Ca sĩ phòng trà lam trang là ai?

Một thế giới của nhọc nhằn, tủi nhục; một thế giới của hoài niệm, của yêu thương. Có cạm bẫy nhưng cũng có bao dung. Dưới ánh đèn là trầm luân đời nghệ sĩ.

Thời học sinh, VY là giọng ca vàng của một trường THPT ở quận 10. Cô đại diện trường, quận đi thi các giải văn nghệ quần chúng của ngành, của TP và đoạt nhiều giải. Ngày ấy cô mơ sẽ trở thành một ca sĩ nổi tiếng, được mọi người ngưỡng mộ và có một cuộc sống dễ chịu.

Thân thế và… thế thân

Cũng như những ca sĩ khác, VY bắt đầu từ những phòng trà nhỏ, những chương trình hội diễn, kỷ niệm của cơ quan, công ty… Cô rèn luyện hằng ngày, từ luyện âm đến động tác múa, thể hình. Nhưng có một điều mà sau này cô cay đắng nhận ra rằng cô không thể vươn lên hát ở những sân khấu lớn, chuyên nghiệp, được lên tivi, được ra album nhạc... vì một điều đơn giản là ngoài tài năng phải có tiền. Tiền bỏ ra để tự lăng xê mình. Tất nhiên phải khéo léo, thông qua bầu sô, báo chí. Nhưng nhà cô quá nghèo.

Thời mới vào Sài Gòn tìm chỗ đứng trong làng ca nhạc, ca sĩ AT đã từng trải qua niềm cay đắng này. Phát biểu trên một tờ báo, ca sĩ AT nói: “Muốn nổi tiếng phải có tiền, có thân thế, còn không có thân thế thì phải… thế thân”. Đó là sự thật trần trụi sau vầng hào quang của không ít ca sĩ nổi tiếng hiện nay. Có cô trở thành người tình hờ của các ông chủ bầu sô, giám đốc hãng băng đĩa, biên tập các chương trình ca nhạc…

VY kể ca sĩ HN xuất thân từ người mẫu, hát cứng. Sau đành làm vợ thứ…11 của ông bầu ca nhạc DH, được ông lăng xê liên tục trên các sàn diễn thời trang, ca nhạc…

Tại phòng trà DT, ông T. quản lý, một hôm có lời đề nghị “khiếm nhã” với ca sĩ TD nếu cô muốn được hát lâu dài. Cô đã chửi vào mặt ông T. rồi bỏ ra chỗ vắng ôm mặt khóc. Từ chối lời đề nghị “khiếm nhã” đó có nghĩa là ngày mai cô đừng đến đây hát nữa!

Phòng trà, một thế giới sẻ chia của những tâm hồn nghệ sĩ. Ảnh minh họa: HTD

Nạn nhân của sự quấy rối

Ngồi với chúng tôi, TD không bao giờ vòi vĩnh, từ chối cả thức uống chúng tôi mời. Khi chúng tôi “bo”, cô chỉ nhận 50.000 đồng, nhất quyết không lấy hơn. “Mấy anh là nhà báo, tiền không bao nhiêu. Ngồi với mấy anh vầy là vui rồi!” - TD nói. Cô vừa đi thì có một ông khách thì thầm vào tai chúng tôi: “Gái một con đó. Thỉnh thoảng cũng “nhảy dù” vì kẹt tiền mua sữa cho con”. “Làm sao ông biết?”. “Trời, cứ hỏi thằng C. là biết!”. Thằng C. mà ông nói là một doanh nhân chải chuốt, tối nào cũng ngồi một mình với chai Chivas.

Một hôm, chúng tôi gọi điện thoại thử mời TD đi ăn ngoài. Cô tới trong chiếc áo dài màu thiên thanh, cái băng đô đỏ trên mái tóc, trông cô như một nữ sinh. Một ông bạn muốn thử “khiếm nhã” với TD bằng cách nói mệt, xin về trước với TD. “Anh về thì về một mình. Em không thích bậy bạ đâu nghen!” - TD nói. Nét mặt cô đanh lại làm ông bạn tẽn tò.

