Vì sao nghệ thuật dân gian trong thế kỉ xvi-xviii lại rất phát triển

1. Khái niệm

Về tên gọi đến nay còn nhiều tranh cãi. Trong “Từ điển văn học” Trần Đình Sử ( chủ biên) đã đưa ra hai cách hiểu về thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực. Theo nghĩa rộng thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực được hiểu là mối quan hệ giữa tác phẩm và hiện thực đời sống bất kể đó là tác phẩm thuộc trường phái, khuynh hướng văn nghệ nào. Với ý nghĩa này, khái niệm chủ nghĩa hiện thực gần như đồng nhất với khái niệm sự thật đời sống, vì tác phẩm văn học nào cũng mang tính hiện thực. Tuy nhiên cách hiểu này chưa mang màu sắc rõ nét của chủ nghĩa hiện thực để phân biệt với chủ nghĩa lãng mạn hay chủ nghĩa cổ điển…Cũng theo nhóm tác giả đó, thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực theo nghĩa hẹp chỉ một phương pháp hiện thực, một khuynh hướng, trào lưu văn học có nội dung chặt chẽ, sắc sảo được xác định bởi nguyên tắc mĩ học riêng.

Trong cuốn “Lí luận văn học” do nhóm tác giả Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, La Khắc Hòa, Lê Ngọc Trà, Thành Thế Thái Bình mà phần chủ nghĩa hiện thực phê phán do Phương Lựu đảm nhiệm, sau này được dựng lại trong cuốn “Tiến trình văn học” tập 3 cũng do tác giả chủ biên thì đã đưa ra những cách hiểu khác về khái niệm này. Theo tác giả, “chủ nghĩa hiện thực có khi được dùng không phải với nghĩa một phương pháp sáng tác mà với nghĩa kiểu sáng tác tái hiện”. Còn nếu hiểu “Chủ nghĩa hiện thực theo nghĩa là phương pháp sáng tác thật ra có nhiều dạng. Đó là chủ nghĩa hiện thực thời Phục hưng, chủ nghĩa hiện thực thời Khai sáng, chủ nghĩa hiện thực trong thời phong kiến mạt vận ở phương Đông. Nhưng chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX ở Tây Âu đạt đến đỉnh cao nhất, cho nên người ta gọi là chủ nghĩa hiện thực cổ điển, và vì cảm hứng chủ đạo của nó là phê phán cho nên theo ý kiến của M.Gorki người ta thường gọi là chủ nghĩa hiện thực phê phán”. Và trong giáo trình đó tác giả khẳng định cách trình bày chủ nghĩa hiện thực như một phương pháp sáng tác.

Theo “Bách khoa toàn thư” Chủ nghĩa hiện thực là một “trào lưu văn học nghệ thuật, là phương pháp sáng tác lấy hiện thực xã hội và những vấn đề có thật của con người làm đối tượng phản ánh”.

Như vậy, các công trình khoa học và các nhà lí luận có uy tín đã đưa ra những cách hiểu của nhiều ý kiến khác nhau về chủ nghĩa hiện thực nhưng tựu trung lại họ đã gặp gỡ nhau ở điểm coi chủ nghĩa hiện thực là một trào lưu văn học, một phương pháp sáng tác nhằm mô tả thế giới như nó là, nhằm triển lãm cuộc sống trong trạng thái trung thực của nó. Đồng thời muốn thực hiện thành công phương pháp này các nhà văn cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc mĩ học nhất định như:xây dựng những hình tượng điển hình và điển hình hóa các sự kiện của cuộc sống; thừa nhận mối quan hệ hữu cơ giữa tính cách và hoàn cảnh, con người và môi trường sống; coi trọng chi tiết cụ thể và có độ chính xác cao.

2. Thời điểm ra đời:

Về thời điểm ra đời của chủ nghĩa hiện thực cho đến nay vẫn có những ý kiến khác nhau. Trong “Từ điển thuật ngữ văn học”( Trần Đình Sử chủ biên) đã trình bày nhiều ý kiến về dấu mốc ra đời của chủ nghĩa hiện thực. Có người cho rằng nguyên tắc phản ánh hiện thực chủ nghĩa hình thành từ thời cổ đại và trải qua các giai đoạn phát triển lịch sử như Cổ đại, Phục hưng, Ánh sáng, thế kỉ XIX…Một số khác thì cho là chủ nghĩa hiện thực xuất hiện từ thời Phục hưng. Nhiều người khẳng định chủ nghĩa hiện thực hình thành từ khoảng những năm 30 của thế kỉ XIX.

Theo “Bách khoa toàn thư” những tác phẩm có tính hiện thực hay giá trị hiện thực đã xuất hiện từ lâu trước khi có chủ nghĩa hiện thực tuy nhiên chủ nghĩa hiện thực với tư cách là một trào lưu, một phương pháp hoàn thiện chỉ xuất hiện vào thế kỉ XIX ở các nước như Anh, Pháp, Ý, Nga sau đó lan rộng ra các nước khác trên thế giới. Và “Bách khoa toàn thư” khẳng định rằng bài tiểu luận đầu tiên có tính chất lí luận về chủ nghĩa hiện thực được viết bởi nhà lí luận Pháp Săngflory vào năm 1857.

