Cách dạy trẻ 6 7 tuổi

Tuổi lỡ cỡ mang tới nhiều thay đổi trong cuộc sống của trẻ. Trong giai đoạn này, trẻ có thể tự mặc đồ, dễ dàng dùng tay bắt bóng, buộc dây giày. Trẻ đã có khả năng tự lập cao hơn trong gia đình. 

Các sự kiện quan trọng như bắt đầu vào tiểu học sẽ giúp trẻ tuổi này thường xuyên kết nối với thế giới rộng lớn hơn.

Tình bạn ngày càng quan trọng với trẻ. Các kỹ năng về thể chất, tinh thần và xã hội phát triển nhanh chóng. Đây cũng là thời điểm quan trọng để trẻ phát triển sự tự tin trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, chẳng hạn kết bạn, học tập tại trường và chơi thể thao.

Dưới đây là một số thông tin về sự phát triển của trẻ trong giai đoạn 6-8 tuổi.

Thay đổi về cảm xúc/giao tiếp xã hội:

Trẻ thuộc độ tuổi này có thể:

- Thể hiện sự độc lập hơn với bố mẹ và gia đình.

- Bắt đầu nghĩ về tương lai.

- Hiểu hơn về vị trí nơi ở của mình trên thế giới.

- Chú ý nhiều hơn tới bạn bè và hoạt động nhóm.

- Mong muốn được bạn bè yêu thích và chấp nhận.

Trẻ 6-8 tuổi có thể giúp bố mẹ làm nhiều việc nhà. Ảnh minh họa: MT.

Suy nghĩ và học tập

Trẻ 6-8 tuổi có thể:

- Thể hiện sự phát triển nhanh chóng các kỹ năng về trí tuệ.

- Học được cách tốt hơn để mô tả những trải nghiệm cũng như cách nói về suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.

- Ít tập trung tới bản thân và quan tâm đến người khác hơn.

Các bí quyết nuôi dạy cho bố mẹ có con ở độ tuổi này:

- Thể hiện tình cảm với con. Công nhận những thành tích trẻ đạt được.

- Giúp trẻ phát triển ý thức trách nhiệm, chẳng hạn yêu cầu bé giúp các việc vặt như dọn bàn, bày đồ ăn...

- Trò chuyện với con về trường lớp, bạn bè và những thứ trẻ mơ ước về tương lai.

- Trò chuyện với con về thái độ tôn trọng người khác. Khuyến khích trẻ giúp đỡ người khác khi họ cần.

- Giúp con thiết lập các mục tiêu có thể đạt được, trẻ sẽ học cách biết tự hào về bản thân và ít phụ thuộc vào những khen chê của người khác.

- Giúp trẻ học tính kiên nhẫn bằng cách nhường người khác được đi/làm trước hoặc yêu cầu trẻ phải hoàn thành một nhiệm vụ nào đó trước khi được đi chơi. Khuyến khích trẻ nghĩ về hậu quả có thể đến trước khi hành động.

- Đề ra các nguyên tắc rõ ràng và thực hiện nghiêm túc, chẳng hạn trẻ được xem TV bao lâu hay khi nào phải lên giường ngủ. Cũng cần cho bé biết rõ ràng những hành vi nào được chấp nhận và hành vi nào không được phép.

- Tạo các hoạt động chung để gia đình có thời gian vui vẻ bên nhau, chẳng hạn chơi trò chơi, đọc sách, tham dự các sự kiện tại cộng đồng mình sống.

- Tham gia các hoạt động ở trường lớp với con. Gặp gỡ giáo viên và nhân viên trường để hiểu về mục tiêu học tập và thể hiện bạn luôn chung tay với nhà trường để giúp con mình tốt nhất.

Tiếp tục đọc sách với con. Khi con đã biết đọc, đổi lượt đọc cho nhau nghe.

- Sử dụng kỷ luật để hướng dẫn và bảo vệ con chứ không phải trừng phạt khiến trẻ cảm thấy tồi tệ về bản thân.

