Các vấn đề đặt ra đối với chính sách tài khóa trong thực tiễn

Việt Nam đã đưa ra gói kích thích tài khóa gồm giảm thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 ngàn tỷ đồng, chi tiền mặt cho an sinh xã hội lên đến 62.000 tỷ đồng, giảm giá điện với tổng trị giá 11.000 tỷ đồng và hoãn đóng bảo hiểm xã hội trị giá 9.500 tỷ đồng. Tính tổng thể quy mô gói kích thích tài khóa của Việt Nam tương đương 4,3% GDP và xấp xỉ các nền kinh tế mới nổi khác cũng như các quốc gia đang phát triển trong khu vực.

Các vấn đề đặt ra đối với chính sách tài khóa trong thực tiễn
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Nguồn: HCMUEL

Tuy nhiên, các chính sách nêu trên chỉ mới dừng lại ở mức độ cứu trợ khẩn cấp (ngắn hạn, tức thời) trong khi tác động COVID-19 sẽ còn kéo dài. Dự báo của IMF cho thấy GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng thấp trong năm 2020, có thể kéo dài đến năm 2021. Vì vậy, Chính phủ phải tính đến các chính sách để tiếp tục vực dậy nền kinh tế và sau đó là hồi phục và phát triển.

Chính sách tài trợ thâm hụt

Dưới góc độ chính sách kinh tế vĩ mô, nhiều nhà kinh tế cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra cần sử dụng công cụ chính là chính sách tài khóa còn chính sách tiền tệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Các nhà phân tích chính sách ở hầu hết quốc gia đều thống nhất về sự cần thiết của việc sử dụng ngân sách để cứu trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Các gói kích kích kinh tế khổng lồ đã được đưa ra, thậm chí tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách trong hoàn cảnh hiện tại cũng là lựa chọn của nhiều nước.

Để đáp ứng cho các khoản chi từ ngân sách nhà nước, chúng tôi đưa ra khung phân tích các lựa chọn tài trợ thâm hụt cho Việt Nam theo các tiêu chuẩn gồm: Tái phân bổ chi tiêu, thuế, vay nợ, chuyển nhượng tài sản công và tiền tệ hóa thâm hụt.

Trước nhất, tái phân bổ chi tiêu là việc điều chỉnh chi tiêu liên quan dự toán ngân sách hiện tại và được thực hiện trong các trường hợp: Căng thẳng tài chính, thặng dư tài khóa, chương trình bội chi ưu tiên, uu tiên chính trị mới và thay thế đầu vào.

Hiện nay, việc tái phân bổ chi tiêu tại Việt Nam được thúc đẩy bởi nhiều tác động ở cả phía cung và cầu. Đó là giảm nguồn thu ngân sách trong năm 2020 do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu; bên cạnh đó, giá dầu sụt giảm cũng tạo nhiều tác động đáng kể. Chính phủ có thể tái phân bổ chi tiêu bằng cách cắt giảm chi thường xuyên và chuyển các khoản này cho an sinh xã hội. Như vậy, xét về các tác động của chính sách, thời gian huy động nguồn lực, việc tái phân bổ chi tiêu là hoàn toàn có thể đáp ứng.

Hiện tại không gian cho chính sách thuế là không nhiều do sự thu hẹp hoạt động của các khu vực và thành phần kinh tế. Chính phủ cũng đang thực hiện việc hoãn và miễn giảm thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong khi đó, vay nợ là một nguồn tài chính tiềm năng. Bộ Tài chính đang đàm phán với các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á để vay 1 tỷ USD. Mặt khác, trong bối cảnh khả năng vay từ thị trường quốc tế của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam đang gặp các hạn chế, việc phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư trong nước có thể là một lựa chọn. Tuy nhiên, việc đi vay nợ sẽ gặp rào cản là tính bền vững của nợ công khi tỷ lệ nợ công/GDP đang bị khống chế ở mức 65% (tỷ lệ nợ công năm 2019 ước tính là 56,1% GDP). Do vậy, việc nâng trần nợ công cũng cần được xem xét trong bối cảnh tác động của COVID-19. Đồng thời, để thu hút các nhà đầu tư trong nước mua trái phiếu trong giai đoạn này, Chính phủ có thể cân nhắc việc phát hành trái phiếu có lãi suất điều chỉnh theo mức độ lạm phát.

