Bé 6 tháng cần bổ sung thuốc bổ gì

Vitamin và khoáng chất là vi chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể, chúng có nhiệm vụ tham gia vào nhiều hoạt động như cấu tạo tế bào, chuyển hóa cung cấp năng lượng cũng như tất cả các hoạt động sống của cơ thể. 

Khi cơ thể bị thiếu vitamin và khoáng chất, trẻ sẽ chậm lớn, mắc một số bệnh, chẳng hạn: thiếu vitamin A có thể gây bệnh ở mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa; thiếu vitamin B1 dễ bị phù, viêm các dây thần kinh, suy tim; thiếu vitamin C dễ gây chảy máu dưới da và niêm mạc, làm giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn; thiếu vitamin K dễ bị xuất huyết, đặc biệt xuất huyết não, màng não; thiếu vitamin D và canxi sẽ bị còi xương; thiếu kẽm dễ mắc các bệnh ngoài da; thiếu fluor dễ mắc bệnh răng miệng, thiếu sắt dẫn đến thiếu máu,… Nhưng khi thừa Vitamin và khoáng chất sẽ gây tác dụng phụ không mong muốn. 

Trẻ em có nhu cầu Vitamin và khoáng chất khác với người lớn vì trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Vì vậy, bổ sung Vitamin và khoáng chất như thế nào là hợp lý rất quan trọng đối với trẻ.

1. Những nguyên nhân nào dẫn đến thiếu vitamin và khoáng chất?

Do cung cấp thiếu:

  • Gặp ở các trẻ sống trong những gia đình kinh tế khó khăn, không đảm bảo đa dạng thực phẩm trong bữa ăn. Trẻ ăn chế độ ăn chay hoặc ăn thuần chay.
     
  • Do ăn phải gạo bị mốc, rau quả để bị héo hoặc bảo quản lạnh quá lâu. Do chế biến thức ăn không đúng: thức ăn chiên xào, nấu nhiều lần. Do các tục lệ ăn uống kiêng khem quá mức hoặc trẻ không được bú sữa mẹ...
     
  • Trẻ biếng ăn kéo dài

Do mắc một số bệnh lý:

Những trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, nhiễm giun sán, bệnh xơ nang, ung thư, các bệnh về gan, mật, những trẻ đã trải qua phẫu thuật dạ dày, ruột.


Các nguyên nhân khác:
 

Gặp ở những trẻ đẻ non, sinh đôi, các trẻ lớn quá nhanh do nhu cầu vitamin quá cao so với sự cung cấp của chúng ta hàng ngày.

2. Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ ở liều lượng như thế nào là phù hợp?

Các vitamin được khuyến cáo bổ sung sau sinh cho mọi trẻ

Vitamin K: Trong chương trình chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu, tất cả trẻ sơ sinh, không phân biệt giới tính, màu da hoặc chủng tộc, đều có nguy cơ bị chảy máu do thiếu hụt vitamin K cao hơn cho đến khi chúng bắt đầu ăn thức ăn thông thường, thường là ở độ tuổi 4-6 tháng và khi vi khuẩn đường ruột bình thường bắt đầu tạo ra vitamin K. Vì vậy bé sinh ra đều được bổ sung vitamin K. Có 2 cách bổ sung: tiêm một mũi vitamin K1 hoặc K3 (hiệu quả của K1 và K3 như nhau); hoặc cho bé mới sinh uống 3 lần vitamin K1: lần thứ nhất sau sinh, lần thứ hai lúc trẻ 7 ngày tuổi, lần thứ ba lúc trẻ 30 ngày tuổi.


Liều lượng: Trẻ trên 1500gr tiêm 1mg, trẻ dưới 1500gr tiêm 0.5 mg
Thường lựa chọn sử dụng hình thức tiêm vitamin K cho bé sau sinh bởi tính tiện lợi, hiệu quả và an toàn.


Vitamin D: Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo như sau:

  • Nếu bạn đang cho con bú hãy cho bé uống vitamin D với hàm lượng 400 IU mỗi ngày - bắt đầu ngay sau khi sinh. Tiếp tục cho bé uống vitamin D cho đến khi bé cai sữa mẹ và bé tiếp tục uống được khoảng 1 lít sữa mỗi ngày với sữa công thức bổ sung vitamin D hoặc sau 12 tháng tuổi đã uống sữa bò nguyên chất thì dừng.
     