Một lần TD đi về khuya bị cướp lấy hết tiền bạc, lại bị nứt xương cánh tay do té chống xuống mặt đường. Chúng tôi hỏi dò địa chỉ và tới thăm. Mẹ cô là một bà già quê rất mực hiền lành. Thấy bạn con tới, bà rất cảm động. Con trai của cô trắng trẻo, đôi mắt đen láy, trong sáng đến lạ kỳ. Nhìn một cánh tay cô bó bột mà chúng tôi không khỏi ái ngại cho cuộc sống những ngày tới của mẹ con cô.

Những ca sĩ phòng trà trước hết họ là những con người làm ăn lương thiện bằng chính tài năng và sức lao động của mình. Dù phải va chạm với đủ hạng người nhưng trong họ có những nhân cách thật đáng trân trọng. Đáng trách là có một số khách sau chầu nhậu sương sương nghĩ rằng tới đây bỏ tiền mua vui và có quyền làm mọi thứ! Còn nhớ tại phòng trà TTĐ, một ông khách say rượu cầm hoa lên tặng ca sĩ AV và đòi hôn cô. Ca sĩ AV phản ứng, lập tức ông la lối om sòm khiến chủ quán phải mời công an đến mới thu xếp được vụ việc.

Nhọc nhằn ra sân khấu lớn

Hồi mới từ Khánh Hòa vào, ca sĩ AT thường hát cho phòng trà VN. Tiền kiếm được vừa đủ trang trải tiền thuê nhà và ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Năm 1990, chị lại quyết định vào Sài Gòn một lần nữa. Một giọng ca lạ, từng đoạt rất nhiều huy chương vàng trong các cuộc thi toàn quốc giờ phải chịu cảnh đi bộ qua rất nhiều sân khấu để gõ cửa xin hát. Đó là một giai đoạn đầy thử thách với chị. Rồi một lần ở Sài Gòn, chị được mời tham dự đêm nhạc của Văn Cao. Chị kể lại trong một bài báo mà chúng tôi xin trích dưới đây: Năm đó đêm nhạc Văn Cao mọi người đến chủ yếu để nghe ông nói và nhìn thấy ông, rồi mới đến để nghe ca sĩ hát. Vậy mà khi AT hát Thiên thai và Buồn tàn thu, sáng hôm sau báo giới cả nước đều khen ngợi giọng ca của chị. Sau đêm diễn ấy, nhiều hợp đồng mời thu âm được gửi đến chị.

Một gương mặt trẻ cũng vừa nổi lên trong làng ca nhạc Sài Gòn. Đó là DH. Anh có giọng ca giống ca sĩ DK hồi trước 1975 ở miền Nam. Tại các phòng trà, nhiều đồng nghiệp đi trước dự báo tương lai của DH sẽ tiến xa. DH nói anh đến phòng trà hằng đêm để rèn nghề, tập sự tự tin trước công chúng, tìm cơ hội tiến thân. Chỉ hai năm sau, giọng hát truyền cảm ấy đã lọt vào mắt xanh của các bầu sô. Mới đây anh đã ra được hai đĩa CD cho riêng mình.

Nhưng những giọng ca đi lên bằng tài năng và có chút may mắn của mình như ca sĩ AT, DH không nhiều. Một số ca sĩ khác ngoài tài năng còn phải chi tiền nếu muốn được nổi tiếng, thoát kiếp ca sĩ phòng trà để vươn lên những sân khấu lớn. Biết làm sao được vì đó là quy luật của sự cạnh tranh để tồn tại. VY nói với chúng tôi như thế. Cô kể ra hàng loạt ca sĩ đang nổi tiếng hiện thời phải tiến thân bằng con đường này. Có cả một “công nghệ” để lăng xê, đánh bóng một tên tuổi lạ hoắc nào đó trở nên được nhắc nhở hằng ngày trên báo chí. “Báo chí của các anh cũng góp một phần, một “công đoạn” của “công nghệ” lăng xê này đó” - VY nói.

