêsu. Nhưng các ông không biết phải trả lời sao đây trước câu hỏi của Người.

Cuối cùng, Phêrô lên tiếng: “Thầy là Đấng Mêsia”. Câu trả lời này sử dụng một hình ảnh thuộc truyền thống tôn giáo của thời đó. Trong hình dung của Do Thái giáo, đặc biệt dựa trên truyền thống tiên tri, Mêsia phải là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, Đấng được kỳ vọng là hậu duệ của Đavít, Đấng sẽ đem lại ơn cứu độ của Thiên Chúa, sẽ canh tân đời sống tôn giáo của toàn dân, và sẽ thiết lập một trật tự mới trong công lý, hòa bình và công chính. Qua câu trả lời ấy, Phê-rô diễn tả niềm tin cá nhân của mình vào Đức Giêsu. Đồng thời, trong khi cố gắng dùng ngôn ngữ để diễn đạt đức tin của mình vào Đức Giêsu, Phê-rô cũng đang đưa ra một tuyên bố thần học.

Thần học là gì? Rất tiếc, đối với nhiều người, thần học là một cái gì bí ẩn, một môn học lạ lẫm tìm cách nói về Thiên Chúa trong thứ ngôn ngữ quá xa lạ với kinh nghiệm thông thường của con người. Thần học xem ra quá trừu tượng. Nó chứa đầy những từ ngữ vừa tưởng chừng quen thuộc song lại khó định nghĩa, những từ như: đức tin, công chính hóa, cứu chuộc, ân sủng, ơn cứu độ, mạc khải, cánh chung, thần khí, vv… Nhiều người khác nghĩ về thần học như những hệ thống và những trường phái, Tin Lành hay Công Giáo, Tômít hay Calvinít, trường phái Barth hay trường phái Rahner, nào là thần học Rôma, thần học giải phóng, hay thần học nữ quyền … Thần học có vẻ phức tạp bởi vì nó là âm vọng của quá nhiều tiếng nói và của quá nhiều mối quan tâm.

Nhưng đằng sau tất cả những tiếng nói và những mối quan tâm này, thần học gắn với kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa, cách riêng kinh nghiệm của chúng ta trong tư cách là một cộng đoàn đức tin. Thần học là cố gắng nhận hiểu và diễn giải kinh nghiệm đức tin của một cộng đoàn, đưa kinh nghiệm đó vào trong sự diễn đạt bằng ngôn ngữ và biểu tượng. Hay nói như Thánh Anselmô (d.1109), thần học là fides quaerens intellectum, đức tin tìm kiếm sự nhận hiểu.

Với sự nhấn mạnh đặt vào đức tin, thần học rất khác với khoa nghiên cứu tôn giáo hay khoa lịch sử các tôn giáo, những môn này nhằm nghiên cứu một truyền thống tôn giáo hay một đức tin từ bên ngoài, trong tư cách là một người quan sát đứng ngoài, khách quan. Trong khi đó, làm thần học là cố gắng diễn tả đức tin của mình từ bên trong một truyền thống tôn giáo cụ thể. Dĩ nhiên, người ta có thể “dạy” thần học hoặc hiểu biết nhiều về một truyền thống thần học nào đó. Nhưng để thực sự “làm” thần học thì cần phải có đức tin đóng vai trò cầu nối với một ý thức về Thiên Chúa. Hay như Đức Gioan Phaolô I phát biểu không lâu trước khi ngài qua đời: “Các nhà thần học nói nhiều về Thiên Chúa. Tôi tự hỏi các vị ấy có thường nói với Thiên Chúa không.”

Như vậy, đức tin không bao giờ được phép vắng mặt trong công việc của thần học. Karl Rahner, nhà thần học Công Giáo kiệt xuất của thế kỷ 20, đã ghi nhận rằng thần học là sự suy tư có tính khoa học và hệ thống của Giáo Hội về đức tin của mình. Cách tiếp cận thần học của ngài thật hữu ích bởi vì nó nhấn mạnh rằng trong khi thần học là một khoa học, nó cũng đồng thời là một công việc của Giáo Hội nữa.

Nhưng có một căng thẳng hàm ẩn ở  đây, trong mối liên hệ giữa thần học xét như một khoa học và thần học xét như một công việc của Giáo Hội. Trong tư cách là một khoa học, thần học đòi phải có một sự tự do nào đó để triển khai những khảo cứu của mình và đi tới bất cứ nơi nào mà chứng cứ dẫn mình tới. Còn trong tư cách là một công việc của Giáo Hội, thần học tìm cách bảo vệ đức tin được ký thác cho Giáo Hội và được công bố bởi các vị giảng dạy chính thức của Giáo Hội, tức các giám mục. Chúng ta sẽ xem xét cả hai khía cạnh này của thần học.

THẦN HỌC XÉT NHƯ MỘT KHOA HỌC

Đối với Rahner, thần học là “sự giải thích – có ý thức và có phương pháp – mạc khải của Thiên Chúa vốn đã được đón nhận và được nắm giữ trong đức tin.” (5)  Như vậy, thần học có thể được gọi là “khoa học của đức tin”. Bởi vì đối tượng của thần học là mạc khải thần linh, nghĩa là việc Thiên Chúa tự biểu lộ nơi Đức Giêsu là Đấng Kitô, nên thần học không phải là một công cuộc có tính thuần túy chủ quan.

Trước hết, trong khi kinh nghiệm đức tin cá nhân của chúng ta có một yếu tố chủ quan, thì kinh nghiệm đức tin ấy cũng luôn luôn được chia sẻ, bởi vì nó được đón nhận do một cộng đoàn và được cộng đoàn ấy chuyển trao trong lịch sử xuyên qua các Sách Thánh và qua truyền thống Kitô giáo.