  • Nếu mỗi ngày bé ăn ít hơn khoảng 1 lít sữa công thức có tăng cường vitamin D, hãy cho bé uống 400 IU vitamin D dạng lỏng mỗi ngày - bắt đầu trong vài ngày đầu sau khi sinh. Tiếp tục cho bé uống vitamin D cho đến khi bé ăn được ít nhất khoảng 1 lít sữa mỗi ngày


Vitamin A: Nhằm phòng chống tình trạng thiếu Vitamin A ở trẻ dưới 5 tuổi, mỗi năm Bộ Y tế đều tổ chức 2 đợt uống vitamin A là ngày 1 – 2 tháng 6 và ngày 1 – 2 tháng 12 cho các trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A. Việc uống Vitamin A cho trẻ được thực hiện tại Trạm Y tế phường/xã. Trong một số điều kiện nhất định, trường học cũng phối hợp với ngành y tế địa phương để tổ chức cho trẻ uống Vitamin A. Bạn cần lưu ý mỗi đợt chỉ uống 1 lần duy nhất. Vì vậy, cần báo cho nhân viên y tế biết nếu con bạn đã được cho uống rồi trong đợt chiến dịch.


Bảng nhu cầu một số vitamin và khoáng chất

Bé 6 tháng cần bổ sung thuốc bổ gì

  Nhu cầu vitamin và khoáng chất cho bé thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, cân nặng, tốc độ tăng trưởng và mức độ vận động của bé nhiều hay ít.

Nhìn chung, trẻ có chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, đủ chất thì không cần bổ sung thêm vitamin. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các bà mẹ không nên bổ sung vitamin và khoáng chất quá nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ lớn hơn 1 tuổi có chế độ dinh dưỡng cân bằng. Vì vậy, bạn hãy tích cực bổ sung các loại trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, chất béo lành mạnh, sữa và các sản phẩm từ sữa vào bữa ăn chính và các bữa ăn phụ giúp bổ sung đủ các loại khoáng chất và vitamin cho bé.

Bé 6 tháng cần bổ sung thuốc bổ gì

Bé 6 tháng cần bổ sung thuốc bổ gì

  
Vậy bổ sung vitamin và khoáng chất cho bé khi nào?

  • Một số trường hợp trẻ có thể có khả năng thiếu hụt các vitamin và khoáng chất như:
     
  • Trẻ tuân thủ chế độ ăn chay hoặc thuần chay, những trẻ này có nguy cơ thiếu hụt calci, sắt, kẽm, vitamin B12 và D làm trẻ chậm phát triển hoặc có các tăng trưởng bất thường.
     
  • Trẻ có tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng, chẳng hạn như bệnh celiac, viêm ruột, hội chứng kém hấp thu, trẻ đã trải qua phẫu thuật tác động đến ruột hoặc dạ dày có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ một số vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, kẽm và vitamin D. Trẻ bị ung thư, xơ nang xơ nang gặp khó khăn trong việc hấp thụ chất béo và do đó, có thể không hấp thụ đầy đủ các vitamin tan trong chất béo A, D, E và K.
     
  • Trẻ kén ăn và lười ăn một lượng đa dạng các thực phẩm.
     

3. Những nguy hiểm nào dẫn đến bổ sung vitamin và khoáng chất quá liều?

 

  • Thừa Vitamin A có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương có thể làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh. 
     
  • Thừa Vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.
     
  • Do không có hiện tượng tích lũy nên hầu như không gặp thừa Vitamin C, nhưng nếu dùng liều cao theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy. Dùng đường tiêm với liều cao có thể gây tan máu, đặc biệt ở những người thiếu men G6PD.
     
  • Thừa Vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. Có trường hợp bổ sung Vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh.
     
  • Thừa Vitamin K thường chỉ gặp khi dùng đường tiêm kéo dài có thể gây tan máu và vàng da.
     
