Top 100 chi so hanh phuc năm 2022

HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI DÂN: CÁC CHỈ SỐ, THỨ HẠNG VÀ THỰC TẾ

Ngô Minh Uy

Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam hiện nay đang chuyển hướng quan tâm về các chỉ số hạnh phúc của người dân, đây là dấu hiệu đáng mừng cho sự phát triển nói chung của đất nước cũng như cho sự thăng tiến của con người theo hướng ngày càng nhân bản và chất lượng hơn. Tuy nhiên, theo Hồ Sỹ Quý (2007), “hạnh phúc là một đối tượng nghiên cứu cực kỳ khó nắm bắt”, ban đầu là những kiến giải theo hướng chiêm nghiệm và định tính, sau đó phát triển theo hướng quy giản thành các đại lượng có thể đo đếm được theo hướng định lượng. Thật vậy, đo lường về hạnh phúc là một việc làm khá phức tạp và rất dễ thiếu chính xác hoặc đơn giản là khó có thể diễn tả được sự thật của hạnh phúc trong bản chất sâu xa của nó.

Top 100 chi so hanh phuc năm 2022

Vào khoảng giữa năm 2009, báo chí Việt Nam trong cũng như ngoài nước đã có dịp loan tin và bàn luận về bảng xếp hạng Chỉ số Hạnh phúc Hành tinh HPI (Happy Planet Index) của Quỹ Kinh tế mới NEF (New Economics Foundation, một tổ chức phi chính phủ tiến hành các nghiên cứu độc lập về chỉ số hạnh phúc HPI của các quốc gia trên thế giới). Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 5, và là quốc gia duy nhất của Á Châu nằm trong top 10 của bảng xếp hạng này (N.T.Đ.A, 06/07/2009). Tin này đã làm phấn chấn tinh thần của rất nhiều người Việt, tuy nhiên cũng có không ít người khác cảm thấy bất ngờ và đặt câu hỏi về vị trí số 5 đó.

Người viết bài này làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm lý nên cũng rất quan tâm đến các thông tin liên quan đến hạnh phúc của con người, trong đó có thông tin về chỉ số HPI nhưng cho đến nay mới có dịp ngồi viết vài nhận định chia sẻ cùng quý vị dưới đây.

Chỉ số Hạnh phúc Hành tinh HPI
Trong bảng xếp hạng chỉ số HPI được công bố lần đầu vào năm 2006, Việt Nam xếp hạng 12/178 quốc gia (Marks, Abdallah, Simms, Thompson, et al. 2006), và sau đó đã tiến lên một cách ngoạn mục ở vị trí thứ 5/143 quốc gia (Abdallah, Thompson, Michaelson, Marks, Steuer, et al. 2009) trong bảng xếp hạng lần thứ hai của tổ chức này được công bố vào tháng 07/2009 – một vị trí đáng ngưỡng mộ và vui mừng! Tuy vậy, những thông tin trên báo chí Việt Nam có thể đã tạo ra một sự hiểu lầm về chỉ số HPI và mức độ hạnh phúc thật sự của người dân Việt Nam.

HPI được tính như thế nào và bao gồm những thành phần nào là điều cần phải tìm hiểu. HPI được tính theo công thức: HPI = [(1) x (2)] / (3), trong đó: (1) là mức độ hài lòng của người dân (life satisfaction); (2) là tuổi thọ trung bình (life expectancy); và (3) là tỉ lệ “dấu chân sinh thái” (ecological footprint) – tỉ lệ khai thác, sử dụng và phục hồi nguồn tài nguyên sinh thái (Anh Đức, 2009). Các yếu tố được xem xét trong tiến trình nghiên cứu và xếp hạng khá đa dạng theo quan điểm hệ thống xã hội, bao gồm: Cộng đồng dân cư, kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, kinh tế, các giá trị, gia đình và bạn bè, giáo dục, quản lý nhà nước, việc làm, tiêu thụ tài nguyên, và thời gian rảnh rỗi. (Abdallah, et al., 2009)

Như vậy, HPI có lẽ đúng hơn nên được mô tả là chỉ số hạnh phúc của người dân trong tương quan với hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên sinh thái. HPI “là chỉ số đầu tiên được giới thiệu mà có sự phối hợp giữa tác động của môi trường đến tình trạng an lạc (well-being) của người dân nhằm đo lường hiệu quả sử dụng tài nguyên của từng quốc gia, với tuổi thọ và cuộc sống hạnh phúc của người dân thuộc quốc gia đó” (NEF, 2009). NEF cũng khẳng định: “những quốc gia có thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng không nhất thiết là những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mà nó chỉ có ý nghĩa rằng người dân ở các quốc gia có thứ hạng cao có thể đạt được sự hạnh phúc trong cuộc sống mà không cần phải khai thác và sử dụng tràn lan các nguồn tài nguyên sinh thái”.

