Bài tập Tiếng Việt lớp 4 trang 128

Đề bài: Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thần kiên trì vượt khó

Trả lời:

Bài mẫu 1

Nếu có người hỏi rằng ai là bạn thân nhất của tôi, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: - “Bạn thân nhất của tôi là Hiền”.

Tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên tôi gặp Hiền. Hôm ấy là buổi học đầu tiên. Trống đánh tùng tùng một hồi dài, học sinh vội vã xếp hàng vào lớp. Còn tôi, vừa chuyển trường về nên chẳng biết lớp mình ở đâu. Tôi đang ngơ ngác thì bỗng nghe tiếng hỏi:

-  Này, bạn học lớp nào mà còn đứng đây?

Tôi quay lại. Một cô bé tóc hung hung, người khẳng khiu, vẻ mặt hiền lành đang chăm chú nhìn tôi. Tôi trả lời rằng tôi mới xin vào học lớp 4A. Nghe xong, bạn ấy reo lên vui vẻ:

-  Nào! Bạn hãy theo mình. Tên bạn là gì? Còn tên mình là Hiền.

Nói rồi Hiền kéo tay tôi đi. Vào lớp, Hiền giới thiệu tôi với các bạn. Các bạn nhìn tôi với ánh mắt làm quen đầy thiện cảm.

Sau mấy tháng cùng học, tôi nhận ra Hiền học rất giỏi. Những điểm 9, điểm 10 của Hiền làm cho cả lớp phải mến phục. Với tôi, Hiền sẵn sàng giúp đỡ và bênh vực.

Bỗng nhiên, hai hôm liền Hiền không đi học. Tôi tìm đến nhà Hiền. Nhà cửa trống tuềnh trống toàng, mẹ Hiền ốm nằm thiêm thiếp trên giường. Bác cố ngồi dậy trò chuyện với tôi. Bác cho biết là Hiền đi mua thuốc. Hôm nay, tôi mới biết gia đình Hiền rất nghèo. Quanh quẩn chỉ có hai mẹ con vì bố bạn ấy công tác xa tận trên Tây Bắc. Mẹ ốm, Hiền phải ở nhà chăm sóc mẹ. Mẹ Hiền kể rằng ngoài việc đi học, Hiền còn phải làm phụ mẹ. Sáng nào Hiển cũng dậy sớm giúp mẹ dọn hàng ra chợ. Tôi chợt nhớ một hôm đi học về, Hiền tủm tỉm nói: “Sau này mình sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ”. Vất vả thế mà Hiền vẫn học giỏi nhất lớp. Tôi thầm phục cô bạn bé nhỏ của tôi.

Hiền ơi! Tôi không ngờ bạn lại biết suy nghĩ sâu xa đến vậy. Trong khi tôi đầy đủ điều kiện học tập mà lại lười học. Hiền đã giúp tôi thấm thía thêm nhiều điều lắm. Đi với Hiền, bao giờ tôi cũng thấy mình nhỏ bé, dù tôi cao hơn bạn ấy nửa cái đầu.

Mùa hè đã đến, tôi theo bố mẹ lên thành phố. Chia tay Hiền, tôi thấy mắt cay cay. Xa nhau ba tháng, tôi sẽ nhớ Hiền lắm. Hiền đặt vào tay tôi một bọc ổi to tướng và dặn:

-  Oanh cầm lên làm quà cho các bạn trên ấy. Nhớ viết thư cho mình nhé!

Tôi nhìn theo cái bóng gầy gầy, mảnh khảnh của Hiền khuất dần sau triền dốc mà lòng thấy nao nao.

Bài mẫu 2

Ototake - một thanh niên Nhật Bản bị tật nguyền, mất cả tay, chân, vẫn tốt nghiệp đại học và trở thành một bình luận viên thể thao, là tấm gương sáng để Sơn Lâm hướng tới.

Năm nay đã tròn 20 tuổi, nhưng người thanh niên đất mỏ này chỉ cao chưa đầy 1 mét, nặng hơn 20 cân. Đôi chân cong queo, không bao giờ có thể đứng thẳng lên được. Đó là di chứng chất độc màu da cam mà người bố bệnh binh đã để lại cho Lâm. 

Nhà rất nghèo. Bố bệnh tật, rượu chè rồi sớm qua đời. Mẹ một mình tảo tần, ngược xuôi nuôi 4 đứa con nhỏ, trong đó có đến hai đứa bị tật nguyền. Sơn Lâm nuôi chí ham học từ nhỏ. Bao nhiêu năm đi học là bấy nhiêu năm Lâm được các bạn đón đưa đến trường. Có hai người bạn chí cốt nhất là Trung, ròng rã 9 năm học THCS, và Thái suốt ba năm THPT, thay nhau cõng Sơn Lâm đến trường. Bộ ba xe-pháo-mã đã cùng nhau học tập. phấn đấu, san sẻ cùng nhau những mất mát, nhọc nhằn, là nguồn an ủi, động viên vô cùng lớn lao đối với Lâm.