  • Thừa canxi dẫn đến gây mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận, tăng huyết áp...xương cốt hoá sớm có thể bị thấp chiều cao
  • Thừa sắt dẫn đến gan nhiễm sắt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim- Thừa kẽm dẫn đến biếng ăn, nôn, rối loạn tiêu hoá…

4. Một số chú ý khi bổ sung Vitamin và khoáng chất cho bé ?

  • Chỉ bổ sung Vitamin và khoáng chất cho bé khi có chỉ định.
  • Nên cho trẻ dùng dạng lỏng như dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu.
  • Sử dụng thuốc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.
  • Ngoài ra một số bậc phụ huynh có thói quen sử dụng tùy tiện các loại thuốc bổ cũng có thể vô tình làm cho trẻ bị thiếu Vitamin và các vi chất dinh dưỡng do tương tác thuốc. Sulfamid, Methotrexat... làm giảm hấp thụ các Vitamin nhóm B; Vitamin E liều cao làm cạn kiệt dự trữ Vitamin A;Vitamin C liều cao làm phá hủy Vitamin B12; thừa kẽm làm cản trở hấp thu sắt...
  • Một số vitamin thường chế biến dưới dạng kẹo dẻo, siro có mùi vị thơm ngon thu hút bé dễ dẫn đến bé tự ý dùng quá liều. Do đó nên để xa tầm tay bé, tư vấn chuyên gia trong trường hợp bé dùng quá liều. 

Tổng hợp
ThS. BSNT Lê Hữu Anh Hòa
Khoa Nhi- Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

Hầu hết trẻ đều dự trữ đủ nhu cầu vitamin và chất khoáng từ lúc sinh ra đến 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ cần được bổ sung thêm một số loại vi chất. Ví dụ, trẻ sinh rất non - sinh ra với cân nặng dưới 1,5kg - sẽ cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất trực tiếp vào sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ngoài ra, trẻ bú mẹ hoàn toàn cũng như bú mẹ một phần nên được cung cấp vitamin D bắt đầu từ khi mới sinh và bổ sung sắt bắt đầu từ 4-6 tháng tuổi.


Các chất bổ sung phổ biến nhất được khuyến nghị cho trẻ sơ sinh bao gồm:

Vitamin K

Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo rằng tất cả trẻ sơ sinh được tiêm vitamin K một lần ngay sau khi sinh để giảm nguy cơ mắc bệnh xuất huyết. Vitamin K cần thiết cho cơ thể để kích hoạt một số phân tử giúp máu đông.

Bé 6 tháng cần bổ sung thuốc bổ gì

Vitamin D

Vitamin D cho phép cơ thể hấp thụ và giữ lại canxi và phốt pho, cả hai đều rất quan trọng để xây dựng xương chắc khỏe. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến còi xương trong hai năm đầu đời và ảnh hưởng đến phát triển thể trạng của trẻ khi trưởng thành.

Vì sữa mẹ không cung cấp đầy đủ vitamin D, nên tất cả trẻ sơ sinh bú sữa mẹ đều phải được bổ sung. Trẻ bú sữa công thức nói chung không cần bổ sung thêm vitamin D vì sữa công thức đã được bổ sung vitamin D. Nếu trẻ được uống ít nhất 900ml sữa công thức mỗi ngày thì trẻ đang nhận đủ lượng vitamin D.

Vitamin B12

Vitamin B12 giữ cho các tế bào thần kinh và máu của cơ thể khỏe mạnh, đồng thời giúp tạo ra ADN, vật liệu di truyền trong tất cả các tế bào. Thiếu vitamin B12 có thể gây ra một loại thiếu máu gọi là thiếu máu nguyên bào khổng lồ khiến người bệnh mệt mỏi và suy nhược.

Vitamin B12 không có trong thực phẩm thực vật, vì vậy những bà mẹ đang cho con bú theo chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt (có nghĩa là họ không ăn bất kỳ loại thực phẩm động vật nào) sẽ cần bổ sung vitamin B12 vào chế độ ăn uống của họ để đảm bảo rằng cả bản thân và con của họ đều được nhận đủ mức.

Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu vitamin B12 ở trẻ sơ sinh bao gồm nôn mửa, hôn mê, thiếu máu, chậm phát triển, giảm trương lực cơ (trương lực cơ thấp). Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể bị thiếu vitamin B12 khi được 2-6 tháng tuổi, nhưng các triệu chứng có thể không rõ ràng cho đến khi được 6-12 tháng. Và trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể phát triển các dấu hiệu lâm sàng của sự thiếu hụt vitamin B12 trước khi mẹ của chúng bị.

Sắt

Sữa mẹ ít sắt nhưng hầu hết trẻ sinh ra đều có đủ lượng sắt dự trữ để bảo vệ trẻ khỏi bệnh thiếu máu, ít nhất là cho đến khi trẻ được 4 - 6 tháng tuổi. Nếu mẹ bị đái tháo đường thai kỳ được kiểm soát kém, hoặc con bạn sinh non hoặc nhỏ hơn 2,9kg khi sinh), con bạn có thể không nhận đủ chất sắt trong thai kỳ.

