Vì sao cơ thể bị sốt

Hiện nay đang là mùa hè nắng nóng, cũng là thời điểm mà nhiều dịch bệnh bùng phát. Sốt là một triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh, đặc biệt là sốt do nhiễm vi rút đang bùng lên thành dịch tại nhiều địa phương từ vùng nông thôn đến thành phố. Việc nắm được một số kiến thức cơ bản về sốt là rất cần thiết để mọi người tự tin hơn trong chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.


Thân nhiệt của người bị sốt:

Sốt là một triệu chứng phổ biến trên lâm sàng. Gọi là sốt khi thân nhiệt trên 37,5 độ C nếu cặp ở miệng hoặc nhiệt độ đo ở hậu môn trên 38 độ C.
Thông thường, nhiệt độ cơ thể của người thay đổi khi vận động nhiều như chạy, nhảy hoặc trẻ em lúc đùa nghịch. Đặc biệt, trẻ em rất hay bị sốt nhưng không phải tất cả sốt đều nguy hiểm.
Ngoài ra, sốt không phải là bệnh. Đó là triệu chứng của nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do vi rút, hoặc nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, sốt cũng có thể do dị ứng với thuốc, ở trẻ em còn có thể sốt do mọc răng hay sau chích ngừa vaccine…

Khi bị sốt, có thể gặp các triệu chứng sau:

- Rét run, gai lạnh.
- Khát nước.
- Da đỏ, nóng, ẩm.
- Rối loạn ý thức như mất định hướng, mê sảng.
- Co giật
Khi bệnh nhân bị sốt có thể điều trị tại nhà nếu:

Khi người bệnh sốt dưới hoặc bằng 39 độ C, ở trẻ em thì vẫn ăn và chơi bình thường, trong khoảng thời gian 2 ngày đầu, có thể điều trị cho người bệnh tại nhà bằng phương pháp vật lý như: Cho bệnh nhân ở nơi thoáng mát, có thể trong nhiệt độ điều hoà từ 25 đến 28 độ, mặc quần áo thoáng, thấm mồ hôi, uống nhiều nước, lau người, hoặc tắm bằng nước ấm…

Dùng thuốc hạ sốt khi người bệnh sốt >= 39 độ C. Thuốc thường được sử dụng an toàn là Paracetamol liều 10 đến 15 mg/ kg/ lần, có thể dùng lần tiếp theo sau 4 đến 6 giờ.

Khi nào cần đưa người bệnh bị sốt đến bệnh viện

Cần đưa người bệnh đến bệnh viện khi:

- Bệnh nhân sốt cao > 39 độ C không giảm được nhiệt độ khi điều trị bằng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý phối hợp.
- Hoặc sốt rất cao >= 41 độ C.
- Ở trẻ em cần đặc biệt chú ý khi có các dấu hiệu bất thường như: bỏ bú, quấy khóc nhiều, không chơi, sốt li bì, co giật, sảng, thở nhanh, thở khó, tiêu chảy, phân có nhày máu….
- Bệnh nhân sốt trên 2 ngày.

Cách xử trí khi người bệnh bị sốt

Khi bệnh nhân đang lên cơn sốt:
- Để người bệnh nằm ở nơi thông thoáng khí, không có gió lùa và hạn chế nhiều người vây quanh.
- Cặp nhiệt độ: Có thể đặt nhiệt kế ở dưới nách hoặc ở hậu môn của bệnh nhân. Nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút, cánh tay của bệnh nhân áp sát vào ngực.
- Nếu thân nhiệt của người bệnh không quá 39 độ C: Bệnh nhân cần được cởi quần áo ấm, mặc thoáng mát, không đắp chăn. Đặc biệt, theo dõi nhiệt độ của người bệnh thường xuyên, cứ khoảng 1-2 giờ đo 1 lần.
Chườm mát để hạ sốt bằng cách: lau người, hoặc tắm cho người bệnh bằng nước ấm. Dùng khăn bông mềm, sạch, nhúng vào chậu nước ấm, vắt hơi ráo rồi lau lên khắp thân mình, nhất là các vị trí như nách, bẹn, chờ bốc hơi thì lau tiếp cho tới khi thân nhiệt hạ xuống dưới 38 độ C, mặc lại quần áo cho người bệnh. Cần phải theo dõi nếu thân nhiệt lại tăng thì lại chườm tiếp.
- Nếu thân nhiệt bệnh nhân từ 39 độ C trở lên: Cần uống thuốc hạ sốt paracetamol theo đúng liều lượng, cân nặng và khoảng cách giữ hai lần uống thuốc ghi trong hướng dẫn sử dụng. Nếu bệnh nhân buồn nôn không uống được thuốc thì có thể dùng viên đạn nhét hậu môn.
- Cho người bệnh uống nhiều nước, nếu ở trẻ còn bú thì cho bú nhiều hơn. Bù nước và điện giải cho bệnh nhân bằng Oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng.
- Cho bệnh nhân ăn uống bình thường bằng các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp,… uống thêm các loại nước hoa quả như cam, chanh,…