Thế giới sẻ chia

Thế nhưng phòng trà có một thế giới khác: thế giới để tin cậy, sẻ chia của những tâm hồn nghệ sĩ. Nơi ấy những ca sĩ lớn tuổi trở về tìm chút bình yên sau thác ghềnh cuộc sống. Họ tìm đến đây để được sống lại trong tiếng vỗ tay của những khán giả ái mộ; thử lại giọng hát của mình cho vơi đi nỗi nhớ nghề và cuối cùng cũng là chỗ kiếm cơm của nhiều nghệ sĩ tuổi xế chiều kém may mắn...

Tại phòng trà AN, người dẫn chương trình là ca sĩ LH, người một thời có giọng ca được nhiều người mến mộ, nay an phận với niềm vui đơn sơ nhưng với chị thì vô cùng hạnh phúc. Đó là vài lời chào hỏi, vài tiếng khen ngợi chị còn giữ giọng thanh thót như ngày nào. Tại đây, chúng tôi hân hạnh được gặp nhạc sĩ YV nổi tiếng với bài hát Tôi đưa em sang sông. Bây giờ tuổi đã xếp vào hàng “cổ lai hy” nhưng đêm đêm ông vẫn đến đây đệm piano hay kéo vĩ cầm cho các giọng ca trẻ. Ông nói không khí phòng trà đã ăn vào máu thịt ông rồi. Có lúc bệnh, nằm nhà chừng một tuần, chịu không nổi lại đón xe ôm đến đây. Tại phòng trà BH, đêm đêm chúng tôi còn gặp các ca sĩ ngôi sao của một thời như NP, VH… Họ đến để được hát chứ thù lao thì có đáng là bao.

Một số nghệ sĩ có điều kiện thì tự mở phòng trà cho mình làm chủ, như phòng trà của ca sĩ TH trên đường Võ Thị Sáu, phòng trà của ca sĩ ĐV trên đường Nguyễn Thị Diệu, ca sĩ BH trong cư xá Đô Thành… Tuy nhiên, số nghệ sĩ may mắn như trên không nhiều. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều ca sĩ lúc tuổi đời về chiều vẫn còn bươn chải kiếm sống. Tại phòng trà TD, chúng tôi đã nhiều đêm ngồi nghe ca sĩ TT tâm sự về cuộc đời chị mà lòng phải khóc thầm. Chị đã ngoài 50 tuổi, chồng bệnh mất, một mình nuôi hai con, kinh tế gia đình đổ hết lên đôi vai gầy của chị. Lúc phòng trà đóng cửa, ánh đèn sân khấu tắt, chị một thân một mình đi về giữa đêm khuya… “Đường về đêm nay vắng tanh. Rạt rào hạt mưa rớt nhanh. Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em… Đường về nhà em tối đen…”. Lời một bài hát như vận vào số phận của chị và của nhiều người trót mang lấy nghiệp ca sĩ phòng trà.

LÊ ĐÔNG

Anh là thằng hèn! Bữa nay tui quyết lật mặt nạ anh! Đồ đạo đức giả!

Ca sĩ VY không nén nổi tức giận khi kể lại chuyện ông T. cho chúng tôi nghe để ta thán chuyện đời của ca sĩ phòng trà.

Bị chủ lật lọng

Tháng 4-2009, cô đang là ca sĩ phòng trà BH và NA ở quận 3, TP.HCM thì ông T. (nguyên chủ một phòng trà khá nổi tiếng trên đường Cao Thắng) mời xuống Cần Thơ làm ăn. Ông T. vẽ ra một kế hoạch làm ăn trên quy mô lớn: “Tụi anh mở nhà hàng ca nhạc. Ban nhạc, nhạc công tụi anh có rồi, bây giờ chỉ cần ca sĩ thôi. VY hợp tác với tụi anh nhé! Nói chung là anh cần khoảng 10 ca sĩ có mặt hằng đêm”. Ca sĩ VY: “Tụi em đang hát ổn định ở Sài Gòn, bỏ về dưới liệu có phiêu lưu không anh?”. Ông T.: “Ô, khỏi lo! Tụi anh tuyển người có hợp đồng đàng hoàng. Trước mắt trả lương 10 triệu đồng/người/tháng. Được chưa?”.