Đối với chuyển nhượng các tài sản công, Chính phủ nên tài trợ cho thâm hụt ngân sách thông qua chuyển nhượng loại tài sản này. Theo kế hoạch, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn tại 85 doanh nghiệp trong năm 2020 với giá trị vốn điều lệ hơn 16.720 tỷ đồng, trong đó nhiều doanh nghiệp đang niêm yết với giá trị vốn hóa thị trường lớn. Vấn đề đặt ra là thời gian để thực hiện việc này khi trong năm 2019, SCIC chỉ thoái vốn được 82 tỷ đồng tại 12 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước 314 tỷ đồng, gấp 3,8 lần giá trị vốn bán ra.

Tiền tệ hóa thâm hụt là phương thức tài trợ thâm hụt ngân sách đang được sử dụng tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, Anh, Nhật và các quốc gia đang phát triển như Indonesia và Ấn Độ… Việc thực hiện phương thức này đòi hỏi phải xác định lượng tiền cung ứng, thời gian thực hiện cũng như những hậu quả không mong muốn ở hiện tại hay tương lai.

Tiền tệ hóa thâm hụt cần dựa trên mô hình kinh tế vĩ mô chứ không thể dựa trên mô hình phân tích kinh tế đơn giản. Tuy vậy, đây là một sự đánh đổi đặt ra cho Việt Nam khi thực hiện chính sách này, đó là hồi phục kinh tế và chấp nhận các rủi ro kèm theo.

Chính sách tài khóa ngắn và trung hạn

Đối với chính sách tài khóa ngắn hạn, Chính phủ cần cho phép hạch toán đầy đủ chi phí lương. Theo đó, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ hạch toán đầy đủ chi phí liên quan tiền lương, tiền công và các khoản có liên quan tiền lương, tiền công phát sinh trong năm 2020. Điều kiện để hưởng chính sách này là các doanh nghiệp không được sa thải người lao động và không được giảm lương người lao động trong năm 2020 cho đến hết năm 2021.

Thứ đến, phải nhanh chóng chi ngân sách nhà nước cho đầu tư công. Cụ thể là khơi thông khối tiền đầu tư công 700.000 tỷ đồng trong năm 2020. Theo thông tin từ Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn nhà nước ở trung ương và địa phương có thể bơm vào nền kinh tế trong năm 2020 xấp xỉ 700.000 tỷ đồng gồm vốn phát sinh trong năm 2020 khoảng 135.000 tỷ đồng và vốn của kế hoạch các năm trước được chuyển nguồn thực hiện ở năm 2020 khoảng 565.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, địa phương nào giải ngân dưới 60% sẽ bị cắt giảm vốn và tạm ứng 20% vốn phát sinh năm 2020, thì tổng khối lượng tiền đầu tư công các năm trước và năm 2020 được giải ngân trong nửa cuối năm 2020 là 366.000 tỷ đồng, xấp xỉ 15,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, thông tin từ Kho bạc Nhà nước cho biết đến hết tháng 3/2020, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 57.500 tỷ đồng chỉ bằng 12,8% kế hoạch giao. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn ODA và vay ưu đãi nước ngoài còn thấp hơn. Lũy kế đến ngày 31/3/2020 mới được hơn 2.666 tỷ đồng trên tổng số vốn được giao cả năm là 56.700 tỷ đồng, tỷ lệ đạt 5%. Ngoài ra, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân những tháng đầu năm 2020 là chủ đầu tư chưa đến giao dịch mở tài khoản và thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.

Về chính sách tài khóa trung hạn, cần cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về năm trước. Việc doanh nghiệp hạch toán đầy đủ chi phí liên quan tiền lương, tiền công và các khoản có liên quan tiền lương, tiền công trong bối cảnh không có doanh thu sẽ tạo ra một khoản lỗ đối với doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp được chuyển lỗ về sau không quá 5 năm. Do đó Bộ Tài chính nghiên cứu cho phép doanh nghiệp chủ động chuyển lỗ về năm trước (2019 và 2018) hoặc năm sau (2021, 2022 và 2023) trong hạn định 5 năm. Chuyển lỗ về trước bằng cách hạch toán lỗ kinh doanh ròng phát sinh trong năm tài chính 2020 vào thu nhập tính thuế được báo cáo trong những năm trước, dẫn đến khoản hoàn thuế (tạo dòng tiền vào). Chuyển lỗ về sau sẽ dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (ngăn dòng tiền ra).