Hơn nữa, xét như sự tự biểu lộ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, kinh nghiệm đức tin ấy có một yếu tố khả niệm; nghĩa là nó có thể được diễn tả bằng ngôn ngữ  và bằng những lời tuyên bố hay những ý niệm. Công việc của thần học là liên kết các yếu tố khả niệm hàm chứa trong đức tin Kitô giáo, dù rằng bất cứ công thức ngôn ngữ nào cũng vẫn còn hạn chế và vẫn còn có thể có những diễn đạt thích đáng hơn. Thiên Chúa là ai? Làm thế nào chúng ta biết Thiên Chúa? Chúng ta biết gì về Đức Giêsu và về giáo huấn của Người? Để phối kết kinh nghiệm đức tin Kitô giáo trong ngôn ngữ và trong các ý niệm, công việc của thần học được triển khai một cách vừa có tính phương pháp luận vừa có tính phê bình.

Các Chuyên Ngành

Và Các Phương Pháp

Trong tư cách là một khoa học, thần học xúc tiến các công việc khảo cứu của mình theo một phương pháp luận. Cũng như các khoa học tự nhiên hay xã hội có các chuyên ngành hay các lãnh vực riêng và các phương pháp riêng của chúng, thần học cũng có nhiều chuyên ngành khác nhau và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong công việc diễn giải đức tin Kitô giáo. Một số chuyên ngành khảo cứu giáo huấn Kitô giáo về Thánh Kinh, lịch sử, và giáo lý. Một số chuyên ngành khác thì nhắm trình bày rõ nhận thức của Kitô giáo về Thiên Chúa, về Đức Kitô, về Giáo Hội, về các bí tích, vv… Cũng có những chuyên ngành về mục vụ, liên quan đến đời sống, hành vi, việc cầu nguyện và việc phụng tự Kitô giáo.

Việc phân chia các chuyên ngành khác nhau không phải luôn luôn rành mạch. Chẳng hạn, thần học luân lý đòi hỏi cần phải có cả sự quảng bác của nhà thần học hệ thống lẫn tính bén nhạy của nhà thần học mục vụ. Trong khi nhìn nhận rằng, một cách nào đó, những sự phân chia được sử dụng ở đây chỉ có tính tương đối mà thôi, chúng ta sẽ lược qua các chủ điểm và các phương pháp của thần học Thánh Kinh, thần học lịch sử, thần học hệ thống, thần học luân lý, cũng như một số môn khác có liên hệ.

Thần Học Thánh Kinh

Công việc của thần học Thánh Kinh là phục hồi lại ý nghĩa lịch sử của các bản văn Thánh Kinh, đó là ý nghĩa được nhắm đến bởi tác giả (đôi khi được hiểu như là ý nghĩa nguyên thủy hay ý nghĩa lịch sử của bản văn). Trong khi phái cơ yếu (6)  đồng hóa ý nghĩa của bản văn với nghĩa đen của các từ ngữ, thì nhà thần học Thánh Kinh hay nhà chú giải tìm cách khám phá ý nghĩa được nhắm đến bởi tác giả. Như vậy, trong khi những người thuộc phái cơ yếu coi câu chuyện lụt hồng thủy trong Sáng Thế 6-8 như là bản trình thuật về một biến cố có thực trong lịch sử, thì các nhà thần học Thánh Kinh sẽ xem đó là một thần thoại hay một câu chuyện để minh họa sức tàn phá của tội lỗi. Để khám phá ra ý nghĩa lịch sử của bản văn, nhà thần học Thánh Kinh sử dụng nhiều phương pháp khảo cứu văn chương và lịch sử.

Phương pháp phê bình lịch sử khảo cứu bối cảnh lịch sử trong đó bản văn xuất hiện, khảo cứu cái Sitz im Leben (bối cảnh sống thực) của nó. Các khoa học khác nhau liên quan đến lịch sử như sử học, khảo cổ học, nhân chủng học, khoa đối chiếu ngôn ngữ, vv… rất ích lợi cho nhà chú giải trong phương diện này.

Phương pháp phê bình văn thể là một khoa học về văn chương, tìm cách nhận ra những thể văn khác nhau trong Thánh Kinh và truy tìm những thể văn nhất định nào đó xuyên qua các truyền thống, để khám phá ra bối cảnh sống thực của chúng. Một thể văn là một loại văn chương chuyên biệt. Hai thể văn căn bản nhất là văn xuôi và thi ca. Các thể thi ca của Cựu Ước bao gồm sử thi, thơ trữ tình, thơ giáo huấn, tán tụng ca, ca vãn. Các thể văn xuôi bao gồm các thể tường thuật như những thần thoại bình dân, những truyền thuyết về các tổ phụ, những truyện anh hùng dân tộc được lãng mạn hóa, những chuyện lịch sử các vương triều, những bộ luật, những ngạn ngữ, những sấm ngôn, những chuyện kể có tính tưởng tượng, những câu chuyện tình, và những thị kiến khải huyền.

Phương pháp phê bình nguồn văn cố gắng tìm cách nhận ra những tư liệu mà một tác giả có thể đã rút ra. Chẳng hạn, Phúc Âm Máccô là nguồn cho phần lớn của Phúc Âm Matthêu và Luca.

Phương pháp phê bình biên soạn (tầm nguyên ý nghĩa văn bản) là một khoa học về văn chương nhằm tìm cách khám phá thần học đặc thù và quan điểm của một tác giả bằng cách phân tích cách mà tác giả ấy đóng góp vào một truyền thống có sẵn, kết cấu một tác phẩm, hay nhấn mạnh những chủ điểm nào đó. Chẳng hạn, Máccô và Luca nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu rao giảng “Vương Quốc” hay “triều đại Thiên Chúa”, Matthêu  thường sử dụng thuật ngữ “Nước Trời”, trong khi Gioan khắc họa một Đức Giêsu nói nhiều hơn về “sự sống vĩnh cửu”.