AAP khuyến nghị trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn và bú mẹ một phần nên bổ sung sắt lỏng 1mg/kg/ngày bắt đầu từ 4-6 tháng và tiếp tục cho đến khi thức ăn rắn có chứa sắt được đưa vào bữa ăn dặm vào sáu tháng tuổi. Khi bạn bắt đầu cho bé làm quen với thức ăn đặc, hãy chọn thức ăn có chứa sắt, như ngũ cốc tăng cường, thịt, cá, đậu và rau.

Các bà mẹ cần làm gì?

Nếu trẻ bú sữa công thức thì em bé của bạn đang nhận được đầy đủ chất sắt và vitamin D trong sữa công thức của mình, vì vậy hãy tiếp tục bú bình sữa công thức trong suốt năm đầu đời.

Nếu trẻ bú mẹ, AAP khuyến cáo trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn và một phần nên được bổ sung sắt lỏng 1mg/kg/ngày bắt đầu từ 4-6 tháng và tiếp tục cho đến khi thức ăn rắn có chứa sắt được đưa vào bữa ăn dặm khi trẻ được khoảng sáu tháng tuổi. Bắt đầu từ khi trẻ mới sinh, nên bổ sung 400 IU vitamin D hàng ngày và tiếp tục cho đến khi trẻ được 1 tuổi.

Nếu con bạn sinh non, con bạn có thể cần bổ sung sắt cao hơn là 2mg/kg/ngày bắt đầu trong tháng đầu tiên sau sinh. Mẹ nên gặp bác sĩ của bé để nhận lời khuyên về các nhu cầu dinh dưỡng cụ thể.

Bé 6 tháng cần bổ sung thuốc bổ gì

Nếu bạn ăn chay trường hoặc ăn chay ngày trai, hãy bổ sung B12 và gặp bác sĩ dinh dưỡng để đảm bảo chế độ ăn uống và chất bổ sung của chính bạn là đủ cho cả mẹ và bé.

Bạn có một số lựa chọn để cung cấp các chất bổ sung vitamin D, từ thuốc nhỏ đậm đặc được đặt thẳng vào núm vú của bạn trong khi cho con bú hoặc vào bình sữa của trẻ đến liều lượng ít đậm đặc hơn như siro được đưa trực tiếp cho trẻ qua ống nhỏ giọt.

Không cho trẻ uống sữa bò tươi cho đến sau sinh nhật đầu tiên của trẻ

Trẻ bú sữa bò tươi (thay vì sữa mẹ hoặc sữa công thức tăng cường chất sắt) trong năm đầu đời có nhiều khả năng bị thiếu máu do thiếu sắt vì lượng đạm quá nhiều trong sữa bò cũng có thể làm thận của trẻ bị quá tải.

Sau 6 tháng tuổi cho trẻ ăn thức ăn giàu sắt như rau xanh, thịt và ngũ cốc. Sau 4-6 tháng, lượng sắt dự trữ tự nhiên của bé từ lúc mới sinh sẽ bắt đầu giảm. Đừng ngại cho bé ăn các loại protein và rau xanh sẽ cung cấp cho bé tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Rốt cuộc, cơ thể chúng ta xử lý sắt theo cách tự nhiên hơn khi nó đến từ thực phẩm chúng ta ăn thay vì chất bổ sung hoặc vitamin. Một số thực phẩm giàu chất sắt bao gồm: Đậu nành, đậu lăng, rau bina, đậu garbanzo, đậu xanh, củ thụy sĩ, đậu tây, đậu phụ, đậu đen, thịt bò và trứng.

Đánh răng bằng kem đánh răng có chứa florua và nói chuyện với nha sĩ hoặc bác sĩ nhi khoa của bạn về việc bổ sung florua. Ngay khi thấy răng mọc, hãy bắt đầu đánh răng cho trẻ bằng một lượng nhỏ kem đánh răng có chứa fluor cỡ hạt gạo hai lần mỗi ngày.

Nếu bé cần bổ sung các vi chất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về chủng loại, liều lượng đểu đảm bảo an toàn cho sự phát triển tối ưu của trẻ.

CNDD. Nguyễn Thị Vân Anh

Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện TWQĐ 108