Đồng thời, cần bố trí một khoản mục chi tái thiết kinh tế trong dự toán ngân sách giai đoạn 2021-2026. Ở phía khu vực doanh nghiệp, khủng hoảng COVID-19 cũng là một dịp sàng lọc doanh nghiệp, nói cách khác là nền kinh tế tự tái thiết. Nền kinh tế tự tái thiết kinh tế (tái thiết tự nhiên) và chính phủ tái thiết kinh tế (tái thiết chủ động) sẽ tôi luyện doanh nghiệp thêm bản lĩnh cũng như lọc bỏ những doanh nghiệp yếu kém, không tôn trọng luật pháp và gây nguy hại môi trường.

Các tiền tệ, tài khóa và an sinh xã hội vừa qua của Chính phủ chỉ ngăn chặn sự suy thoái sâu của nền kinh tế Việt Nam. Để vực dậy nền kinh tế, Chính phủ cần bố trí hằng năm trong giai đoạn ngân sách 2021-2026 một khoản dự toán chi tái thiết. Khoản dự chi này nằm trong khoản mục “Chi đầu tư phát triển” dưới hình thức hỗ trợ lãi suất, giảm và giãn thuế… Trên thực tế, TP.HCM đã có chương trình kích cầu đầu tư hay cấp bù lãi vay kích cầu từ nhiều năm.

Tựu trung, khi tái thiết kinh tế, Chính phủ cần xem xét mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay từ chương trình kích cầu đầu tư để chương trình có hiệu quả lan tỏa trên mọi lĩnh vực. Cùng với đó là cải cách các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn.

TS TRẦN HÙNG SƠN

(*) Tít và trung đề do Bản tin ĐHQG-HCM đặt.

Các vấn đề đặt ra đối với chính sách tài khóa trong thực tiễn

Sáng nay, ngày 4 tháng 1 năm 2022, Quốc hội họp phiên bất thường và 1 trong 4 nội dung của kỳ họp là thảo luận Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

GS. Trần Thọ Đạt (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận định rằng thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng, tuy không dẫn đến tăng trưởng âm như nhiều nước, nhưng lại kéo dài đã 2 năm, tạo đáy chữ U chứ không phái chữ V như nhiều nước. Do vậy, việc đề xuất gói kích thích kinh tế mạnh hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn là cần thiết để nền kinh tế thoát đáy bắt nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Hiện tại, mặc dù quy mô của chương trình hỗ trợ đang chờ Quốc hội phê duyệt, nhưng những thông tin cơ bản đã được "lên sóng". Nhiều ý kiến cho rằng chính sách tài khóa thời gian qua là khá "rụt rè" khi so sánh hỗ trợ của ta tính theo tỷ trọng trên GDP là thấp hơn nhiều so với con số 10%, 20% thậm chí 40% của một số nước. Tuy nhiên, việc xem xét quy mô của chương trình hỗ trợ vẫn cần thận trọng và phải đặt trong tổng thể thâm hụt và "sức chịu đựng" của tình hình tài khóa hiện nay. Một điểm lưu ý là với mức thâm hụt ngân sách khoảng 4% duy trì trong nhiều năm qua, cán cân ngân sách của ta có thể đang tương đương với tình hình của một số nước trong khu vực khi họ đã tung ra gói kích thích khá lớn trong thời gian vừa qua.

Tiếp đến, theo GS. Trần Thọ Đạt, quy mô gói hỗ trợ bao nhiêu cũng cần phải tính trên "nguồn" có thể huy động. Bài toán xác định "nguồn" cần tìm đến những biến số, các yếu tố chắc chắn trước mang tính cơ cấu lại ngân sách, các yếu tố bổ sung ngân sách từ nguồn chủ động không phải vay, rồi mới đến các yếu tố vay nợ. Theo đó, khoản chi thường xuyên hiện đang chiểm tỷ trọng hơn 60% ngân sách cần được rà soát lại, cắt giảm các khoản không cần thiết như đi lại hội họp, công tác nước ngoài,… Một nguồn quan trọng khác có thể huy động được mà vẫn thường xuyên được coi là "chậm tiến độ" chính là thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Tiến trình cổ phần hóa, tốc độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước trên sàn hiện nay đang rất chậm, thường xuyên không đạt kế hoạch đề ra. Nghịch lý đang diễn ra là trong khi nền kinh tế, các doanh nghiệp đang khát vốn thì một lượng vốn lớn và tài nguyên của các doanh nghiệp nhà nước đang được sử dụng chưa hiệu quả. Tiếp đến, một kênh huy động nguồn đang khá thuận lợi hiện nay là vay từ các tổ chức và định chế tài chính quốc tế. Mặc dù Việt Nam đã "tốt nghiệp" ODA khi bước vào một giai đoạn phát triển mới với tư cách là nước có mức thu nhập trung bình, những các nguồn tài chính chính thức khác lại gia tăng và vẫn khá ưu đãi. Cuối cùng, mới tính đến phương án phát hành trái phiếu chính phủ để tài trợ chương trình hỗ trợ.