- Khen ngợi khi trẻ có hành vi tốt. Tốt nhất là tập trung khuyến khích nhiều vào những điều trẻ làm (chẳng hạn: con đã rất chăm chỉ hoàn thành bảng số này) thay vì những đặc điểm trẻ không thể thay đổi (chẳng hạn: con thật thông minh).

- Ủng hộ trẻ chấp nhận những thử thách mới. Khuyến khích con tự giải quyết các vấn đề, chẳng hạn mâu thuẫn với trẻ khác.

- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ở trường lớp và các nhóm cộng đồng, chẳng hạn ra nhập đội thể thao hay trở thành tình nguyện viên cho các chương trình thiết thực.

Sự an toàn của trẻ là quan trọng nhất

Khả năng thể chất tốt hơn và độc lập hơn có thể khiến trẻ gặp nguy cơ tổn thương vì ngã hay các tai nạn khác ở độ tuổi này. Tai nạn xe cơ giới là nguyên nhân phổ biến nhất của tử vong do thương tích không chủ ý ở trẻ em 6-8 tuổi. Vì thế, cần:

- Bảo vệ con bạn đúng cách trong xe. 

- Dạy con cẩn thận khi đi đường và cách đảm bảo an toàn khi đi bộ đến trường, đi xe đạp hay chơi ngoài trời.

- Đảm bảo trẻ hiểu về nguyên tắc an toàn khi dưới nước và luôn luôn giám sát khi trẻ bơi hay chơi gần nước.

- Giám sát con khi trẻ tham gia các hoạt động nhiều rủi ro, chẳng hạn leo trèo.

- Hướng dẫn con cách nhờ người khác giúp đỡ khi trẻ cần.

- Để các đồ gia dụng tiềm ẩn nguy cơ gây hại, thiết bị, vũ khí... khỏi tầm với của trẻ.

Giúp con giữ cơ thể khỏe mạnh

- Bố mẹ có thể giúp con có chế độ ăn uống lành mạnh tại trường bằng nhiều cách, chẳng hạn trao đổi với giáo viên, nhân viên trong trường về việc hạn chế lượng muối, đường, các chất béo rắn trong chế độ ăn cho trẻ (nếu có) hoặc mang bữa trưa tới trường.

- Đảm bảo con mỗi ngày có một tiếng trở lên các hoạt động thể chất.

- Giới hạn thời gian con ngồi trước màn hình, không quá 1-2 tiếng mỗi ngày, xem các chương trình chất lượng, kể cả ở nhà hay ở trường.

- Thực hành thói quen ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất từ sớm. Khuyến khích các hoạt động vui chơi tích cực và bố mẹ làm gương cho con bằng cách ăn uống lành mạnh trong các bữa cơm gia đình và có lối sống năng động.

Vương Linh (Theo Cdc.gov)

Mỗi độ tuổi sẽ có sự phát triển tâm lý hoàn toàn khác nhau. So với trẻ 6 tuổi mới bước vào tiểu học thì trẻ 7 tuổi đã có thời gian làm quen với các nguyên tắc. Giai đoạn này, trẻ cũng hình thành ý thức cá nhân và chú ý hơn đến tính kỷ luật. Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu tâm lý trẻ 7 tuổi với Tạp chí Mẹ và Con nhé!

Sau 1 năm làm quen với nếp sinh hoạt kỷ luật, môi trường học đường đã tác động không ít vào tâm lý trẻ 7 tuổi. Cụ thể con thích tự mình lên kế hoạch hoặc lập ra các kỷ luật. Bé có thể đặt ra những dự định mỗi ngày, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt và không muốn bị la mắng.

