Vì sao lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới

Nhờ có trong tay những tài liệu mới được giải mật, nhất là từ những văn khố của khối Cộng Sản, như Liên Xô, Lê Công Tâm, luật sư và cũng là người viết sử quyết mang ra ánh sáng đầu mối, cũng như những dàn xếp bất nhân của các cường quốc trên số phận tổ quốc Việt Nam.

Nói cách khác, tại sao đất nước Việt Nam lại bị vĩ tuyến 17 chia đôi, phân cách mà không phải là một vĩ tuyến khác? Thí dụ 15 hay 18?

Nơi trang 665 của bộ sách có tên “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam” – Chương XIII: Từ Điện Biên Phủ tới Geneva 1953-1954, căn cứ vào tài liệu “Problemy Dalnego Vostoka, 1990, # 3, trang 23. I Ognettov, Ibid, trang 165,” được họ Lê ghi lại rằng:

“Bộ Chính Trị Trung Cộng thông báo cho Phạm Văn Đồng về kết quả hội nghị tại Liễu Châu trong huấn thị mang tên ‘Tài liệu ngày 5 tháng 7’ đòi hỏi lần ranh ở vĩ tuyến 16, nhưng chắc chắn Pháp sẽ không đồng ý. Vì quốc lộ 9 là con đường duy nhất của Lào đi ra biển. Trong hồi ký của Khruschev thì ghi rằng:

Trong phiên họp đầu tiên của hội nghị, người cầm đầu phái đoàn Pháp là Mendes-France, đề nghị đường ranh là vĩ tuyến 17. Phải nói, khi nhận được tin này chúng tôi gần như mắc nghẹn vì mừng rỡ, chúng tôi đã không mong đợi điều này xảy ra. Vĩ tuyến 17 thật là ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Thực ra các đại biểu của chúng tôi đã được chỉ thị phải đòi vĩ tuyến 15, nhưng thật sự thì chúng tôi chỉ giả vờ quyết tâm thương thuyết một cách cứng rắn. Sau đó, chúng tôi đã chấp nhận đề nghị của Mendes-France, chọn vĩ tuyến 17 làm đường ranh chia đôi Việt Nam.”

Dõi theo tài liệu của Luật Sư Lê Công Tâm, người đọc được biết, Hồ Chí Minh hiểu rằng, nếu không có sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Cộng, ông ta đã không đánh bại được Pháp và đạt được vị trí hiện tại. Ngoài ra, ông ta cũng tin vào việc toàn bộ Việt Nam sẽ rơi vào tay Trung Cộng hai năm sau đó, như Chu Ân Lại và Molotov đã tin tưởng.

Vẫn theo họ Lê thì, họ Hồ cũng gặp may mắn khi Churchill, của Anh Quốc, không đồng ý hợp tác với Mỹ can thiệp vào lòng chảo Điện Biên Phủ.

Mặt khác, điều ngạc nhiên và thất vọng đã đến với ba nước Cộng Sản đỡ đầu cho CSVN, là sự kiện Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã củng cố được quyền hành ở miền Nam, với sự trợ giúp của chính phủ Mỹ.

Khi bước vào chương thứ XIV, tựa đề “Xây dựng một miền Nam Tự Do,” nhà viết sử Lê Công Tâm cũng nhấn mạnh rằng:

“Hiệp định Geneva ngày 20 tháng 7-1954 tạm kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương và đưa Việt Nam vào một khúc quanh lịch sự quan trọng, thay đổi vận mạng hàng triệu người dân Việt Nam từ Nam chí Bắc trong nhiều thế hệ của lịch sử cận đại, trong đó có chúng ta và con cháu! Không một ai thoát khỏi định mệnh nghiệt ngã này.

Hiệp định kể trên đã tạo ra một miền Nam thật sự Dân Chủ, trong một thời gian thật ngắn ngủi, và thể chế này đã phản ảnh một thời kỳ cực thịnh về văn hóa, cũng như trình độ văn minh cả người Việt Nam. Những phương diện mà thế giới từ lâu không nhìn thấy hoặc tỏ ra coi thường!”