Báo cáo lần thứ hai của NEF cũng cho biết: 1) Hầu hết các quốc gia nằm trong top 10 cao điểm nhất thuộc vùng Châu Mỹ La tinh; 2) Hầu hết các quốc gia top 10 thấp điểm nhất thuộc vùng Phi Châu hạ Sahara như Zimbabwe chỉ có 16.6/100 điểm; 3) Các quốc gia giàu có và phát triển lại nằm ở mức điểm trung bình; 4) Có khá nhiều quốc gia nhỏ bao gồm nhiều hòn đảo có số điểm khá cao như Philippin, Cuba, Dominica, và Jamaica; và 5) Không có một quốc gia nào đạt được thành tựu hoàn hảo trong cả ba thành phần dùng để xác định chỉ số HPI (Abdallah, et al., 2009). Những thông tin này gợi ý cho chúng ta về một cách nhìn khách quan và nghiêm chỉnh hơn về chỉ số HPI, theo đó chỉ số HPI có liên quan rất nhiều đến tình trạng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên sinh thái của từng quốc gia. Cụ thể là ở các nước phát triển, tỉ lệ khai thác và sử dụng tài nguyên sinh thái khá cao nên thứ hạng HPI của họ sẽ thấp, ngược lại các nước ít đụng đến nguồn tài nguyên sinh thái thì sẽ có thứ hạng cao hơn, đương nhiên phải trừ một số trường hợp ngoại lệ!

Đến đây có lẽ người viết không cần phải trình bày gì thêm nữa thì quý vị cũng có thể rút ra được kết luận rằng chỉ số HPI không hề đơn thuần nói về mức độ hạnh phúc của người dân của từng quốc gia, hay nói cách khác mặc dù là xếp hạng 5 về HPI nhưng điều đó không có nghĩa rằng Việt Nam là nước mà người dân hạnh phúc đứng hạng 5 trên thế giới. Trong thực tế, mức độ hài lòng của người dân chỉ là một thành phần trong công thức tính HPI mà thôi. Tuy nhiên, có lẽ cũng là điều đáng mừng vì thứ hạng HPI này của Việt Nam đã khẳng định rằng người dân Việt Nam có thể đạt được sự hạnh phúc mà không nhất thiết phải giàu có hơn qua việc đầu tư khai thác tài nguyên sinh thái một cách tràn lan và thiếu chiến lược lâu dài được cân nhắc cẩn trọng từ chính phủ cùng những người khác có liên quan.

(Ở đây xin được mở ngoặc nói thêm. Theo tính toán của NEF (Abdallah, et al., 2009) về định hướng đến 2050 thì các con số được mong đợi cho toàn thế giới là: Tuổi thọ, 87.0; Mức độ hài lòng cuộc sống, 8.0; và Tỉ lệ “dấu chân sinh thái”, 1.7. Với những số liệu này thì HPI mong đợi là 89.0/100. Riêng với Việt Nam, cũng theo tính toán của NEF thì vẫn sẽ có thể giữ được vị trí thứ 5, với các số liệu: Tuổi thọ, 73.7; Mức độ hài lòng cuộc sống, 6.5; và Tỉ lệ “dấu chân sinh thái”, 1.3. Chỉ số HPI theo đó sẽ đạt được mức 66.5, xếp sau các nước Costa Rica, Dominica, Jamaica, và Guatamela.)

