Trình bấy chính sách kinh tế dưới triều Nguyễn

Trình bấy chính sách kinh tế dưới triều Nguyễn

Nguyễn Tuấn Hùng

Với sự thắng thế của mình, triều Nguyễn được thành lập và công việc đầu tiên đặt ra nhiều khó khăn cho chính quyền là kinh tế quốc gia. Với sự chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài trong nhiều thế kỷ, vấn đề ruộng đất – vốn là tư liệu sản xuất chính đã xảy ra nhiều bất cập đáng chú ý như cường hào cướp đất, người dân lấy ruộng công thành ruộng tư, sổ sách ghi chép mất dẫn đến việc đất đai không được xác thực,… (Trương Hữu Quýnh và cộng sự, 2006).

Sự kiện năm 1803, có thể đánh dấu lần đầu tiên Gia Long chứng kiến một nạn lụt lớn do vỡ đê Bắc Thành gây ra, mặc cho chính quyền triều đình Huế vấn tiếp tục cho sửa đê, đắp đê mới. Riêng trong thời Gia Long, nhà nước đã nhiều lần cấp kinh phí cho địa phương làm việc này. Dưới thời Minh Mạng, ông cũng cho hiếu dụ các quan lại kiến nghị về phương pháp trị thủy, thế nào cho nước lớn có thể chảy đúng dòng, đê thì được giữ vững. Tuy chăm lo cho đời sống nông nghiệp của người dân, nhưng thiên tai lũ lụt vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 1802 – 1858 cả nước phải chịu 88 lần mưa bão lụt lội lớn, trong đó có 16 lần vỡ đê. Các năm 1803, 1804, 1806. 1819, 1828, 1833, 1840, 1842, 1844, 1847, 1866, 1857 hầu như cả vùng đồng bằng Bắc Kì bị ngập lụt, theo đó là mất mùa, đói kém. Công cuộc trị thủy và thủy lợi được tiếp tục trong những năm sau, dưới thời Tự Đức, nhưng nói chung kết quả không có gì khả quan. Trong một thời gian dài, các bản điều trần mà triều đình nhận được sau các cuộc trưng cầu ý kiến của người dân và đại diện các phủ/trấn được đóng thành những tập như Đê chính tập, Đê chính tân luận,…Tuy vậy, những bất đồng quan điểm đã diễn ra ở phạm vi cả TW và địa phương, vì thế chính quyền Huế vẫn giữ đê như cũ. Kết quả là đê vẫn vỡ như ở thời kỳ trước. Dưới thời Tự Đức, chỉ tính riêng hai huyện là Văn Giang và Tiên Lữ thuộc phủ Khoái Châu phải gặp cảnh đê vỡ trong liên tiếp 18 năm, khiến cho nơi đây luôn trong tình trạng ngập lụt, người dân phải bỏ quê hương để đến nơi khác, ruộng đất thì bỏ hoang, cướp bóc địa hào ở những vùng này cũng tăng lên về số lượng (Nguyễn Thế Anh, 1971).

Ruộng đất thời kỳ này ở mỗi làng cơ bản được chia làm 2 loại bao gồm: công điền-công thổ  và tư điền. Công điền (ruộng làng), công thổ (đất thổ trạch, đất chiếm bởi nhà cửa, đất trồng trọt những loại cây khác lúa) thường do chính quyền trung ương giao cho xã thôn quản lý, là của công, không được bán đi, trừ khi gặp nạn hay tai họa thì mới được dùng để cầm trong hạn 3 năm, hết thời hạn phải lấy lại. Tư điền, tư thổ là đất đai của tư nhân, do họ tự trồng cấy và nộp thuế. Loại này có thể truyền từ đời này sang đời khác, cầm cố hoặc mua bán. Trong trường hợp vua muốn trưng dụng, thường sẽ có khoảng phí để bồi thường. Năm 1809, Gia Long ban hành quy định nêu rõ nếu chủ đất có văn khế thì chiếu theo giá mà trả nửa tiền, còn nếu không có thì trả 50 quan. Đến thời Minh Mệnh lại sửa đổi theo hướng công bằng hơn, việc trưng dụng bao nhiêu sẽ phải trả lại bấy nhiêu, trích tiền công để trả cho chủ đất (Nguyễn Thế Anh, 1971). Về mặt thuế khóa, ruộng đất bao gồm 3 hạng: nhất đẳng tiền, đóng mỗi mẫu bằng 20 thăng thóc; nhị đẳng tiền đóng mỗi mẫu bằng 15 thăng thóc; tam đẳng tiền đóng mỗi mẫu bằng 10 thăng thó. Ngoài ra, ruộng mùa thì mỗi mẫu đóng 1 thăng thóc (Phan Xuân Hòa, 1952). Năm 1836, Nam Kỳ đo đạc ruộng đất xem như hoàn thành, có khoảng 630.075 mẫu và chính quyền TW tiến hành định lại thuế thổ ở vùng này (Trần Trọng Kim, 2015).