Thật là một đề nghị hấp dẫn, nằm mơ cũng không có! Ca sĩ VY chạy ngược chạy xuôi, lấy uy tín của mình ra bảo đảm mới rủ được chín ca sĩ khác bỏ Sài Gòn về Cần Thơ hát. Họ quyết đi để đổi đời dù biết rằng quyết định này khá phiêu lưu. Nếu công việc ở Cần Thơ không ra gì thì họ sẽ mất hết, không quay về chỗ làm cũ ở Sài Gòn được nữa.

Ảnh trên: Mỗi bài hát ca sĩ phòng trà chỉ được trả thù lao 25.000 đồng.

Chỉ trong thời gian ngắn VY đã triệu tập được đủ số ca sĩ theo yêu cầu của ông T. Hợp đồng nhanh chóng được ký kết. Ngoài mức lương hời, các cô còn được chủ bao ở. Ca sĩ VY nói với chúng tôi: “Thật là buồn ngủ gặp chiếu manh, anh à! Không phải ca sĩ phòng trà nào cũng được gặp sự may mắn như thế đâu”.

Thế nhưng khi xuống tận nơi, các ca sĩ mới thấy thực tế rất khác với những gì ông T. nói. Chỗ ở là ngôi nhà đang xây dở dang, thiếu đủ thứ vật dụng sinh hoạt, nằm trơ trọi giữa cánh đồng, buổi trưa trở thành “lò hấp” bởi cái nóng phả ra từ khối bê tông. Ở thì như thời tản cư. Ăn thì cơm hàng cháo chợ. Công việc chính là hát thì cũng không có nốt vì nhà hàng kiểu đầu voi đuôi chuột này không thu hút được khách. Đến ngày thứ ba, ông T. gọi các cô lại thông báo giải tán với lý do các cô hát… không đạt. Với cái cớ này, ông T. không trả lương cho các cô. Theo quy định, nếu không thực hiện đúng hợp đồng, phía chủ phải trả nguyên tháng lương. Tuy nhiên ở đây chủ cúp lương, dù chỉ một ngày.

Trước nguy cơ bị lật lọng, trắng tay, các cô kéo lên công an phường báo cáo vụ việc và nhờ can thiệp. Sau hai ngày kiên trì đấu tranh với tờ hợp đồng giấy trắng mực đen, phía chủ mới đồng ý trả mỗi người 3 triệu đồng để trang trải tiền cơm nước mấy ngày qua, mướn xe đò “rút tàn quân” về lại Sài Gòn.

Rơi nước mắt

Chúng tôi hỏi VY: “Sao ngay từ đầu chị không từ chối, phải đỡ thua thiệt hơn không?”. VY lắc đầu với cái nhìn buồn bã: “Các anh không hiểu sự khổ cực của đời ca sĩ phòng trà tụi em đâu”. Uống một hớp bia, VY kể: “10 triệu đồng/tháng là món tiền khá lớn đối với ca sĩ phòng trà như em”. Đêm đêm VY phải đi hát nhiều nơi nhưng không được trả lương mà chỉ trả theo bài, mỗi bài 25.000 đồng. “Nhận thù lao mà rơi nước mắt, anh à!” - VY thở dài. Số tiền này không đủ cho cô đổ xăng, son phấn, áo quần phục trang phục vụ cho cái nghề ca hát của mình. Nhưng VY còn may mắn hơn một số ca sĩ khác. Thấy giọng ca của cô có nhiều khách yêu cầu, chủ phòng trà NA (một Việt kiều Mỹ) đưa cô vào danh sách ca sĩ của quán, mỗi đêm trả thêm cho cô 50.000 đồng.

Hoa trên bàn để khách gắn tiền tặng ca sĩ.

Tặng hoa cho ca sĩ.

Thật ra ca sĩ phòng trà còn có một nguồn thu quan trọng khác là tiền bông (hoa). Khách phòng trà sau mỗi bài hát thường kẹp tiền vào cành hoa nhựa lên sân khấu tặng ca sĩ giữa tiếng vỗ tay tán thưởng của thực khách. Mỗi cành hoa thường kẹp tờ 10.000 đồng, 20.000 đồng, khách sộp thì nhiều hơn. Cuối buổi diễn, tiền bông được đếm, chia cho ban nhạc 30%, còn lại chia đều cho các ca sĩ có mặt.