Phương pháp phê bình văn tự tìm cách thiết lập bản văn nguyên thủy của một tác phẩm văn chương. Bản văn đó nguyên thủy được viết bằng tiếng Do Thái hay Hi Lạp? Ban đầu, quyển Sách Phúc Âm này chấm dứt ở chỗ nào? Chẳng hạn, các Phúc Âm Máccô và Gioan đều có những phần phụ thêm, được bổ sung vào về sau này.

Thần Học Lịch Sử

Thần học lịch sử nghiên cứu sự phát triển đức tin của Giáo Hội và truyền thống thần học trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Trong số các chuyên ngành khác nhau của thần học lịch sử, người ta thấy có: Giáo Phụ học (nghiên cứu thần học của các giáo phụ trong 5 hay 6 thế kỷ đầu), thần học Trung cổ, thần học Cải Cách, thần học thế kỷ 19, vv… Làm tốt công việc của mình, thần học lịch sử có thể chỉ ra sự khác biệt giữa một bên là sự phát triển đích thực của truyền thống Giáo Hội và bên kia là những diễn đạt đặc thù, có tính bị hạn định trong lịch sử về một giáo thuyết, một bí tích hay một tác vụ vốn có thể cần được suy xét lại.

Thường thì sử gia, khi giới thiệu những thực hành của Giáo Hội trong các thời xa xưa trước đây, sẽ cung ứng cho Giáo Hội trong hiện tại một nhãn quan mới – và thường đó là một nhãn quan có tính giải phóng. Bí Tích Thánh Thể đã được hiểu như thế nào bởi Giáo Hội vào thời các giáo phụ, vào thời Trung cổ, vào thời Cải Cách? Những yếu tố lịch sử nào có đóng vai trò trong sự phát triển của một giáo thuyết nào đó? Chẳng hạn, tín điều về tính bất khả ngộ của giáo hoàng đã phát triển như thế nào? Bản thân từ ngữ “bất khả ngộ” chỉ mới xuất hiện vào thế kỷ 13, còn sự bất khả ngộ của giáo hoàng thì chỉ mới được xác định tại Công Đồng Vatican I vào năm 1870.

Thần Học Hệ Thống

Thần học hệ thống tìm cách nhận hiểu những giáo lý căn bản của đức tin và cho thấy những giáo lý ấy liên hệ với nhau như thế nào. Trong quyển Method in Theology (Phương Pháp trong Thần Học) của mình, Bernard Lonergan phân biệt những công việc khác nhau của thần học tín lý và thần học hệ thống. Các giáo thuyết thì liên quan tới những khẳng định rõ ràng về các thực tại tôn giáo. Thần học hệ thống sẽ tìm cách nhận hiểu những thực tại tôn giáo được khẳng định bởi các giáo thuyết ấy. Trong số các chuyên ngành khác nhau của thần học hệ thống, có thể ghi nhận các môn như : thần học về Thiên Chúa (Thượng Đế học), Kitô học, Giáo Hội học (hay thần học về Giáo Hội), thần học bí tích, nhân chủng thần học, vv…

Thần học hệ thống có vai trò ở chỗ nó cố gắng diễn đạt lại đức tin và giáo lý của Giáo Hội trong một thứ ngôn ngữ và kiểu nói hiện đại. Khi làm thế, nó thường khảo sát một vấn đề nào đó về mặt nền tảng Thánh Kinh, về tiến trình lịch sử, về nhãn quan của huấn quyền, và đối chiếu với các quan điểm của các nhà thần học hiện đại. Khi làm công việc này, thần học hệ thống vận dụng rất nhiều phương pháp và nhiều chuyên ngành của các thần học khác.

Chẳng hạn, để phát triển một thần học hiện đại về Giáo Hội, người ta phải nghiên cứu sự phát triển của Giáo Hội kể từ những cộng đoàn của Tân Ước. Các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên đã được hình thành và tổ chức như thế nào? Sứ vụ của các cộng đoàn ấy đã phát triển như thế nào? Đó là một Giáo Hội duy nhất hay là nhiều giáo hội khác nhau? Thần học lịch sử sẽ được  sử dụng để minh họa tiến trình trong đó Giáo Hội tự nhận hiểu về mình và những thay đổi của Giáo Hội qua các thế kỷ, tác động của cuộc Cải Cách, và những thần học khác nhau của Giáo Hội đã được phối kết trong các thời kỳ gần đây, nhất là tại Công Đồng Vatican I vào năm 1870 và sau đó trong các văn kiện của Công Đồng Vatican II (1962-1965). Cuối cùng, các nhãn giới khác nhau hiện nay cũng phải được xét đến. Giáo Hội được nhận hiểu như thế nào từ nhãn giới của thần học bí tích, thần học nữ quyền, hay thần học giải phóng? Cái nhìn về Giáo Hội theo nhãn quan Vatican II, Công Đồng chung gần đây nhất, đã tìm được sự diễn tả thế nào trong đời sống của Giáo Hội hiện tại? Mỗi nhãn giới sẽ bổ sung một điều gì đó cho một nền thần học toàn diện về Giáo Hội.

Thần Học Luân Lý

Thần học luân lý liên quan tới việc xác định những giá trị đặc trưng cho đời sống Kitô giáo và việc nhận ra loại hành vi nào không tương hợp với đời sống này. Như vậy thần học luân lý là một loại đạo đức học thần học, vừa có tính cá nhân vừa có tính xã hội. Nó đặt ra những câu hỏi như: Các quyết định luân lý được đưa ra như thế nào? Từ Thánh Kinh và từ truyền thống Giáo Hội, người ta nhận được loại hướng dẫn nào?