BS CKII. Nguyễn Thị Hải Yến
Khoa Quốc tế - Bệnh viện TƯQĐ 108

Chia sẻ

Sốt là một trường hợp tăng thân nhiệt, do nhiều nguyên nhân mà ra và có những căn nguyên nếu không được phát hiện kịp thời để xử trí thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe. Vậy có hiện tượng sốt 37 độ không?

1. Nhiệt độ của cơ thể - những vấn đề cần lưu ý

Cơ thể của mỗi người đều có khả năng tự điều hòa thân nhiệt theo môi trường sống, thời gian trong ngày và hoạt động của cá nhân. Trong đó, tuổi càng cao thì thân nhiệt càng thấp. Nhiệt độ trung tâm của con người là nhiệt độ ở các phần sâu bên trong cơ thể như não, gan, tạng,… thường ở khoảng 36.5 - 37.1 độ C.

1.1. Các yếu tố tác động tới nhiệt độ cơ thể

- Tuổi tác: người càng lớn tuổi thì nhiệt độ cơ thể càng thấp hơn so với người trẻ.

- Giới tính: giữa kỳ kinh, thân nhiệt của nữ giới thường tăng lên khoảng 0.3 - 0.5 độ C, giai đoạn cuối thời kỳ thai nghén thân nhiệt tăng 0.5 - 0.8 độ C.

Vận động cơ nhiều là một trong những lí do khiến thân nhiệt tăng

- Vận động cơ càng tăng thì thân nhiệt càng lên.

- Nhiệt độ cơ thể tăng hoặc giảm theo tỷ lệ thuận với môi trường nóng hoặc lạnh.

- Bệnh lý: thân nhiệt tăng với bệnh lý nhiễm khuẩn và giảm ở những bệnh lý đang trong giai đoạn cấp tính.

1.2. Hiện tượng rối loạn nhiệt độ

- Nhiệt độ giảm

Khi cơ thể mất nhiều nhiệt dẫn tới tình trạng rối loạn thải nhiệt và sinh nhiệt thì nhiệt độ sẽ giảm xuống.

- Nhiệt độ tăng

Khi cơ thể có sự tích lũy nhiệt và hạn chế sự thải nhiệt hoặc tăng sinh nhiệt sẽ sinh ra tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng. Một số ít trường hợp tăng nhiệt độ là do sự phối hợp của cả 2 yếu tố này.

1.3. Nhiệt độ bất thường

Quan niệm chung của hầu hết chúng ta đều cho rằng nhiệt độ bình thường của cơ thể là 37 độ C. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đúng hoàn toàn vì không phải lúc nào cơ thể cũng duy trì ở mức nhiệt độ ấy mà nó sẽ giao động trên dưới khoảng này một chút. Điều này cũng có nghĩa là nhiệt độ thân nhiệt ở mức 37 độ C không được xem là sốt.

Nhiệt độ cơ thể được xem là bất thường trong những trường hợp sau:

- Đối với người lớn:

+ Đo nhiệt độ trong miệng trên 37.5 độ C.

+ Đo nhiệt độ trong tai trên 38.1 độ C.

+ Đo nhiệt độ trong hậu môn trên 37.6 độ C.

- Đối với trẻ em:

+ Đo nhiệt độ ở hậu môn trên 38 độ C.

+ Đo nhiệt độ trong tai trên 38 độ C.

2. Có hay không hiện tượng sốt 37 độ?

2.1. Nguyên nhân gây sốt là gì?

- Nhiễm trùng

Khi nhiễm trùng ảnh hưởng đến cơ thể sẽ sinh ra hiện tượng sốt.

- Thuốc

Một số loại thuốc làm nhiệt độ cơ thể tăng và gây ra sốt như: thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin, opioids,...

- Vấn đề khác: ung thư, cường giáp, viêm khớp, chấn thương, đột quỵ, tăng thân nhiệt, đau tim,...

