1 củ khoai tây trồng được bao nhiêu cây?

Khoai tây (Solanum Tuberosum), thuộc họ Cà (Solanaceae), được trồng lấy củ. Khoai tây thuộc nhóm cây ưa lạnh có thời gian sinh trưởng ngắn (85-95 ngày) nên thường được trồng ở vụ đông, trên chân đất 2 vụ lúa. Khoai tây ưa đất có thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, chủ động tưới tiêu nước và có độ pH từ 5,5 - 6,5.  Nếu được canh tác đúng kỹ thuật và thời tiết thuận lợi khoai tây có thể cho năng suất từ 25 - 30 tấn củ/ha.

1. Kỹ thuật  trồng khoai tây

1.1. Thời vụ:

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: các tỉnh miền núi thường trồng khoảng giữa đến cuối tháng 10, cho thu hoạch vào tháng 1 năm sau. Các vùng trung du, thường trồng đầu tháng 10 và thu hoạch vào cuối tháng 12.

Vùng Đồng bằng sông Hồng: trồng cuối tháng 10, đầu tháng 11 và thu hoạch cuối tháng 1 đến khoảng đầu tháng 2 năm sau.

Vùng Bắc Trung bộ: trồng đầu tháng 11, thu hoạch cuối tháng 1 năm sau.

1. 2. Làm đất và xử lý đất:

- Làm đất: Đất trồng khoai tây cần được cày, bừa kỹ giúp tơi xốp đất, vệ sinh đồng ruộng đảm bảo hạn chế tàn dư sâu bệnh.  

- Lên luống rộng 120 -140 cm,  trồng 2 hàng, rãnh của luống sâu từ 15 - 20 cm, rộng từ 30 - 40 cm.

- Xử lý đất bằng chất điều hoà  pH tiến Nông như sau:

+ pH< 4 bón 1,0-1,5 tấn/ha

+ pH  từ 4-5 bón 0,5-1,0 tấn/ha

+ pH > 5 bón 0,3-0,5 tấn/ha

Rải đều chất điều hòa pH đất Tiến Nông trên mặt luống, sau đó tiến hành cuốc hốc hoặc rạch hàng bón phân chuồng.

Lưu ý: Không bón chung Chất điều hòa pH đất với các loại phân hóa học, chỉ bón kết hợp phân chuồng hoai mục hoặc ủ cùng phân chuồng để bón.

1.3. Chuẩn bị giống trồng:

Bộ giống khoai tây trong sản xuất khá phong phú. Tuy nhiên giống tốt phải được đảm bảo tiêu chuẩn kiểm định và được bảo quản qua hệ thống kho lạnh, trẻ hóa sinh lý, đảm bảo mỗi củ có từ 2 - 4 mầm, mầm có độ dài 0,2 - 0,3 cm, vỏ củ còn căng, mầm khỏe. Trồng củ giống trẻ, cây mọc nhanh phát triển tốt. Các giống khoai tây được trồng hiện nay như Solara (Đức) Eden (úc), Atlantic (Mỹ), Diamant (Hà Lan), KT3...

- Số lượng giống khoai tây cần cho 1000m2: tùy vào điều kiện sản xuất cụ thể (giống và đất trồng), lượng giống dao động trong khoảng 90 – 120 kg, (tức là khoảng 30 - 40 kg/sào Bắc bộ).

- Xử lý giống: Mổi củ giống đem trồng cần từ 2-3 mầm do đó đối với củ to nhiều mâm cần xử lý để tiết kiệm giống.

+ Dùng dao sắc, có lưỡi mỏng. Nhúng dao vào nước xà phòng đậm đặc hoặc cồn có nồng độ cao trước mỗi lần cắt, giúp ngăn chặn nấm làm củ bị thối. Ngay sau khi bổ xong, chấm phần cắt vào bột xi-măng khô với lượng vừa đủ và không để bột bám nhiều sẽ hút nước làm củ giống khô, héo.

+ Sau khi xử lý xong, tùy vào điều kiện ruộng sản xuất, bà con đưa khoai giống ra ruộng trồng với thời gian tối thiểu là sau 12 giờ và tối đa là 1 tuần. Khi đất có độ ẩm tốt và đã được bón lót với phân chuồng hoai mục thì bà con có thể trồng sớm.