Ngay khi lên ngôi, Gia Long đã ra lệnh cấm bán ruộng đất công cũng như ra quy định chặt chẽ trong việc muốn cầm cố công điền, công thổ để đảm bảo đất cày cho người dân. Đến năm 1844, Thiệu Trị tiếp tục nâng cao quy định này và đưa ra những điều kiện quan trọng hơn trong trường hợp cho thuê công điền lấy tiền tiêu việc chung của quốc gia. Để tăng thêm số ruộng đất, chính quyền Huế cũng thực hiện sung công ruộng đất bị bỏ hoang, ruộng mà chủ đất không cày cấy được. Vào năm 1803, Gia Long đã tiến hành cho đo đạc ruộng đất, lập địa bạ cho từng làng ở Bắc Hà và điều này được đánh giá khá cao khi việc ông làm có sự đầy đủ và chi tiết hơn so với các thời kỳ trước. Đến năm 1836, việc lập địa bạ ở Nam Kỳ được hoàn thành. Tuy vậy, ruộng đất tư hữu ở Nam Kỳ được cho là có số lượng nhiều hơn so với Bắc Kỳ; cùng năm 1836, tỉ lệ này vào khoảng 92,5%. Trong năm 1840, Bộ Hộ đã công bố số liệu về ruộng đất: Tống diện tích ruộng đất thực canh là 4.063.892 mẫu, trong đó tổng diện tích ruộng là 3.396.584 mẫu công tư, trong số ruộng này có 2.816.221 mẫu ruộng tư và 580.363 mẫu ruộng công (khoảng trên 17%) (Trương Hữu Quýnh và cộng sự, 2006). Với sự bất cập này, chính quyền trung ương đã chủ trương thu hồi ruộng tư để làm công điền. Đến thời Minh Mệnh, ông cho yêu cầu mỗi địa chủ phải giao 50% ruộng đất của mình để sung thành công điền. Thí điểm ở Bình Định, từ khoảng 70.000 mẫu tư điền và 6000-7000 mẫu công điền; đến tháng 7/1839, vùng này đã có khoảng 40.000 mẫu công điền (Nguyễn Quang Ngọc và cộng sự, 2007). Đạo dụ tháng 9 năm 1840 của Minh Mệnh ra yêu cầu cho giới địa chủ tự nguyện hiến 3/10 số tư điền của mình, nhưng chỉ có chủ đất ở vùng Gia Định hưởng ứng (Nguyễn Thế Anh, 1971).  Triều Nguyễn vẫn tiếp tục khủng hoảng trên con đường giải quyết vấn đề công điền và tư điền.

 Ngoài ra, dưới thời Gia Long, việc ban hành chính sách quân điền cũng được đề cập và ban hành; dựa vào đó, mọi người đều được chia ruộng công ở xã, trừ các quý tộc vương tôn được cấp 18 phần, quan lại nhất phẩm được cấp 15 phần, cứ tuần tự hạ mức cho đến dân nghèo được 3 phần. Không những thế, theo lệ, ruộng đất được chia trước cho các quan chức có phẩm hàm, sau đến lính và cuối cũng mới đến xã dân (Trương Hữu Quýnh và cộng sự, 2006). Một số ý kiến cho rằng việc đưa ra chính sách quân điền thực sự không đạt được nhiều thành công trong việc điều hòa vấn đề ruộng đất và lý giải cho điều này họ đưa ra ý kiến rằng làng nào làm theo tục lệ làng ấy, dân nghèo vẫn không có ruộng đất và điều này chẳng khác nào “phép vua thua lệ làng”.