Dữ liệu thế giới về hạnh phúc của người dân

Top 100 chi so hanh phuc năm 2022
Một chương trình nghiên cứu khá đồ sộ có tên “Dữ liệu thế giới về Hạnh phúc” (World Databases of Happiness – WDH) do giáo sư Ruut Veenhoven thuộc đại học Erasmus Rotterdam, Netherland chủ trì (Veenhoven, 10/2009) đã tiến hành khảo sát ở 148 quốc gia từ năm 2000-2009 bằng nhiều thang đo có giá trị khoa học khác nhau đã mang lại cho cho chúng ta một cái nhìn khá chuẩn xác về vấn đề và mức độ hạnh phúc của người dân từng quốc gia. Câu hỏi căn bản của chương trình khảo sát này là: “Bao nhiêu người hạnh phúc với cuộc sống của họ trên tổng thể theo thang đo từ 0 đến 10”.

Các yếu tố được xét đến trong những khảo sát này bao gồm: Môi trường sống, xã hội vĩ mô, tình trạng xã hội của cá nhân, các mối liên kết thân tình, năng lực, tính cách, sở thích, hành vi, sự kiện đang diễn ra, lịch sử cuộc đời; và các yếu tố như sự nhận thức, tính xác quyết, hệ quả, việc theo đuổi, niềm tin phổ biến, và triết lý của hạnh phúc (Veenhoven, 06/2009). Từ những yếu tố được xét đến này, chúng ta thấy cách tiếp cận của WDH đi khá sâu vào bên trong tâm lý của từng cá nhân con người, nhưng đồng thời cũng không bỏ sót các yếu tố tác động bên ngoài.

Kết quả công bố vào tháng 10 năm 2009 như sau: 1) Top 5 quốc gia xếp thứ hạng cao nhất với số điểm >7.9 lần lượt gồm: Costa Rica (8.5), Denmark (8.3), Iceland (8.2), Switzerland (8.0), và Canada (8.0); 2) Top 5 quốc gia xếp thứ hạng thấp nhất với số điểm <4.3 lần lượt gồm: Tanzania (2.6), Togo (2.6), Zimbabwe (2.8), Burundi (2.9), và Benin (3.0). Các quốc gia còn lại nằm ở mức trung bình trên một chiều khá rộng với số điểm +/-6.0, điển hình gồm 5 nước sau: Pháp (6.6), Trung Quốc (6.4), Iran (5.8), Ấn Độ (5.5), và Philippin (5.5).

Việt Nam, theo bảng xếp hạng này, có vị trí nằm trong khoảng thứ hạng 63-66 với tổng số điểm là 6.1, cùng nhóm với các nước Hàn Quốc, Kazakhstan, và Indonesia. Nhóm các nước xếp trên Việt Nam với thứ hạng từ 59-62 có số điểm 6.2, gồm Nhật Bản, Jordan, Lào, và Taiwan. Nhóm các nước xếp liền sau Việt Nam với thứ hạng từ 67-70 có số điểm 6.0 gồm Croatia, Hồng Kông, Nam Phi, và Uzbekistan. Thứ hạng từ cao đến thấp nhất của các quốc gia Đông Nam Á lần lượt như sau: Singapore (hạng 40-43 thế giới), Malaysia và Thailand (44-49 thế giới), Lào (59-62 thế giới), đến Việt Nam và Indonesia (63-67 thế giới), sau cùng là Cambodia (111-113 thế giới). Các quốc gia Myanmar, Đông Timor và Brunei không có tên trong bảng xếp hạng.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai cách tiếp cận của NEF và WDH là, chỉ số HPI là kết quả của 3 thành phần khác nhau trong đó có thành phần về mức độ hài lòng cuộc sống của người dân, còn tiếp cận của WDH do giáo sư Veenhoven chủ trì thì trực tiếp nhắm vào đo lường mức độ hài lòng về cuộc sống (hạnh phúc) của người dân một cách tổng thể. Tuy vậy, những thông tin và kết quả của hai chương trình này thường vẫn được tham khảo qua lại và cho thấy sự tương quan có ý nghĩa giữa các kết quả này với nhau.

