Biện pháp ngăn chặn hành chính là gì

Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính 

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. 

Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định và chỉ áp dụng biện pháp này trong trường hợp cần thiết; người ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình; việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính không còn phù hợp với mục đích và điều kiện áp dụng theo quy định của Luật này thì quyết định áp dụng biện pháp đó phải được huỷ bỏ. Người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quyết định huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng. Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 06 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết, như: Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện nêu trên phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế. Việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Việc khám người phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp cần khám ngay theo quy định. Trước khi tiến hành khám người, người khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến. Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản. Quyết định khám người và biên bản khám người phải được giao cho người bị khám 01 bản. Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính. Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.Khi tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có mặt chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải và 01 người chứng kiến; trong trường hợp chủ phương tiện, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vắng mặt thì phải có 02 người chứng kiến. Mọi trường hợp khám phương tiện vận tải, đồ vật đều phải lập biên bản. Quyết định khám và biên bản phải giao cho chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải 01 bản. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và 02 người chứng kiến. Không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được giao cho người chủ nơi bị khám 01 bản. Việc quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất được áp dụng khi có căn cứ cho rằng nếu không áp dụng biện pháp này thì người đó sẽ trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc để ngăn chặn người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thủ trưởng Cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất ra quyết định quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật trong thời gian làm thủ tục trục xuất bằng các biện pháp như: Hạn chế việc đi lại của người bị quản lý; chỉ định chỗ ở của người bị quản lý; tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác thay hộ chiếu. Thực hiện biện pháp giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập hồ sơ quyết định giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp này. Đối tượng vi phạm có nơi cư trú ổn định thì giao cho gia đình quản lý; trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý. Thời hạn quản lý được tính từ khi lập hồ sơ cho đến khi người có thẩm quyền đưa đối tượng đi áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quyết định của Tòa án.Trong thời gian quản lý, gia đình, tổ chức xã hội được giao quản lý có trách nhiệm không để người được quản lý tiếp tục vi phạm pháp luật; bảo đảm sự có mặt của người được quản lý khi có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định giao quản lý trong trường hợp người được quản lý bỏ trốn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời gian quản lý, người được quản lý phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về tạm trú, tạm vắng. Khi đi ra khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn để ở lại địa phương khác phải thông báo cho gia đình, tổ chức xã hội được giao quản lý biết về địa chỉ, thời gian tạm trú tại đó; có mặt kịp thời tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu. Truy tìm đối tượng đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.Trong trường hợp người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn trước khi được đưa vào trường hoặc cơ sở, thì cơ quan Công an cấp huyện nơi lập hồ sơ ra quyết định truy tìm đối tượng. Trong trường hợp người đang chấp hành tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc và Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm đối tượng. Cơ quan Công an có trách nhiệm phối hợp với trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trong việc truy tìm đối tượng để đưa người đó trở lại trường hoặc cơ sở. Thời gian bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Các quy định về biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt vi phạm hành chính cơ bản là phù hợp, thuận tiện trong áp dụng, thực hiện và đã phát huy hiệu lực. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn, bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn thi hành, như: - Khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC quy định thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị là không quá 24 giờ và nếu cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không được quá 24 giờ (tổng cộng tối đa là 48 giờ). Có thể thấy thời gian quy định là không phù hợp vì việc thành lập hội đồng định giá, việc tổ chức định giá đối với những vụ vi phạm mà tang vật là hàng hóa nhập lậu có giá trị, đặc biệt ở các khu vực biên giới, biển, đảo rất khó khăn. Hơn nữa, có nhiều vụ vi phạm tang vật là nhiều chủng loại hàng hóa, hàng hóa phức tạp, khó xác minh trị giá... việc xác định giá trị trong khoảng thời gian 24 giờ sẽ không đảm bảo tính chính xác, dẫn đến việc ra quyết định XPVPHC không chính xác, không đúng thẩm quyền. - Khoản 1 Điều 61 Luật XLVPHC không quy định quyền giải trình đối với trường hợp đối tượng vi phạm bị áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện VPHC hoặc phương tiện sử dụng trong VPHC là không hợp lý, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đối tượng vi phạm, vì trong nhiều trường hợp, nhiều tang vật, phương tiện vi phạm còn có giá trị lớn hơn nhiều lần so với số tiền bị xử phạt. - Điều 62 Luật XLVPHC quy định về việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên chưa quy định rõ khi chuyển sang cơ quan điều tra thì tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ do cơ quan nào quản lý, chi phí do ai chi trả, thời hạn, thủ tục tạm giữ trong trường hợp này giải quyết như thế nào. - Điều 70 Luật XLVPHC quy định thời hạn gửi quyết định XPVPHC trong vòng 02 ngày, việc quy định này khó thực hiện do khối lượng quyết định XPVPHC rất lớn, nhiều đối tượng vi phạm không có nơi cư trú ổn định hoặc ít có mặt tại địa phương hoặc địa chỉ ghi trong giấy tờ khác với địa chỉ cư trú thực tế. - Việc quy định quá hạn hẹp những trường hợp được áp dụng biện pháp giữ người theo thủ tục hành chính theo Điều 122 Luật XLVPHC đã gây khó khăn trong quá trình áp dụng, trong nhiều trường hợp đối tượng có nhiều hành vi vi phạm khác nhau như đánh bạc, trộm cắp tài sản..., cần có thời gian đế xác minh, làm rõ hành vi, hậu quả, thiệt hại, đặc biệt là xác minh về nhân thân của các đối tượng vi phạm để xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm (nhất là đối với những tội có quy định đã bị XPVPHC về các hành vi trên) nhưng đối tượng lại không có nơi cư trú ổn định, nếu không tạm giữ hành chính thì đối tượng bị bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý về sau. Ngoài ra, trường hợp vi phạm thường xuyên diễn ra trên thực tế hiện nay là các đối tượng có các hành vi chống lại người thi hành công vụ. Nếu không tạm giữ theo thủ tục hành chính thì sẽ khó có thể xử phạt hành chính đối với họ. Đây cũng là khó khăn, bất cập trong việc quản lý người vi phạm để bảo đảm cho công tác XPVPHC.

- Khoản 2 Điều 129 quy định “trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định” gặp nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, vì có những vụ VPHC xảy ra tại địa bàn khu vực biên giới, cách xa trụ sở UBND huyện, nếu đề nghị Chủ tịch UBND huyện xem xét, quyết định thì đối tượng đã có thời gian tiêu hủy tang vật, gây khó khăn cho công tác xác minh của lực lượng chức năng.

M.H

Video liên quan

Chủ đề