Một cách thức tiếp theo trong việc củng cố và phát triển nông nghiệp là vào năm 1828, theo đề xuất của Tham tán quân vụ Bắc Thành Nguyễn Công Trứ, một hình thức khai hoang mới ra đời là doanh điền: Đây là một hình thức kết hợp giữa nhà nước và nhân dân trong khai hoang, theo đó dưới sự chỉ đạo của một quan chức nhà nước và có sự góp vốn ban đầu của nhà nước, nhân dân cùng nhau khai hoang. Ruộng đất sau khi khai hoang sẽ được phân phối cho những người có công tùy theo thời điểm cho phép (Trương Hữu Quýnh và cộng sự, 2006). Đồng thời ở đây xuất hiện hai hình thức tư điền thế nghiệp và tư điền quân cấp. Hình thức doanh điền được mở rộng ra các tỉnh phía nam, diện tích ruộng đất tăng thêm đáng kể. Ngoài ra, triều Nguyễn còn khuyến khích nhân dân tự động tổ chức khai hoang theo nhiều phương thức khác nhau, kết hợp với việc tích cực phục hóa. Với sự áp dụng nhanh chóng của hình thức này,  chỉ tính riêng gần 30 năm trị vì của Minh Mệnh và Thiệu Trị, diện tích canh tác đã tăng thêm khoảng 1.174.961 mẫu (Nguyễn Quang Ngọc và cộng sự, 2007).

Đơn vị Số đinh Tiền mua trâu bò Tiền mua nông cụ Tiền làm nhà Tổng cộng
50 người 300 quan 40 quan 100 quan 440 quan
Ấp 30 người 180 quan 24 quan 60 quan 264 quan
Trại 15 người 90 quan 12 quan 30 quan 132 quan
Giáp 10 người 60 quan 8 quan 20 quan 88 quan

(Phan Ngọc Liên và cộng sự, 2005)

Năm 1804, Gia Long cũng tiến hành định ra thuế đối với cả công điền và tư điền, khái quát như sau (Nguyễn Thế Anh, 1971):

Phủ/Trấn Công điền Tư điền
Quảng Bình, Triệu Phong, Điện Bàn, Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Hòa, Diên Khánh Hạng nhất: 40 thăng thóc và 3 tiền

Hạng nhì: 30 thăng thóc và 3 tiền

Hạng ba: 20 thăng thóc và 3 tiền

Giống
Nghệ An, Thanh Hoa, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam thượng hạ, phủ Phụng Thiên Hạng nhất: 120 bát đồng quan

Hạng nhì: 81 bát đồng quan

Hạng ba: 50 bát đồng quan

Hạng nhất: 40 bát đồng quan

Hạng nhì: 30 bát đồng quan

Hạng ba: 20 bát đồng quan

Yên Quảng, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng Hạng nhất: Không

Hạng nhì: 42 bát đồng quan

Hạng ba: 25 bát đồng quan

Hạng nhất: 20 bát đồng quan

Hạng nhì: 15 bát đồng quan

Hạng ba: 10 bát đồng quan

Từ Bình Thuận đến Gia Định và các đạo Long Xuyên, Kiên Giang Theo lệ 1801 Theo lệ 1801

Đến đời Minh Mệnh, năm 1836 ông định lại thuế ruộng đất, đồng thời phân chia cả nước ra làm 3 khu vực để thu thuế ruộng đất (Nguyễn Thế Anh, 1971):

– Khu vực I: từ Quảng Bình đến Khánh Hòa

Đẳng hạng Công điền mỗi mẫu Tư điền mỗi mẫu
Hạng nhất 40 thăng thóc 40 thăng thóc
Hạng nhì 30 thăng thóc 30 thăng thóc
Hạng ba 20 thăng thóc 20 thăng thóc

– Khu vực II: từ Nghệ An ra Bắc

Đẳng hạng Công điền mỗi mẫu Tư điền mỗi mẫu
Hạng nhất 80 thăng thóc 26 thăng thóc
Hạng nhì 56 thăng thóc 20 thăng thóc
Hạng ba 33 thăng thóc 13 thăng thóc

– Khu vực III: gồm Bình Thuận và lục tỉnh Nam Kỳ

Đẳng hạng Công điền mỗi mẫu Tư điền mỗi mẫu
Ruộng cỏ 26 thăng thóc 26 thăng thóc
Ruộng núi 23 thăng thóc 23 thăng thóc