Dù rằng các ý kiến còn tranh cãi nhưng không thể phủ nhận được rằng chủ nghĩa hiện thực có đời sống lịch sử phát triển cụ thể và vào những năm 40 của thế kỉ XIX trở đi chủ nghĩa hiện thực trong văn học đã bước sang một giai đoạn phát triển hoàn chỉnh và rực rỡ, mang cảm hứng phân tích mới về hiện thực đó là phê phán. Từ đây chủ nghĩa hiện thực mang tên mới: chủ nghĩa hiện thực phê phán.

Ở Việt Nam, những tác phẩm của văn học trung đại như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến…đã phơi bày hiện thực khách quan của cuộc sống. Phải đến Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn…mới khơi dòng cho khuynh hướng hiện thực khi các tác phẩm thể hiện màu sắc phong tục, nếp sống của một số miền đất, một số người. Đến khoảng những năm 30 của thế kỉ XX cây bút hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan là người bắt đầu đi theo khuynh hướng tả chân, lấy cuộc sống hiện thời, lấy cái đã và đang xảy ra làm nội dung tác phẩm. Và từ những năm 1930 đến trước 1945 khuynh hướng văn học hiện thực phát triển rầm rộ, quy mô, nhiều cây bút tài năng đã xuất hiện như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp…và Nam Cao được đánh giá là người có công đưa văn học hiện thực lên một trình độ mới, trình độ miêu tả tâm lý, khái quát hiện thực.

3. Đặc trưng điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực.

Trong các nguyên tắc mĩ học của chủ nghĩa hiện thực thì điển hình hóa là đặc trưng cơ bản để phân biệt chủ nghĩa hiện thực phê phán với chủ nghĩa lãng mạn như X.M.Petorop đã khẳng định “Phạm trù điển hình là phạm trù quan trọng nhất của mĩ học hiện thực”. Điển hình là những nét mang tính bản chất, quy luật, những tính cách quan trọng nhất, nổi bật nhất trong đời sống con người được thể hiện qua sáng tạo của người nghệ sĩ. “Điển hình là một sự khái quát cao của sáng tạo nghệ thuật” (Trần Đình Sử). Chỉ khi nào nhà văn sáng tạo được hình tượng mang màu sắc cái riêng thật sắc nét cá tính, sinh động, là “con người này”, và cái chung lại phải thật khái quát, hơn nữa phải hài hòa cao độ thì mới có điển hình. Nó là kết quả của sự xuyên thấm nhuần nhuyễn giữa cá thể hóa và khái quát hóa ở mức độ cao. Tính điển hình là hình thức biểu hiện ở trình độ cao của hình tượng trong tác phẩm văn học. Trong bức thư gửi nhà văn Hacnet, Enghen có một câu nổi tiếng “Theo ý tôi, đã nói đến chủ nghĩa hiện thực, thì ngoài sự chính xác của các chi tiết, còn phải nói đến sự thể hiện những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”. Như vậy vấn đề điển hình không chỉ gắn với chủ nghĩa hiện thực mà còn thể hiện trên hai bình diện: tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình. Tính cách điển hình là sự thống nhất hữu cơ giữa những đặc tính phổ biến và những đặc tính cá biệt, đặc thù trong một nhân vật.

Do đó, nhân vật điển hình của văn học theo nhà phê bình Belinxki là “người lạ quen biết”, là “nhân vật mà tên của nó trở thành danh từ chung”, còn Lỗ Tấn phát biểu hóm hỉnh rằng “Nhân vật của ông có tà áo Nam Kinh, cái cúc Chiết Giang, cái miệng Thượng Hải và đôi mắt Phúc Kiến”.

Tính khái quát của hình tượng nhân vật, tính chung của điển hình mà các nhà văn hiện thực từng quan niệm là ”con người lắp ghép, vai chắp vá” đã được Lỗ Tấn phát biểu trong ”Tạp văn tuyển tập” ”Lấy ở mỗi người một nét, cho nên trong số những người liên quan đến tác giả, không thể tìm ra ai giống như thế. Nhưng vì lấy ở mỗi người một nét, nhiều người thấy phần nào lại giống mình, và cũng dễ làm cho nhiều người phát cáu”. Trong ”Phòng trưng bày vật cổ” Banzac đã cho rằng ”Muốn vẽ một hình tượng đẹp thì mượn dùng cánh tay của người mẫu này, chân của người mẫu kia, ngực của người mẫu nọ và đôi vai của người mẫu khác nữa”. Nhờ sự khái quát hóa ấy, tính cách nhân vật sẽ ”tiêu biểu cho các giai cấp và các trào lưu nhất định, do đó, tiêu biểu nhất định cho các tư tưởng nhất định của thời đại”. (Angghen).