Đạo đức học xã hội tìm cách áp dụng Phúc Âm và giáo huấn xã hội của Giáo Hội vào các lãnh vực như công bằng xã hội, nhân quyền, quan hệ quốc tế. Giáo huấn xã hội của Công Giáo, như được trình bày trong các thông điệp xã hội của các giáo hoàng gần đây – bắt đầu từ Rerum Novarum (1891) của Đức Lêô XIII – nhấn mạnh chiều kích cộng đồng hơn là tính cá nhân. Nó nêu bật phẩm giá của mỗi nhân vị xét như được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nhấn mạnh rằng các hệ thống kinh tế phải phục vụ cho thiện ích chung, nhấn mạnh nguyên tắc bổ trợ, tính ưu tiên của lao động trên tư bản, quyền của mọi người được chia sẻ của cải của xã hội, tính giới hạn của quyền tư hữu, và gần đây hơn: sự ưu tiên lựa chọn người nghèo.

Thần Học Mục Vụ

Và Những Môn Có Liên Quan

Như Rahner nói, trong khi mọi thần học đều cuối cùng qui về mục vụ, thì thần học mục vụ (hay thực hành) liên quan tới việc phục vụ và xây dựng cộng đoàn Kitôhữu xuyên qua việc giảng dạy, phụng tự, tư vấn, giáo dục tôn giáo, và các việc săn sóc khác. Cùng với nhiều môn học có liên hệ mật thiết với nó, thần học mục vụ qui hướng trực tiếp hơn tới đời sống và thực hành Kitô giáo. 

Linh đạo là một thuật ngữ được dùng để mô tả một nhãn quan đặc thù nào đó về đời sống Kitô giáo và cung cách sống đời sống ấy. Một linh đạo là một qui phạm của tinh thần môn đệ. Đã có nhiều linh đạo khác nhau trong truyền thống của Giáo Hội: linh đạo đan tu, linh đạo Phanxicô, linh đạo I nhã, linh đạo công bằng xã hội, linh đạo nữ quyền, vv…

Thần học phụng vụ liên quan tới việc phụng tự chính thức của Giáo Hội. Nó tìm cách giúp cho việc cử hành bí tích của Giáo Hội có thể diễn tả hữu hiệu hơn ý nghĩa của đời sống Kitô giáo trong Đức Kitô xét như là một cộng đoàn trong Thánh Thần, xuyên qua việc nghiên cứu lịch sử, cơ cấu và các nghi thức của phụng vụ.

Giáo luật là môn nghiên cứu về Bộ Luật của Giáo Hội, Bộ Luật này được chính thức biên soạn lần đầu tiên vào năm 1918 và được hiệu chỉnh vào năm 1983.

Thần Học Xét Như

Một Môn Có Tính Phê Bình

Như các khoa học khác, thần học là một môn có tính phê bình. Vì thế, nó bao hàm nhiều công việc. Một trong các công việc ấy là phân biệt giữa một bên là những diễn đạt chính thức đức tin của Giáo Hội, tức các giáo thuyết của Giáo Hội, với bên kia là những gì vẫn còn là niềm tin phổ thông hay chỉ là quan điểm thần học. Các niềm tin là những diễn tả thần học của đức tin Kitô giáo vốn có thể là hoặc không là giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Còn các giáo thuyết là những niềm tin đã trở thành những giáo huấn chính thức của Giáo Hội, thường bởi sự kiện rằng chúng được giảng dạy với thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội, hoặc tại một Công Đồng hoặc qua quyền giáo huấn của giáo hoàng hay giám mục.

Nhiều người thường lẫn lộn các niềm tin phổ thông với các giáo thuyết của Giáo Hội. Chẳng hạn, nhiều người Công Giáo tiếp tục tin vào lâm bô như một nơi cho các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, dù sự tồn tại của lâm bô không phải là một giáo huấn chính thức hay giáo thuyết của Giáo Hội gì cả! Niềm tin ấy đã đi vào trong lịch sử Giáo Hội như một quan điểm thần học, một khả năng chọn lựa được phát triển bởi các nhà thần học vào thời Trung cổ để chống lại quan điểm khắc nghiệt của Augustinô cho rằng trẻ em chưa được rửa tội phải lãnh án phạt đời đời.

Một công việc phê bình khác của thần học là giải thích lại ngôn ngữ của Giáo Hội sao cho nó có thể phản ảnh cách thích đáng hơn đức tin mà nó muốn diễn tả. Mọi “sự diễn đạt mạc khải” đều bị qui định bởi điều kiện lịch sử và do đó bị hạn chế, như Thánh Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã ghi nhận trong Huấn Thị Mysterium Ecclesiae (24 tháng 6, 1973) (7).  Thuật ngữ “sự diễn đạt mạc khải” muốn nói đến các Sách Thánh, các Kinh Tin Kính, các tín điều, các giáo thuyết, và các giáo huấn của huấn quyền Giáo Hội. Huấn Thị nói trên nêu ra 4 cách trong đó những diễn đạt mạc khải có thể bị hạn chế:

1.Hạn chế bởi khả năng diễn đạt của ngôn ngữ qua các thời đại: Nghĩa là ngôn ngữ truyền đạt thành công trong một thời kỳ có thể sẽ không thành công trong một thời kỳ khác. Chẳng hạn, những thuật ngữ như Vương Quốc Thiên Chúa, ân sủng, công chính … có thể phải được dịch lại cho các thời đại và các nền văn hóa khác.

