Câu chuyện về các bộ phận trên cơ thể

Skip to content

Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng là câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục chúng ta khi sống trong một tập thể phải biết đoàn kết, hợp tác và không nên đố kị với nhau.

1. Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng từ xưa vẫn sống với nhau rất thân thiết. Bỗng một hôm, cô Mắt đến than thở với cậu Chân, cậu Tay rằng:

– Bác Tai, hai anh và tôi làm việc mệt nhọc quanh năm, còn lão Miệng chẳng làm gì cả, chỉ ngồi ăn không. Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được hay không?

Cậu Chân, cậu Tay cũng nói:

– Phải đấy, chúng ta phải đi nói cho lão Miệng biết để lão tự lo lấy. Chúng ta vất vả nhiều rồi. Nay đã đến lúc lão phải tự mình tìm lấy thức ăn, xem lão có làm nổi không.

Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay cùng kéo nhau đến lão Miệng. Đi qua nhà bác Tai, họ thấy bác ta đang ngồi im lặng như nghe ngóng điều gì. Cả ba cùng chạy vào cùng nói:

– Bác tai ơi, bác có đi với chúng cháu đến nhà lão Miệng không? Chúng cháu đến nói cho lão biết từ nay chúng cháu không làm cho lão ăn nữa. Chúng cháu cũng như bác, lâu nay vất vả nhiều rồi, nay phải nghỉ ngơi mới được.

Câu chuyện về các bộ phận trên cơ thể
Truyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Bác Tai gật đầu lia lịa:

– Phải, phải… Bác sẽ đi với các cháu!

Bốn người hăm hở đến nhà lão Miệng. Ðến nơi, họ không chào hỏi gì cả. Cậu Chân, cậu Tay nói thẳng luôn với lão:

– Chúng tôi hôm nay đến không phải để thăm hỏi, trò chuyện gì với ông, mà để nói cho ông biết: từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa. Lâu nay, chúng tôi đã cực khổ, vất vả vì ông nhiều rồi.

Lão Miệng nghe nói, rất lấy làm ngạc nhiên. Lão nói:

– Có chuyện gì muốn bàn với nhau thì hãy vào nhà đã. Làm gì mà nóng nảy thế?

Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay đều lắc đầu mà rằng:

– Không, không phải bàn bạc gì nữa. Từ nay trở đi, ông phải lo lấy mà sống. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ không làm gì cả. Xưa nay, chúng tôi có biết cái gì ngọt bùi ngon lành mà làm cho cực!

Nói rồi cả bọn kéo nhau về.

2. Từ hôm đó, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay không làm gì nữa. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày, cả bọn thấy mệt mỏi, rã rời. Cậu Chân, cậu Tay không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy vui đùa như trước nữa; cô Mắt thì ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ, thấy hai mi nặng trĩu như buồn ngủ mà ngủ không được. Bác Tai trước kia hay đi nghe hò nghe hát, nghe tiếng gì cũng rõ, nay bỗng thấy lúc nào cũng ù như xay lúa ở trong. Cả bọn lừ đừ mệt mỏi như thế, cho đến ngày thứ bảy thì không chịu được nữa, đành họp nhau lại để bàn.

Câu chuyện về các bộ phận trên cơ thể
Truyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

3. Bác Tai nói với cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay:

– Chúng ta lầm rồi các cháu ạ. Chúng ta nếu không làm cho lão Miệng có cái ăn thì chúng ta sẽ bị tê liệt tất cả. Lão Miệng không đi làm, nhưng lão có công việc là nhai. Như vậy cũng là làm việc chứ không phải ăn không ngồi rồi. Trước kia sống với nhau thân thiết như thế, nay tự dưng chúng ta gây nên chuyện. Lão Miệng có ăn thì chúng ta mới khỏe khoắn được. Chúng ta nên đến nói lại với lão, các cháu có đi không?

Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay cố gượng dậy đi theo bác Tai đến nhà lão Miệng. Ðến nơi, họ thấy lão Miệng cũng nhợt nhạt cả hai môi, hàm răng thì khô như rang, không buồn nhếch mép. Bác Tai, cô Mắt vực lão Miệng dậy. Còn cậu Chân, cậu Tay thì đi tìm thức ăn. Lão Miệng ăn xong dần dần tỉnh lại. Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay tự nhiên thấy đỡ mệt nhọc, rồi thấy trong mình khoan khoái như trước. Từ đó lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay lại thân mật sống với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai cả.

Câu chuyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng – Truyện ngụ ngôn cho bé
Nguồn: Văn học lớp 6, tập 2, trang 28 – NXB Giáo dục 2001
|- TruyenDanGian.Cim –

Những câu chuyện ngụ ngôn ý nghĩa cho bé

Truyện ngụ ngôn là loại truyện dân gian mượn chuyện sự vật để ngụ ý nói về loài người, thường nêu lên một nhận xét về thực tế xã hội hay đề ra một quan niệm về cuộc đời.

Ngoài câu chuyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng kể trên, TruyenDanGian.Com đã sưu tầm và chọn lọc ra những câu chuyện ngụ ngôn hay nhất, mang tính giáo dục sâu sắc không chỉ dành riêng cho các bạn nhỏ, mà còn là những bài học vô cùng ý nghĩa đối với tất cả chúng ta.