Vì vai trò của Trung Cộng đối với đảng CSVN rất quan trọng, nên Luật Sư Lê Công Tâm đã bỏ nhiều công sức sưu tầm tài liệu, để đánh giá rõ vai trò của Trung Cộng trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất, như sau:

-Một số sử gia cho rằng Pháp vấp phải nhiều lỗi lầm và ngu xuẩn do đó Việt Minh (CSVN) đã chiến thắng trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ Nhất. Theo sử gia Duiker, trong tác phẩm “Comunist Road to Power in VIệt Nam” thì, từ việc miễn cưỡng trao trả nền độc lập cho những nhóm chính trị ôn hòa không Cộng Sản bản địa, cho đến sự ngây thơ về bản chất của một nước xã hội từ truyền thống nông nghiệp đang chuyển mình thay đổi; và quan trọng thực tế hơn, chính phủ Pháp đã không cung cấp đầy đủ quân dụng thiết yếu cho các mặt trận chống lại CSVN.

-Trong khi theo các sử gia khác thì, Hồ Chí Minh được sự hậu thuẫn của người Việt Nam (quan điểm này được họ Lê trích dẫn từ Lorkhart, “Nation in Arms…”).

-Nhưng một số khác, khách quan hơn, nhờ có nghiên cứu thực địa thì, ưu thế của đảng CSVN là chính sách “khủng bố và tổ chức quy cũ.” Đại diện cho khuynh hướng này là sử gia Dunn, trong “First Việt Nam War.”

Bắc Kinh vì tham vọng riêng, đã ủng hộ cho Hồ Chí Minh một cách tận lực, như nhiều người biết tới từ lâu. Nhưng chúng ta lại không có dữ kiện, tài liệu nào cho thấy những bằng chứng rõ ràng được lưu trữ tại các văn khố Trung Cộng, cũng như văn khố của CSVN, hầu lịch sử được soi sáng rõ ràng hơn vai trò của Trung Cộng trong cuộc chiến thắng Pháp.

Vẫn theo họ Lê, tác giả bộ “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam” thì từ 1950 tới 1954, Trung Cộng đã gửi nhiều tướng lãnh tài giỏi đến Việt Nam làm cố vấn quân sự và chính trị. Họ huấn luyện kỹ thuật chiến đấu cũng như đường lối chính trị cho quân đội. Tái tổ chức cơ cấu hành chánh. Và ngay cả sách lược động viên hàng ngũ dân chúng. Các cố vấn quân sự Trung Cộng, trên thực tế đã đưa ra kế hoạch. Đồng thời chỉ huy trực tiếp các cuộc hành quân, chiến dịch, chuyển giao các kinh nghiệm về chiến lược và chiến thuật tác chiến của Trung Cộng cho Việt Nam.

Nhóm cố vấn quân sự của Trung Cộng (viết tắt là CMAG), đã chỉ huy thành công hầu hết những chiến dịch như các chiến dịch biên giới, Tây Bắc và Điện Biên Phủ của Việt Cộng.

Cụ thể, tài lãnh đạo chỉ huy của tướng Trung Cộng tên Chen Geng đã mang lại chiến thắng cho ông Hồ, đặc biệt là các cuộc hành quân biên giới năm 1950, trong khi quân Việt Minh vẫn còn là một nhóm quân ô hợp, thiếu tổ chức, không kinh nghiệm chỉ huy.

Tuy thế, nhóm cố vấn Trung Cộng cũng đã mắc phải một số sai lầm quan trọng, như đầu năm 1951, khi họ khuyến cáo ông Võ Nguyên Giáp mở cuộc tấn công một số căn cứ phòng thủ vững chắc của quân Pháp tại châu thổ sông Hồng, làm cho lực lượng CSVN ở giai đoạn này bị suy yếu đáng kể.

Ở giai đoạn đầu của trận chiến Điện Biên Phủ, cố vấn Trung Cộng cũng mắc phải sai lầm, khi muốn Việt Minh tấn công Điện Biên Phủ bằng chiến thuật biển người…

***

Trong phần trao đổi giữa Luật Sư Lê Công Tâm, tác giả bộ sách “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam,” với người viết bài giới thiệu này, ông cho biết, dù Việt Nam phải ký hay chấp nhận bao nhiêu hiệp ước thì, từ nhiều năm trước, Việt Nam vẫn không bị áp đặt một hiệp ước chia đôi lãnh thổ nào, bởi tham vọng, tính đoán của những cường quốc đại diện cho hai phe Tự Do và Cộng Sản.