2.Hạn chế do bởi sự hiểu biết hạn chế của các thời đại: Một sự diễn tả đức tin có thể đúng nhưng không trọn vẹn, cần phải được giải thích thêm. Định nghĩa của Vatican I về tính bất khả ngộ của giáo hoàng là đúng, nhưng cần phải được bổ sung bởi sự nhấn mạnh của Vatican II về sự tham dự của các giám mục trong việc hành sử quyền giáo huấn bất khả ngộ của Giáo Hội.

3.Hạn chế bởi những mối quan tâm chuyên biệt làm động lực đàng sau những định nghĩa hay tuyên bố: Để hiểu một tuyên bố đặc thù nào đó, nhất thiết phải hiểu bối cảnh lịch sử mà tuyên bố ấy được thiết chế nên. Sự nhấn mạnh của Vatican I về địa vị đứng đầu và về quyền bất khả ngộ của giáo hoàng là một sự ứng phó tốt đối với sự nhấn mạnh quá đáng của người Pháp (gọi là Gallicanism, chủ nghĩa Pháp giáo) cho rằng giáo phẩm nước Pháp có quyền phê chuẩn những giáo huấn của giáo hoàng, và đối với tình trạng quyền giáo hoàng bị khống chế bởi những luật địa phương.

4.Hạn chế do bởi tư duy (hay các phạm trù tư tưởng) biến đổi qua thời gian: Chẳng hạn, cách nói về việc “chuyển bản thể” vào thế kỷ 13 đã giúp để diễn tả một chân lý quan trọng liên quan đến đức tin của Giáo Hội về Bí Tích Thánh Thể; nhưng cũng chính chân lý ấy có thể được diễn tả bằng một ngôn ngữ khác trong một nền văn hóa không còn suy nghĩ theo những phạm trù triết học về bản thể và tùy thể; cũng vậy, ý niệm có tính quân chủ về Giáo Hội trong thế kỷ 19 thì không phù hợp để hiểu Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II.

THẦN HỌC XÉT NHƯ MỘT CÔNG VIỆC CỦA GIÁO HỘI

Thần học luôn luôn phục vụ cho đức tin của Giáo Hội. Trong tư cách là một cố gắng trình bày đức tin, thần học luôn luôn là một công việc của cộng đoàn những người tin, tức Giáo Hội. Cả những nhà thần học chuyên nghiệp lẫn các giám mục đều tham dự vào công cuộc thần học này, nhưng hai bên làm theo những cách khác nhau.

Các Giám Mục

Và Các Nhà Thần Học

Vào thế kỷ 13 Tôma Aquinô đã đề cập đến các doctores hay những nhà thần học thực thi một quyền giáo huấn thuộc chức vụ giảng dạy (magisterium cathedrae magistralis), bên cạnh quyền giáo huấn thuộc chức vụ mục vụ của các giám mục (magisterium cathedrae pastoralis). Trong các thế kỷ 13 và 14, các sắc lệnh của một số Công Đồng chung đã được giao cho các nhà thần học ở đại học trước khi chúng được phê chuẩn.

Mãi đến thời Đức Gregory XVI, khoảng năm 1830, thuật ngữ quyền giáo huấn mới mang ý nghĩa hiện nay của nó, nhằm chỉ chức năng giảng dạy của giáo hoàng và các giám mục. Các giám mục có trách nhiệm giám sát việc rao giảng và bảo quản “kho tàng đức tin” của Giáo Hội. Khi các giám mục qui tụ với nhau trong Công Đồng, các ngài thực thi chức năng giảng dạy hay huấn quyền của Giáo Hội và trong một số trường hợp, các ngài tham dự vào quyền bất khả ngộ trong hiệp nhất với giáo hoàng là thủ lĩnh của giám mục đoàn. Do chức vụ của mình, các giám mục có thẩm quyền phát biểu cho (= nhân danh) Giáo Hội.

Các nhà thần học thì phát biểu từ Giáo Hội, chứ không cho Giáo Hội. Các vị cũng có một thẩm quyền đặt cơ sở trên sự hiểu biết uyên bác của các vị. Công việc mà các vị đảm nhận không dừng lại chỉ ở chỗ giúp chuyển trao đức tin của Giáo Hội. Các vị phải bảo đảm sao cho ngôn ngữ và việc rao giảng của Giáo Hội được cập nhật. Các vị phải thường xuyên khảo sát lại truyền thống của Giáo Hội để truyền thống ấy có thể soi sáng cho những vấn đề mới. Các vị cần có sự tự do để chất vấn những cách diễn tả đức tin Kitô giáo thuộc truyền thống – ngay cả những phát biểu của quyền giáo huấn – nhằm giúp giải phóng chúng khỏi những sự hạn chế do lịch sử và làm cho chúng có thể được nhận thức trong các bối cảnh lịch sử mới.

Đã có những thời các vai trò phân biệt của các giám mục và của các nhà thần học bị nhập nhằng lẫn lộn. Các nhà thần học đôi khi không tôn trọng thẩm quyền mục vụ của các giám mục, tự trao cho mình một quyền nào đó vượt quá thẩm quyền đặt trên cơ sở kiến thức uyên bác của mình. Đôi khi các vị không kịp thời phê phán các đồng nghiệp của mình khi các đồng nghiệp ấy rõ ràng phản bác giáo huấn Công Giáo, đùn đẩy trách nhiệm ấy cho các giám mục.