2.2. Có hiện tượng sốt 37 độ không?

Sốt là trạng thái thân nhiệt tăng do rối loạn trung tâm điều hòa thân nhiệt bởi sự tác động của những yếu tố gây hại. Khi nhiệt độ cơ thể tăng trên 37.8 độ C (đo ở trực tràng) thì có thể gọi là sốt. Như vậy, không có hiện tượng sốt 37 độ.

Không có hiện tượng sốt 37 độ vì đây là nhiệt độ bình thường của cơ thể

Đối với người lớn, khi nhiệt độ đo được ở trực tràng hoặc tai là 38.1 độ C; nhiệt độ đo được ở miệng hoặc nách là 37.6 độ thì được xem là sốt. Đối với trẻ em, nếu đo nhiệt độ ở trực tràng từ 38 độ C trở lên hoặc đo nhiệt độ ở nách là 37.6 độ C trở lên thì có nghĩa là sốt.

Tuy nhiên, sốt trong những trường hợp sau thì cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay:

- Đối với trẻ em

+ Trẻ 3 - 6 tháng tuổi: có biểu hiện cáu gắt bất thường, bỏ bú kèm theo sốt trên 38.5 độ C.

+ Trẻ 6 - 24 tháng tuổi: sốt trên 38.5 độ C mà không có dấu hiệu hạ sốt dù đã dùng thuốc hạ sốt.

+ Trẻ 2 - 4 tuổi: cáu gắt, khó chịu, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, nhiệt độ trên 38.5 độ C.

+ Trẻ trên 4 tuổi: nhiệt độ lên quá 38.9 độ C kèm theo khó chịu, cơn sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc dùng thuốc hạ sốt nhưng không đáp ứng.

- Đối với người lớn

Sốt liên tục trên 39 độ C hoặc trong 3 ngày liên tục sốt không hạ và không có dấu hiệu đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Riêng với trẻ em, cần lưu ý rằng thân nhiệt của trẻ luôn cao hơn so với người lớn khoảng 0.5 độ C nên mức nhiệt độ bình thường của trẻ thường dao động trong khoảng 37 - 37.5 độ C. Nhiều người vẫn cho rằng sốt 37 độ là hiện tượng xảy ra ở trẻ em nhưng đây là quan niệm sai lầm. Khung nhiệt độ này với trẻ vẫn là hoàn toàn bình thường.

Sốt cũng có nhiều mức độ, cần phải xem khung nhiệt độ của trẻ như thế nào để xử trí cho phù hợp chứ không thể tùy tiện dùng thuốc hạ sốt trong mọi trường hợp, như vậy dễ gây ngộ độc thuốc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể: 37.5 - 38.5 độ C với trẻ là sốt nhẹ; 38.5 - 39 độ C với trẻ là sốt vừa; 39 - 40 độ C với trẻ được xem là sốt cao; trên 40 độ C với trẻ là sốt rất cao.

2.3. Lưu ý biến chứng do sốt cao

Sốt cao kéo dài nếu không được xử lý đúng đắn và kịp thời có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến một loạt biến chứng nguy hại cho sức khỏe, điển hình như:

Sốt cao kéo dài có thể khiến tim đập nhanh gây nguy hại cho sức khỏe

- Mất điện giải.

- Co giật.

- Tăng huyết áp, tim đập nhanh, hệ tuần hoàn có sự rối loạn.

- Giảm thể tích máu gây khó khăn cho hoạt động của hệ tuần hoàn.

- Tế bào tăng tiêu thụ oxy.

- Rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện: táo báo, chậm nhu động ruột, biếng ăn,...

- Tâm thần thay đổi với biểu hiện: suy luận kém, nói linh tinh, mê sảng,...

- Tổn thương não gây viêm não, xuất huyết não,...

- Giảm hồng cầu.

- Suy yếu cơ chế miễn dịch của cơ thể.

Bởi vậy, nhận thức được đúng mức độ sốt là vô cùng quan trọng. Nếu thấy sốt kèm theo những hiện tượng như đã nói đến ở trên, tốt nhất bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để nói cho bác sĩ biết những bất thường đang xảy ra, nhờ đó mà bác sĩ mới có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị hiệu quả nhất.

Mong rằng với những chia sẻ này bạn đọc đã giải tỏa được băn khoăn về hiện tượng sốt 37 độ và biết sốt như thế nào là nguy hiểm để có biện pháp kịp thời ngăn chặn hệ lụy xấu cho sức khỏe của mình. Nếu còn thắc mắc nào khác hay cần tư vấn thêm, các bạn có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56, chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng giải đáp cặn kẽ.

Video liên quan

Chủ đề