Vẫn theo họ Lê, chính Hiệp Ước Geneva năm 1954 là tiền đề dẫn đến thảm nạn bỏ nước ra đi, vốn không hề có trong tập quán hay truyền thống của người Việt. Khi những thế lực cường quốc, bằng mọi cách, nhất quyết bức tử QLVNCH, một quân lực được công nhận là anh hùng, quả cảm.

Ông nói chính vì thế ông quyết định bỏ hết tâm huyết và công sức của mình, để hoàn tất bộ “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam;” không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ sau trẻ sau, hiểu rõ, ít nhất, thế hệ cha, ông họ phải bỏ nước ra đi, không phải vì lý do kinh tế…

***

Được biết, Luật Sư Lê Công Tâm sinh năm 1946. Thủy tổ của ông là Lê Công Triều, người gốc Nghệ An, làm quan đại thần triều Lê, sau theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp tại vùng đất Bình Định hiện nay.

Ông là chắt-ngoại của Tiền Quân Võ Văn Kiêm, Kim Long, An Ninh Hạ, dưới thời Vua Khải Định. Ông là cháu bên ngoại của hai ông Võ Như Nguyện, giám đốc Nha Cảnh Sát Trung Phần, và Võ Văn Hải, bí thư của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Ông tốt nghiệp trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, và tập sự Luật Sư tại văn phòng Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn Nguyễn Ngọc San. Sau đó ông đi du học tại New York, Hoa Kỳ, tốt nghiệp Cao Đẳng Quản Trị Kinh Doanh của trường đại học Long Island University, New York.

Năm 1974, ông về nước làm Chánh Văn Phòng cho Quỹ Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia (National Development Fund). Trong lãnh vực giáo dục ông làm phó viện trưởng Viện Đại Học Cộng Đồng Regina Pacis cho đến Tháng Tư, 1975.

Trở lại Hoa Kỳ, gia đình ông sinh sống tại Los Angeles, California. Ông là một doanh nhân thành công trong việc cung ứng thực phẩm dinh dưỡng cho Chương Trình Cao Niên của chính phủ trong hơn 1/4 thế kỷ.

Năm 1995 đến năm 2003 ông làm đại diện và cố vấn cho các Công Ty Điện Tử Tandem; Compaq và Cơ Quan Phát Triển Mậu Dịch của chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ (TDA)… (Du Tử Lê)

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút

phía góc phải bên dưới của khung video.

       Nhân việc Trung Quốc đang lăm le công bố “Vùng nhận diện phòng không” trái phép trên Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và phần lớn vùng trời Biển Đông. Chúng ta cùng nhau ôn lại sự kiện lịch sử “ông anh Hai” trong phe XHCN đã “tư vấn” (thực chất là ép) Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến “tạm thời” chia cắt đất nước ta trong suốt hai thập kỷ đau thương.

Phía nam vĩ tuyến 17 do chế độ Ngụy quyền chiếm giữ.

       Theo tài liệu lịch sử: Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 (được biết nhiều trên trường quốc tế với tên gọi Khu phi quân sự Việt Nam. Tiếng Anh: Vietnamese Demilitarized Zone - V-DMZ) được lập ra theo Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954, với mục đích ban đầu là một giới tuyến quân sự tạm thời, ngăn vùng tập kết giữa một bên là các lực lượng quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với bên kia là quân đội Pháp và các lực lượng đồng minh. Về nguyên tắc, khu phi quân sự này rộng 1,6 km (một dặm Anh) về mỗi phía tính từ bờ sông Bến Hải, bắt đầu từ biên giới Việt Nam  Lào cho đến bờ biển Đông. Dự kiến, đường giới tuyến tạm thời sẽ bị xóa bỏ khi hai miền Nam - Bắc Việt Nam tiến hành cuộc Tổng tuyển cử 2 năm sau đó. Tuy nhiên, do các mưu đồ và hành vi xâm lược của Pháp và sau đó là Mỹ, vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự trên thực tế đã trở thành một biên giới chia cắt đất nước Việt Nam suốt hai thập niên (1955- 1975). Mãi đến ngày 3 tháng 7 năm 1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất họp phiên đầu tiên, đã chính thức xóa bỏ sự tồn tại của khu phi quân sự vĩ tuyến 17.