Tất nhiên, khả năng thất bại hoặc không đạt được theo như những gì đã đề ra là rất cao và dễ khiến bé cảm thấy áp lực, thất vọng về bản thân. Do đó, bố mẹ cần giúp con lập vài thời khóa biểu cơ bản và khuyến khích con thực hiện. Chẳng hạn như đến trường đúng giờ, soạn tập vở, dụng cụ đầy đủ, tổ chức họp gia đình hàng tuần, phân công trách nhiệm công việc cho từng người, lên kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi…

Lên 7 tuổi, con dần phát triển khả năng tự kiểm soát bản thân và có tinh thần ổn định hơn. Con cũng thể hiện cách hành xử lịch sự, yêu mến gia đình và bạn bè. Hơn nữa, bé tỏ ra rất thích thú khi được nghe bố mẹ kể về giai đoạn khi mình mới chào đời, lớn lên và những câu chuyện thuở bố mẹ còn trẻ.

Trong giai đoạn này, trẻ dễ phạm phải những sai lầm do bắt chước người khác khi nói dối, đánh nhau…Do đó, bố mẹ cần quan sát nhiều hơn và tuyệt đối không đánh mắng mà phân tích đúng sai, hậu quả…

Ở tuổi lên 7, trẻ có xu hướng nội tâm và suy nghĩ nhiều hơn về những chuyện xung quanh. Đây là một tiến trình phát triển quan trọng và là bước đệm cho sự cảm nhận của nội tâm khi 8 tuổi. Trẻ dần suy nghĩ nhiều hơn về các kế hoạch và sắp xếp tất cả các kinh nghiệm có được từ mẫu giáo.

Không như hồi nhỏ tranh đồ chơi hay đánh nhau nữa, khả năng ngôn ngữ của trẻ 7 tuổi cũng đã nhiều hơn trước nên bé thường tranh luận với bạn bè nhiều hơn. Tất nhiên, trẻ vẫn rất dễ giận hờn, xảy ra mâu thuẫn với nhau nhưng cũng dễ làm lành, nên người lớn tốt nhất hạn chế can thiệp vào chuyện này. Nếu bé đánh nhau với bạn thì nên tách cả hai ra, cho con thời gian suy nghĩ hoặc “hiến kế” khi con hỏi để làm hòa với bạn.

Trẻ khi ở một mình đều có thể tự chơi bởi vì trong thế giới tưởng tượng của bé có rất nhiều người bạn như búp bê, siêu nhân, gấu bông… Tuy nhiên, khi lên 7 tuổi, thời gian tự chơi của bé cũng ít đi, bé thích được ra ngoài để chơi cùng các bạn khác. Tâm lý trẻ 7 tuổi nằm ở giữa việc thích ở một và thích chơi tập thể. Đây là một giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng để trở nên tự lập hơn cũng như hòa mình vào tập thể dễ hơn.

Bé 7 tuổi thích tự lên kế hoạch nhưng vì “cả thèm chóng chán” nên những dự định đặt ra đều có thể không được thực hiện đúng. Vậy nên, bố mẹ cần quan sát, cổ vũ và đốc thúc con làm theo đúng kế hoạch. Khi thực hiện đủ lâu sẽ biến thành thói quen trong con để nâng cao ý thức tự giác và hiệu quả học tập, làm việc trong cuộc sống.

Ví dụ, bạn có thể thường xuyên nhắc nhở bé về khoảng thời gian hạn định như “con còn 5 phút xem ti vi”, “10 phút nữa con phải ăn cơm xong”…

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần tự lập cho bản thân một thời gian biểu để phù hợp với giờ giấc của bé. Làm như vậy bé sẽ nhìn theo, học tập và cảm thấy dễ dàng hơn khi thực hiện những dự định này.

Nếu được đi chơi nhiều thì từ lúc 5 tuổi trẻ đã bắt đầu thắc mắc về những tấm biển giao thông, những tấm biển cấm đặt ở công viên như “cấm giẫm lên cỏ”, “cấm đổ rác”…Bạn có thể dạy bé về những điều này. Đặc biệt khi 7 tuổi, bố mẹ cũng cần giáo dục bé thêm về những cử chỉ văn minh khác như xếp hàng, chấp hành luật giao thông, không gây ồn nơi công cộng…

Hơn thế nữa, bạn nên đưa bé tham gia các hoạt động tập thể, khu vui chơi để theo dõi phản ứng tùy vào từng tình huống khác nhau. Từ đó sẽ có những hướng dẫn và giải pháp kịp thời để giúp bé kiểm soát cảm xúc cũng như hành xử đúng trong từng bối cảnh.