Mặt khác, những vị phát biểu nhân danh huấn quyền Giáo Hội (tức các giám mục) đôi khi cũng không tôn trọng khả năng chuyên môn riêng của các nhà thần học. Trước Công Đồng Vatican II, nhiều nhà thần học nổi tiếng, trong đó có tu sĩ Dòng Tên người Mỹ John Courtney Murray, bị thẩm quyền Giáo Hội cấm không cho ấn hành sách vở về một số đề tài nào đó – để rồi về sau này Công Đồng thanh minh rằng công trình của các vị ấy là đúng đắn. Gần đây hơn, một số nhà thần học Công Giáo hiện đại đã bị kỷ luật hay bị bịt miệng bởi Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Năm 1979, Hans Kung bị rút lại ủy nhiệm thư giảng dạy trong tư cách là một nhà thần học Công Giáo. Edward Schillebeeckx và Leonardo Boff bị triệu tập về Rôma để giải thích các quan điểm của mình; Boff được lệnh không xuất bản ấn phẩm của mình trong một năm. Năm 1986, Curran, một giáo sư thần học luân lý, bị ép rời khỏi chức vụ của mình tại phân khoa thần học thuộc Đại Học Công Giáo Mỹ, do bởi những quan điểm của ông trong lãnh vực luân lý tính dục.

Giáo hoàng Piô XII, trong một số tài liệu của ngài, có khuynh hướng giảm trừ chức năng của nhà thần học đến chỉ còn là ủng hộ các giáo huấn của huấn quyền. Trong Thông Điệp Humani Generis của ngài (1950), ngài đã viết rằng công việc của các nhà thần học là “chỉ ra cho thấy các lý do để khẳng quyết rằng những điều được dạy bởi huấn  quyền sống động đều được tìm thấy trong Thánh Kinh và trong “truyền thống thánh”, dù một cách minh nhiên hay mặc nhiên.” (DS3886) (8)  Bốn năm sau, ngài lập luận rằng các nhà thần học giảng dạy “không phải nhân danh chính mình, cũng không phải căn cứ vào kiến thức thần học uyên bác của mình, nhưng là do bởi sứ mạng mà các vị nhận được từ huấn quyền hợp pháp.” (9)

Nhãn quan đậm màu pháp lý ấy lại xuất hiện trong Bộ Giáo Luật 1983 khi Bộ Giáo Luật này nói rằng các nhà thần học Công Giáo giảng dạy trong các đại học Công Giáo nên nhận một “ủy nhiệm thư” từ cấp thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội; và vào năm 1990, Huấn Thị Về Ơn Gọi Của Nhà Thần Học Trong Giáo Hội, do Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố, cũng lặp lại quan điểm tương tự (10).  Nhưng một khi cho rằng các nhà thần học – ngay cả những vị có ủy nhiệm thư theo luật – phát biểu nhân danh Giáo Hội, thì đấy là đã lẫn lộn vai trò của họ với vai trò của các giám mục. Cả hai đều đảm nhận những vai trò quan trọng, nhưng mỗi bên có công việc riêng của mình, và không nên nhập nhằng.

Các Tiêu Chuẩn Cho

Những Tuyên Bố Thần Học

Bằng cách nào người ta đánh giá tính thích đáng của một tuyên bố thần học nào đó? Các nhà thần học Công Giáo tuân theo một số tiêu chuẩn phản ảnh bản chất của thần học trong tư cách vừa là một khoa học vừa là một công việc của Giáo Hội. Sau đây là những tiêu chuẩn quan trọng nhất:

1.Tuyên bố ấy có nhất quán với truyền thống Thánh Kinh hay không? Thánh Kinh, trong tư cách là diễn tả thành văn kinh nghiệm đức tin của It-ra-en và của cộng đoàn Kitôhữu sơ khai, vẫn là sự diễn tả chuẩn mực của truyền thống Kitô giáo. Bất cứ diễn tả thần học nào về đức tin Kitô giáo đều phải nhất quán với chứng cứ của truyền thống Thánh Kinh. Tuy nhiên, tiêu chuẩn nhất quán này cũng nhìn nhận rằng có một số vấn đề hiện đại không được Thánh Kinh đề cập đến và có một số vấn đề phức tạp khác không thể được giải đáp duy chỉ bằng cách nại vào một bản văn nào đó – chẳng hạn, lập luận dựa trên Ga 14,6 rằng chỉ các Kitôhữu mới có thể được cứu độ.

2.Tuyên bố ấy có được hậu thuẫn bởi truyền thống chính thức của Giáo Hội hay không? Đức tin của Giáo Hội được diễn tả chính thức trong các Kinh Tin Kính của Giáo Hội, trong phụng vụ các bí tích chính thức của Giáo Hội, và trong các giáo huấn của huấn quyền Giáo Hội. Nếu một diễn tả thần học về niềm tin lại mâu thuẫn với giáo huấn chính thức của Giáo Hội, thì diễn tả ấy ít nhất là cần phải được đặt vấn đề, nếu như không rõ ràng chống nghịch lại truyền thống và do đó bất tương hợp. Đức tin của Giáo Hội cũng được diễn tả chính thức trong phụng vụ. Chẳng hạn, hàm ẩn trong Bí Tích Phép Rửa và Bí Tích Thánh Thể là cả một kho tàng thần học Kitô giáo.

3.Tuyên bố ấy có nhất quán với đức tin của dân Kitôhữu không? Đức tin của Giáo Hội cũng được diễn tả trong sensus fidelium, hay cảm thức của người tín hữu. Sensus fidelium qui chiếu đến những gì mà người Kitôhữu tin. Nhưng đây không chỉ là vấn đề quan điểm của đa số, không phải là một cái gì đó có thể được xác định duy chỉ bằng việc mở một cuộc điều tra dư luận. Tiêu chuẩn này làm việc không một cách độc lập đối với quyền giáo huấn của các giám mục, nhưng đúng hơn ở trong mối liên hệ biện chứng với quyền giáo huấn ấy. Sensus fidelium là kết quả do tác động của Chúa Thánh Thần trong toàn thể Giáo Hội. Công Đồng Vatican II nói:

Các tín hữu, xét như một toàn thể, được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1Ga 2,20.27), không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa (LG 12). 