Phía nam cầu Hiền Lương.

Ap-phích phim.

        Chuyện đàm phán về ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Việt Nam và trên toàn bộ bán đảo Đông Dương (gồm Việt Nam - Lào - Campuchia) năm 1954, trong đó có việc phân định vùng phi quân sự làm “vùng đệm” nhằm ngăn cách lực lượng quân đội các bên tham chiến ở chiến trường là một câu chuyện dài, mấy chục năm trước đây là thuộc loại TUYỆT MẬT quốc gia, không được phổ biến. Đến nay, thời gian đã có độ lùi hơn nửa thế kỷ và hoàn cảnh lịch sử đã cho phép chúng ta tiếp cận những thông tin về chiến tranh Đông Dương qua nhiều nguồn sử liệu. Vì thế, mà nhiều người quan tâm đến việc phân định khu phi quân sự (V-DMZ) ở Việt Nam trên bàn đàm phán về Hiệp định Gienève năm 1954 hoàn toàn có thể tìm được lời giải của một trong những bí mật quan trọng nhất của chiến tranh Đông Dương.

         Hội nghị Giơnève 1954 về Đông Dương là một hội nghị quốc tế với sự tham gia của 9 bên là Pháp, Mỹ, chính phủ Quốc gia Việt Nam thân Pháp, chính phủ Vương quốc Lào, Liên Xô, Trung Quốc, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lực lượng Pathet Lào, lực lượng kháng chiến Campuchia (trong đó các nước Lào, Campuchia không được dự đàm phán trực tiếp). Các nước lớn đến Hội nghị để giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương với những động cơ không giống nhau, bao gồm những mục đích riêng và cả những toan tính cho một ván cờ mới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một hội nghị quốc tế với sự tham dự của nhiều cường quốc đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhìn chung, các nước châu Á, kể cả Trung Quốc, khi tới hội nghị này không được coi là có vai trò bình đẳng với các nước phương Tây. Tại Hội nghị Gienève năm 1954, lập trường của Việt Nam là đi tới một giải pháp hoàn chỉnh: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương, đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

        Đối với những người lãnh đạo Trung Quốc (Lục địa), Hội nghị Gienève năm 1954 về Việt Nam và Đông Dương là một cơ hội để họ cùng với các nước lớn bàn bạc và giải quyết các vấn đề quốc tế lớn, mặc dù Mỹ đang thù địch với Trung Quốc, Pháp chưa có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và nước Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch còn giữ vị trí của Trung Quốc là một trong năm Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Những người lãnh đạo Trung Quốc (Lục địa) muốn chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương bằng một giải pháp theo kiểu Triều Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị. Hai miền Nam – Bắc của Triều Tiên cũng bị chia cắt tại Vĩ tuyến 38. Với một giải pháp như thế, những người cầm quyền Trung Quốc hy vọng tạo được một khu đệm ở Đông Nam châu Á, ngăn chặn Mỹ vào thay thế Pháp ở Đông Dương, tránh được sự đụng đầu trực tiếp với Mỹ, bảo đảm an ninh cho biên giới phía Nam của Trung Quốc, đồng thời hạn chế thắng lợi của Việt Nam, chia rẽ nhân dân ba nước Đông Dương, hòng làm suy yếu và thôn tính ba nước đó, phục vụ âm mưu bành trướng xuống Đông Nam châu Á trong tương lai.

         Hội nghị Gienève đã diễn ra rất phức tạp trong sự đấu tranh quyết liệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và những cuộc hội đàm gây áp lực và dàn xếp của các nước lớn.