Cách soạn bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

1. Nội dung và ý nghĩa

Truyện mượn các bộ phận của cơ thể người để nói chuyện con người: cậu Chân, cậu Tay, cô Mắt, bác Tai họp bàn nhau cùng “đình công” chống lại lão Miệng chỉ biết “ngồi ăn không”, nhưng sau đó họ đã nhận ra sai lầm, lại thân mật với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai cả.

Từ đó, truyện nêu lên bài học nhân sinh sâu sắc: trong một tập thể, mỗi thành viên không thể sống tách biệt, mà phải nương tựa vào nhau, gắn bó với nhau để cùng tồn tại; do đó, phải biết hợp tác với nhau và tôn trọng công sức của nhau.

2. Bố cục trong truyện

Bố cục truyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng được chia làm 3 phần:

  • Phần 1. Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai bàn nhau đình công, chống lại lão Miệng.
  • Phần 2: Hậu quả của quyết định chống lại lão Miệng.
  • Phần 3: Các sửa chữa hậu quả.

3. Đặc sắc nghệ thuật

Tác giả dân gian đã sáng tạo ra một tình huống truyện đặc sắc, có ý nghĩa với kích tính phát triển ngày càng cao và giải quyết một cách hợp lí, tự nhiên để bài học bộc lộ một cách sâu sắc. Biết quan sát và miêu tả đúng đặc điểm của các bộ phận của cơ thể người khiến câu chuyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng càng thêm sinh động, thú vị.

Câu chuyện về các bộ phận trên cơ thể
Câu chuyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Những bài thơ về Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

1. Bài thơ Đôi mắt đau

Tôi là đôi mắt tinh nhanh, Tôi yêu trăng sáng, yêu bình minh tươi. Tôi yêu chim hót, hoa cười,

Tôi yêu sách vở, yêu người bạn xinh.

Anh Ba không chút thương tình, Nỡ đem tay bẩn xoa vành mi tôi. Từ sau giờ ấy, ôi thôi, Lòng tôi đỏ rực, môi tôi lèm nhèm. Sách hay, cảnh đẹp khó nhìn, Mình tôi nhức nhối như nghìn kim châm. Anh ba hối hận ăn năn,

Rằng anh trót dại một lần này thôi.

Nguồn: Tập đọc lớp hai, tập 1, trang 30, NXB Giáo dục – 1958

2. Bài thơ Chân, Tay và Mồm

Chân, Tay ghen với anh Mồm Chúng mình vất vả cho Mồm nó nhai. Đình công nó cậy nhờ ai Bàn xong liền mới nghỉ ngơi mấy ngày. Ngờ đâu mẹo ấy không hay Mồm không ăn uống, Chân, Tay rụng rời. Cho hay những việc trên đời

Có người làm lụng, có người lo toan.

Tác giả: Hoa Đình
Nguồn: Em tập đọc lớp 1, trang 70, NXB Nam Sơn – 1971

3. Mồm và Chân, Tay

Tay, Chân làm vất vả, Mồm vui hưởng một mình. Chúng nghĩ: Ta dại quá,

Tội chi nuôi thằng ranh!

Nó ăn rồi nói dóc, Ta khổ, ai thấu tình? Nghĩ rồi, mọi việc đình:

Mồm đói, đành ngồi khóc.

Nhưng được vài ba hôm, Tay, Chân đều mệt lử. Lại phải làm nuôi Mồm,

Mới hồi sức như cũ.

Tác giả: Chiêu Đăng
Nguồn: Tập dọc lớp 3, trang 46, Trung tâm học liệu xuất bản – 1966

4. Bài thơ Óc và Chân, Tay

Óc ngồi điều khiển trên cao, Chân, Tay làm việc xiết bao nhọc nhằn! Một hôm Tay bàn với Chân: Chúng ta cực khổ, phải cần đấu tranh, Tội chi để Óc sai mình, Cần chi đến Óc, việc mình mình lo! Thế là hai chú “tự do” Chân đi bừa bãi, Tay quờ lung tung. Chân vấp, trẹo, tay đụng, sưng,

Lại gây đổ vỡ tứ tung trong nhà.

Tác giả: Chiêu Đăng
Nguồn: Tập dọc lớp 3, trang 40, Trung tâm học liệu xuất bản – 1966

5. Mắt và Mũi

Mắt cận thị cần đeo nhãn kính, Nhờ Mũi cho để kính trên lưng. Một hôm Mũi bỗng bị sưng,

Tưởng là tại kính, bừng bừng nổi sung:

Này anh Mắt, khỏi dùng kính nữa, Hãy nghe tôi, đập vỡ cho rồi! Nói xong, quăng kính một nơi.

Mắt không đeo kính, tường vôi đâm sầm.

Mũi ta bị giập tím bầm:
Mới hay mọi việc phải cần lẫn nhau.

Tác giả: Chiêu Đăng
Nguồn: Tập dọc lớp 3, trang 52, Trung tâm học liệu xuất bản – 1966