Phòng trà thường đông khách vào dịp giáp tết. Lúc đó tiền bông cũng góp một phần giúp cái tết của họ bớt tủi thân, nhọc nhằn. Nhưng sau tết trở đi là ế dài dài. Năm nay kinh tế lại bị ảnh hưởng bởi suy thoái thế giới, lại đúng mùa World Cup Nam Phi kéo dài cả tháng trời, nhiều phòng trà đêm đêm hầu như vắng bóng người. Có đêm đã 22 giờ, ca sĩ VY gọi điện thoại tâm sự cảnh ca sĩ, nhạc công ngồi ngáp vì vắng khách… Có lẽ vì những khó khăn cuộc sống nên có vài đêm chúng tôi thấy ca sĩ VY hát xong, với tay lấy tiền gắn trên cành hoa lén cho vào túi quần, rồi nhẹ nhàng để cành hoa không vào rổ. Chúng tôi biết cực chẳng đã VY mới làm vậy vì sẽ có nhiều người khác thấy. Giới ca sĩ trong nghề gọi là “ăn bẩn”…

Những tiếng thở dài

Mỗi cảnh đời ca sĩ phòng trà mỗi khác nhưng nói chung ai cũng vất vả bươn chải với cuộc sống để tồn tại. Bây giờ VY vẫn đi hát hằng đêm nhưng đôi mắt của cô buồn hơn, trầm lắng hơn, ít nói hơn. Năm nay trên dưới 30 tuổi, đã một lần đổ vỡ, cô ở vậy nuôi cậu con trai học lớp 5. VY vẫn còn một ngoại hình khá đầy đặn. Hơn nữa, nhờ lớp son phấn dưới ánh đèn mờ nên trông cô có phần trẻ hơn, xinh hơn. Cô thích dòng nhạc trữ tình của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… Chính giọng ca của VY đã giúp lôi kéo một số khách trung thành đến với phòng trà BH, NA. Những cành hoa nhựa kẹp tiền được gửi lên sân khầu nhiều hơn, những tiếng vỗ tay to hơn, gương mặt của VY rạng rỡ, hạnh phúc hơn… Nhưng đó là những phút giây của hào quang ngắn ngủi, phù du.

Khi đã khá quen biết, chờ VY hát xong, chúng tôi mời cô đến ngồi cùng bàn. Cô không uống bia, chỉ thi thoảng lắm mới uống một chai Heineken. Thường thì cô uống cam vắt. Nhưng VY hút thuốc khá nhiều. Chúng tôi hỏi sao hút thuốc nhiều như vậy, VY trả lời do thói quen, sau khi ly dị lại càng hút tợn. Vì buồn cũng có. Cô hút trong khoảng thời gian chờ tới lượt mình hát, những đêm về vò võ một mình.

Tại phòng trà AN, chúng tôi làm quen với ca sĩ TD mới 27 tuổi, có con trai 1 tuổi gửi bà ngoại trông. Tối tối cô đi hát kiếm tiền nuôi con. Không người đỡ đầu, TD tự đến xin hát ở một số phòng trà ở quận 3, Bình Thạnh để có chút tiền bông của khách. Ngoài ra, một số khách có lẽ thích sự dịu dàng của cô, sau mỗi bài hát “bo” riêng cho cô. “Em dành dụm lắm cũng chỉ đủ tiền mua sữa cho con thôi, anh à! Nhưng vậy là may lắm rồi” - TD tâm sự. Tại phòng trà GT gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh có nam ca sĩ QT. Anh hát dòng nhạc Pháp rất hay và sang trọng. Nay đã hơn 50 tuổi đời và 25 năm làm ca sĩ phòng trà, anh vẫn ở nhà thuê, nuôi vợ và hai con. Trong giọng ca của người ca sĩ từng trải này, chúng tôi nghe vừa có tiếng thở dài vừa có nụ cười của người ngộ đạo.

LÊ ĐÔNG

(Còn tiếp)

  • (Tên tuổi các nhân vật được đề cập trong phóng sự này đã được thay đổi. Sự trùng hợp nếu có là do ngẫu nhiên, nằm ngoài ý muốn của tác giả)