         Sau ba tháng đấu tranh căng thẳng, tới đầu tháng 7 năm 1954, tiếng súng thắng trận của Quân đội nhân dân Việt Nam ở chiến trường Điện Biên Phủ vọng sang tận Gienève đã góp phần quan trọng để Hội nghị về đình chiến, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương đi vào hồi kết. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Gienève về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết, đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Cùng với những giá trị được khẳng định, do mưu toan của một số nước lớn, Hội nghị Gienève cũng còn một số điểm chưa thể đáp ứng được theo ý định của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của nhân dân ta khi đó. Điều đặc biệt đáng nói trong nội dung của Hiệp định là điều khoản xác định ranh giới khu phi quân sự tạm thời ở Việt Nam không phải vĩ tuyến 13 (Tuy Hòa- Phú Yên), hay 16 (Đà Nẵng) theo thế và lực của Chính phủ kháng chiến khi đó và phương án đấu tranh của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà là vĩ tuyến 17 (Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), trùng hợp với ý đồ của nhà cầm quyền Bắc Kinh và chính phủ Cộng hòa Pháp. Trước sức ép quyết liệt của chính “đồng chí” nước lớn phía Bắc, một đồng minh quan trọng của chúng ta trong cuộc chiến tranh giải phóng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa buộc phải bỏ lại toàn bộ vùng giải phóng khu V và nhiều vùng tự do phía Nam vĩ tuyến 17 làm vùng tập kết, chuyển quân cho Pháp. Ở Lào, lực lượng kháng chiến chỉ được một vùng tập kết gồm hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ. Lực lượng kháng chiến Campuchia phải giải giáp quân đội tại chỗ. Thời hạn Tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam không phải là 6 tháng như phương án của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề xuất, mà là thời hạn 2 năm.

       Việc thi hành Hiệp định Gienève, trên thực tế chỉ được thực hiện một phần: chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Việc Tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam đã không thể thực hiện do chính sách can thiệp và xâm lược của Hoa Kỳ. Do vậy, cuộc chiến tranh để thực hiện thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam cũng bắt đầu và tiếp diễn suốt hai thập kỷ sau đó.

        Rõ ràng là Hiệp định Gienève chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân ba nước Đông Dương nói chung trên chiến trường và xu thế của cuộc chiến tranh. Trong phiên họp cuối cùng tại Hội nghị, ông Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã hướng về đồng bào của mình nói những lời đầy tâm huyết và mang tính dự báo: “Nhân dân Việt Nam! Đồng bào miền Nam! Thắng lợi thuộc về chúng ta! Độc lập và thống nhất Tổ quốc chúng ta là ở trong tay chúng ta. Những người yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới đều đồng tình với chúng ta. Đồng bào hãy nhớ lấy lời Hồ Chủ tịch: “Cuộc đấu tranh phải gian khổ, nhưng cuối cùng chúng ta nhất định thắng”.

        Tại Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại (4-2004), nữ luật gia người Pháp (Laury Anne Bellessa) nhận xét: “Nếu chúng ta đi sâu vào chi tiết các cuộc thương lượng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, các điều khoản của Hiệp định chỉ để nhằm làm thoả mãn các cường quốc… Vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực Đông Nam Á, mà các cường quốc đã tự quy định phần lớn các điều khoản trong Hiệp định, không cần tính đến phản ứng của các nước Đông Dương. Không còn sự lựa chọn nào khác, các nước Đông Dương phải nhượng bộ trước các áp lực rất lớn này… Thắng lợi trên thực địa, nhưng tại bàn Hội nghị, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không thể khai thác được thế mạnh quân sự của mình”. Còn Hugues Tertrais, giáo sư Đại học Pentéon Sorbone Paris 1, khẳng định: “Năm 1954, chiến thắng của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phần nào bị ngăn trở do sức nặng của thời kỳ “hoà hoãn đôi bên”. Tuy có chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam đã tham gia vào nhóm các đất nước bị chia cắt - Triều Tiên và Đức là những nước bị chia cắt trầm trọng. Quả thực Việt Nam trở lại với hiện trạng xưa (statu quo ante), hiện trạng của năm 1945: Việt Nam và cả Đông Dương đã từng bị chia cắt ở vĩ tuyến 16; năm 1954, sau một cuộc đàm phán ngắn ngủi, Việt Nam lại bị phân chia mà giới tuyến là vĩ tuyến 17”.

        Ngày nay, bất cứ một người Việt Nam nào đi xuyên Việt bằng đường bộ, khi đi qua mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng, hãy dành chút thời gian ngắm nhìn cây cầu Hiền Lương nằm vắt ngang dòng sông Bến Hải hiền hòa. Nơi đây là vùng phi quân sự được vạch ra trên bàn đàm phán Hội nghị Gienève 1954 và đã trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc của Tổ quốc suốt hai thập niên máu lửa.

---------- * -----------

Video liên quan

Chủ đề