Tốt nghiệp THPT, nhưng thi đại học lần đầu trượt vỏ chuối đã khiến Lâm khóc thầm mất mấy đêm. Nhưng rồi chú thanh niên không may lại nghiến răng, quyết chí ôn luyện. Kiên trì và cố gắng của Lâm đã được đền bù. Năm thứ 2, Sơn Lâm nhận giấy báo trúng tuyển cả hai trường Đại học. Thật đáng nể trọng, khâm phục, khi Lâm quyết định theo học song song cả hai trường. Thế là, buổi sáng học ở Đại học Phương Đông, buổi chiều lại về Đại học Ngoại ngữ. Bạn bè lại thay nhau đón đưa Lâm đến lớp. Gian khổ, vất vả gấp đôi, gấp ba sinh viên bình thường, nhưng Sơn Lâm đã sớm xác định mình phải học thay cho các anh em mình, cho bố mẹ mình. Mặc cảm tật nguyền, lạc lõng thỉnh thoảng cũng gợn lên, song lại nhanh chóng tan biến trong cái đầu thông minh và nghị lực hiếm có của anh.

- Em mơ ước trở thành bình luận viên bóng đá. Sơn cười hiền lành, tâm sự về ước mơ ấp ủ trong lòng.

Tại Hội nghị Người khuyết tật châu Á Thái Bình Dương tổ chức vào tháng 12-2001 tại Hà Nội, Sơn Lâm được chọn là một trong những đại diện ưu tú của tỉnh Quảng Ninh tham dự.

Một cậu bé thanh niên đôi chân cong queo, đôi vai gồ lên, vẫn chống nạng đá bóng cùng các bạn. Sơn Lâm biết làm thơ và chơi dàn Cirgan. Lâm chỉ mong có dịp nào đó được sang Nhật để gặp và trò chuyện với thần tượng của mình: Anh Ototake tuyệt vời!

(Theo Chuyện cổ tích của cậu bé tật nguyền của Đặng Thủy)

Bài mẫu 3

Trong lớp tôi trước đây, Hùng là người có chữ viết xấu nhất lớp. Các bài làm của bạn ấy lúc nào cũng bị trừ điểm. Có nhiều chữ không đọc được. Các thầy cô đều nói: Chữ của Hùng chẳng khác nào “hàng rào ấp chiến lược”. Vậy mà bây giờ không chỉ so với trong lớp mà ngay cả toàn khối, không cỏ nét chữ của bạn nào sánh được.

Đúng như câu tục ngữ đã nói: “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Hùng thường tâm sự với tôi: “Có được những nét chữ như bây giờ, mình phải trải qua một quá trình khổ luyện hết sức vất vả. Mình còn nhớ lại, vào một buổi tối, cô giáo chủ nhiệm đến chơi nhà, trao đổi với bố mẹ mình về chữ viết của mình. Sau khi cô ra về, bố mẹ gọi mình lại nói chuyện. Bố quy định: “Bắt đầu từ sáng mai trở đi mỗi ngày con viết cho bố một bài chính tả trong sách giáo khoa. Ngày nào bố cũng kiểm tra”. Thế rồi mình bắt đầu vào trận. Những ngày đầu thật vất vả, gò cho được một chữ đúng nét, ngay hàng thẳng lối đâu phải dễ dàng đối với mình. Nhiều khi viết cứng cả tay, chuột rút đau không thể tưởng. Có những bài phải viết ba bốn lần mới xong. Tháng đầu tiên quả là cực hình đối với mình. Nhiều lúc tưởng phải liều, bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến lời cô giáo nhắc nhở và nhất là nhìn nét mặt mẹ buồn buồn khi cầm những quyển tập của mình lên xem. Rồi bố mình nữa, bố rất nghiêm khắc. Viết chưa xong, chưa đạt yêu cầu thì không được bước ra khỏi nhà nửa bước. Nghĩ cho cùng cô giáo hay bố mẹ nhắc nhở hay bắt buộc mình cũng chỉ vì sự tiến bộ của mình mà thôi. Nghĩ thế mà mình vui vẻ luyện tập. Tháng sau, chữ viết của mình tiến bộ trông thấy. Rồi suốt cả ba tháng hè năm lớp Ba mình đều thực hiện đều đặn lịch rèn luyện chữ viết. Mỗi lần Viết xong, ngắm thấy những dòng chữ đều tắp, mình cứ muốn ngắm mãi và thầm cám ơn bố mẹ thầy cô đã cho mình những nét chữ mềm mại, đẹp đẽ như bây giờ.

Chuyện về sự kiên trì tập luyện chữ viết của Hùng là vậy đó. Hùng đã trở thành một tấm gương cho lớp tôi và cả toàn tường noi theo: “Có công mài sắt, có ngày nên kim .