Nếu 7 tuổi mà bé chưa tự biết đánh răng, thay đồ và tắm rửa thì bố mẹ nên nhanh chóng dạy con nhé! Ngoài ra, tâm lý bé 7 tuổi đã bắt đầu có bước chuyển mình sang hướng thích tự lập, thích tách rời khỏi bố mẹ do đó bé cần được học những kỹ năng tự chăm sóc bản thân.

Chẳng hạn như là tự gấp chăn, dọn dẹp phòng riêng, tự sắp xếp bàn học, tự gấp đồ, tự chọn quần áo… Trước khi bé có thể tự mình hoàn thành tốt những việc này thì bố mẹ vẫn phải kiên nhẫn “đi sau dọn hậu quả” nhưng đừng vì thế cáu gắt hoặc dành làm của con. Thực sự bình tĩnh rồi con sẽ tự tốt lên thôi.

Học cách chờ đợi là bước khởi đầu để bé rèn luyện tính nhẫn nại và lòng kiên nhẫn. Tốt nhất bạn nên giao ước với bé trước về một số việc như ăn tối xong mới được xem phim, ăn cơm xong chơi bao nhiêu phút rồi đi học bài… Nếu con chưa biết về khái niệm thời gian hoặc có “ác cảm” với chiếc đồng hồ, bạn có thể sử dụng ngôn từ tương đương để miêu tả. Chẳng hạn như mẹ sẽ cho con đi chơi khi mặt trời mọc trở lại ba lần nữa…

Sự phát triển ngôn ngữ ở độ tuổi này diễn ra rất nhanh. Hầu hết khi lên 7 tuổi trẻ có thể đọc trôi chảy và có thể thảo luận sâu về một chủ đề nào đó. Trẻ cũng có thể kể chuyện, diễn đạt khá trôi chảy và bố cục mạch lạc. Bạn nên khuyến khích con đọc nhiều sách hơn, sau đó cùng nói về chủ đề các nhân vật, cốt truyện và các khía cạnh khác của cuốn sách.

Ngoài ra, mặc dù lúc này bé đã có thể hoàn toàn tự đọc sách nhưng vẫn muốn bố mẹ đọc cho mình. Đây cũng là dịp để bạn thuận lợi trò chuyện và kích thích tính ham học hỏi cho bé bằng cách đặt ra những câu hỏi và bài học sau mỗi lần đọc sách. Làm như vậy bé sẽ có kỹ năng đọc sách cũng như suy nghĩ về vấn đề được đặt ra.

Các kỹ năng phối hợp và thăng bằng của trẻ 7 tuổi cũng dần hoàn thiện nên nếu được tham gia nhiều hoạt động thể thao thì các kỹ năng của trẻ cũng càng phát triển. Bố mẹ nên cùng bé tham gia những hoạt động vui chơi này để rèn luyện sức khỏe, thể chất, lối sống năng động và chủ động cho con. Đó có thể là những môn thể thao tập thể như bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ… môn thể thao trí tuệ như cờ vui, cờ tỷ phú…hoặc chỉ đơn giản là đi xe 2 bánh, nhảy dây, chạy lên xuống cầu thang…

Trẻ 7 tuổi cũng đã có sự biến đổi trong tâm lý khác so với trẻ 6 tuổi song vẫn chưa thực sự tách rời hẳn khỏi bố mẹ. Chính vì thế, các bậc phụ huynh bên cạnh việc cho trẻ không gian riêng để phát triển thì cũng cần ở bên con để “uốn nắn”, quan sát, giáo dục và tâm sự mỗi lúc con cần nhé! Hy vọng những chia sẻ từ Tạp chí Mẹ và Con giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn về tâm lý trẻ 7 tuổi để có những biện pháp nuôi dạy con cái phù hợp.

Video liên quan

Chủ đề