4.Tuyên bố ấy có nhất quán với tri thức khoa học hay không? Một tuyên bố thần học không thể được “chứng minh” theo những phương pháp của các khoa học tự nhiên hay xã hội. Nhưng một thần học đúng đắn cần phải ít nhất am hợp với những gì được nhận biết từ các nguồn tri thức khác. Chẳng hạn, không thể có sự xung khắc giữa lý thuyết tiến hóa, được hiểu như là một giả thuyết được xây dựng vững vàng, với giáo huấn Thánh Kinh về công cuộc sáng tạo. Thánh Kinh tập chú vào niềm tin rằng Thiên Chúa là tác giả tối thượng của công trình sáng tạo. Còn lý thuyết tiến hóa thì quan tâm tới vấn nạn khoa học về cách thế mà công cuộc sáng tạo ấy đã xảy ra.

Một số hiện tượng, chẳng hạn các phép lạ, không thể được giải thích theo khoa học. Nhưng thay vì xem chúng như những điều mâu thuẫn với “các qui luật” của tự nhiên, sẽ có ý nghĩa nhiều hơn nếu nhìn nhận rằng trong một số trường hợp, các nguyên nhân khác (mà chúng ta không biết) vẫn có mặt và có thể tác động trong cảnh vực thế giới chúng ta. Cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu là một trường hợp đặc biệt bởi vì nó là một biến cố cánh chung hơn là một biến cố có thể được thẩm tra trong lịch sử.

5.Tuyên bố ấy có khả năng liên hệ tới các mối quan tâm của con người hiện đại hay không? Tiêu chuẩn này liên quan nhiều đến tính hiệu dụng của một tuyên bố thần học hơn là liên quan đến chân lý của tuyên bố ấy. Nhưng đây cũng là một tiêu chuẩn rất quan trọng. Nếu một tuyên bố thần học không liên quan gì đến đời sống của dân Kitôhữu, ngay cả dù đó là một tuyên bố đúng, thì sẽ không phải là một diễn tả hữu hiệu đức tin của cộng đoàn này.

Thần Học Và Giáo Thuyết

Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Công Đồng Vatican II dạy rằng các giám mục trong mối hiệp nhất với giáo hoàng, trong một số trường hợp nào đó, có thể giảng dạy một cách không thể sai lầm. Nhưng các Nghị Phụ của Công Đồng cũng cẩn thận phân biệt giữa việc thực thi quyền giáo huấn bất khả ngộ và điều vốn thường được nói đến như là quyền giáo huấn thông thường (hay “không bất khả ngộ”). Người tín hữu được mời gọi chấp nhận cả hai loại giáo huấn, nhưng đây là hai loại chấp nhận khác nhau.

Người tín hữu cần phải có một thái độ “tùng phục đức tin” đối với những giáo huấn được công bố một cách bất khả ngộ (các tín điều), trong khi những giáo huấn có thẩm quyền nhưng không bất khả ngộ (các giáo thuyết) thì cần được chấp nhận với một sự “kính cẩn tuân phục” (obsequium religiosum) của ý chí và lý trí (LG 25). Sự phân biệt ở đây rất quan trọng; nó liên quan đến sự khác biệt giữa tín điều và giáo thuyết.

Những giáo huấn hay giáo thuyết được xem là do Thiên Chúa mạc khải và được dạy với thẩm quyền cao nhất của Giáo Hội được gọi là các tín điều. Các tín điều bao gồm các điều trong Kinh Tin Kính, các giáo huấn long trọng của các Công Đồng chung, và những giáo huấn ex cathedra (bất khả ngộ) của huấn quyền ngoại thường của giáo hoàng. Quyền bất khả ngộ của giáo hoàng chỉ mới được nại đến hai lần, trong tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được công bố bởi Giáo Hoàng Piô IX năm 1854, và tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời được công bố bởi Giáo Hoàng Piô XII năm 1950.

Sự chấp nhận được yêu cầu bởi các tín điều là một sự tùng phục của đức tin, có nghĩa rằng khi bác bỏ một tín điều thì người ta tự đặt mình ra ngoài mối hiệp thông với cộng đoàn những người tin. Như vậy, các tín điều kiến tạo nên một “qui luật của đức tin”. Các tín điều được coi là “không thể cải cách được” (irreformable – một thuật ngữ có nghĩa rằng chiều hướng của các phán quyết được đưa ra không thể bị thay đổi, mặc dù cũng như bất cứ tuyên bố nào bị hạn chế bởi điều kiện lịch sử, chúng vẫn cần được diễn dịch lại.

Các giáo thuyết bao gồm tất cả những giáo huấn của Giáo Hội dù đó là của Thánh Kinh, các Công Đồng hay của quyền giáo huấn thông thường của giáo hoàng. Không phải mọi giáo thuyết đều được công bố với thẩm quyền như nhau; những “chú giải thần học” cho thấy các giáo thuyết có nhiều mức độ khác nhau: từ “cái nhiên” và “an toàn” tới de fide divina, hay được chứa đựng trong mạc khải thần linh. Vatican II dạy rằng có một “phẩm trật” các chân lý nơi các giáo thuyết khác nhau.