Luyện tập miêu tả các bộ phận của con vật

  • Câu 1 (trang 128 sgk Tiếng Việt 4)
  • Câu 2 (trang 128 sgk Tiếng Việt 4)
  • Câu 3 (trang 128 sgk Tiếng Việt 4)

Tập làm văn lớp 4: Luyện tập miêu tả các bộ phận của con vật là lời giải phần Tập làm văn SGK Tiếng Việt 4 tập 2 trang 128 giúp các em học sinh nắm được cách miêu tả đặc điểm của các bộ phận của con vật, củng cố vốn từ cho bài văn miêu tả. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.

>> Bài trước:Tập đọc lớp 4: Con chuồn chuồn nước

Câu 1 (trang 128 sgk Tiếng Việt 4)

Đọc đoạn văn sau:

Con ngựa

Hai tai to dựng đứng trên cái đầu rất đẹp. Hai lỗ mũi ươn ướt động đậy hoài. Mỗi khi nó nhếch môi lên lại để lộ hai hàm răng trắng muốt. Bờm nó được cắt rất phẳng. Ngực nở. Bốn chân nó khi đứng cũng cứ giậm lộp cộp trên đất. Cái đuôi dài ve vẩy hết sang phải lại sang trái.

Theo Văn Trình

Câu 2 (trang 128 sgk Tiếng Việt 4)

Đoạn văn "Con ngựa" tả những bộ phận nào của con ngựa? Hãy ghi lại những đặc điểm chính của mỗi bộ phận ấy.

Trả lời:

Bài văn "Con ngựa", tác giả đã tập trung miêu tả những bộ phận chủ yếu sau đây:

+ Tả hai cái tai (to dựng đứng trên cái đầu rất đẹp).

+ Tả hai lỗ mũi (ươn ướt động đậy hoài).

+ Tả hai hàm răng (trắng muốt).

+ Tả cái bờm ngựa (cắt ngắn rất phẳng).

+ Tả cái ngực (ngực nở)

+ Tả bốn cái chân (khi đứng cũng cứ giậm lộp cộp)

+ Tả cái đuôi (dài ve vẩy hết sang trái lại sang phải).

Câu 3 (trang 128 sgk Tiếng Việt 4)

Quan sát các bộ phận của con vật mà em yêu thích dùng từ ngữ miêu tả các bộ phận ấy.

M: - Về màu sắc của mèo: Đen thì đen như than, mắt vàng như lửa đèn. Trắng thì trắng như tuyết, mắt xanh như da trời. Đỏ thì đỏ như ngọn lửa. Trắng với những đốm đỏ. Đỏ với những đốm trắng. Xám như khói. Xám với lông vằn như hổ. Những đốm xám như báo. Xám với những màu vằn như mai rùa. Màu vàng cam. Màu vàng đào. Màu kem sữa. Màu xanh nhạt như sương mù buổi sớm...

- Về lông mèo: Sao lại có những con nhiều lông đến thế; tưởng như đây không phải là con mèo mà là những quả cầu bằng lông với những con mắt màu vàng. Lông ở một số con mèo giống như lông cáo, ở những con khác lại dài và mỏng, loại thứ ba lại như lưỡi mác.

Theo Ô-BRA-XỐP

Trả lời:

Miêu tả đặc điểm các bộ phận con vật muốn tả. (Tả con mèo).

- Hình dáng: To bằng chai nước suối khi còn nhỏ. Một năm sau lớn bằng chai pepsi cỡ lớn, nặng khoảng hai ký.

- Bộ lông: Trắng muốt.

- Cái đầu: Tròn xoe to bằng quả bóng ten-nít (lúc nhỏ). Khi lớn to bằng miệng chén ăn cơm.

- Đôi tai: Như hai lá kim phát tài dựng đứng và rất thính.

- Mắt mèo: Tròn vành vạnh và trong xanh như màu nước biển ở độ sâu. Trong đêm tối như phát ra tia hồng ngoại có thể nhìn thấy trong bóng đêm dày đặc.

- Mũi mèo: Nhỏ xíu, phơn phớt hồng lúc nào cũng ươn ướt.

- Râu mép: Hai bên mép là bộ ria trắng như cước.

- Răng: Đều đặn và trắng như muối biển.

- Thân hình: Dài nhưng rất thon và uyển chuyển.

- Bàn chân: Có móng sắc và nệm thịt màu hồng.

Tham khảo: Quan sát các bộ phận của con vật mà em yêu thích dùng từ ngữ miêu tả các bộ phận ấy

>> Bài tiếp theo: Luyện từ và câu lớp 4: Thêm trạng ngữ chỉ nơi chốn cho câu

Trên đây là toàn bộ Hướng dẫn giải phần Tập làm văn SGK Tiếng Việt 4 tập 2 trang 128. Ngoài ra các bạn luyện giải bài tập SGK Tiếng Việt 4 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc. Đồng thời các dạng đề thi học kì 2 lớp 4, các môn theo Thông tư 22 mới nhất được cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo đề thi, bài tập mới nhất.

Video liên quan

Chủ đề