Các vấn đề xung quanh chính sách đối ngoại của Trung Quốc

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chủ trì buổi họp báo quan trọng về chính sách đối ngoại của Trung Quốc năm 2019, trong đó nêu bật quan điểm của nước này về các vấn đề quốc tế nổi cộm và căng thẳng hiện nay với Washington.

Hãng tin CGTN cho biết, cuộc họp báo về chính sách đối ngoại được đánh giá là một trong những hoạt động bên lề quan trọng nhất tại kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13. 

Mở đầu bài phát biểu sáng 8-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, thời gian qua, dù phải đối mặt với cục diện thế giới phức tạp, song, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, ngành ngoại giao nước này đã xác định rõ mục tiêu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: CGTN

“Chính sách ngoại giao của Trung Quốc cũng đã tìm được một khởi đầu mới. Ở đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển hòa bình, nỗ lực bảo vệ trật tự thế giới hiện có và gánh vác trách nhiệm quốc tế về hòa bình và tiến bộ nhân loại”, ông Vương thông báo về đường hướng ngoại giao nước này trong tương lai. “Trung Quốc luôn coi trọng độc lập, nhưng sẽ không đi một mình. Trung Quốc sẽ đứng lên đòi quyền lợi, nhưng chắc chắn không tìm kiếm sự bá quyền”.

Căng thẳng với Mỹ

Về quan hệ với Mỹ, trong bối cảnh Bắc Kinh đang chịu nhiều áp lực từ cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết cùng Washington, ông Vương Nghị nói rằng hai nước đã có tới 40 năm “cùng song hành” trong một “chặng đường lịch sử”, song lại đang đứng trước “một số thách thức mới”. 

Tuy nhiên, ông Vương nhấn mạnh hai bên không nên đối đầu vì lợi ích của Mỹ và Trung Quốc là “không thể tách rời”. 

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh minh họa

“Một khi ai đó quá phóng đại về sự cạnh tranh thì điều đó sẽ chỉ chèn ép không gian hợp tác. Do vậy, mở rộng hợp tác là con đường duy nhất phù hợp cho lợi ích chung Trung-Mỹ và cũng là trách nhiệm mà hai nước phải gánh vác với thế giới”, ông Vương quả quyết. 

Liên quan đến vụ lùm xùm Huawei khi Mỹ mới đây một mặt tìm cách dẫn độ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu từ Canada, mặt khác ban hành lệnh cấm các cơ quan liên bang dùng sản phẩm của hãng, ông Vương không ngần ngại chỉ trích Washington và cho rằng các cáo buộc nhắm vào tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc này mang màu sắc chính trị.

 “Trung Quốc đã và sẽ bảo vệ các quyền hợp pháp cho công dân. Chúng tôi khuyến khích giới doanh nghiệp và công dân Trung Quốc bảo đảm lợi ích chính đáng bằng các vũ khí pháp lý và từ chối trở thành những con cừu im lặng”, ông Vương khẳng định.

Mỹ-Triều đạt bước tiến quan trọng ở Hà Nội

Khi nói tới tình hình trên bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Trung Quốc đã dành những lời đầu tiên để khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ở Hà Nội đạt được “bước tiến rất quan trọng”. 

Lãnh đạo Mỹ-Triều bắt tại ở Hà Nội. Ảnh: Reuters

Ông Vương nhấn mạnh, Trung Quốc coi việc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên vượt qua khó khăn để gặp mặt trực tiếp tại Hà Nội cần được “biểu dương”. 

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi hai bên tiếp tục các cuộc đối thoại, không thay đổi hướng đi duy nhất là mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. “Trung Quốc sẽ làm việc cùng các bên liên quan để đạt được mục tiêu đó”, ông Vương tuyên bố.

Quan điểm về các vấn đề nóng

Trả lời câu hỏi của báo giới về quan điểm xung quanh cuộc xung đột chưa hạ nhiệt giữa Ấn Độ và Pakistan tại vùng Kashmir, ông Vương cho hay Bắc Kinh hy vọng Ấn Độ và Pakistan có thể kiềm chế một cách tối đa, dừng các hành động làm phức tạp tình hình và xác định rõ nguyên nhân dẫn đến xung đột. “Trung Quốc mong hai bên biến xung đột thành cơ hội”, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định.

Trung Quốc muốn Ấn Độ và Pakistan hạ nhiệt căng thẳng.

Đối với vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc đánh giá tình hình Biển Đông đang phát triển theo xu hướng ổn định và tốt lên. Ông Vương tái nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc trong việc cùng ASEAN hoàn tất các cuộc đàm phán xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) trước khi năm 2021 kết thúc.

Cũng trong cuộc họp báo này, ông Vương tuyên bố Trung Quốc và Nga đang có quan hệ song phương rất tốt, khẳng định Bắc Kinh và Moscow hợp tác chặt chẽ trong nhiều vấn đề quốc tế. Thêm vào đó, trong năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Nga để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. 