Về cơ cấu ưu tiên chi của gói hỗ trợ, ông Trần Thọ Đạt đề xuất do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp với các biến thể mới, ưu tiên dành ngân sách bổ sung cho phòng chống dịch cần được đặt lên hàng đầu. Mặt khác, người dân và doanh nghiệp đang kiệt quệ qua các đợt dịch kéo dài, do vậy cần dành một tỷ lệ thích đáng của gói hỗ trợ dưới dạng tiền tươi thóc thật. Nếu hỗ trợ tiền mặt cho tất cả người dân có thể bị xem là cào bằng thì cần khẩn trương và mạnh dạn mở rộng hỗ trợ tiền mặt cho các đối tượng bị suy giảm thu nhập, chứ không nên chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ những đối tượng giảm sâu thu nhập,… Thông qua hỗ trợ kịp thời tiền mặt, việc tăng tiêu dùng từ người dân sẽ có tác động tức thì "theo số nhân chi tiêu", qua đó giải tỏa hàng hóa cho doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua đang khá yếu hiện nay. Cần ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách hỗ trợ người lao động di cư phải thuê nhà nhằm tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung lao động khi trở lại trạng thái bình thường mới. Có thêm những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn qua các kênh phi chính thức đối với đối tượng người lao động di cư không có đăng ký và người lao động tự do trong khu vực phi chính thức.

Ông Đạt nhấn mạnh rằng hỗ trợ tài khóa không nhất thiết là một chiều tăng chi hỗ trợ. Trong bối cảnh hiện nay, khi tính cấp bách của việc cần hỗ trợ kịp thời, hỗ trợ nhanh, việc ưu tiên giảm chi phí như giảm thuế, phí (ví dụ giảm thuế môi trường với xăng, dầu) cần được thực hiện nhanh và mạnh hơn. Chi phí và tổn thất phát sinh do phòng chống dịch bệnh của doanh nghiệp đang gia tăng, tạo ra gánh nặng rất lớn với các doanh nghiệp vốn đã kiệt sức do dịch bệnh kéo dài, do vậy việc ban hành và thực thi các chính sách nhằm bình ổn giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa là hết sức cần thiết. Tránh hỗ trợ dàn trải, bình quân, liều lượng hỗ trợ thấp do dư địa không cho phép thực hiện bao phủ quá nhiều đối tượng. Cùng với hỗ trợ theo diện rộng, trong giai đoạn phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc, tập trung hơn vào các doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa quan trọng đến các khu vực khác trong nền kinh tế để tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế.

Theo GS. Trần Thọ Đạt, hỗ trợ đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công là giải pháp đúng, song về quy mô cần xem xét kỹ. Nguồn lực của quốc gia bao giờ cũng có hạn, nhất là trong bối cảnh ngân sách đang thâm hụt mà vẫn phải "căng mình" để bơm thêm gói hỗ trợ, do đó việc tiền phải phân bổ vào đâu để mang lại hiệu quả cao nhất, trả nợ trong tương lai chính là lời  giải của bài toán phân bổ tối ưu nguồn lực. Hỗ trợ đầu tư công cần được xem xét về hiệu quả dài hạn, không chạy theo số lượng, không "lấn át" đầu tư tư nhân (kể cả thông qua cạnh tranh nguồn tín dụng trong nước), tạo hiệu ứng "lôi kéo" đầu tư tư nhân và hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước.     