Kết luận
Với hai chương trình khảo sát khác nhau, theo các cách tiếp cận khác nhau, rõ ràng đã mang lại cho chúng ta hai kiểu xếp hạng khác nhau liên quan đến “Hạnh phúc” của người Việt Nam. Như đã phân tích ở trên, hai kết quả này hoàn toàn không có mâu thuẫn hay loại trừ nhau nhưng về một khía cạnh nào đó, có tính bổ sung cho nhau khá thú vị. Nhìn chung, người dân Việt Nam chúng ta hiện nay đang có cái nhìn khá tích cực vào cuộc sống (cả trên bình diện cá nhân lẫn xã hội), bằng chứng đã được thể hiện ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng HPI và vị trí thứ 63-66 (trung bình dương) trong bảng xếp hạng của WDH. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể dựa vào những kết quả này để khẳng định là người dân Việt Nam hiện nay có mức độ hạnh phúc ở hàng top của thế giới được. Nhận thức được điều này sẽ giúp cho từng người dân, lẫn những nhà giáo dục, và những nhà hoạch định chính sách phát triển con người và xã hội Việt Nam tránh được thái độ tự mãn hoặc tự thỏa mãn với những gì mình đang có.

Về mặt tâm lý học, hạnh phúc là một trạng thái mà con người cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đang có, với các điều kiện sống của mình. Hạnh phúc vừa chịu sự tác động của các yếu tố bên ngoài như môi trường sống, giáo dục, chăm sóc y tế, chính sách xã hội, đường lối lãnh đạo quốc gia… nhưng quan trọng hơn nó tùy thuộc vào từng đặc điểm nhân cách của mỗi cá nhân, tùy thuộc vào thái độ và niềm tin vào các giá trị mà mỗi cá nhân theo đuổi… Vì thế, những chỉ số và thứ hạng mặc dù rất đáng quý ở tầm vĩ mô và nên phấn đấu lên thứ hạng cao nhất có thể, nhưng không thể dùng nó để kết luận về hạnh phúc thật sự của người dân. Hơn nữa, những khảo sát có tính chất toàn cầu đều phải luôn được tính trừ hao những khác biệt về mặt văn hóa và ngôn ngữ của từng quốc gia.

Người viết bài này mong sao những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực tâm lý học, xã hội học, giáo dục học, và các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam có thể ngồi lại với nhau và cùng xây dựng một chương trình khảo sát toàn diện về mức độ thỏa mãn (hạnh phúc) của người dân bằng chính ngôn ngữ và cách tiếp cận văn hóa của người Việt Nam. Như thế chúng ta sẽ có cơ sở vững chắc hơn để định hướng cho việc phát triển toàn diện xã hội và thăng tiến con người Việt Nam.

Tài liệu tham khảo
Abdallah, S., Thompson, S., Michaelson, J., Marks, N., Steuer, N. et al. (2009). The Happy Planet Index 2.0. New Economics Foundation.

Anh Đức (15/07/2009). HPI – Chỉ số hạnh phúc hay chỉ số môi trường? Bay Vút. Từ Internet: http://www.bayvut.com.au/tri-thức/hpi-chỉ-số-hạnh-phúc-hay-chỉ-số-môi-trường, 20 04/2010.

Hồ Sỹ Quý. (2007). Nghiên cứu định lượng về hạnh phúc và chỉ số hạnh phúc (HPI) của Việt Nam trong 178 nước năm 2006. Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội. Số 4. Từ Internet: http://www.issi.gov.vn/mlfolder.2006-07-07.9490549875/noi_dung/mlfolder.2006-12-21.0795159550/mlfolder.2007-03-20.8645311965/magazine.2007-05-28.9150936234, 20/04/2010

Marks, N., Abdallah, S., Simms, A., Thompson, S. et al. (2006). The Happy Planet Index 1.0. New Economics Fondation

N. T. Đ. A. (06/07/2009). Việt Nam xếp thứ năm trong số 10 nước “Chỉ số Hành tinh Hạnh Phúc”. Tuổi trẻ Online. Từ Internet: http://tuoitre.vn/The-gioi/325215/Viet-Nam-xep-thu-nam-trong-top-10-nuoc-“Chi-so-Hanh-tinh-Hanh-phuc”.html, 20/04/2010.

NEF. (2009). About the Happy Planet Index. Internet: http://www.happyplanetindex.org/learn/

Veenhoven, R. (10/ 2009). Average happiness in 148 nations 2000-2009 . World Database of Happiness. Rank report Average Happiness. Từ Internet: worlddatabaseofhappiness.eur.nl/hap_nat/findingreports/RankReport_AverageHappiness.htm, 20/04/2010

Veenhoven, R. (6/2009). World Database of Happiness, Bibliography.
Từ Internet: worlddatabaseofhappiness.eur.nl, 20/04/2010.

Bangkok 20/04/2010
Ngô Minh Uy