1.4. Kỹ thuật trồng:

- Mật độ trồng: trung bình trồng 6 - 7 củ/m2, khoảng cách giữa các củ từ 25 - 30 cm.

-  Cách trồng:

+ Trước khi trồng, bà con rạch hàng theo chiều dọc của luống, bón lót các loại phân chuồng, phân bón lót  xuống đáy rồi lấp lên trên 1 lớp đất mỏng. Cần tưới nước trước khi bón phân nếu đất khô để cây mọc nhanh hơn. 

+ Củ giống đặt theo khoảng cách đã nêu trên, đặt mầm nằm ngang, lấp một lớp đất dày khoảng 3 - 5 cm phủ lên củ. Rải một lớp rơm rạ đã cắt ngắn để giữ ẩm cho đất, đồng thời khi tưới ẩm nước tưới sẽ không làm xói đất, làm trôi lớp đất phủ phía trên đảm bảo độ nảy mầm của giống (phần củ giống nằm lộ trên mặt đất sẽ chuyển màu xanh, dẫn đến nảy mầm không tốt…).

Lưu ý:  không để rơm rạ quá ẩm hoặc đất quá khô khi trồng. Khi đặt củ cần tránh để củ tiếp xúc trực tiếp với phân bón, nhất là phân hóa học, khiến củ giống dễ bị chết.

2. Phân bón và bón phân cho khoai tây

Khoai tây là cây trồng cho sinh khối lớn, đồng thời cũng đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng đầy đủ mới cho năng suất cao và phẩm chất tốt. Theo một số kết quả nghiên cứu, để có được bình quân 25 tấn củ/ha, cây khoai tây đã lấy đi từ đất khoảng 120 kg N, 60 kg P2O5 , 114 kg K2O, 20 kg SiO2, 9 kg MgO, 60 kg CaO, 15 kg S và 0,1-02 kg vi lượng các loại (Sắt, Bo, Kẽm, Đồng, Mo). Tuy nhiên, các giống khác nhau, các vùng khác nhau sẽ có năng suất khác nhau và nhu cầu dinh dưỡng cũng khác nhau.

Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng cây hút, khả năng cung cấp của đất và hiệu suất sử dụng của các loại phân bón. Lượng phân bón khuyến cáo/ha/vụ đối với cây khoai tây như sau: N (120-150kg); P2O5 (60-80kg); K2O (130-170kg).

Làm thế nào để lựa chọn lượng phân cần bón một cách phù hợp?

Để có được mức phân bón phù hợp cho mỗi vùng, mỗi giống cần phải căn cứ vào tiềm năng của giống (dựa vào đặc tính giống do nhà sản xuất giống cung cấp) và tiềm năng của vùng (dựa vào năng suất tối đa đạt được trong vùng).

Thông thường, so với năng suất tiềm năng của giống những vùng có năng suất thực tế đạt > 70% gọi là vùng thích nghi và <70% gọi là vùng kém thích nghi. Những vùng kém thích nghi lượng phân bón cần phải bón tăng hơn và nên chọn mức khuyến cáo cao. 

Lượng phân bón và thời điểm bón quyết định nhiều đến hiệu suất sử dụng do vậy, lượng phân bón mỗi vụ nên chia cho các lần bón như sau: 20-40% lượng N + 60-80% lượng P2O5 + 20-40% lượng K2O dùng bón lót và lượng còn lại chia đều cho các lần bón thúc.

Từ những đặc điểm trên Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông hướng dẫn cho bà con sử dụng một số phân  hỗn hợp NPKSi đáp ứng hoàn toàn đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng NPK trong suốt vụ cho cây khoai tây. Ngoài các nguyên tố đa lượng Đạm, Lân, Kali đảm bảo còn có yếu tố trung lượng Lưu huỳnh (S), Can xi(Ca), Magie (Mg), Silic(Si), Vi lượng Borum (B), Molypden (Mo), Kẽm(Zn), Đồng (Cu), Sắt (Fe) dễ tiêu, mà trong các loại phân đơn không có. Như các loại phân bón sau:

- Bón lót: Để cây mọc mầm khoẻ, rễ phát triển mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt cần chọn một trong các loại phân có hàm lượng đạm, lân cao để bón lót cho khoai tây với lượng như: 300 - 400kg/ha NPKSi. 16-16-8-1,5 hoặc 500 - 600 kg/ha NPKSi. 5-10-3-3 hoặc Phân  khoáng hữu cơ (Organic) từ 500-600 kg/ha.