Ngoài ra, thuế ruộng đất cũng được cho là có thể nộp bằng tiền thay thóc lúa khi gặp những trường hợp như quá trình vận chuyển khó khăn, thời gian dài hoặc mất mùa, không đủ thóc lúa,…

Dưới sự trị vì của mình, các đời chính quyền Huế hầu như đều chú trọng và quan tâm đến nông nghiệp. Đưa ra nhiều chính sách, đặt ra nhiều quy định để phát triển ngành nghề này. Tuy vậy, lối mòn về chính sách cố gắng bảo vệ công điền, ban hành quân điền chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của quốc gia, mà dường như đang tạo nên một bệ đỡ vững chắc cho việc xây dựng một chính quyền quân chủ trung ương tập quyền.

Đối với thủ công nghiệp, triều Nguyễn cũng thực hiện khuyến khích. Cùng với sự phát triển của các ngành nghề thủ công truyền thống, họ cũng tiến hành xây dựng các quan xưởng (1803 Gia Long cho mở xưởng đúc tiền ở Bắc Thành). Ngành đóng thuyền cũng được chú trọng phát triển, nhất là sự kiện năm 1839 khi Đốc công Hoàng Văn Lịch và Vũ Huy Trinh đã cho ra một chiếc tàu hơi nước đầu tiên được đóng thành công ở Đại Nam. Nhưng sau đó vì tốn kém, mà ngành nghề này cũng được hạn chế ở mức tối thiểu.

Một trong những hoạt động kinh tế có ý nghĩa trong giai đoạn này là khai khoáng. Phần lớn số mỏ được giao cho các thương nhân (chủ yếu là Hoa kiều ), các tù trưởng miền núi lĩnh trưng , hằng năm nộp thuế cho nhà nước . Đối với một số mỏ quan trọng, nhà Nguyễn tổ chức trực tiếp khai thác. Đến nửa đầu thế kỷ 19, triều đình đã quản lý 139 mỏ, và năm 1833 có 3.122 nhân công trong các mỏ Nhà nước.

Dưới đây là số mỏ ở Việt Nam trong tiền bán thế kỷ XIX (Phan Huy Lê, 1953)

Vàng Bạc Đồng Thiếc Sắt Kẽm Chì Gang Diêm tiêu Lưu hoàng Châu sa CỘNG
Quảng Nam 1 1 1 3
Nghệ An 1 1
Thanh Hóa 1 1 2
Sơn Tây 2 3 2 7
Bắc Ninh 1 4 5 10
Hải Dương 1 1
Thái Nguyên 6 10 12 5 3 1 38
Tuyên Quang 8 1 2 1 2 1 5 1 1 21
Cao Bằng 4 4 8
Lạng Sơn 9 5 2 16
Hưng Hóa 4 2 5 5 1 17
Toàn quốc 31 14 9 1 29 7 4 3 20 2 1 124

Dưới đây là bảng số liệu về thuế mỏ của triều Nguyễn (Nguyễn Thế Anh, 1971), lạng viết tắt là l, cân là c, lạng bạc là lb:

1810 1816 1821 1826 1831 1836 1841 1846 1850
Vàng 54 l 60 56 61 1 66 168 154 129
Bạc 1.640 l 1.570 1.460 1.280 1.030 850 940 1.210 1.130
Đồng 900 l 14.600 14.600 14.000 13.700 13.700 13.300 13.900 13.300
Sắt 104.100 c 107.100 107.100 105.600 81.080 22.080 27.280 44.780 47.180
Kẽm 3.600 c 4.320 720 0 0 0 0 0 0
Chì 2.300 c 2.300 1.800 1.800 2.400 2.400 2.400 2.400 2.400
Thiếc 100 c 100 100 100 100 100 100 100 100
Gang 1.500 c 300 300 300 300 300 300 300 0
Diêm tiêu 1.900 c 1.600 1.350 1.000 650 250 250 250 250
Lưu hoàng 300 c 200 200 200 200 0 0 0 0
Châu Sa 50 lb 50 50 50 0 0 0 0 0

Chính quyền Huế cũng cho tiến hành đúc tiền vàng, bạc. Năm 1833, 1837 Minh Mệnh tiến hành định giá các loại kim tiền và ngàn tiền như sau:

Phi long kim tiền hạng lớn, mỗi đồng nặng trên dưới 7 đồng cân, trị giá 60 quan

Phi long kim tiền hạng nhỏ, mỗi đồng nặng trên dưới 3 đồng cân, trị giá 30 quan

Phi long ngân tiền hạng lớn, mỗi đồng nặng trên dưới 7 đồng cân, trị giá 2 quan

Phi long ngân tiền hạng nhỏ, mỗi đồng nặng trên dưới 3 đồng cân, trị giá 1 quan

Long văn kim tiền, mỗi đồng nặng: 5 đồng cân, trị giá 43 quan; 1 đồng cân, trị giá 34 quan; 3 đồng cân, trị giá 26 quan.

Long văn ngân tiền, mỗi đồng nặng: 1 lạng, trị giá 3 quan; 7 đồng cân, trị giá 2 quan; 5 đồng cân, trị giá 1 quan 5 tiền; 3 đồng cân, trị giá 1 quan

Nhật nguyệt tinh văn kim tiền, mỗi đồng nặng 1 đồng cân, trị giá 9 quan

Cát tường ngũ bát bảo kim tiền, mỗi đồng nặng 1 đông 5 cân, trị giá 15 quan

Thời kỳ này cũng đánh dấu sự phát triển của nội thương so với thời kỳ chia cắt trước đó. Trong nước đã có những luồn mậu dịch tương đối mạnh, cho phép trao đổi hành hóa và thổ sản giữa các địa phương với nhau. Nhờ đó, các sản phẩm của nhiều vùng miền khác nhau đã được giao lưu trong quá trình đó hoặc như gạo vùng Nam Kỳ thừa đã được gửi đến các tỉnh phía Bắc và miền Trung khi họ gặp khó khăn. Đối với ngoại thương hay mậu dịch quốc tế có sự phát triển nhỉnh hơn trong thế kỷ XIX. Mọi sự buôn bán với ngoại quốc được kiểm tra chặt chẽ với hai cơ quan của triều đình Huế là Ty Hành nhân (lường xét giá hàng hóa ngoại thương cùng cân lường các hàng hóa xuất nhập cảnh) và Ty Tào chính (kiểm soát thời hạn và hành trình vận tải đường thủy, đảm bảo các ngạch thuế thuyền bè). Ở Đà Nẵng còn có cơ quan nha Thương bạc để thực hiện các sự mậu dịch của chính phủ với thương gia ngoại quốc, trong đó chủ yếu là người Phương Tây. Sự buôn bán với các quốc gia trong khu vực vẫn được đảm bảo thực hiện dưới các đời vua Nguyễn, duy chỉ có giao thương với Phương Tây và đặc biệt là người Pháp được hạn chế từ thời Minh Mệnh.

Hai nhân tố được xem đã giúp cho thương nghiệp nói chung và nội thương nói riêng có bước phát triển trong thế kỷ XIX là (1) quy định các đơn vị đo lường trong cả nước: đơn vị chiều dài là thước, bằng 22 lần đường kính một đồng tiên; đơn vị trọng lượng là tạ, bằng trọng lượng của 42 quan tiền; đơn vị đo dung tích là hộc, dùng để đong thóc trong các kỳ thu thuế và (2) các sự cải cách tiền tệ.

Năm 1839, quy định về thuế thuyền buôn ở Nam Kỳ như nhau:

– Thuyền chở hàng hóa đi lục tỉnh Nam Kỳ

4 thước trở lên, tiền thuế 1,5 quan

5 thước trở lên, tiền thuế 3 quan

6 thước trở lên, tiền thuế 5 quan

7 thước trở lên, tiền thuế 7 quan

8 thước trở lên, tiền thuế 9 quan

9 thước trở lên, tiền thuế 11 quan

Trở lên cứ mỗi thước thêm 2 quan

– Thuyền ở lục tỉnh Nam Kỳ đi buôn ở Trấn Tây

4 thước trở xuống, tiền thuế 2,1 quan

5 thước trở lên, tiền thuế 6 quan

6 thước trở lên, tiền thuế 10 quan

7 thước trở lên, tiền thuế 14 quan

8 thước trở lên, tiền thuế 18 quan

9 thước trở lên, tiền thuế 22 quan

10 thước trở lên, tiền thuế 26 quan

– Thuyền ở Ba Xuyên đi buôn ở Trấn Tây

4 thước trở lên, tiền thuế 2 quan

5 thước trở lên, tiền thuế 4 quan

6 thước trở lên, tiền thuế 6,6 quan

7 thước trở lên, tiền thuế 9,3 quan

8 thước trở lên, tiền thuế 12 quan

9 thước trở lên, tiền thuế 14,6 quan

Thương thuyền đến hải cảng của Đại Nam cũng gặp hai loại thuế mà họ phải chi trả bao gồm: (1) thuế nhập cảng và (2) thuế hóa hạng (đánh lên các loại hàng nhập cảng và xuất cảng)