Về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Venezuela, ông Vương khẳng định, “độc lập và chủ quyền của mọi quốc gia cần được tôn trọng” và “Trung Quốc sẽ hỗ trợ Venezuela giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng nội bộ nói trên”. 

Trung Quốc bác các nhận định tiêu cực về đầu tư của nước này ở châu Phi. Ảnh: ITN

Nhắc tới sáng kiến “Vành đai và Con đường”, ông Vương tiết lộ, có 123 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận tham gia dự án cùng Trung Quốc. Thêm vào đó, Bắc Kinh sẽ tổ chức một hội nghị toàn cầu về “Vành đai và Con đường” trong năm 2019 với sự tham dự của lãnh đạo nhiều quốc gia. 

Về hợp tác với châu Phi, ông Vương đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng Bắc Kinh lợi dụng các nước châu Phi và khẳng định mọi mối quan hệ đều dựa trên “sự tin tưởng sâu sắc giữa hai bên”.

Giới quan sát nhận định, ngoài những đường lối đối ngoại tổng thể được nêu trong Báo cáo công tác chính phủ, thì những trình bày của Ngoại trưởng Trung Quốc tại buổi họp báo lần này chính là những tuyên bố mang tính chính thức của Bắc Kinh về các vấn đề quốc tế nổi bật cũng như quan hệ của Trung Quốc với các nước. 

Cuộc họp lần này càng có ý nghĩa quan trọng và thu hút sự quan tâm của quốc tế khi năm 2019 đánh dấu giai đoạn mới sau 4 thập kỷ Trung Quốc tiến hành chính sách mở cửa và trong bối cảnh Bắc Kinh đang đứng trước những thách thức từ cuộc chiến thương mại với Washington hay việc bị một số nước châu Âu hoài nghi có dính líu tới các hoạt động gián điệp mạng.

Thiện Minh

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 27/10, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc (CIIS) tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề: “Tư tưởng và chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh mới” với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Về phía Việt Nam, dự và phát biểu tại hội thảo có Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung cùng đại diện một số bộ, ban ngành, học giả từ một số viện nghiên cứu của Việt Nam.

Phía Trung Quốc có Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc Từ Bộ cùng đại diện một số bộ, ban, ngành và học giả của một số viện nghiên cứu Trung Quốc.

Đánh giá về tổng thể quan hệ, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho rằng, tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc.

Kể từ sau khi thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008), quan hệ Việt-Trung đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Trong bối cảnh hai nước đều đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, hai nước đều có nhu cầu duy trì môi trường khu vực hòa bình, ổn định để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển xã hội chủ nghĩa mang đặc trưng của mỗi nước.

Trên cơ sở đó, hai bên đều nhấn mạnh việc kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong sự nghiệp đổi mới của Việt Nam và sự nghiệp cải cách, mở cửa của Trung Quốc; cùng học hỏi, tìm kiếm mô hình phát triển tự cường, bền vững, bao trùm, xanh, số hóa phù hợp với mỗi nước.

[Việt Nam-Trung Quốc tọa đàm trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19]

Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba nhấn mạnh, trong cuộc điện đàm mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được nhận thức chung quan trọng về phương hướng tăng cường tin cậy, hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Đại sứ Hùng Ba cho rằng trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi nhanh chóng, việc dự đoán xu thế của thế giới, phân tích chính xác tình hình và cục diện thế giới là những vấn đề cấp bách đặt ra cho nền ngoại giao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung nhấn mạnh Hội thảo là một trong những sự kiện hợp tác kênh 2 quan trọng giữa Đại sứ quán Trung Quốc và Học viện Ngoại giao.

Các cơ chế trao đổi học thuật giữa hai nước là cơ hội quan trọng để chuyên gia, học giả hai bên trao đổi về mọi vấn đề, nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của mỗi nước cũng như tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong tình hình mới.

Đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo lần này, Tiến sỹ Từ Bộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc nhấn mạnh đây là dịp để hai bên tăng cường giao lưu, hiểu biết về tư tưởng ngoại giao của hai Đảng; cho rằng việc trao đổi này có giá trị lý luận và thực tiễn cao, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho hai Đảng, hai nước.

Hội thảo thảo luận quan điểm, đánh giá của hai Đảng về tình hình thế giới, khu vực về các biện pháp tăng cường quan hệ Việt-Trung trong bối cảnh mới.

Các bài tham luận được trình bày tại Hội thảo đều là những nghiên cứu công phu, có chất lượng khoa học và giá trị tham khảo về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam và Trung Quốc cũng như những biện pháp mà hai Đảng, hai nước đã thực hiện trong bối cảnh tình hình mới nhằm thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững và ngày càng đi vào chiều sâu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Video liên quan

Chủ đề