- Bón thúc: Chia làm 2 thời kỳ, kết hợp nhặt cỏ dại vun xới lấp kín phân bón, chú ý không nên bón phân sát gốc cây, bón cách gốc từ 15-20 cm. Lượng phân sử dụng từ 500-600kg NPKSi. 15-5-20-1 hoặc 500 - 600 NPKSi. 16-8-16-1,5 hoặc 600 - 700 NPKSi. 12-3-10-1,5  hoặc  600 - 700 NPKSi. 12-5-10-1,5.

- Bón bổ sung: Trong quá trinh sinh trưởng, phát triển nếu cây thiếu đạm hoặc kali có thể bổ sung bằng phân siêu đạm, hoặc kali vi lượng bằng cách hòa tưới hoặc bón cùng với phân NPK giai đoạn bón thúc.

Lưu ý: 1 hecta (ha) bằng 27,7 sào Bắc bộ (360m2), bằng 20 sào Trung bộ (500m2) và bằng 10 công Nam bộ (1000m2). Căn cứ vào hệ số quy đổi bà con có thể sử dụng đúng lượng phân bón theo đơn vị tính mỗi vùng miền.

3. Chăm sóc khoai tây

+ Xới vun: Sau trồng 15-20 ngày thì xới vun lần 1, lúc này cần xới rộng, sâu và vun nhẹ vào gốc. Vun xới lần 2 sau trồng 30-35 ngày.

+ Tưới nước: tuyệt đối không được dùng nguồn nước thải, nước ao tù chưa được xử lý để tưới. Có thể dùng nước giếng khoan đã được xử lý, nước sông ao hồ không bị ô nhiễm. Trong thời gian sinh trưởng, trung bình 10 ngày tưới rãnh một lần, tuỳ theo tình hình thời tiết khí hậu. Đối với những thời kỳ quan trọng cần cung cấp đủ nước (sau trồng 25-30; 40; 50 và 60 ngày. Sau trồng 70 ngày ngừng tưới nước.

4. Phòng trừ sâu bệnh hại khoai tây: + Tỉa nhánh: Số thân trung bình mỗi khóm để từ 4-5 thân nếu sản xuất củ giống thì có thể nhiều hơn. Thời gian tỉa tốt nhất là sau trồng 15-20 ngày.

Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp một cách triệt để.

- Các loại sâu thường gặp:  Rệp sáp, sâu xám, sâu xanh.

+ Sâu xám: xử lý đất trước khi trồng, bắt bằng tay hoặc có thể dùng thuốc Malathion 50% pha với nồng độ 0,1% phun vào lúc 4-6 h buổi chiều.

+ Rệp sáp: xử lý củ giống trước khi bảo quản. Tiêu độc giàn bằng cách phơi nắng, ngâm nước và phun thuốc.

+ Sâu xanh: khi cây lớn mật độ sâu vượt quá ngưỡng cho phép sử dụng các loại các loại thuốc Sherpa 20 EC, trebonl 10 EC.  Kết thúc phun thuốc hoá học trước thu hoạch 15-20 ngày.

- Các loại bệnh hại thường gặp:  bệnh mốc sương, bệnh héo xanh vi khuẩn, bệnh thối nhũn.

Cần trồng luân canh đối với cây khác họ, trồng các loại giống kháng bệnh, tránh để ruộng quá ẩm, úng kéo dài, thường xuyên làm cỏ, thu gom các lá già…. làm cho ruộng sạch thông thoáng. Khi bệnh phát triển thành dịch có thể dùng thuốc:

+ Bệnh mốc sương dùng Zineb 80 WP,  Booc đô 1%

+ Bệnh héo xanh vi khuẩn: Thực hiện tốt chế độ luân canh cây trồng.

- Cách dùng thuốc: Nồng độ thuốc và lượng dùng phải theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì của mỗi loại thuốc.

5. Thu hoạch khoai tây và bảo quản khoai tây

- Thu hoạch: Trước thu hoạch ngừng tưới nước 3-4 tuần. Khi thu hoạch cày xả hai bên má luống, sau đó nhổ cả khóm. Thao tác nhẹ nhàng tránh xây xát củ.

Chủ đề