Khác với sự chấp nhận đối với các tín điều, sự chấp nhận mà các giáo thuyết yêu cầu được diễn tả bởi từ ngữ La Tinh obsequium religiosum, nghĩa là sự tôn trọng, tuân phục, hay vâng lời với những mức độ đa dạng. Bởi vì obsequium religiosum diễn tả thái độ ái mộ của người tín hữu, một thái độ yêu mến đối với Giáo Hội, nên sự thừa nhận này nhằm để ủng hộ chân lý của giáo huấn. Nhưng, như nhiều nhà thần học đã chỉ ra, bởi vì những giáo huấn này không được công bố một cách bất khả ngộ, nên vẫn còn có khả năng sai lầm. Vì thế, những giáo huấn này không chỉ ở trong tình trạng cần diễn dịch lại, mà chúng còn có thể được cải cách hoặc thay đổi. Ở đây thần học đảm nhận một vai trò quan trọng trong việc khảo sát truyền thống và tìm kiếm cách diễn tả đức tin của Giáo Hội một cách thích hợp hơn.

Trong lịch sử Giáo Hội gần đây, có nhiều ví dụ cho thấy một số giáo huấn thuộc quyền giáo huấn thông thường của giáo hoàng đã được hiệu chỉnh nhờ ở sự kiện rằng Giáo Hội, cách riêng các học giả, đã “đón nhận” các giáo huấn ấy một cách có phê bình. Trong một nghiên cứu quan trọng, J. R. Dionne cho thấy rằng rõ ràng Giáo Hoàng Piô IX thiếu khả năng nhìn nhận bất cứ sự thật hay điều tốt nào nơi các tôn giáo ngoài Kitô giáo, ông viện dẫn sự kiện vị giáo hoàng này lên án sự yêu cầu rằng cần phân biệt rành mạch giữa Giáo Hội và quốc gia, rồi vị giáo hoàng này còn phủ nhận quyền tự do tôn giáo xét như một quyền khách quan, ông cũng viện dẫn việc Giáo Hoàng Piô XII chỉ xem một mình Giáo Hội Công Giáo Rôma là Nhiệm Thể Chúa Kitô (11).  Tất cả những giáo huấn giáo hoàng như thế đã được sửa đổi bởi Công Đồng Vatican II. Chúng ta thấy thần học đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển giáo thuyết.

KẾT LUẬN

Đức tin Kitô giáo được diễn tả bằng nhiều cách, bằng đời sống yêu thương và phục vụ người khác, bằng cầu nguyện và phụng tự, bằng âm nhạc, kiến trúc, hội họa, bằng các Sách Thánh và bằng truyền thống Kitô giáo sống động. Thần học là nỗ lực diễn tả đức tin Kitô giáo bằng ngôn ngữ.

Thần học vừa là một môn học có tính phê bình (tức một khoa học), vừa là một công việc của Giáo Hội. Thần học phải bảo vệ món quà vô giá là sự kiện Thiên Chúa tự mạc khải nơi Đức Giêsu và đồng thời phải bảo đảm rằng ngôn ngữ mà Giáo Hội dùng để công bố món quà ấy phải có thể được nhận hiểu trong những nền văn hóa khác nhau và trong những bối cảnh lịch sử mới.

Bất chấp sự căng thẳng đôi khi bộc phát lên giữa các nhà thần học và huấn quyền, mối liên hệ giữa các nhà thần học và các giám mục thường được ghi nhận là một mối liên hệ đầy hoa trái. Các nhà thần học tự nhận hiểu rằng họ là những con người của Giáo Hội và họ tìm cách sử dụng kiến thức uyên bác của mình để giúp cho Giáo Hội và công cuộc rao giảng của Giáo Hội có thể phản ảnh Phúc Âm một cách sâu sát hơn. Các giám mục trân trọng công việc của các nhà thần học và xem các nhà thần học là điểm tựa cho các ngài trong sứ vụ giảng dạy chính thức. Cả hai đều đảm nhận những vai trò thiết yếu trong công cuộc xây dựng cộng đoàn Kitô giáo.

CÂU HỎI GIÚP TÌM HIỂU

1.Đâu là sự khác biệt giữa thần học và khoa nghiên cứu tôn giáo?

2.Tại sao nói rằng một tuyên bố thần học bị hạn định bởi điều kiện lịch sử?

3.Hãy cho biết các tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá tính thích đáng của một tuyên bố thần học.

4.Hãy thảo luận những đóng góp của các nhà thần học và của các giám mục cho công tác thần học của Giáo Hội.

————————

(5) Karl Rahner, “Theology”, Encyclopedia of Theology: The Concise Sacramentum Mundi, ed. Karl Rahner (New York: Seabury Press, 1975) 1687.

(6) Phái cơ yếu là những người theo chủ nghĩa cơ yếu Thánh Kinh (Biblical fundamentalists). Có thể tìm đọc Biblical Fundamentalism của Ronald D. Witherup, đã có bản dịch Việt ngữ. (c.t.c.n.d.)

(7) Cf. “Tuyên Ngôn Về Việc Bảo Vệ Giáo Thuyết Của Công Giáo Về Giáo Hội, Chống Lại Một Số Sai Lầm Của Ngày Nay,”  Origins 3 (1973) 97-100.

(8) Yves Congar, “Tóm Tắt Lịch Sử Của Huấn Quyền Và Các Liên Hệ Giữa Huấn Quyền Và Các Học Giả”, Readings in Moral Theology, The Magisterium and Morality, ed. Charles E. Curran và Richard A. McCormick, vol. 3 (New York/Ramsey: Paulist Press, 1982) 325.

(9) Piô XII, « Si diligis, » Acta Apostolicae Sedis 46 (1954) 314

(10) Origins 20 (1990) 117-26.

(11) Xem J. Robert Dionne, The Papacy and the Church: A Study of Praxis and Reception in Ecumenical Perspective (New York: Philosophical Library, 1987).

Filed under: DẪN VÀO THẦN HỌC | Tagged: Thần học |

Video liên quan

Chủ đề