Bên cạnh tính chung, khái quát hóa, nhân vật điển hình phải có tính riêng, cá thể hóa cao độ, khiến nhân vật vừa quen vừa lạ. Cá thể hóa nhân vật không phải là để nhân vật làm những việc độc đáo kì lạ mà bản chất, tính cách riêng của nhân vật vẫn được bộc lộ thông qua cách làm độc đáo đối với những sự việc bình thường. Khi có tính cá thể hóa nhân vật tự thân trở nên sinh động, hấp dẫn, chẳng thế mà các nhà hiện thực nổi tiếng luôn ám ảnh về nhân vật của mình, như Nguyễn Công Hoan khắc khoải về người nông dân điêu đứng vì nạn tranh cướp ruộng đất của bọn cường hào ác bá, còn Ngô Tất Tố day dứt với số kiếp long đong lận đận vì nạn sưu thuế của người nông dân. Đến Nam Cao – đại diện xuất sắc cho chủ nghĩa hiện thực phê phán giai đoạn 30-45 ám ảnh về  người nông dân không chỉ rơi vào cảnh bần cùng hóa mà đau đớn hơn khi bị lưu manh hóa, tha hóa về nhân cách. Như vậy, nếu như tính chung đòi hỏi nhà văn dám xông vào giữa cuộc đời để nắm bắt thì tính riêng đòi hỏi nhà văn có khả năng phân tích, xử lý những biến thái tinh vi trong tâm lý nhân vật. Để hình tượng mang tính khái quát hóa nhà văn cần có vốn sống phong phú nhưng để hình tượng độc đáo, sinh động thì đòi hỏi nhà văn phải có khả năng sáng tạo.

Để xây dựng được chân dung điển hình vừa mang cái riêng sắc nét, vừa mang cái chung khái quát cao, là sự thống nhất của tính cá thể hóa và khái quát hóa, nhà văn luôn có ý thức đặt nhân vật trong quan hệ nhiều chiều, trong hoàn cảnh cụ thể, trong cái nhìn vừa tương phản, vừa tương đồng tạo ra tính đối thoại sâu sắc.

II. Văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.

1. Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam những năm 1930-1945.

       Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 – 1933: Thực dân Pháp ra sức vơ vét, bóc lột để bù đắp cho những thiệt hại của chúng: chúng tăng thuế, bắt phu, bắt lính, lạm phát giấy bạc. Đông Dương trở thành một thị trường tiêu thụ của Pháp. Ngày 9/2/1930 cách mạng tư sản thất bại. Giai cấp tư sản một mặt mâu thuẫn với đế quốc phong kiến, một mặt lại phụ thuộc vào chúng. Địa vị kinh tế non yếu khiến tư sản dân tộc mất hết khả năng chiến đấu. Đường lối chính trị chủ yếu của họ là cải lương. Tư sản dân tộc phần lớn do địa chủ chuyển thành hoặc gắn liền với địa chủ thành thứ tư sản địa chủ khiến cho thái độ chống phong kiến không dứt khoát. Họ đã tiến hành bạo động nhưng thất bại, trí thức tiểu tư sản trở nên hoang mang, tìm đường thoả hiệp với thực dân, một số thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc bằng con đường văn chương.

       Tháng 9/1939 chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, mặt trận dân chủ tan vỡ, bọn thống trị ở Đông Dương thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ mà nhân dân ta vừa giành được, Đảng phải rút vào bí mật. Thời kỳ này phong trào cách mạng lên cao, cả nước sục sôi chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Tháng 8/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

2. Những chặng đường phát triển

2.1. Chặng đường từ 1930 đến 1935:

Văn học hiện thực với những sáng tác của Nguyễn Công Hoan, tập truyện “Kép Tư Bền”; Vũ Trọng Phụng – các phóng sự  “Cạm bẫy người” và “Kĩ nghệ lấy Tây”… đã thể hiện tinh thần phê phán tính chất bất công, vô nhân đạo của xã hội đương thời, đồng thời bộc lộ sự cảm thông thương xót đối với những nạn nhân của xã hội đó.

2.2. Chặng đường từ 1936 đến 1939:

Do tình hình xã hội có nhiều thuận lợi cho sự phát triển của văn học hiện thực, các cây bút hiện thực chủ nghĩa như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… đã đạt tới độ chín tài năng, liên tiếp cho ra đời những tác phẩm xuất sắc. Hàng loạt các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê…., nhiều truyện ngắn xuất sắc và tiểu thuyết như “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan… đều tập trung phê phán tố cáo mãnh liệt những thủ đoạn áp bức bóc lột, chính sách bịp bợm, giả dối của giai cấp thống trị, đồng thời phơi bày nỗi thống khổ của nhân dân với thái độ cảm thông sâu sắc. Cảm hứng phê phán đã hướng ngòi bút Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố vào việc khắc hoạ những nhân vật điển hình phản diện có ý nghĩa phê phán quyết liệt.