Ông Đạt lưu ý trong quá trình chuyển đổi từ cứu trợ sang hỗ trợ phục hồi và phát triển, chi ngân sách cần hướng đến xu hướng cấu trúc thay đổi của nền kinh tế hậu đại dịch thông qua các gói kích thích số, đầu tư vào công nghệ số và cơ sở hạ tầng đóng vai trò hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế, tăng tốc đổi mới và số hóa nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để xem xét, cân nhắc lại một số sắc thuế nhằm khuyến khích chuyển đổi số, sản xuất thông minh, phát triển năng lượng xanh - sạch, nông nghiệp sinh thái.

Về chính sách tiền tệ, GS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh cần bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp thông qua việc chủ động và linh hoạt điều chỉnh lãi suất điều hành, tỷ lệ dự trữ bắt buộc khi cần, chủ động duy trì ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân. Việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất cần rút ra các bài học kinh nghiệm về đối tượng thụ hưởng và thời gian thực hiện. 

Theo Ông Đạt, trong khi nhiều đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đã triển khai các giải pháp "rút củi đáy nồi" để ứng phó với lạm phát gia tăng sau khi đã tung gói hỗ trợ lớn chưa từng có, thì các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có nước ta đi chậm hơn trong pha hồi phục kinh tế thì việc triển khai hỗ trợ đầu tư và chi tiêu sẽ phái tính thêm yếu tố ràng buộc là nguy cơ lạm phát. Do vậy, phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ sao cho từng chính sách phát huy được hết hiệu lực và phối hợp với nhau có hiệu quả là chìa khóa để chương trình hỗ trợ đạt được mục tiêu: nền kinh tế sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững.

Trong cơ chế phối hợp này, về nguyên tắc chính sách tài khóa vừa có tác dụng cứu trợ và hỗ trợ, trong khi chính sách tiền tệ có tác dụng hỗ trợ là chủ yếu. Chính sách tài khóa cần phối hợp với chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo dòng tiền, khả năng thanh khoản, đạt được cân bằng tối ưu của ít nhất hai biến số là tăng trưởng và lạm phát. Về tổng thể, cần kiểm soát lạm phát và lãi suất ở mức mục tiêu, tỷ giá ổn định, hệ thống tài chính tiền tệ an toàn, thì nền kinh tế mới có thể hồi phục nhanh chóng sau đại dịch. Trong cơ chế phối hợp hai chính sách này, cần có sự quyết đoán, đúng thời điểm, đủ liều lượng của chính sách tài khóa khi kích thích tổng cầu, và khi có bất cứ nguy cơ đẩy lạm phát lên cao cần được "trung hòa" bằng điều chỉnh dòng tiền kịp thời thông qua hoạt động thị trưởng mở của chính sách tiền tệ. Nỗ lực phối hợp cần đảm bảo quản lý ngân quỹ nhà nước tốt hơn, hỗ trợ và phối hợp Kho bạc nâng cao năng lực quản lý dòng tiền của nền kinh tế. Mặt khác, khi chính sách tệ cần được mở rộng để hỗ trợ thanh khoản, nguy cơ lạm phát lên cao, cần có sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và kể cả chính sách thương mại, giá cả trong việc giảm thuế, giảm chi phí đầu vào, không tạo kỳ vọng lạm phát.      

GS. Trần Thọ Đạt cho rằng trong quá trình phối hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ, không có công thức chung và lời giải chắc chắn đúng. Bất kỳ phương án nào cũng đòi hỏi một mức độ quyết đoán và chấp nhận rủi ro, do vậy để có quyết định hợp lý nhất, các cơ quan phê duyệt và hoạch định, triển khai thực thi thuộc thẩm quyền Quốc hội và Chính phủ cần có được những dữ liệu chính xác, kịp thời và đầy đủ nhất về các chỉ số kinh tế vĩ mô, các chỉ số dự báo biến động thị trường để có sự phối hợp chủ động, chặt chẽ và hiệu quả. Để thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ trong việc triển khai chương trình kích thích, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cần được thể hiện ở các kịch bản nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô và hạn chế tối đa các rủi ro về tài khóa và tiền tệ đối với nền kinh tế. Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm rằng các nguồn lực có thể được huy động và sử dụng cho những khoản đầu tư có hiệu quả, nền kinh tế sớm phục hồi, ngân sách được cải thiện, rủi ro nợ công được giảm thiểu và nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển bền vững hơn.

Theo cafef