– Thuế nhập cảng: khi thuyền buôn đến cảng Đại Nam, cần phải nộp loại thuế này đầu tiên.

Năm 1789, lệ thuế cảng được áp dụng với một số thuyền buôn Trung Quốc được phân loại theo nơi xuất hành, như sau:

Thuyền Hải Nam, tiền thuế 650 quan

Thuyền Triều Châu, tiền thuế 1200 quan

Thuyền Quảng Đông, tiền thuế 3300 quan

Thuyền Phúc Kiến, tiền thuế 2400 quan

Thuyền Thượng Hải, tiền thuế 3300  quan

Sau đó, Gia Long cho tiến hành thay đổi cách tính thuế được tính bằng thước tấc chiều ngang của các thương thuyền.Theo đó, thuế lệ phân biệt các thuyền đến Huế hay Đà Nẵng hoặc đến Sài Gòn, một hải cảng khác:

Thuyền ngoại quốc đến Huế hay Đà Nẵng, chiều ngang từ 14-25 thước thì thuế và lễ mỗi thước 96 quan, mỗi tấc 9 quan 6 tiền; thuyền có chiều ngang từ 14 thước trở xuống, thuế thước là 60 quan

Thuyền ngoại quốc đến Sài Gòn hay một hải cảng bất kỳ có chiều ngang từ 14-25 thước thì thuế cảng và lẽ mỗi thước 160 quan; thuyền có chiều ngang từ 14 thước trở xuống, thuế cảng và lẽ mỗi thước 100 quan

Đến thời Minh Mệnh và Thiệu Trị, thuế biểu có sự thay đổi khi tàu thuyền Tây Dương đến Quảng Nam mỗi thước bề ngang đánh thuế 112 quan, thuyền Phúc Kiến mỗi thước chiều ngang chịu 63 quan, thuyền Triều Châu là 99 quan, thuyền Quảng Châu là 81 quan. Năm 1834, Minh Mệnh phân biệt thành nhiều ngạch thuế về thuyền buôn như:

Lục tỉnh Nam Kỳ, tàu thuyền ngoại quốc đến buôn bán, thoe lệ thành Gia Định cũ, đánh thuế toàn ngạch

Bình Thuận-Quảng Nam, Quảng Trị-Ninh Bình, theo lệ Nam Kỳ, giảm 1/10 số thuế

Nam Định, Hà Nội, các tỉnh ngoài ở Bắc Kỳ, đánh thuế toàn ngạch như Nam Kỳ

Huế, giảm 4/19 so với Nam Kỳ

– Thuế hóa hạng: đường cát nhiều khi được miễn thuế, thổ sản như ngà voi, sừng tè, đậu khấu, sa nhân, quê, tiêu, gỗ mun, gỗ trắc trả thuế xuất cảnh 5% giá hàng; các loại ván gỗ đóng thuyền, cột buồm, muốn mua phải đóng thuế 10%. Cấm bán trầm hương, kỳ nam, vàng bạc, tiền đồng…

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Thế Anh (1971), Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, NXB Lửa Thiêng, Sài Gòn.

Phan Xuân Hòa (1952), Lịch sử Việt Nam (quyển III), NXB Vĩnh Thịnh, Hà Nội.

Trần Trọng Kim (2015), Việt Nam sử lược, NXB Văn học, Hà Nội.

Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Nguyễn Ngọc Cơ (2005), Lịch sử nhà Nguyễn: Một cách tiếp cận mới, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội

Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), Vũ Minh Giang, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Đình Lê, Trương Thị Tiến, Phạm Xanh (2007), Tiến trình lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.

Hữu Trương Quýnh (Chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh (2006), Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 1), NXB Giaó dục, Hà Nội.